Tôi tin rằng người ta định nghĩa bản thân bằng cách tự tái tạo chính mình. Để không giống như cha mẹ của họ. Để không giống như bạn bè của họ. Để là chính mình, để tách rời bản thân khỏi đất đá
- Henry Rollins -
Cho đến thời điểm này, bạn đã học được rất nhiều điều về bản thân. Chúng ta đã đề cập những trở ngại và rào cản mà chúng ta phải đối mặt khi giải quyết tư duy tự hủy hoại bản thân. Chúng ta đã điểm qua bốn tư duy tiêu cực khiến chúng ta không đạt được tiềm năng thực sự của mình. Tôi đã cung cấp cho bạn các chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện những thay đổi thực sự. Thay đổi là lời nói của hành động. Bạn phải kiên trì những lúc khó khăn và khi bạn cảm thấy muốn quay trở lại nơi bạn đã xuất phát.
Tự thương hại, nghi ngờ, sợ hãi và từ chối là những người bạn đồng hành thoải mái và thân thiết của chúng ta. Chúng không bao giờ rời xa, cho dù chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu công sức để làm điều đó. Nếu không tiếp tục tiến về phía trước và nghĩ rằng chúng ta đã đi đủ xa, chúng ta có nguy cơ trượt trở lại những mô hình tiêu cực mà chúng ta đã mất rất nhiều công sức để thoát khỏi.
Bạn đã sống dưới sức mạnh thống trị của những cảm xúc tiêu cực trong nhiều năm, và khi tách khỏi chúng có thể khiến bạn cảm thấy kì lạ. Bạn có thể bắt đầu nghĩ rằng cảm giác tốt đẹp này không có thật, bạn cho rằng tự yêu bản thân và tự tin vào bản thân chỉ là ảo tưởng. Ồ, không. Suy nghĩ sai lầm này sẽ dẫn bạn quay lại vị trí cũ của mình, tiếp tục những hành vi tiêu cực mà bạn đang cố gắng xóa bỏ.
Quá trình trưởng thành không bao giờ là một đường thẳng dẫn đến thành công. Không có bất kì công thức màu nhiệm nào cho nó. Thay đổi là điều xảy ra khi bạn thực hiện hành động thiết thực để xử lí những điều không hiệu quả trong cuộc sống của bạn. Bằng cách cắt bỏ và tách biệt khỏi những gì đang làm hại chúng ta (sự oán giận, nỗi sợ hãi giả tưởng, sự thiếu tự tin) và thay thế những điều này bằng những hành động tích cực và phát triển nhận thức chân thật hơn về con người mình, bạn sẽ cảm thấy bản thân được khẳng định hơn. Đây là sự thức tỉnh phần sự sống đã ngủ quên trong bạn. Hãy cho mình cơ hội lớn mạnh và phát triển thành những gì bạn muốn.
Tôi đã thực hiện nhiều thay đổi trong cuộc sống và chống lại những hành vi phá hoại đe dọa lấy đi mọi thứ. Nhưng trong cuộc đấu tranh này, tôi đã học được những yếu tố cần thiết để chiến thắng. Tôi sẽ giới thiệu phần tinh yếu của những bước đi xây lại cuộc đời trong chương này.
9 CHIẾN LƯỢC ĐỂ LIÊN TỤC ĐỔI THAY
Chiến lược 1: Luôn cố gắng thay đổi
Điều này đòi hỏi sự kiên trì hằng ngày, nhưng bạn có thể làm được bằng cách luôn hướng về việc tiến lên phía trước và thực hiện các việc nhỏ một cách đều đặn. Có những cuốn sách chúng ta có thể đọc, các khóa học chúng ta có thể tham gia và rất nhiều tài nguyên sẵn có khác trong tầm tay để bồi dưỡng và phát triển các kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc,...
Hãy rõ ràng về mục tiêu của bạn và những thói quen bạn muốn phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt để tập trung vào những thói quen và hành vi đang kìm hãm bạn.
Chiến lược 2: Có trách nhiệm với bản thân
Trở ngại và lỗi lầm lớn nhất mà tôi gặp đi gặp lại ở những người không thể thay đổi là không có khả năng tự nhận trách nhiệm. Chúng ta đã nói về vấn đề này rồi, nhưng tôi sẽ đề cập lại vì tầm quan trọng của nó.
