Tôi có thể nhớ rõ ràng vài chuyện xảy ra sau khi tôi đến bệnh viện và trong những ngày phải lưu lại đây để hồi phục. Thứ nhất, tôi nhớ tôi khát nước khủng khiếp. Tôi đã không uống gì suốt buổi sáng xảy ra tai nạn, chỉ ăn một chút bột nho khô thay cho bữa sáng. Lúc ở trên bãi biển tôi thực sự khát và không ai cho tôi uống nước bởi vì tôi phải vào viện. Khi đến bệnh viện thì tôi lại lập tức bị đưa vào phòng chụp X-quang và trong suốt thời gian đó tôi thèm một cốc nước vô cùng. Cuối cùng, ngay trước khi bắt đầu cuộc phẫu thuật thì tôi nhìn thấy anh Timmy và tôi cứ luôn miệng van xin: "Anh ơi, lấy nước cho em đi, lấy nước cho em đi". Chắc lúc đó tôi nói nghe có vẻ lung tung lắm bởi vì Timmy nhìn tôi như thể tôi đã hóa điên. Nhưng cuối cùng anh chạy vụt đi và lấy cho tôi một ít nước. Tôi uống ừng ực như người lữ hành lang thang trên sa mạc nhiều ngày. Rồi người này, người kia mang đến cho tôi hết cốc nước này đến cốc nước khác, nhưng tôi e là mọi người đã không hỏi ý kiến về chuyện cho tôi uống nước trước ca mổ này.
Vì lẽ đó, ngay khi tỉnh lại sau thời gian bị gây mê, tôi nôn thốc nôn tháo; tôi nôn ra nước lẫn bột nho khô – khiếp quá! Sau đó tôi nhìn thấy bố tôi. Mặc dù lúc đó còn thấy đầu óc choáng váng, tôi vẫn nói: "Chào bố, thấy bố ở đây con mừng lắm". Bố tôi nói rằng lúc đó khuôn mặt tôi nở một nụ cười như thể tôi muốn nói "Mọi chuyện sẽ ổn thôi", nhưng quả tình tôi không nhớ là mình đã cười. Thoạt đầu, bố tự hỏi liệu có nên chuyển tôi đến bệnh viện tuyến trên ở Oahu hay không. Nhưng sau vài ngày, bố tôi nhận thấy sự chăm sóc y tế ở bệnh viện Wilcox rất tốt và tôi đang được giao cho những bàn tay đáng tin cậy.
Tôi được chuyển sang căn phòng được sử dụng làm nơi ở mới của tôi trong sáu ngày sau đó. Tôi rất, rất mệt và suốt cả ngày thứ Sáu tôi rất cố gắng để có thể ngủ. Tôi nói tôi phải cố gắng ngủ bởi vì suốt cả ngày lẫn đêm hôm ấy, các y tá cứ đến làm hết việc này việc nọ khiến tôi không tài nào chợp mắt được: họ đo nhiệt độ, điều chỉnh các máy móc, kiểm tra ống truyền dịch,... Tối ngày thứ Sáu thì bố tôi vào phòng, khẽ thì thầm rằng bố sẽ về nhà lấy quần áo, chăm con chó, và sáng hôm sau bố sẽ trở lại viện. Bố kể với tôi rằng cả đêm bố hầu như không ngủ, cứ lật đi lật lại những hình dung của bố về chuyện xảy ra ngày hôm đó.
Sang sáng thứ Bảy, tôi mệt lả. (Tôi không hiểu sao nhiều người lại nghĩ rằng họ có thể nghỉ ngơi được khi ở trong một bệnh viện). Bố tôi đến rất sớm với đôi mắt đỏ mọng. Cả hai bố con tôi đều lờ đờ vì thiếu ngủ, tôi thì có lờ đờ hơn bố vì còn phải dùng thuốc giảm đau. Suốt thời gian đó mẹ luôn ở bên tôi. Bố đi ra ngoài nói chuyện với những người muốn vào thăm tôi, và cả đám phóng viên đang mỗi lúc một tăng về số lượng, những người nghe tin tôi bị cá mập tấn công và háo hức lao đến để khai thác thông tin.
