“Tôi sẽ không chần chừ một khi tôi đã tránh được nó.”
- Khuyết danh
Tại sao lại bỏ cuộc?
“Bỏ cuộc = Hành động từ bỏ hoặc đánh mất ý chí khi thực hiện một công việc nào đó.”
Bỏ cuộc – Thiếu sức mạnh ý chí
Đã bao giờ bạn cảm thấy muốn từ bỏ hoặc tạm dừng công việc mà bạn đang thực hiện chưa?
Bạn biết không, chẳng phải chỉ mình bạn cảm thấy thế đâu. Rất nhiều người, bao gồm cả bản thân tôi, đã từng trải qua cảm giác này. Nguyên nhân dẫn đến sự chần chừ là do ý chí của ta không đủ mạnh để thúc đẩy ta tiến về phía trước. Cảm giác muốn bỏ cuộc có thể bắt nguồn từ:
1) Thất bại triền miên.
2) Thiếu khao khát và động lực.
3) Bị người khác đánh giá thấp.
4) Nhiều trở ngại bao vây.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác khiến chúng ta nảy sinh ý định bỏ cuộc nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ta đã nếm trải quá nhiều thất bại.
Nhưng tôi đã thất bại nhiều lần quá rồi
Trong đời mình, mỗi chúng ta đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thất bại. Điều đó khiến ta cảm thấy hoài nghi tự hỏi liệu mình có nên tiếp tục làm công việc được giao hay không. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên thôi. Thử tưởng tượng bạn thi trượt hết lần này đến lần khác xem, chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy thất vọng và không muốn thi thêm lần nào nữa. Một người bạn của tôi đã thi trượt kỳ thi lấy bằng lái xe nhiều lần đến mức anh cảm thấy chán nản cực độ và không còn muốn thi nữa. Và sự thực là lần cuối cùng gặp anh, tôi biết anh vẫn chưa có bằng lái.
Tôi cũng đã từng gặp nhiều thất bại, từ việc bị điểm kém trong các bài kiểm tra cho đến việc bị các nhà xuất bản từ chối in sách. Thực tế là cuốn sách bạn đang cầm trên tay đã được viết đi viết lại rất nhiều lần trước khi được phép xuất bản. Hẳn bạn cũng hình dung được cảm giác thất vọng của tôi như thế nào. Tuy nhiên, tôi đã không ngừng cố gắng để hoàn tất cuốn sách này và cuối cùng đã xuất bản được nó!
Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống. Có thể ở trường, bạn thi trượt hoặc bị người mình thích từ chối một cách thẳng thừng. Hay khi ở nhà, bạn không được thông minh như các anh chị mình. Một số thất bại lại mang ý nghĩa tích cực vì nó giúp ta nhận thức được sai lầm của mình và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhưng việc thất bại quá nhiều lần cũng có thể khiến trái tim rắn rỏi nhất tan vỡ.
Nếu bạn thất bại quá nhiều lần, mọi người sẽ bắt đầu đánh giá bạn và có thể sẽ gán cho bạn một cái mác chẳng lấy gì làm hay ho.
Bị gán mác
Nhà xã hội học Howard Becker là người đầu tiên sử dụng cụm từ “gán mác”. Việc bị gán mác có thể khiến một người bị gắn chặt với một đặc tính tiêu cực nào đó. Chẳng hạn, nếu Tom bị gán mác là một kẻ nói dối - cũng giống cậu bé chăn cừu trong truyện ngụ ngôn “Chú bé chăn cừu” - thì sẽ có rất ít người tin là Tom nói thật.
Một người bạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện về Robert - một học sinh có học lực dưới mức trung bình và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Dù rất cố gắng nhưng Robert vẫn không thể hiểu được bài giảng trên lớp và thường xuyên bị điểm kém trong các bài kiểm tra. Các giáo viên tích cực giúp đỡ Robert nhưng cậu bé vẫn không thể cải thiện được điểm số của mình. Ít lâu sau, cậu bé bị bạn bè và cả thầy cô giáo của mình gán cho cái mác chẳng lấy gì tốt đẹp. Tệ hơn, Robert cũng tự cho mình là “kẻ vô vọng”. Kết quả là lòng tự tôn của cậu bé xuống đến mức thấp nhất. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Robert với cha mẹ và bạn bè. Cậu sống khép kín với tất cả mọi người. Vì bị gán mác tiêu cực nên chẳng có gì lạ khi Robert có xu hướng chần chừ khi được giao một nhiệm vụ gì đó.
Phó mặc cho số phận
Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng xem những chương trình truyền hình hay những bộ phim về các cặp đôi gặp nhau một cách tình cờ để rồi đem lòng yêu nhau và sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng đó là cuộc sống trên phim ảnh, còn trong đời thực thì điều này có xảy ra không?
Một số người luôn muốn phó mặc cuộc đời mình cho số phận. Họ cho rằng cuộc đời họ đã được định đoạt sẵn và thế là họ cứ để cho dòng đời cuốn đi, tựa như một con thuyền ra khơi không có cánh buồm vậy. Chính vì thế, họ không có động lực để hành động và việc duy nhất họ làm là chần chừ trước mọi thứ.
Tại sao ta không suy nghĩ tích cực và xác định lại tư tưởng của mình?
“Xác định lại tư tưởng = Cho phép tâm trí mình suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.”
