“Ngày mai là ngày bận rộn nhất trong tuần.”
- Khuyết danh
Tại sao lại chết chìm trong một đống việc?
“Chết chìm trong đống việc = Có quá nhiều việc cần làm.”
Quá nhiều thứ cần làm
Hãy đối mặt với thực tế rằng bạn có quá nhiều việc cần phải hoàn thành. Ở tuổi vị thành niên, bạn phải làm bài tập ở trường, ở nhà và một số người còn phải làm thêm để có tiền tiêu vặt. Nói cách khác, chúng ta bận rộn như những chú ong thợ và chết ngộp trong một núi việc!
Dù đã đi qua thời niên thiếu nhưng tôi vẫn nhớ như in quãng thời gian bận rộn trước đây của mình. Mỗi ngày của tôi đều trôi qua với quá nhiều hoạt động đến nỗi hầu như lúc nào tôi cũng làm không kịp thở.
Đôi khi, với quá nhiều việc cần làm, chúng ta cảm thấy mệt mỏi đến mức tê liệt, không biết mình nên làm gì hay phải bắt đầu từ đâu.
Phải bắt đầu từ đâu?
Đúng vậy, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bị chìm trong một đống công việc khổng lồ đến mức không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi phải bắt đầu với bài tập Đại số hay là bài luận môn Lịch sử phải nộp vào tuần sau? Còn bài kiểm tra môn Địa lý vào thứ sáu này thì sao nhỉ? Còn phải chuẩn bị để ứng cử vào nhóm nhiếp ảnh trong trường nữa chứ? Vậy những công việc nhà mà mình đã hứa với mẹ thì sao đây? Bản danh sách này cứ thế kéo dài mãi…
Đây là một trong những lý do khiến các bạn trẻ hay chần chừ đến thế.
Có quá ít thời gian
Rõ ràng, với quá nhiều việc cần làm như vậy, quỹ thời gian của chúng ta trở nên quá ít ỏi. Nếu chúng ta ngủ tám giờ đồng hồ một ngày và tám giờ đi học ở trường thì ta chỉ còn có tám giờ để hoàn tất những công việc còn lại của mình. Và thái độ trì hoãn chẳng giúp ích chút nào cho việc hoàn tất những nhiệm vụ của chúng ta.
Bạn đã bao giờ nghe nói về Quy luật Parkinson chưa?
Theo Quy luật parkinson, công việc luôn tự mở rộng ra để lấp đầy khoảng thời gian mà chúng ta ấn định cho nó. Vì thế, nếu ta có một công việc cần phải hoàn thành vào ngày mai thì có khả năng ta sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Ngược lại, nếu thời hạn hoàn thành công việc ấy được kéo dài đến cuối tháng thì rất có khả năng đến cuối tháng này ta mới giải quyết dứt điểm nó. Đôi khi, do được cho quá nhiều thời gian để hoàn thành một công việc nào đó, chúng ta sẽ chần chừ và trì hoãn quá trình thực hiện nó.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta có vài công việc cần phải hoàn thành cùng lúc? Trong trường hợp này, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề thực sự lớn và phải gấp rút làm việc để hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn.
Lần nọ, tôi có hai bài luận phải nộp vào một thời điểm. Vì khi ấy còn là người chần chừ nên tôi đã đợi đến cận ngày hết hạn mới lao vào làm. Tôi đã làm liên tục từ 9 giờ tối đến tận 4 giờ sáng hôm sau và chỉ tranh thủ ngủ được vài tiếng trước khi đến trường nộp bài. Và bạn có thể tưởng tượng ngày hôm ấy của tôi ở trường thế nào không? như một cái xác chết biết đi vậy!
Việc chần chừ sẽ khiến chúng ta lãng phí thời gian của mình và tự lặp lại cái vòng luẩn quẩn tiêu cực do mình tạo ra. Chẳng có gì lạ khi có nhiều người luôn miệng nói là họ không có thời gian!
Tại sao chúng ta không vượt qua những chướng ngại?
“Vượt qua = giành thắng lợi trước điều gì đó.”
Nếu đang phải đối mặt với một khối lượng công việc đồ sộ, điều ta cần làm là đặt ra kế hoạch để vượt qua từng chướng ngại này.
Một phương pháp rất hiệu quả là chia một việc lớn ra thành nhiều việc nhỏ dễ giải quyết hơn. Người ta đã đặt nhiều tên gọi cho phương pháp này, từ “Cắt và thái”, “Salami” hay “Sashimi”. Nhưng về cơ bản, tất cả đều có cùng một ý nghĩa, đó là giải quyết công việc theo “từng phần một”.
Để phương pháp này hiệu quả, bạn cần liệt kê tất cả những việc mình cần phải hoàn tất ra.
Danh sách những việc cần làm
1) Gửi thư cho bạn.
2) Làm công việc nhà đã hứa với mẹ.
3) Cho cá ăn.
4) Hoàn thành bài tập toán về nhà.
5) …
Hãy chắc rằng mỗi công việc được chia ra đều phải đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức của bạn. Khi đã hoàn tất một công việc nào đó, hãy xóa nó ra khỏi danh sách và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Hãy duy trì tiến độ làm việc này và chẳng bao lâu sau, bạn sẽ hoàn tất được toàn bộ công việc của mình!
Hãy thử áp dụng phương pháp trên vào việc đọc cuốn sách này. Hãy viết tựa của 13 chương sách ra một mảnh giấy. Bây giờ bạn đang đọc Chương 3, nghĩa là bạn đã đọc xong hai chương đầu (trừ trường hợp bạn đọc theo kiểu nhảy cóc). Vậy thì hãy xóa hai chương đầu tiên ra khỏi danh sách. Chẳng có gì khó khăn cả, phải vậy không?
Vì thế, hãy bắt đầu lập ra danh sách những điều bạn cần hoàn tất ngày hôm nay, và cứ thế thực hiện nó.
Sự chần chừ tích cực
Có thể bạn cảm thấy điều này thật lạ lùng. Làm sao sự chần chừ lại có thể tốt được cơ chứ? nhưng hãy nhớ không phải sự chần chừ nào cũng tiêu cực. Trên thực tế, chúng ta có thể luyện tập cách “chần chừ tích cực”. Hãy nghĩ xem, chúng ta chỉ có thể làm ngần ấy việc trong một ngày. Ngay cả khi chúng ta có nhiều công việc cần hoàn thành cùng lúc thì ta cũng chỉ có thể làm từng việc một. Việc chần chừ tích cực cho phép ta trì hoãn một số việc không quá gấp rút và tập trung vào những việc quan trọng hơn. Nói cách khác, việc chần chừ tích cực cho phép chúng ta phân chia mức độ ưu tiên trong những việc mình cần làm.
Việc học cách dành ưu tiên đối với những việc cần làm là điều rất quan trọng. Nó giúp ta tổ chức cuộc sống của mình tốt hơn. Vì thế, hãy biết cách đặt ưu tiên bằng việc xác định đâu là việc cần hoàn thành trước và bắt tay vào thực hiện công việc đó. Hãy thực hiện từng công việc một và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Kết luận
Khi bị cả núi việc đè nặng, bạn hãy đề ra một kế hoạch để “vượt qua” cảm giác này. Hãy xác định ưu tiên cho từng nhiệm vụ và giải quyết “từng việc một”.