Tôi tin vào Đức Chúa Trời.
Niềm tin này không giống như cách một người tin vào những chân lý hiển nhiên như lực hấp dẫn hay mặt trời mọc vào buổi sáng. Ở đây, tôi muốn nói về đức tin tôi dành cho Chúa, niềm tin tâm linh.
Không một ai bắt tôi phải có niềm tin đó và tôi cũng không nghĩ bạn có thể hoặc nên ép buộc ai đó tin vào một điều gì đó. Quả là từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ đã dạy tôi những điều về Chúa và đọc cho tôi nghe những mẩu chuyện trong Kinh Thánh (chuyện của Jonah, chuyện Chúa Jesus đi trên mặt nước, về con thuyền của Noah, và mẩu chuyện về ba người Do Thái dũng cảm và lò lửa là những câu chuyện yêu thích của tôi). Chính bố mẹ cũng đảm bảo rằng tuần nào tôi cũng đi nhà thờ và học giáo lý đầy đủ. Nhưng chính tôi tự lựa chọn đức tin của mình – tin vào Chúa. Quá trình tôi nhận thức và đặt niềm tin vào Người là tự nguyện và tự nhiên. Đó là quan hệ cá nhân đặc sắc của mỗi con người với Chúa, một sự gắn bó đặc biệt giống như dấu vân tay nơi mỗi cá nhân là độc nhất vô nhị. Một số người không nghĩ nhiều đến những chuyện tin tưởng này trừ khi có điều gì đó khủng khiếp xảy ra với họ, hoặc giống như bố mẹ tôi – những người chỉ có được đức tin khi đã trưởng thành. Nhưng tôi có thể nhớ rằng mình đã đặt niềm tin nơi Chúa từ khi tôi còn nhỏ lắm, khi mới chỉ khoảng năm tuổi. Tôi biết đó là điều hiếm khi xảy ra với một con người – và một số người có thể coi chuyện đó hơi kỳ cục. Nhưng tôi không cảm thấy ngượng nghịu. Thậm chí, đối với tôi được gắn bó với Chúa còn quan trọng hơn cả việc lướt sóng.
Khi mọi người hỏi niềm tin dành cho Chúa đối với tôi có ý nghĩa như thế nào, tôi thường trả lời một cách ngắn gọn: "Là tất cả!". Đó là sự thật, cả trước và sau khi tôi bị cá mập tấn công. Và tôi thực sự tin rằng niềm tin này là một phần quan trọng giúp tôi vượt qua thử thách tưởng chừng không thể vượt qua nổi kia. Nó giúp tôi biết rằng cho dù bạn không có đầu mối để lý giải nguyên do dẫn đến chuyện không may trong cuộc sống của bạn, đấng ở trên cao vẫn luôn có một kế hoạch quan trọng và luôn trông nom bạn. Thật là nhẹ nhõm khi có thể đặt niềm tin của bạn nơi Chúa đáng kính.
Bố mẹ tôi trở thành những người theo Cơ Đốc giáo ít lâu sau khi họ kết hôn. Hai người tình cờ gặp những người bạn có cuộc sống thay đổi hoàn toàn theo cách tích cực khi họ trở thành những người có niềm tin. Điều đó thu hút bố mẹ tôi và vậy là họ bắt đầu đọc Kinh Thánh, gặp gỡ những người có đạo.
Nếu giờ đây bạn ghé thăm nhà chúng tôi, bạn sẽ thấy nhiều bằng chứng về niềm tin của cả gia đình tôi: âm nhạc của những ban nhạc theo Cơ Đốc giáo như Zoe Girl, Relient K, Cutlass; những cuốn Kinh Thánh; thậm chí cả những bộ phim như Những sự thay đổi (Changes) hoặc phim Mẫu vật (Specimen) vốn do những nhà lướt sóng theo đạo Cơ Đốc sản xuất. Chúng tôi tự hào về niềm tin tôn giáo của mình mặc dù tôi biết một số người không hiểu được điều này hoặc cho rằng chúng tôi sùng đạo quá mức. Nếu ai đó nghĩ như vậy thì cũng chẳng sao cả, bởi vì tôi không nghĩ mình cần phải giải thích hoặc xin lỗi khi là một người có niềm tin. Với lướt sóng cũng vậy: bạn không thể biết được những cảm giác về lướt sóng, những gì nó mang lại cho bạn trừ khi chính bạn cũng là người chơi môn thể thao này. Tất cả những gì tôi có thể nói là niềm tin mang đến một nền tảng vững chắc cho tất cả những gì tôi làm trong cuộc sống. Có niềm tin cũng giống như bạn có một ngôi nhà với phần móng vô cùng vững chắc.
