Mike Wellman có một cửa hàng ở thung lũng Waimea, phía Tây đảo Kauai. Ở đó, ông làm ra những chiếc ván lướt sóng rất đẹp – trong đó có những chiếc ván lướt đẹp nhất mà tôi từng thấy. Trong khi chế tác ván, tay ông lướt cái bào trên mặt ván rộng và cứ mỗi lần như thế, một lớp bụi xốp như những bông tuyết bay lên trong không khí. Thật đẹp mắt! Ông thực sự là một nghệ nhân.
Mike có lẽ đã tạo ra hàng trăm chiếc ván lướt sóng, nhưng ông nói với tôi rằng có một chiếc không giống tất cả những chiếc khác. Nó được làm với tinh thần aloha dành riêng cho tôi, và tôi biết ông đã dồn cả tâm huyết để làm ra chiếc ván đó.
Đối với những người dân Hawaii, từ aloha không chỉ có nghĩa là một lời chào. Theo truyền thống xa xưa của người Hawaii, nó còn mang ý nghĩa của sự quan tâm và yêu mến một người dành cho người khác mà không mong đợi sự đáp lại. Nó có nghĩa là bạn làm điều gì đó với sự trong sáng vô tư của trái tim. Và như thế, aloha có nghĩa là tình yêu – không phải chỉ là tình yêu lứa đôi lãng mạn mà còn là tình yêu quên mình dành cho người khác. Tôi có thể lấy việc làm của những người ở giáo xứ chúng tôi làm ví dụ: Khi trở về nhà sau những ngày nghỉ ngơi ở Anahola, gia đình tôi phát hiện ra rằng những người cùng sinh hoạt với chúng tôi ở nhà thờ đã lặng lẽ đến nhà chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ nơi chúng tôi ở và đặt hoa ở khắp mọi chỗ. Tôi thực sự bất ngờ. Trong hai tuần, tối nào cũng có người đến nhà đề nghị giúp đỡ chúng tôi việc này việc kia. Mọi người ghé qua để bày tỏ rằng họ sẵn sàng giúp đỡ với tất cả những gì có thể. Tôi cũng thực sự xúc động khi thấy rất nhiều người muốn quyên tiền giúp đỡ gia đình tôi. Khi đó không ai biết viện phí và các chi phí thuốc men của tôi là bao nhiêu, thậm chí mọi người còn không biết liệu tôi có bảo hiểm y tế hay không, rồi nếu có thì bố mẹ tôi còn phải trả bao nhiêu. (Xin các bạn nhớ rằng bố tôi chỉ là người phục vụ bàn còn mẹ tôi lau dọn cho những căn hộ cho thuê, vậy nên chúng tôi thực sự không có nhiều tiền tiết kiệm lớn trong ngân hàng). Mọi người cũng cố giúp đỡ gia đình tôi lo các chi phí trong tương lai và quyên góp để tôi được lắp cánh tay giả. Họ đoán rằng chúng tôi hẳn phải cần tới vài trăm nghìn đô-la. Và điều thú vị là không ai dùng đến lời nói để hỏi, tất cả chỉ cần quan sát là đã biết được hoàn cảnh của gia đình tôi. Không ít người đã nói: "Tôi muốn giúp đỡ gia đình này. Họ thực sự đang cần được giúp đỡ".
Những người hảo tâm góp được 75 nghìn đô-la giúp chúng tôi trang trải các chi phí phát sinh từ vụ tai nạn tôi gặp phải. Bạn có thể tin điều đó không? Chúng tôi không thể tin mọi người lại giúp chúng tôi có được một khoản tiền lớn như vậy. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy mình được yêu mến, được quan tâm. Jill Smith đã tổ chức một sự kiện và không hề khó khăn để thu hút sự tham gia của các cư dân trên đảo. Công ty Rip Curl cũng tham gia và giúp cho sự kiện lan tỏa.
Vào Chủ nhật, ngày 15 tháng 11, chỉ vài tuần sau khi tôi bị cá mập tấn công, hàng trăm người – ôi thật khó mà đếm chính xác được vì có quá nhiều người trên đảo đã cùng kéo đến Marriot Grand Ballroom vào buổi chiều để tham dự một cuộc đấu giá nhằm thu tiền giúp đỡ gia đình tôi. Trong số hơn 500 đồ vật tại buổi đấu giá, có các tác phẩm nghệ thuật, quần áo, những trang thiết bị được quyên góp từ mọi cửa hàng bán dụng cụ lướt sóng trên đảo và những thứ ấy được chất đầy những chiếc bàn trong một hội trường lớn.
