Mọi người thường hỏi tôi tại sao tôi lại lướt sóng. Tôi đã cố giải thích cảm giác khi tôi được lướt sóng, nhưng dường như điều đó là không thể. Chỉ những người từng trải nghiệm việc lướt sóng mới hiểu được những gì tôi cảm thấy: sự thôi thúc, niềm say mê, cách môn thể thao này khuấy động trái tim bạn, đùa nghịch với cái đầu của bạn, lẫn hành hạ cơ thể bạn. Dù thế nào, bạn vẫn tiếp tục và nỗ lực hơn nữa…
Nhưng hãy để tôi cố gắng miêu tả cho bạn thấy lướt sóng là như thế nào nhé:
Hãy tưởng tượng bạn đang cưỡi và giữ thăng bằng trên một tấm ván ngắn giữa đại dương bao la. Bạn nhận thấy một con sóng dâng lên, xô nhanh về phía mình. Bạn quay ván lướt của mình về phía bờ và thả tay ngập trong nước, cố điều khiển ván lướt trôi thật nhanh khỏi sự khởi đầu khiến bạn sợ muốn chết. Đôi khi việc đó khá vất vả. Vì thế hãy tập trung vào việc chèo ván, bạn hầu như không nhận thấy con sóng đang nâng mình lên một cách nhẹ nhàng.
Bạn tiếp tục chèo ván, nhưng giờ đây khi con sóng lướt qua dải đá ngầm ở bên dưới, một đường dốc nước bất ngờ dựng lên, thẳng và cao, và bạn cảm thấy một cú giật bất ngờ của lực hấp dẫn. Bạn và tấm ván bắt đầu trượt xuống bề mặt dựng đứng của con sóng.
Như vậy đấy! Một động tác sai lầm có thể khiến bạn lộn nhào với chiếc ván trong vùng lõm của dốc sóng, nơi tập trung tất cả năng lượng và sức mạnh của con sóng cuồng nhiệt. Không có sự lựa chọn nào khác hơn là đương đầu với nó, vậy nên trong một sự chuyển động uyển chuyển, bạn dùng hai tay đẩy người lên và xoay hai bàn chân. Bạn đã đứng trên ván lướt!
Khi bạn cảm thấy ván lướt rơi xuống bề mặt của con sóng, bạn bỗng hiểu ra rằng mình đang di chuyển theo đường chéo qua một con sóng vừa chuyển động về phía bờ biển vừa dập dềnh lên xuống. Đúng vậy! Đó là một vũ điệu mà bạn phải luyện tập vất vả trong một thời gian dài thì mới có thể thực hiện được. Nhưng tôi không nghĩ nhiều về điều đó nữa, tôi cứ chăm chỉ luyện tập thôi.
Phải mất bao lâu bạn có thể lướt sóng được và bạn có thể lướt sóng giỏi đến mức nào? Điều đó phụ thuộc vào kỹ năng xoay, quay đầu ván, lướt ván nhanh qua những phần sóng mau vỡ và giảm tốc độ để mép sóng cuộn lên trên bạn, ủ bạn trong chốc lát giữa một cái kén màu xanh trong trước khi nhả bạn ra khoảng không gian trên mặt biển (dân lướt sóng chuyên nghiệp gọi đó là kỹ thuật "chui ống").
Nhưng khi bạn đã trở nên thành thạo thì vẫn có những lúc thiên nhiên tỏ ra khôn ngoan hơn, mạnh hơn, bướng bỉnh hơn bạn. Con sóng có thể bất ngờ giành lại quyền điều khiển và bọc kín lấy bạn, lôi bạn xuống đáy biển (chúng tôi gọi đó là "những cú liếm bẩn thỉu").
Ngoài những lúc bất thường như thế, thiên nhiên hầu như ủng hộ người lướt sóng. Những con sóng, điều kiện lướt sóng và vũ điệu lướt sóng, tất cả những yếu tố đó kết hợp với nhau trong một trải nghiệm sâu sắc đến mức bạn nhận thấy mình có thể nói đi nói lại về nó (và nói nhiều đến nỗi những người bạn không phải dân lướt sóng phải rên rẩm: "Ôi không! Lại nói về chuyện đó rồi!"). Nhưng tất cả những gì bạn muốn là hồi tưởng lại trải nghiệm ấy, để được sống với những khoảnh khắc tuyệt vời đó mãi mãi.