Giải quyết cảm giác muốn bỏ cuộc thật không dễ chút nào. Nó đòi hỏi ta phải thay đổi suy nghĩ về thất bại, tức là xác định lại tư tưởng của mình. Có hai phương pháp để vượt qua cảm giác muốn bỏ cuộc, một là “thay đổi những cái mác” và thứ hai là “hình dung chiến thắng”.
Thay đổi những cái mác
Nhiều khi chúng ta muốn bỏ cuộc vì phải đối mặt với những lời nhận xét không hay từ mọi người xung quanh. Chính vì thế, ta phải biết vượt qua những nhận xét tiêu cực này để nhìn nhận bản thân một cách tích cực hơn. phương pháp này giúp chúng ta xoay chuyển cái mác của thất bại về phía công việc chứ không phải bản thân mình. Vì vậy, hãy ghi nhớ những điều sau:
1) Cái thất bại là nỗ lực của ta.
2) Cái đáng bị vứt bỏ là phương pháp mà ta đã áp dụng.
3) Cái gây thất vọng là kết quả mà ta đạt được.
Hãy xác định lại tư tưởng để tập trung vào thất bại của công việc chứ không nhìn nhận bản thân mình là kẻ thất bại.
Có người đã từng nói rằng: “Cả thế giới có thể đánh giá thấp bạn, NHƯNg bạn không bao giờ được phép đánh giá thấp bản thân mình”. Không ai có thể đánh giá thấp bạn trừ khi bạn cho phép người đó làm thế. Vì vậy, hãy tự tin vào mình. Hãy tin rằng bạn có thể vươn tới thành công trong tương lai.
Bây giờ, chúng ta thử áp dụng kiến thức này cùng ba điều ghi nhớ trên vào trường hợp của Robert mà ta đã đề cập trước đó. Nếu cậu Robert hiểu được rằng đối tượng bị gán mác không phải là cậu ấy mà chính là việc học tập thì cậu sẽ biết tự tin vào bản thân mình hơn. Khi ấy, Robert sẽ thất vọng với kết quả mà mình đạt được chứ không phải là với bản thân mình.
Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế, những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.
Thất bại ư? Thất bại nào?
Tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.
Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. J. K. Rowling, tác giả của Harry Potter, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nổi tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế, bộ phim Hollywood đầu tay của anh, Battle Creek Brawl, đã thất bại thảm hại. Hẳn Thành Long thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được việc anh vùng lên với những bộ phim cực kỳ ăn khách sau đó như giờ cao điểm hay Hiệp sĩ Thượng Hải.
Thất bại không phải là cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại, nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công!
Hình dung chiến thắng
“Hình dung” là một công cụ rất hữu hiệu có thể giúp ta tăng cường năng lượng để hành động. Các vận động viên chuyên nghiệp luôn sử dụng phương pháp này khi tập luyện cũng như khi tham gia thi đấu.
Fosbury - vận động viên nhảy cao đoạt Huy chương vàng Olympic 1968 - đã dùng trí tưởng tượng của mình để luyện tập và giành chiến thắng. Ngày ấy, ông liên tục hình dung cảnh mình nhảy qua xà và cách thực hiện thành công cú nhảy của mình.
Việc hình dung hay tưởng tượng bản thân đang thực hiện một hành động nào đó sẽ khiến ta có cảm giác mình đang làm điều đó thực sự. Vì thế, đến khi bắt tay vào hành động, ta đã quen với những khó khăn của nó và không còn cảm thấy lạ lẫm nữa! Đây là một chiến thuật hiệu quả có thể giúp ta vượt qua được sự chần chừ.
Bạn hãy thử thực hành theo bài tập sau đây: hãy hình dung cảnh bạn đang ở trong một buổi thi tuyển vũ công hoặc đang ngồi trong lớp làm bài kiểm tra. Cố gắng hình dung toàn bộ khung cảnh lúc ấy cũng như điều bạn làm ngay khi bắt đầu. Với cảnh thi tuyển vũ công, bạn có thể hình dung hình ảnh mình đang bước lên sân khấu và cúi chào ban giám khảo. Hãy hình dung ra những bước di chuyển đầu tiên của bạn khi nhạc bắt đầu nổi lên. Tất cả diễn ra thật tự nhiên và trôi chảy. Khi phần thi của bạn kết thúc, những tràng vỗ tay hoan nghênh vang lên giòn giã. Bạn cúi chào và tự tin rời khỏi sân khấu.
Nếu bạn thường xuyên thực hành bài tập này, trí óc bạn sẽ ghi nhớ những động tác và bước nhảy mà bạn đã tưởng tưởng ra đó. Quan trọng hơn, bạn sẽ hình thành cho mình ý thức tự tin để không cảm thấy hồi hộp khi đến với buổi thi tuyển thực sự. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy đây không phải là lần đầu tiên mình tham gia cuộc thi tuyển đó nữa!
Vì thế, hãy hình thành cho mình thái độ tích cực để không cảm thấy lo sợ khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Thậm chí ngay cả khi bạn không đạt được kết quả như mong đợi thì bạn cũng đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích. Và đây chính là điều vô giá giúp chúng ta trưởng thành!
Kết luận
Đôi khi chúng ta phó mặc cuộc đời mình cho số phận bởi ta đã thất bại quá nhiều lần và bị người khác gán cho mình những cái mác tiêu cực. Vì vậy, hãy xác định lại tư tưởng để nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực hơn. Việc này luôn có ích cho bạn đấy!