Nếu không thừa nhận vai trò của chính mình trong cuộc sống này, chúng ta sẽ khó cảm thấy có trách nhiệm phải làm bất cứ điều gì với nó. Việc quay lại với những hành vi mặc định sẽ khiến bạn muốn quay về những cảm xúc hủy hoại, tiêu cực như tự ti, xấu hổ, đổ lỗi và bị từ chối. Khi điều này chống lại bạn, tâm lí nạn nhân quay trở lại và bạn lại bị bế tắc.
Vòng quay tiêu cực này sẽ tích lũy sự bực bội trong chúng ta. Nhiều người bỏ cuộc vì họ cảm thấy mệt mỏi với cuộc đấu tranh. Mặc dù chúng ta không thể tránh được trắc trở, nhưng chúng ta có thể biến mỗi hành trình trở thành một cuộc chiến ít gian nan hơn bằng cách làm chủ những gì chúng ta làm.
Tony Robbins từng nói trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, Awaken the Giant Within (Đánh thức con người phi thường trong bạn), rằng: “Niềm tin mà bạn và tôi phải có nếu chúng ta muốn tạo ra sự thay đổi lâu dài là chúng ta có thể chịu trách nhiệm về sự thay đổi của chính mình, chứ không phải ai khác.”
Thế giới sẽ không thay đổi thay cho bạn. Chỉ có bạn mới có thể thay đổi cho chính mình. Bằng cách chịu trách nhiệm và thực sự làm chủ nó, bạn có thể đẩy nhanh quá trình thay đổi, từ hàng năm thành hàng ngày rồi đến hàng giờ. Thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng như ý bạn muốn, nhưng bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu lại.
Chiến lược 3: Luôn chịu trách nhiệm với những việc mình làm
Đừng buông lỏng bản thân với việc gian lận, nói dối hoặc trốn tránh các vấn đề cần được giải quyết. Ngay khi chúng ta bắt đầu đi trên con đường này, chúng ta sẽ quay trở lại đúng nơi mà chúng ta vừa cố thoát ra.
Tôi khuyên bạn nên kiểm tra hàng tuần về những trách nhiệm mình có. Bạn đã đối mặt với những vấn đề cuộc sống nào trong tuần này? Khi nào bạn đạt được kết quả tốt hơn bằng cách nhận trách nhiệm?
Chiến lược 4: Sẵn sàng thất bại
Chúng ta không dám cho mình cơ hội vì chúng ta sợ thất bại. Nhưng nếu không thất bại trong những việc mình làm, chúng ta có thể mất đi nhiều cơ hội để học hỏi, để tiến bộ, để thay đổi. Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ vẫn bị mắc kẹt.
Chúng ta đã đề cập đến tư duy thất bại trong Chương 7, nhưng xin được nhấn mạnh nó ở đây, sẵn sàng phạm lỗi là điều lành mạnh. Trong nhiều năm, chúng ta đã phát triển một thái độ nổi loạn đối với những người chỉ trích chúng ta khi chúng ta thất bại. Họ cho chúng ta biết rằng chỉ ở mức trung bình là chưa đủ. Họ nhắc nhở chúng ta rằng thất bại có nghĩa là chúng ta đang trở nên “vô dụng”.
Hành trình đi đến thành công không phải là một con đường bằng phẳng. Có những ổ voi, ổ gà trên đường và ai cũng rơi vào những cái ổ này cả. Bạn có thể tiếp tục nằm đó hoặc bạn sẽ đứng dậy. Thất bại không là gì hơn ngoài một bài học trong cuộc sống. Đấy là một bài học dạy cho bạn sự kiên cường.
Những người chấp nhận sai lầm của mình, nhận ra rằng đôi khi lùi bước do thất bại, sẽ mạnh mẽ hơn những người lùi bước trước thử thách. Mấu chốt không chỉ là liên tục tiến về phía trước mà còn là quyết tâm vững chắc rằng mình không bao giờ bỏ cuộc.