Khi đó tôi vẫn còn trong lúc nghỉ ngơi, dưỡng sức nên mọi người quyết định rằng tôi sẽ không tham dự sự kiện đó. Điều này khiến tôi tiu nghỉu vì tôi là típ người không bao giờ muốn bỏ lỡ một sự kiện vui vẻ nào – đặc biệt là sự kiện được tổ chức vì tôi. Những bộ phim về lướt sóng được chiếu không ngừng trên màn hình lớn, còn những chiếc ván lướt sóng mới bóng loáng được xếp dọc tường sẵn sàng cho buổi đấu giá, trong số đó có chiếc ván lướt mà Mike đã tạo tác cùng một chiếc ván lướt từ một bộ sưu tập của nhà vô địch thế giới môn lướt sóng Andy Irons(1). Nhưng cuộc đấu giá đó không chỉ có những thứ liên quan đến môn lướt sóng mà còn có cả một thùng rượu vang ngon, một bộ sưu tập đĩa CD, vé tham dự một chuyến du lịch ở khu nghỉ mát Princeville, những phiếu đi mát-xa,…
Trên sân khấu lớn, những vận động viên nổi tiếng nhất của đảo như huyền thoại lướt sóng Titus Kinimaka, Malani Bilyeu, Kanaloa, Tommy và Malia đang chủ trì chương trình. Còn ca sĩ được coi là biểu tượng của nhạc rock, Graham Nash – người mà tên tuổi gắn liền với ban nhạc The Hollies, ban nhạc huyền thoại Crosby, Stills and Nash – cũng đến biểu diễn vì tôi. Bố tôi đã rất bối rối: ông nói với tôi rằng ông chưa bao giờ thấy mọi người trên đảo tập trung lại với nhau như thế này vì cùng một mục đích kể từ sau thảm họa bão Iniki xảy ra vào năm 1992, thảm họa tàn phá gần như toàn bộ Kauai. Chẳng ai ngờ rằng tôi cũng có thể quan trọng ngang tầm một thảm họa thiên nhiên chứ!
Không những thế, buổi chiều ngày hôm đó quả là sự kết hợp đầy ngạc nhiên giữa những nhóm người vốn khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp, vị trí trong xã hội, phong cách thời trang,… Tất cả đến vì cùng chung một mục đích: giúp đỡ Bethany Hamilton. Những vận động viên lướt sóng trẻ mặc áo phông và quần soóc xuất hiện xen lẫn những chủ ngân hàng, những bác sĩ, những nhà kinh doanh địa ốc ăn mặc sang trọng. Những chiếc xe hơi hoang dã của dân lướt sóng đỗ bên cạnh những chiếc Lexus SUV ở bãi đỗ xe. Và tất cả những thành viên thuộc đội lướt sóng Hanalei của tôi đều có mặt với những chiếc áo phông có in dòng chữ "Những người bạn của Bethany Hamilton", cùng với hình tôi đang lướt sóng và một bông hoa dâm bụt màu vàng – một biểu tượng truyền thống của quần đảo Hawaii. Hơn hai nghìn chiếc áo phông như vậy được bán hết trong vòng chưa đầy hai giờ.
Hoạt động đấu giá diễn ra nhanh chóng và sôi động: hai người đàn ông bắt đầu một cuộc cạnh tranh để giành quyền sở hữu một chiếc ván lướt sóng, và cuối cùng chiếc ván đó đã được bán với giá hai nghìn đô-la, mức giá cao nhất được trả cho một món đồ trong đêm đấu giá. Tối hôm đó, mọi người, thậm chí có cả những người tôi không hề quen biết, đã tập trung tại khách sạn và tham gia buổi đấu giá ấy vì tôi. Sự kiện gây xúc động đó đã khiến tôi nghĩ: "Tại sao lại là mình?". Trong thâm tâm mình, tôi không chắc liệu mình có xứng đáng được nhận tất cả sự quan tâm, giúp đỡ đó hay không. Nhưng hơn hết, nó khiến tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu tôi có cơ hội giúp đỡ ai đó thì tôi cũng sẽ sẵn sàng làm mà không chần chừ.
Những người bạn cùng sinh hoạt ở nhà thờ với tôi hiểu tầm quan trọng của việc đáp lại lòng tốt và sự quan tâm mà mọi người, trong đó có những người tôi không quen biết, đã dành cho tôi. Thật sự, có chút gì đó không dễ chịu, thậm chí khó tránh khỏi cảm giác xấu hổ, khi được mọi người đối xử như một trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đón nhận sự giúp đỡ với thái độ biết ơn và bất cứ khi nào có cơ hội, ta sẽ lại giúp đỡ những người gặp khó khăn khác.