Trước đó, tôi nhớ mình đã nói với bố: "Con muốn trở thành nhiếp ảnh gia về lướt sóng giỏi nhất trên thế giới", và hàm ý sau câu nói đó là: Bố ạ, con biết những ngày lướt sóng của con chấm hết rồi. Bố tôi chỉ gật đầu: "Bố chắc chắn con sẽ trở thành nhiếp ảnh gia về lướt sóng cừ nhất". Bố mỉm cười với tôi, hiểu tôi muốn nói gì. Nhưng vào cái ngày thứ Bảy ấy tôi đã đổi ý và bắt đầu nghĩ đến việc quay trở lại với môn lướt sóng. Tôi cảm thấy khá hơn, đầu óc bớt tối tăm hơn, và có nhiều người đến thăm tôi, trò chuyện động viên và khích lệ tinh thần tôi. Mỗi lần ngồi dậy và nhìn quanh, tôi lại thấy có nhiều quả bong bóng hơn, nhiều thú nhồi bông hơn và nhiều hoa ở trong phòng hơn – giờ tôi vẫn nhớ mùi hương hoa thơm trong những ngày tôi nằm viện. Nhưng tôi cũng nhớ mình đã thấy nỗi buồn hiển hiện ít nhất trong một hoặc hai phút đầu trên những khuôn mặt của những người thân và bạn bè của tôi khi họ bước qua ngưỡng cửa phòng bệnh nơi tôi nằm điều trị: Họ muốn thấy một Bethany mà trước đó họ đã từng biết – thú thực, tôi trông đã thay đổi khá nhiều. Vậy nên tôi nhanh chóng làm mọi người hiểu rằng tự sâu thẳm tâm hồn mình, tôi vẫn là Bethany như trước. Trước mọi người, tôi tỏ ra mình là một người can đảm, nhưng thực tế tôi không thể giả vờ là có những lúc phẩm chất ấy đã trốn chạy khỏi tôi. Những lúc buồn, trong đầu tôi lại xuất hiện ý nghĩ: "Tại sao lại là mình?". Những suy nghĩ ấy hiện lên không cần thiết dưới hình thức tiêu cực như "Tại sao điều khủng khiếp này lại xảy ra với mình chứ?" mà là dưới dạng "Tại sao Chúa Trời lại chọn mình và Ngài có kế hoạch gì cho mình đây?".
Nếu tôi bắt đầu để lộ sự buồn bã, các anh trai tôi lại tìm đủ mọi cách làm cho tôi nguôi ngoai. Họ luôn làm cho tôi cảm thấy thoải mái; họ không bao giờ để tôi biết nỗi kinh hoàng của họ, không bao giờ để tôi thấy nỗi đau hay sự sợ hãi của họ.
Timmy luôn pha trò cười còn Noah là người bảo vệ tuyệt vời nhất của tôi. Hai anh thật mạnh mẽ, và điều đó cũng giúp tôi trở nên mạnh mẽ. Tôi không định để các anh mình khiến mình phải hổ thẹn vì thua kém họ đâu! Rồi người quản lý của khách sạn Radisson gần bệnh viện gọi điện đến đề nghị dành cho bố mẹ tôi một phòng, vậy là về đêm bố tôi thường nghỉ ở đó trong khi mẹ tôi thức trông tôi và đến ban ngày thì hai người lại đổi ca cho nhau.
Cũng vào ngày thứ Bảy đó, tôi bắt đầu cảm thấy cái triệu chứng mà người ta gọi là "chứng đau ma quái". Quả thực nó rất quái đản: Tôi có thể cảm thấy cánh tay ấy, phần cánh tay đã mất của tôi! Khi bạn bị như tôi, bạn thực sự cảm thấy cánh tay bạn bị đau, nhưng bạn cũng tự hiểu rằng mình đâu có nó để mà đau đớn. Bố ở bệnh viện với tôi vào đêm thứ Bảy ấy, sau một ngày rất nhiều sự kiện như tôi đã kể trên. Bố ở lại và sau này kể lại rằng trong đêm tôi đã khóc thút thít như thể tôi đang gặp ác mộng nhưng tôi lại không nhớ gì cả. Cho đến bây giờ, chứng đau ma quái này thỉnh thoảng vẫn còn hành hạ tôi.
Ngày Chủ nhật, ngày mà chúng tôi thường đi lễ nhà thờ rồi cũng đến. Nhưng hôm đó không như thường lệ được. Sau giờ đi lễ, nhiều người đến thăm tôi vào buổi trưa, trong đó có những người bạn cùng sinh hoạt tôn giáo với anh em tôi. Toàn bộ các thành viên của nhóm các bạn trẻ sinh hoạt ở hội Cơ Đốc giáo ở Kauai và cộng đồng giáo xứ North Shore đều có mặt, cầu nguyện cho tôi, hát những bài thánh ca mà tôi biết. Thật cảm động! Mọi người đứng chật cả phòng, tràn ra cả hành lang. Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy phấn khởi hơn chút ít – tôi pha trò cười với các bạn mình và tôi đã thực sự có thể cười thành tiếng, điều mà tôi cảm thấy không hề muốn làm mà cũng chẳng thể thực hiện nổi trong những ngày trước đó.