Chiến lược 5: Luyện tập bao dung với bản thân
Chúng ta nên tử tế với chính mình hơn tất thảy. Hãy hiểu rằng bây giờ bạn đang làm tất cả những gì có thể để biến mình thành một người tốt hơn, một người bao dung hơn và có khả năng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Đối xử tốt với bản thân bằng cách thực hiện các hoạt động ý nghĩa giúp tăng thêm sự tự tin, lòng tự trọng và tình yêu bản thân.
Dưới đây là một số ví dụ:
• Nghỉ ngơi nhiều hơn;
• Trò chuyện cùng ai đó về hành trình mà cả hai đang thực hiện;
• Nghĩ về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống;
• Ngừng cố gắng làm quá mức. Tập trung vào phát triển bản thân là mục tiêu chính của bạn.
Ngoài những gợi ý trên, tôi khuyên bạn nên thường xuyên có những buổi tự kiểm điểm bản thân. Hãy xem xét những lĩnh vực cuộc sống mà bạn cần phải dành nhiều công sức nhất. Đó có phải các mối quan hệ của bạn với mọi người? Hình thể của bạn trông có bị mất phong độ không? Bạn có bị những điều tiêu cực không ngừng xâm chiếm suy nghĩ của bạn không?
Dù đó là gì, hãy đưa ra một số bước hành động mà bạn có thể thực hiện để vượt qua trở ngại này. Ví dụ: có thể bạn đã tàn hại cơ thể mình trong nhiều năm bằng cách hút thuốc, ăn đồ ăn vặt hoặc uống quá nhiều rượu.
Để đạt được mức độ thỏa mãn mà trong đó bạn hài lòng với hình thể của mình, bạn có thể nhờ giúp đỡ để chấm dứt bất kì hành vi gây nghiện nào mà bạn có. Nếu bạn thừa cân, bạn có thể bắt đầu bằng cách ăn uống lành mạnh hơn hoặc tham gia một chương trình giảm cân.
Đây là những hành động tích cực hướng tới sự tự bao dung: Đọc cuốn sách này là một cách bạn đang đóng góp vào lối sống lành mạnh mới của mình. Nhưng đọc một cuốn sách sẽ chẳng có nghĩa lí gì nếu bạn không thể áp dụng những gì bạn đọc-học vào thực tế. Để làm được điều này, bạn cần có những “buổi tự kiểm điểm” thường xuyên mà trong đó bạn đối mặt với thực tế bạn đang ở đâu, bạn là ai và bạn cần tập trung vào điều gì để đến được nơi bạn muốn.
Tự bao dung bao gồm đến sự nghiêm khắc. Bạn phải xem mình muốn trở thành ai, hiện tại là ai và xác định những điều bạn không thích ở bản thân. Chúng ta chỉ có thể trở thành người mà chúng ta thực sự muốn trở thành bằng cách nhận ra con người mình và những đặc điểm hoặc thói quen gây hại cho bản thân.
• Điều này đòi hỏi một quá trình kỉ luật;
• Sắp xếp các buổi kiểm điểm hàng tuần để xem xét lại vị trí của bạn;
• Xác định những người bạn có thể xin giúp đỡ;
• Thực hiện ít nhất mỗi tuần một hoạt động mà bạn yêu thích, mang lại cho bạn sự thỏa mãn;
• Luôn kiên cường trên con đường phát triển không ngừng của bạn.
Chiến lược 6: Tham gia vào các mối quan hệ có ý nghĩa
Các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi mà bạn đã thực hiện thành công. Một người sống trong một mối quan hệ không lành mạnh thường ít có khả năng thay đổi hơn. Nếu sếp, đồng nghiệp hoặc đối tác của bạn có thái độ tiêu cực và kìm hãm bạn, bạn có thể cân nhắc đến một lựa chọn rời bỏ công việc đó và tìm kiếm một cơ hội khác tốt hơn.
Chúng ta cần quyết định rõ ràng các loại mối quan hệ mà chúng ta muốn có, rồi mới đầu tư thời gian và công sức vào. Nếu chúng ta không đặt cho mình một ranh giới rõ ràng cho các mối quan hệ của mình, thì chúng ta có nguy cơ rơi vào những mối quan hệ gây tổn hại, tổn thương và hủy hoại lòng tự trọng của ta.
Xây dựng mối quan hệ thân thiết với những người thúc đẩy sự phát triển của chúng ta, tạo thành một mối quan hệ tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Tôi đã thấy sự trưởng thành lớn ở nhiều người sau khi họ chia tay và chấm dứt các mối quan hệ đã gây tổn hại đến cuộc sống của họ.