Những lời chúc sức khỏe đến từ khắp thế giới
Tinh thần quan tâm và yêu quý người khác một cách vô tư không chỉ đến với tôi từ những người dân Hawaii. Từ khắp nơi trên đất Mỹ, thậm chí trên khắp thế giới, nhiều người đã biết câu chuyện của tôi qua báo chí và họ cảm động đến mức đã gửi những tấm thiệp tới địa chỉ mà anh Noah đã đăng trên trang web của tôi. Những bạn học sinh gửi cho tôi những tấm thiệp họ tự vẽ và những lời chúc sức khỏe thật thân ái và ấm áp.
Những người thân của tôi ngạc nhiên khi thấy hàng nghìn bức thư được gửi vào hộp thư của họ. Làm thế nào họ có thể đọc tất cả từng ấy thư, chứ chưa nói đến việc hồi âm cho từng người? Nhưng người thân của tôi đã cố gắng mở tất cả những lá thư ấy, đọc những lời chúc tốt đẹp, tìm thấy những tấm ngân phiếu hoặc tiền mặt, đôi khi là những khoản tiền hàng trăm đô-la, có khi là một tờ năm đô-la được bỏ trong những phong bì thư,... Tất cả chúng tôi đều bối rối trước những gì đang diễn ra. Chúng tôi có thể hiểu được về tinh thần aloha mà những cư dân Kauai đã dành cho chúng tôi – sự thật là nếu tai nạn đó xảy ra với bất cứ ai mà chúng tôi biết, chúng tôi cũng sẽ làm như thế. Nhưng trước tất cả lòng tốt đến với tôi từ những người biết câu chuyện của tôi qua báo chí thì sao nhỉ? Chúng tôi thực sự kinh ngạc.
Trong những cuộc chuyện trò tại bàn ăn, chúng tôi thường bàn về chuyện đó, rằng tại sao tôi lại nhận được nhiều sự quan tâm đến như vậy. Tôi là người có sự tin tưởng sâu sắc rằng hầu hết mọi người trên thế giới này đều thực sự tốt bụng, hào phóng, giàu lòng nhân ái, và những gì diễn ra đã chứng minh cho niềm tin đó của tôi: Tôi nghĩ rằng mọi người biết chuyện về một cô bé bị cá mập cắn mất một cánh tay và họ muốn giúp đỡ bằng những hành động nhỏ thiết thực. Còn theo mẹ tôi thì có thể nhiều người đã mang trong mình niềm tin sâu sắc dành cho Chúa và họ muốn khích lệ tôi bởi vì tôi đã bày tỏ một cách thật cởi mở về niềm tin của mình.
Và bố tôi thì nghĩ gì về chuyện này? Ông nghĩ rằng đó là vì quá nhiều người đã để cho những khó khăn, nghịch cảnh làm bản thân họ chán nản, tuyệt vọng và luôn nghĩ "mình thật bất hạnh" trong khi tôi lại quyết tâm giành lấy sự sống mà con cá mập đó đã cố cướp đi. Không than vãn, không ủ ê – chỉ tập trung tiến lên, tiến lên, tiến lên phía trước! Vậy nên bố nghĩ có thể tôi đã tạo cho họ một cú hích mà họ cần để đứng dậy khi những tai ương của cuộc sống làm họ quỵ ngã. Cuối cùng, cả nhà tôi cùng kết luận rằng dù không biết được lý do thực sự khiến nhiều người viết thư, cầu nguyện, giúp đỡ chúng tôi bằng vật chất như vậy, chúng tôi vẫn rất biết ơn từng người một vì sự quan tâm và hỗ trợ họ đã dành cho tôi.
Một tổ chức mang tên Hãy cứu lấy biển đã biết câu chuyện của tôi và đã nghe tôi nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu tôi không thể lướt sóng nữa, có thể tôi sẽ trở thành nhiếp ảnh gia chuyên chụp cảnh lướt sóng. Vậy là họ đề nghị cử người đến hướng dẫn tôi kỹ thuật chụp ảnh, cũng như giúp tôi tham gia khóa học đặc biệt về chụp ảnh dưới nước. Đó là một đề nghị thú vị và hấp dẫn đến mức có lẽ tôi sẽ nhận lời khi đỡ bận hơn.
Trong lúc này, tôi đang cố làm từng việc một. Mẹ tôi bắt đầu tạo một cuốn sổ lớn và lưu lại tất cả những bài báo giấy viết về tôi, hầu hết những bài báo đó khá chân thực. Vài năm sau, nếu mở cuốn sổ đó ra xem lại thì có thể sẽ thấy thật thú vị. Còn bây giờ, chúng tôi vẫn đang bổ sung thêm những trang mới cho nó.