Một số người hỏi tôi rằng liệu có phải cảm giác lướt sóng cũng giống như cảm giác khi chúng ta ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc trong một khu vui chơi, thứ cảm giác phấn khích pha lẫn sợ hãi và nhốn nháo trong dạ dày không. Đúng vậy, đôi khi tôi cũng cảm thấy như thế. Nhưng tất cả những cảm giác đó chỉ là một phần sự thú vị mà bạn cảm thấy khi bạn lướt sóng mà thôi. Lướt sóng không chỉ mang lại cảm giác phấn khích. Lướt sóng tạo nên một lực thúc đẩy, khiến cả thể xác lẫn tâm hồn của bạn hoạt động.
Vậy nên đó là lý do tôi lướt sóng. Đó là lý do tại sao tôi chịu đựng được khi hai cánh tay mình đau nhức và yếu đến nỗi tôi có cảm giác chúng chỉ như những sợi bún ướt. Đó là lý do tại sao mỗi ngày tôi đều chấp nhận uống hàng lít nước muối và chịu khó dậy từ sáng sớm tinh mơ.
Đó là lý do tại sao tôi lướt sóng.
Sống trong một thế giới của những điều không lường trước được
"Vậy còn về cá mập thì sao?", đây là câu hỏi mà dân lướt sóng bị hỏi không biết bao nhiêu lần cho hết, nhất là từ những người chơi những môn thể thao không liên quan đến biển. Câu trả lời thông thường là tùy số phận thôi, kiểu như "điều gì đến sẽ phải đến": "Ồ, nếu số bạn may mắn thì…". Tôi ư? Khi người ta hỏi tôi câu đó, tôi thường nhún vai và cố không nghĩ đến nó.
Tôi thực sự không cố tình làm ra vẻ can đảm đâu. Chỉ là nếu lúc nào bạn cũng nghĩ đến những khả năng xấu thì bạn sẽ tự tước đi của mình niềm vui mà môn thể thao này mang lại cho bạn. Ngoài ra, cứ thắc mắc về chuyện không hay như vậy thì chẳng khác nào kiểu hỏi tới: "Điều gì sẽ xảy ra nếu cái tàu lượn siêu tốc trật khỏi đường ray?". Hay như cứ kiểu thắc thỏm về điều sẽ xảy ra nếu bạn bị tông xe, bị tai nạn trong khi đang chạy bộ, hoặc bị ngã gãy cổ trong khi đang trượt tuyết, đang leo núi hoặc bị một con rắn chuông cắn trong khi đang đi bộ đường dài.
Mong là các bạn có thể hiểu ý tôi: Cuộc sống đầy rẫy những điều không thể lường trước được. Bạn không thể để nỗi băn khoăn điều gì sẽ xảy ra, nếu cản trở mình. Nếu bạn để cho nó cản trở bạn thì không phải bạn đang sống thực sự mà bạn chỉ đang tồn tại một cách vô nghĩa mà thôi.
Vậy nên bạn hãy cứ chơi, hãy cứ tham gia các hoạt động một cách khôn ngoan, nhưng phải cẩn thận và biết lường trước những rủi ro. Một số người lướt sóng sẽ cẩn trọng, không lướt sóng vào lúc trời tối hoặc lúc bình minh ở những nơi được cho là có cá mập. Nhiều người không lướt sóng khi không có bạn cùng lướt với mình, bởi vì cái cảm giác mình là con mồi duy nhất ở một bãi lướt sóng làm họ rợn tóc gáy.