Trước đó, vào buổi sáng bác sĩ Rovinsky đến thăm và kiểm tra tình hình của tôi. Ông giải thích rằng vào ngày thứ Hai tôi sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa, một cuộc phẫu thuật trong đó các bác sĩ lấy da ở vùng nách của tôi để cấy vào vết thương hở cho tôi. Họ làm như vậy để tạo một lớp da tự nhiên cho mẩu tay còn lại của tôi. Bởi vì tôi đã nhắc đến việc quay trở lại với môn lướt sóng, bác sĩ Rovinsky nói rõ cho tôi biết rằng tôi phải đợi đến khi các mũi khâu được tháo chỉ thì mới có thể xuống nước trở lại được.
Bác sĩ nói rằng tôi là một người chịu đau giỏi và để khích lệ thêm, ông nói: "Danh sách những gì Bethany phải làm và có thể làm cũng dài đấy; còn danh sách những việc cô bé không thể làm thì ngắn thôi". Các bác sĩ cũng quyết định truyền máu cho tôi bởi vì cơ thể tôi đã không sản sinh máu một cách nhanh chóng như họ mong muốn. Nhắc đến chuyện truyền máu thì bố tôi đặc biệt rất sợ vì ngày trước bố đã đọc về những trường hợp bị nhiễm AIDS hoặc các bệnh khác nếu quá trình xét nghiệm và truyền máu không đảm bảo an toàn. Nhưng bác sĩ Rovinsky đảm bảo với gia đình tôi rằng thời nay máu được sử dụng để truyền đã được sàng lọc kỹ. "Nếu đó là con gái của tôi, tôi sẽ không ngần ngại cho con tôi truyền máu", bác sĩ nhấn mạnh. Bố tôi biết bác sĩ Rovinsky yêu các con của ông như thế nào nên đáp: "Vậy thì được, nếu ông cảm thấy như vậy thì tôi cũng yên tâm rồi".
Sáng ngày thứ Hai hôm sau, một chuyên gia vật lý trị liệu đến giúp tôi dậy khỏi giường và tập đi những bước đầu tiên kể từ khi tôi nằm viện. Tôi muốn đặt chân xuống đất để đi lắm rồi vì đã quá ngán việc phải nằm trên giường bệnh. Tôi ước gì tôi có thể nói rằng mình cảm thấy thích khi có thể sải chân bước nhưng thực tế không phải vậy. Phải có người dìu tôi mới bước được, và tôi cứ lê chân khó nhọc, kéo theo cái giá có bánh xe và treo đủ loại chai thuốc trên đó. Nghĩ đi nghĩ lại, tuy vất vả nhưng tôi cũng vui bởi vì tôi biết đó là dấu hiệu cho thấy mình đang khá lên. Tôi cũng được một chuyên gia trị liệu hướng dẫn cách buộc dây giày, cách mặc và cởi quần áo bằng một tay và những hướng dẫn khác mà tôi sẽ cần đến khi ra viện.
Đến lúc này thì tôi đã lấy lại sự láu lỉnh của mình. Trong một chuyến đi Mexico trước đây, anh trai tôi đã mua cho tôi một bàn chân giả trông như thật để làm trò. Vậy nên tôi dặn anh mang nó vào bệnh viện cho tôi rồi nhét nó dưới chăn và khi cô y tá đến, tôi nói với cô rằng tôi nghĩ chân tôi có gì đó không ổn. "Cháu không biết có chuyện gì", tôi rên rỉ, "cháu cảm thấy khó chịu ở bàn chân". Bạn phải nhìn thấy vẻ mặt của cô y tá lúc đó khi cô đưa tay sờ cái bàn chân bằng cao su ấy thì mới biết trò đùa của tôi tinh quái như thế nào. Tôi nghĩ cô ấy đã hét lên – cô lãnh đủ rồi nhé! Đó là những gì cô phải nhận, ai bảo cứ chốc chốc cô lại làm cháu thức giấc! Không chỉ thế, tôi cũng biết cách tắt hoặc lắp những cái máy được gắn vào người mình khi chúng bắt đầu kêu vo vo: chỉ việc ngồi dậy, nhổ phích cắm điện ra. Và thế là xong! Tôi được hưởng một chút bình an và yên tĩnh.