Người truyền cảm hứng cho tôi
Một lần có người đề nghị tôi nêu tên một nhân vật lịch sử bất kỳ mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ, một nhân vật mà tôi xem là người truyền cảm hứng cho mình hoặc là hình mẫu để noi theo. Tôi phải nghĩ mất vài phút, bởi vì tôi biết nhiều người khiến tôi phải ngưỡng mộ. Tôi hoàn toàn có thể liệt kê ra một danh sách dài nhưng cuối cùng, tôi trả lời: "Cha Damien".
Không nhiều người biết Cha Damien là ai, ông đã làm gì, đặc biệt là những người không sống ở Hawaii. Tôi không biết nhiều về ông cho tới khi tôi xem một bộ phim về cuộc đời của ông ngay trước khi tôi bị cá mập tấn công. Đối với tôi, ông là một tấm gương về lòng trắc ẩn.
Tên thật của ông là Joseph Damien de Veuster, và ông là một trong những người anh hùng nổi tiếng nhất của Hawaii. Ông sinh ra ở Bỉ, cả ông và anh trai ông đều trở thành linh mục vào giữa thế kỷ 19. Anh trai của Damien là người có nhiệm vụ truyền giáo ở Hawaii nhưng không may lại ngã bệnh, và Damien đã đảm nhận nhiệm vụ thay anh mình. Trong thời gian đó, bệnh phong lan tràn trên khắp các đảo ở Hawaii. Đó là căn bệnh đáng sợ: người bị bệnh sẽ mất khả năng cảm giác ở các đầu ngón tay, ngón chân, vậy nên họ thường cắt phải hoặc làm bị thương các đầu ngón tay ngón chân của mình mà không biết, sau đó thì bị nhiễm trùng mà chết. Căn bệnh này cũng làm cho mặt của các bệnh nhân bị biến dạng. Vì thế, các bác sĩ và chính quyền không biết làm thế nào để điều trị căn bệnh nan y này và họ quyết định buộc tất cả những người bị bệnh phong đến sống ở một vùng xa xôi trên đảo Mokokai. Vậy là hàng nghìn người chen chúc nhau ở một nơi được gọi là nấm mồ sống. Ở đó, họ đợi cho đến khi cơ thể của mình bị căn bệnh hủy hoại và kết thúc sự sống.
Cha Damien đã xin được sống với cộng đồng của những người mắc bệnh phong ở Kalaupapa, nơi mà trong suốt mười sáu năm ông đã mang tình thương yêu và niềm hy vọng đến cho những phận người khốn khổ. Damien cuối cùng bị mắc bệnh phong và qua đời trong vòng tay của bạn bè và những người đồng cảnh ngộ. Chuyện đó xảy ra vào năm 1889. Cha Damien mất khi mới bốn mươi chín tuổi. Ông đã hy sinh mạng sống của mình để giúp đỡ những người đau khổ. Ông đã nghe theo Chúa, đấu tranh cho những người không thể tự đấu tranh cho bản thân mình, thậm chí đã từ bỏ tất cả để phục vụ họ.
Noi gương Cha Damien
Tôi đã từng dùng tiền riêng của mình cố gắng giúp đỡ một bé gái sáu tuổi ở El Salvador tên là Dennis Vanesa Saltos. Trong cuộc sống, đôi khi một số tiền nhỏ nhoi cũng có thể tạo nên một sự thay đổi lớn lao. Và tôi đang lập kế hoạch làm những điều khác để giúp những em nhỏ không có chân tay. Tôi muốn gặp gỡ càng nhiều người càng tốt để có thể chia sẻ với họ câu chuyện của mình, để có thể giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi và thiếu tự tin. Tôi đã trực tiếp trải nghiệm cảm giác sợ hãi, thiếu tự tin và giờ đây tôi là bằng chứng sống cho thấy không có rào cản nào, giới hạn thực sự nào – chỉ có những rào cản, giới hạn trong suy nghĩ của chúng ta mà thôi. Hàng năm, giáo xứ của chúng tôi khuyến khích những học sinh trung học tham gia giúp đỡ người nghèo ở Mexico. Giờ khi đã đến tuổi vào trung học, tôi thực sự trông mong được tham gia các hoạt động thiện nguyện như thế. Trong chuyến đi, chúng tôi không nói nhiều về Chúa vì hầu như không ai trong chúng tôi thạo tiếng Tây Ban Nha. Nhưng thay vì nói, chúng tôi làm những việc thiết thực để giúp mọi người thấy niềm tin của chúng tôi qua những việc làm đó. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng bất cứ cách nào có thể.
Chúng tôi, những thiếu niên ở đảo, cùng với một nhóm mang tên Spectrum Ministries ở San Diego đã đi tới những nơi xa nhất của những ngọn đồi ở Tijuana, nơi hàng nghìn người đang sống trong những túp lều, những lán trại tạm bợ, không có nước sạch và không được hưởng những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Ở những nơi đó, chúng tôi đã tham gia lắp đặt những buồng tắm lưu động và hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã xếp hàng để được tắm nước nóng và được thay quần áo vệ sinh. Chúng tôi cũng phát thức ăn, thuốc chữa bệnh cho người nghèo và thỉnh thoảng tham gia các trò chơi cùng với các bạn nhỏ ở các trại trẻ mồ côi.