Bất cứ người lướt sóng nào bị những vết thương gây chảy máu do đá ngầm hay ván lướt đều được coi là người có nguy cơ gặp phải cá mập và được khuyên phải vào bờ ngay lập tức (những con cá mập có thể ngửi thấy mùi máu trong nước từ khoảng cách rất xa và nhanh chóng tìm đến chỗ người bị thương). Thực tế là hầu hết những người lướt sóng, ngay cả những vận động viên kỳ cựu, đều chưa từng nhìn thấy một con cá mập nào trong khi họ đang ở dưới nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có cá mập ở vùng biển mà họ đang lướt sóng. Rất hiếm khi những con cá mập trong thế giới tự nhiên nhô lên khỏi mặt nước để lộ vây lưng của chúng, ngoại trừ trong những bộ phim Hollywood, chẳng hạn như phim Hàm cá mập (Jaws) – chúng thường chỉ như một cái bóng, lướt nhanh như tên bắn phía dưới đôi chân người lướt sóng đang đung đưa trên ván. Chúng thích di chuyển một cách lặng lẽ và lén lút dưới nước, tạo ra một sự bất ngờ tuyệt đối đối với các con mồi của chúng.
Lịch sử của môn lướt sóng
Lịch sử của môn lướt sóng là điều mà tất cả những người lướt sóng đều lấy làm tự hào. Chuyện đó quan trọng chẳng kém gì sự kiện con tàu mang tên Mayflower đưa những người Anh di cư đầu tiên cập cảng Plymouth của lục địa Bắc Mỹ. Sau đây là một số điểm đáng lưu ý trong lịch sử môn thể thao này:
* Mark Twain đã thử lướt sóng trong một chuyến thăm Hawaii vào thế kỷ 19. Ông nhận thấy rằng việc đó khó hơn ông tưởng
nhiều (ván lướt đi một đằng, Mark Twain đi một nẻo), và như những người lướt sóng nói, ông "bó tay" còn bài học lướt sóng thì chấm hết!
* Những người phương Tây đầu tiên để mắt đến những bãi lướt sóng là thủy thủ đoàn của tàu Endeavor, con tàu do thuyền trưởng Cook chỉ huy.
* Không những thế, lịch sử còn cho chúng ta biết rằng những tù trưởng hay còn gọi là những "Alii" của Hawaii thời xưa nổi tiếng nhờ kỹ năng lướt sóng của mình. Rồi Hawaii ở thời kỳ sơ khai có một hệ thống đẳng cấp nghiêm ngặt, phân biệt giữa giới quý tộc và dân thường và những bãi lướt sóng tốt nhất cũng như loại ván lướt được làm bằng gỗ tốt nhất đều thuộc về vua chúa. Một số nhà sử học còn cho rằng thời ấy, chỉ có vua chúa mới được lướt sóng với tư thế đứng trong khi dân thường chỉ được lướt ván trong tư thế nằm sấp.
* Các bài hát được trình bày và các câu chuyện đã được kể để ngợi ca những người lướt sóng giỏi. Mãi cho tới khi ngựa được đưa đến Hawaii thì những cuộc thi đấu thể thao đều lấy lướt sóng làm trung tâm và trong đó những người dự thi cưỡi sóng sẽ vừa đua vừa cố loại đối thủ của mình bằng cách khiến họ ngã khỏi những con sóng.
* Người da trắng đầu tiên lướt sóng là một nhà truyền đạo. Vào thế kỷ 19, một nhà truyền đạo đã hăng hái thử lướt sóng trên một tấm ván gỗ koa ở bãi biển Nihau. Về sau, những người da trắng cũng lướt sóng cùng những người dân Hawaii bản xứ như những người bạn.
* Vào đầu thế kỷ 20, những người trẻ tuổi yêu thích các môn thể thao dưới nước của Hawaii đã tiếp thêm sinh lực cho môn lướt sóng. Với sự dẫn dắt của ngôi sao bơi lội Duke Kahanamoku từng dự thi Olympic, chàng trai George Freeth của bãi biển Waikiki và sự giúp đỡ của nhà văn nổi tiếng Jack London, môn lướt sóng trở thành một phần trong sự huyền bí mới ở Hawaii. Môn thể thao này khởi sắc trở lại và nhanh chóng bén rễ tại những cộng đồng dân cư biển đảo gần Hawaii.