Bạn có đang ở trong tình huống mà ai đó chỉ trích bạn thậm tệ không? Họ có ngăn cản bạn tiến lên vì họ sợ bạn có thể thay đổi và bỏ họ lại phía sau không? Bạn có gặp khó khăn khi giao tiếp với những người này vì họ từ chối lắng nghe ý kiến của bạn về việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn không?
Chúng ta cần đào sâu và phân tích các mối quan hệ hiện tại cũng như các mối quan hệ mà chúng ta quen thiết lập.
Christine đã chia sẻ câu chuyện này:
Khi tôi đã quyết tâm phục hồi, tôi phải xem xét những người mà tôi đang chơi cùng. Hầu hết họ đều có những đặc điểm tương tự như lạm dụng chất kích thích và lạm dụng người khác, bởi vì tôi đi chơi với họ và có ràng buộc về tình cảm, hành vi đó có vẻ bình thường đối với tôi. Nhưng rồi khi điều đó trông không còn bình thường nữa, tôi biết mình phải trốn thoát và học cách hình thành các mối quan hệ lành mạnh hơn nếu muốn sống sót.
Chiến lược 7: Xây dựng lòng tự trọng
Lòng tự trọng giống như một làn sóng. Có những ngày, nó sẽ lên cao, nhưng vào những ngày mà mọi thứ không suôn sẻ, nó có thể hạ xuống, kéo theo cả sự tự tin và suy nghĩ tích cực của bạn. Nhưng nếu bạn có sẵn các chiến lược để khắc chế điều này, thì bạn sẽ có một vị thế tốt hơn để nâng cao năng lượng của mình bất cứ lúc nào bạn muốn. Sau đó, thay vì dựa vào cảm tính để kiểm soát cách bạn xử lí mọi việc, bạn có thể áp dụng những chiến lược này bất cứ khi nào bạn muốn.
Chiến lược tự trọng #1: Tập trung vào những nhiệm vụ nhỏ, có thể làm được. Bạn có thể xây dựng lòng tự trọng của mình bằng cách hoàn thành các dự án nhỏ thay vì cố gắng gánh vác quá nhiều. Tập trung vào những gì thực tế và làm từng bước một. Như thế, sẽ dễ dàng hơn.
Chiến lược tự trọng #2: Học một kĩ năng mới. Có điều gì đó bạn luôn muốn học nhưng bạn thiếu quyết tâm hoặc sự tự tin để theo đuổi nó không? Xây dựng kĩ năng là một cách hiệu quả để nâng cao lòng tự trọng. Nó cũng hỗ trợ sự thay đổi và là một hoạt động xây dựng sự tích cực.
Chiến lược tự trọng #3: Hãy ý thức về cách bạn nói với chính mình. Tâm trí của chúng ta luôn có cách quay trở lại trạng thái tiêu cực mà nó đã quen thuộc. Khi bạn bắt đầu dằn vặt bản thân, hãy lật ngược nó lại và sử dụng những lời khẳng định tích cực và những suy nghĩ tự khẳng định bản thân. Đừng cho phép bản thân phá bỏ tất cả công sức bạn đã bỏ ra để thay đổi. Bạn cần công nhận mình trước khi ai đó công nhận bạn.
Chiến lược 8: Thuê một huấn luyện viên cuộc sống
Tôi thực sự khuyến khích bạn thuê một huấn luyện viên cuộc sống hoặc tìm một người cố vấn cho cuộc hành trình của bạn. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong việc phục hồi từ trạng thái tiêu cực. Có thể kết nối và nói chuyện với người mà bạn tin tưởng là giải pháp tốt nhất. Nhưng làm thế nào để bạn tìm thấy một người cố vấn? Họ đang ở đâu?
Xác định những phẩm chất bạn đang tìm kiếm ở một huấn luyện viên cuộc sống hoặc một người cố vấn. Ai có khả năng giúp bạn tốt nhất? Có ai đó mà bạn thân thuộc có thể cố vấn cho bạn không? Nếu không, bạn có thể tham gia nhóm trợ giúp hoặc kết nối với ai đó đang trải qua trải nghiệm tương tự không?