Khi thời điểm tôi phải phẫu thuật đã đến, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi chỉ muốn mọi chuyện mau kết thúc để tôi có thể trở về nhà. Gia đình tôi đi cùng tôi khi người ta đẩy cáng từ phòng bệnh tới hành lang bên ngoài phòng phẫu thuật. Chúng tôi cầu nguyện cùng nhau và sau đó, tôi tỉnh dậy với phần cánh tay trái còn lại được quấn băng dày, đầu óc vẫn còn váng vất sau cuộc phẫu thuật.
Thấy tôi đã tỉnh, mẹ tôi nói vui rằng trong phòng có rất nhiều hoa và cây cảnh nên chúng tôi hãy biến nó thành vườn Địa đàng. Chúng tôi đặt tất cả những cây cảnh nhỏ vào phòng tắm và xung quanh nhà vệ sinh, còn những cây lớn và hoa thì để ở phòng chính, thậm chí chúng tôi còn xếp cả hoa trên vòi sen. Khi các vị khách đến thăm tôi, mẹ dẫn họ đi tham quan một vòng khu vườn Địa đàng ấy.
Vào ngày thứ Ba, tôi nghe nói về một cô gái là bạn học của anh Timmy đang nằm ở bệnh viện đó vì bị u não, vậy là tôi quyết định đi bộ tới đó thăm chị ấy. Chúng tôi có một cuộc gặp mặt thật thú vị, với những câu pha trò hài hước về hoàn cảnh của mỗi người. Chị ấy cũng là người theo đạo Cơ Đốc, vậy nên hai chúng tôi cùng cầu nguyện cho nhau. Tôi mang cho chị ấy rất nhiều hoa và bóng bay bởi vì tôi nhận được nhiều quá (và mọi người vẫn tiếp tục mang hoa tới thăm tôi).
Tôi sốt ruột muốn được về nhà – tôi muốn thoát ra khỏi cái vùng tranh tối tranh sáng này! Tôi không ngừng quấy rầy bố mẹ bằng câu hỏi: "Khi nào con được ra khỏi đây ạ?". Tôi mè nheo và thú thực là có thấy hơi khó chịu trước tất cả sự chú ý đều tập trung vào mình. Bệnh viện đã phải cử những nhân viên an ninh canh cửa phòng tôi để ngăn những vị khách không mời cũng như sự ồn ào của báo chí.
Thỉnh thoảng cảm thấy mệt vì phải nằm trên giường hết giờ này đến giờ khác, tôi trở dậy, cầm mấy quả bóng bay đi loanh quanh trong phòng và tự đập bóng vào đầu mình. Anh trai tôi giờ còn giữ cả một video ghi lại cảnh tôi làm trò đó.
Tuy đã cố chịu đựng nhưng đến thứ Tư thì tôi phát điên thực sự. May mà bác sĩ kiểm tra vết thương của tôi và nói rằng tôi có thể được ra viện sớm. "Hoan hô!", tôi reo lên. Tôi cảm thấy như thể mình sắp được ra tù! Thế rồi người ta nói với tôi rằng tuy tôi đã được ra viện nhưng lại chưa thể về nhà ngay: có hàng chục phóng viên cắm trại ở bãi cỏ trước nhà tôi và tôi sẽ không có được những phút nghỉ ngơi yên tĩnh ngay tại nhà mình. Vậy là mọi người quyết định rằng tôi sẽ tạm lánh tại nhà của một người bạn ở bãi biển Anahola.
Tôi sẽ phải ghé qua nhà để lấy một số đồ dùng. Vậy nên đêm hôm đó chúng tôi ra khỏi bệnh viện bằng lối cửa sau và về nhà với sự hộ tống của cảnh sát. Toàn bộ chuyện đó thật là kỳ cục. Khi chúng tôi về đến nhà, con chó cưng chạy ra mừng cuống quýt và lần đầu tiên kể từ khi bị tai nạn, tôi đã khóc. Tôi cảm thấy thật vui khi được gặp lại con vật cưng của mình.