* Chiến tranh Thế giới thứ 2 làm ảnh hưởng đến sự phát triển của môn thể thao này trong một thời gian nhưng đồng thời nó lại đưa nhiều người lính trẻ đến với những con sóng ở Waikiki. Trong khi chiến tranh làm chậm bước phát triển của môn lướt sóng, chính những kỹ thuật ra đời trong thời kỳ chiến tranh đã giúp cho môn thể thao này có một sự khởi sắc mới về sau bởi từ đây, những chiếc ván lướt nhẹ hơn đã ra đời. Nhờ đó, ván lướt sóng trở nên rẻ hơn và ngay cả người dân bình thường cũng có thể mua được.
* Cuối cùng, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood cuối cùng đã phát hiện ra môn thể thao này. Họ sử dụng đề tài lướt sóng trong âm nhạc và các bộ phim, và giới truyền thông đã tạo ra một sự mê cuồng về bất cứ thứ gì liên quan đến lướt sóng, thu hút sự quan tâm của mọi người đối với môn thể thao này.
* Nhiều người lướt sóng lớn tuổi phẫn nộ vì sự tràn vào của những "người ngoài" và đám "ngựa non háu đá" – cũng như tình trạng đông đúc của những bãi lướt sóng lẫn sự xâm nhập gây ảnh hưởng đến phong cách sống ung dung và mộc mạc của người dân bản địa. Một số khác lại nhìn thấy tiềm năng kinh doanh mà môn lướt sóng có thể mang lại và quyết định kiếm sống bằng cách gắn bó với môn thể thao mà họ yêu thích.
* Những nhà làm phim trẻ tuổi quan tâm đến đề tài lướt sóng bắt đầu hướng máy quay của mình về phía biển và tạo ra một loạt những bộ phim tài liệu, thường là những phim có nội dung vui nhộn. Những dự án phim kinh phí thấp đó được mang tới hết thành phố biển này đến thành phố biển khác, chiếu trong những hội trường hoặc các rạp chiếu phim cho đám đông gồm toàn dân lướt sóng xem.
* Những cuộc thi lướt sóng, sự xếp hạng và các hệ thống ghi điểm bắt đầu hình thành và phát triển, khi một số người gắn bó với môn thể thao này nhìn ra khả năng đưa nó vươn lên vị trí ngang bằng với các môn thể thao chuyên nghiệp khác. Nhưng khi mỗi người lướt sóng trẻ đăng ký tham dự một cuộc thi lướt sóng thì lại có một người trẻ khác quay lưng lại với sự chuyên nghiệp hóa môn thể thao này và cuộc tranh luận về vấn đề chuyên nghiệp hóa môn lướt sóng vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
* Các công ty may mặc – thường có xuất phát điểm là các cơ sở may của các gia đình có hiểu biết về môn lướt sóng – nhận thấy mình ngập chìm với các đơn đặt hàng khi mà cả đất nước muốn ngắm đám đông lướt sóng. Theo thời gian, các công ty như Hang Ten, Quiksilver, Rip Curl và Ocean Pacific trở thành các đơn vị kinh doanh phát triển mạnh cùng với văn hóa lướt sóng.
* Sự phát triển trong thiết kế và chất liệu đã mang đến một cuộc cách mạng cho loại ván lướt ngắn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20. Điều này giúp giảm bớt chiều dài và trọng lượng đối với ván lướt sóng và khiến cho môn thể thao này trở nên cuốn hút hơn đối với phụ nữ.
* Tiền bắt đầu được đổ vào môn thể thao này. Những nhà tài trợ lớn đứng ra trao giải thưởng bằng tiền cho những người chiến thắng trong các cuộc thi lướt sóng. Các công ty may mặc và những công ty sản xuất dụng cụ cho người lướt sóng bắt đầu trả thù lao cho những nam thanh niên lướt sóng giỏi (và thậm chí cả một số phụ nữ) để làm đại diện cho hãng của họ khi tham gia các cuộc thi lướt sóng.
* Những người lướt sóng thúc đẩy sự phát triển các kỹ thuật của môn lướt sóng lên cao đến mức mà chỉ một số ít những chuyên gia có thể điều khiển được những loại ván lướt có kích thước kỳ cục đến khó tin.