Và nếu tôi phải chọn thêm một người mà tôi thực sự ngưỡng mộ thì liệu tôi sẽ chọn nhân vật nào của thời đại này? Tôi sẽ chọn Mel Gibson. Từ khi bị cá mập tấn công tôi đã gặp gỡ nhiều người nổi tiếng như nữ hoàng truyền thông Oprah, người dẫn chương trình và là diễn viên hài đã được trao bảy giải Grammy – Ellen DeGeneres, người dẫn chương trình thời sự nổi tiếng Peter Jennings, và tôi rất muốn được trò chuyện với Mel và nói cho ông biết rằng bộ phim Cuộc khổ nạn của Chúa (Passion of Christ) có ý nghĩa như thế nào với tôi, rằng bộ phim đã làm tôi rơi lệ vì cảm động. Mel đã làm bộ phim này bất chấp việc tất cả những người ở Hollywood – và ngay cả bạn bè của ông – đều nói với ông rằng ông dở hơi. Trong quá trình làm phim, ông không hề nghĩ mình đang lãng phí thời gian và tiền bạc. Ông dồn tâm huyết vào nó vì ông có niềm tin ở Chúa. Vì lẽ đó mà Mel đã trở thành một người truyền giáo theo cách riêng của ông – thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Theo tôi hiểu, điều mà một nhà truyền giáo đích thực làm là giúp truyền đi lời của Chúa thông qua những tấm gương tốt. Khi tôi tới phần lãnh thổ đất liền của Hoa Kỳ và nói về chuyện đã xảy ra với mình, tôi luôn cố nói điều gì đó về niềm tin vào Chúa của tôi. Tôi nói: "Chúa có rất nhiều điều mà Ngài có thể cho đi, nhiều hơn tất cả những gì thế gian này có thể cho. Và tôi có mặt ở đây là nhờ có Chúa, tôi nợ Ngài rất nhiều". Và thế là một số người nghe tôi nói đã được truyền cảm hứng và bắt đầu đọc Kinh Thánh hoặc đi nhà thờ, nhờ vậy cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp và phong phú hơn.
Có những chuyện như tai nạn của tôi đã xảy ra trong cuộc sống, và tôi hiểu rằng Chúa có thể sử dụng câu chuyện của tôi để giúp những người khác. Có lần một bạn gái (tôi không biết tên của bạn ấy) đến gặp và nói với tôi rằng bạn bị mắc bệnh ung thư. Bạn nhận thấy câu chuyện của tôi giúp bạn hiểu ra rằng mình không cần phải đầu hàng nghịch cảnh, nó làm cho bạn muốn đấu tranh để vượt qua. Bạn ấy nói với tôi: "Bây giờ mình đã thoát khỏi căn bệnh ung thư rồi". Tôi không nghĩ mình đã làm gì đó để chữa cho bạn ấy khỏi bệnh – chính bạn ấy đã tự chữa bệnh cho mình. Nhưng nếu câu chuyện của tôi làm cho bạn gái đó quyết tâm đấu tranh với căn bệnh và chiến thắng nó bằng sức mạnh và ý chí của mình thì với tôi, thế cũng đủ rồi.
Một lần khác, tôi nhận được một bức thư điện tử của một bạn nhỏ bị mất một cánh tay. Cậu ấy là học sinh lớp tám ở Raleigh, Bắc Carolina và cậu cũng giống tôi, cậu là con người của thể thao – chỉ có điều môn thể thao yêu thích của cậu ấy là wakeboarding (tức môn mà một chiếc thuyền hay ca-nô kéo bạn đi, còn nhiệm vụ của bạn là cưỡi một chiếc ván trượt trên mặt nước, thỉnh thoảng có thể phải vượt qua các chướng ngại vật trên đường đi). Cậu ấy thậm chí cũng học chơi ghi-ta giống như tôi đã học trước khi bị cá mập tấn công. Một phụ nữ viết thư cho tôi biết rằng Logan khá buồn nản, và cô hy vọng rằng tôi có thể khích lệ tinh thần cậu ấy. Tôi gọi điện thoại đến nhà cậu ấy và nói: "Chào Logan, mình là Bethany Hamilton ở Kauai, Hawaii. Bạn có thể đã nghe được chuyện mình bị cá mập tấn công và mất một cánh tay rồi".
"Đúng vậy", cậu nói khẽ.
"Mình chỉ muốn bạn biết rằng mình đang lướt sóng ở đội tuyển quốc gia mặc dù mình chỉ còn một cánh tay".