Ngày hôm sau, một y tá đến nhà để thay băng cho tôi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thực sự biết tôi đã mất bao nhiêu phần của cánh tay. Bà tôi đi ra sô-pha lặng lẽ khóc. Anh Timmy của tôi sốc đến nỗi anh chạy vào phòng và nằm lì trên giường suốt cả buổi chiều, anh phải nghỉ học nhiều buổi sau đó vì không thể tập trung được. "Anh muốn ở nhà để nếu em cần gì, anh sẽ giúp", anh nói với tôi. Tôi thực sự cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc của anh; tôi biết mất mát của tôi ảnh hưởng đến tinh thần của anh khá nhiều và sau đó anh phải rất cố gắng mới tập trung học được như trước.
Bố mẹ tôi cũng phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Trong ba tháng cả bố và mẹ tôi đều không thể đi làm, điều đó tạo ra gánh nặng về tài chính cho gia đình tôi. May mắn thay, tiền thù lao mà gia đình tôi nhận được từ các cuộc phỏng vấn độc quyền giúp làm vơi bớt phần nào gánh nặng đó.
Tôi cứ nghĩ rằng mình có thể đương đầu với hoàn cảnh mới. Nhưng khi tôi nhìn phần cánh tay cụt với những vết khâu xấu xí, tôi suýt ngất. "Ôi, Chúa ơi", tôi nghĩ, "trông cứ như quái vật Frankenstein vậy". Cái mẩu tay cụt của tôi trông xấu hơn tôi tưởng tượng nhiều. Tôi sẽ cần đến sự giúp đỡ của ai đó mạnh mẽ hơn mình nếu tôi muốn quay trở lại với những con sóng.
Người đã khai sáng cho tôi
Tôi gặp bác sĩ tâm lý khiếm thị Paul "Kai" Swigart lần đầu tiên tại bệnh viện Wilcox vào ngày Chủ nhật, mùng 4 tháng 11. Hai anh trai của tôi đến muộn – đến muộn có chủ ý. Các anh ấy không nghĩ mình cần phải chứng kiến sự chùn bước. Vậy nên trong khi tôi đợi các anh của mình đến, bác sĩ Kai lần lần từng bước vào phòng của tôi và ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh giường của tôi.
Tôi quý ông ấy ngay lập tức: ông có một giọng nói sâu thể hiện sự tốt bụng và đầy an ủi. Sau khi tôi tả cho ông nghe tôi trông như thế nào, chúng tôi nói về lướt sóng, về những người bạn và những thú vui của tôi, về giáo xứ và gia đình tôi. Sau đó tôi hỏi: "Vậy là bác sĩ bị mù từ khi còn bé ạ?".
"Không", ông trả lời, "tôi nhìn được cho đến năm tôi hơn hai mươi tuổi, khi chứng thoái hóa thị lực tấn công tôi".
"Có cách nào để chữa bệnh đó không ạ?"
"Có đấy", ông nói. "Một cuộc phẫu thuật có thể khiến tôi nhìn được trở lại, nhưng một cuộc phẫu thuật như vậy cực kỳ tốn kém".
Đúng lúc đó thì tôi nghe thấy những giọng nói quen thuộc ở ngoài hành lang: các anh của tôi đã đến. Gia đình chúng tôi chen chúc nhau trong phòng bệnh chật hẹp và bác sĩ Kai bắt đầu lần lại các sự kiện của buổi sáng ngày lễ Halloween đó với từng thành viên của gia đình tôi.
Sau đó chúng tôi nói về tương lai. Tôi nói với ông rằng một tổ chức từ thiện đang có kế hoạch quyên tiền để tôi có thể được lắp tay giả. Bỗng nhiên một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: "Mình sẽ không bao giờ có được một cánh tay y như cũ nhưng bác sĩ Kai thì có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại", tôi nghĩ.
"Cháu muốn dành một phần số tiền mà mọi người quyên góp cho cháu để giúp bác có tiền phẫu thuật. Cháu muốn bác nhìn thấy ánh sáng!", tôi nói với ông.
"Cảm ơn cháu, Bethany. Nhưng bác nghĩ khi mù bác sẽ có ích hơn là có thể thấy ánh sáng. Bác thích như thế này hơn".
Thoạt đầu tôi không hiểu bác sĩ Kai muốn nói gì: Tại sao ông lại không muốn mắt mình sáng lại? Tại sao ông lại muốn tiếp tục làm một người mù? Nhưng bây giờ tôi đã hiểu và tôi cũng nghĩ giống ông. Với một cánh tay tôi nghĩ tôi sẽ có ích hơn khi tôi có hai tay. Ngày hôm ấy, bác sĩ Kai đã khai sáng cho tôi.