Lập danh sách những đặc điểm mà người cố vấn lí tưởng của bạn nên có. Tại sao những đặc điểm này lại quan trọng đối với bạn?
Ví dụ: người cố vấn của bạn là người…
• Lắng nghe một cách cẩn thận với sự nhiệt thành và quan tâm, đưa ra các gợi ý khi cần thiết;
• Có thể hiểu thế giới của đối phương thông qua những trải nghiệm tương tự;
• Nói được làm được, sẵn sàng hành động cùng bạn;
• Thôi thúc người kia tìm cách giải quyết vấn đề và giúp đỡ chính mình;
• Giúp đối phương tìm ra các giải pháp của riêng họ cho các vấn đề thực tế trong cuộc sống;
• Đồng hành cùng bạn trong cuộc sống, sóng vai nhau, bạn sẽ đỡ nếu người kia ngã;
• Dạy bằng sự kiên trì và nhẫn nại;
• Hỗ trợ mọi người thành công, vun dưỡng họ trên đường đi và cho họ không gian để phát triển, nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng khi nó trở nên quá nặng nề;
• Tâm huyết với sự trưởng thành, mở rộng, phát triển và sự lành mạnh tinh thần của những người mà họ cố vấn;
• Chia sẻ tầm nhìn, ước mơ và mong muốn của họ với những người họ cố vấn, đồng thời giúp họ đạt được ước mơ của chính mình thông qua việc theo đuổi sự xuất sắc.
Chiến lược 9: Tránh xa những người có ảnh hưởng tiêu cực tới bạn
Một phần của bài toán xây lại cuộc đời là xác định những người tiêu cực trong cuộc sống của bạn, những người đang kìm hãm bạn. Bạn có đang ở trong một mối quan hệ đang làm tổn hại đến lòng tự trọng của bạn không? Có ai đó tại nơi làm việc bắt nạt hoặc chỉ trích bạn không? Nếu vậy, hãy cố gắng tạo khoảng cách giữa bạn và người ấy.
Với gia đình hiện tại của bạn, chuyện có thể khó khăn hơn nhưng xác định đó là ai và họ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn là một bước quan trọng. Chịu đựng mớ hỗn độn của họ chắc chắn không phải là phương cách tốt giúp bạn thay đổi. Những người tiêu cực có ảnh hưởng mạnh mẽ và có thể tác động đến những người xung quanh họ. Tôi từng chứng kiến một mầm mống xấu có thể gần như đã phá hủy hoàn toàn một công ty đang khá thành công. Hãy tìm ra những kẻ phá hoại như thế và tránh xa họ ra nhé, chỉ cần quan sát kĩ chút thôi, bạn sẽ thấy.
Một người bạn của tôi tên là Mary nói:
Trong văn phòng tôi có kẻ bắt nạt. Cô ấy là kiểu người thầm lặng và cô ta công kích tôi mà tôi không biết vì lí do gì. Trong khi cô ấy đối xử tốt với mọi người, thì khi ở một mình, tôi phải chịu đựng những lời chỉ trích gay gắt và miệng lưỡi chát chúa của cô ấy. Tôi đã chán nản và gần như muốn bỏ việc. Nó thật khó để chứng minh, và những người khác nghĩ rằng tôi bịa ra vì cô ấy quá tốt. Nhưng cuối cùng, cô ấy đã đi quá xa và bị bắt gặp bắt nạt một nhân viên khác. Hiển nhiên là, những người có ảnh hưởng tiêu cực sẽ tự hủy hoại bản thân.
Mary có lí. Nhưng chúng ta không thể chỉ đợi họ làm hỏng việc. Hãy hành động và tạo khoảng cách với những kẻ đang cố tình hủy hoại mình. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc hoàn toàn, thì đừng để một điều gì trong cuộc sống của chúng ta bị tiêm nhiễm những thứ tiêu cực. Cuộc sống quá ngắn để dành sống trong nỗi sợ hãi, dù chỉ là một ngày.
Bây giờ chúng ta có chín chiến lược vững chắc bổ sung vào kế hoạch tổng thể của bạn để xây lại cuộc sống của bạn, đã đến lúc chương cuối cùng: Xây dựng tầm nhìn tổng thể cho cuộc đời bạn.