Ngay khi rời khỏi bệnh viện, tôi đã thấy dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc sống của mình sẽ không bao giờ còn giống như trước nữa. Thay vì ra khỏi bệnh viện theo lối cổng chính, chúng tôi phải đi qua những hành lang lắt léo chẳng khác gì mê cung và phải rời bệnh viện một cách lặng lẽ bằng lối cửa sau.
Bảo vệ của bệnh viện đi cùng chúng tôi, và khi chúng tôi lên xe riêng, có hai cảnh sát đi theo sau hộ tống chúng tôi tới một căn nhà ở Anahola nơi tôi bí mật tiếp tục quá trình phục hồi.
Bố mẹ tôi giải thích với tôi rằng có một đám đông các phóng viên của báo chí và đài truyền hình đang chờ chực để chĩa micro vào mặt tôi. Mẹ tôi không thích đời sống riêng tư của chúng tôi bị xâm phạm, mẹ chỉ muốn tôi mau khỏe và không phải đối mặt với cả triệu câu hỏi. Bà là mẹ và một người mẹ thì luôn muốn bảo vệ con gái mình. Thực lòng mà nói, tôi thực sự không thích trở thành tâm điểm của sự chú ý. Đó là một cảm giác kỳ cục, có lẽ chẳng khác nào sống trong một bể cá.
Giờ đây tôi đi đâu mọi người cũng gọi tên tôi và muốn đến nói chuyện với tôi. Tôi đã trở thành người nổi tiếng, nhưng tôi không cảm thấy thoải mái vì điều đó lắm, mặc dù chịu đựng sự phiền hà này vốn là lựa chọn của tôi. Sau khi bị cá mập tấn công, tôi đáng ra có thể chọn im lặng và không xuất hiện trên truyền hình nhưng tôi đã làm khác. Đôi khi bạn lựa chọn và bạn không biết được chính xác những gì sẽ đến cùng với nó.
Sự lựa chọn đó được định đoạt khi tôi ngồi cùng với gia đình và một số người bạn thân thiết trong ngôi nhà bên bờ biển ở Anahola. Tôi đã quyết định rằng tôi sẵn sàng xuất hiện trên truyền hình và kể lại câu chuyện của mình, đặc biệt là để tôi có thể tự do chia sẻ cho mọi người biết về niềm tin mà tôi dành cho Chúa, rằng Người đã giúp tôi trong cơn hoạn nạn như thế nào.
Bố mẹ tôi để cho tôi tự quyết định. Nếu tôi muốn được yên tĩnh, tránh giới truyền thông, bố mẹ cũng nhất trí. Và thậm chí bây giờ, tôi nghĩ rằng nếu tôi quyết định không muốn tham gia một cuộc phỏng vấn nào nữa trong suốt cuộc đời mình thì bố mẹ cũng ủng hộ tôi. Mẹ tôi lo rằng sự quảng cáo của truyền thông có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, không chỉ đối với tôi mà với tất cả chúng tôi. Nhưng "Con đồng ý làm phỏng vấn, chỉ cần bố mẹ và mọi người ở đây tin rằng Chúa đang muốn con làm điều đó", tôi nói với mẹ. Và rồi mọi chuyện xảy ra rất nhanh: trong một số cuộc phỏng vấn tôi đã ít nhiều bày tỏ niềm tin của mình, nói rằng Chúa có một kế hoạch dành cho tôi.
Thực tế là thế này: một câu chuyện về cá mập cuốn hút mọi người. Tôi phải thừa nhận rằng trước khi tôi bị cá mập tấn công, tôi thích xem các chương trình truyền hình về cá mập và loạt phim Hàm cá mập (còn bây giờ tôi không thích xem chúng nữa). Mọi người hay hỏi tôi những câu hỏi đại loại như: "Bị cá mập cắn có đau không?" (Không đau lắm đâu), "Lúc bị cá mập cắn bạn nghĩ gì?" (Tôi nghĩ mình phải vào bờ thật nhanh!), rồi "Bạn có nhìn thấy con cá mập đã cắn mình không?" (Tôi nhìn không rõ lắm). Và nhiều nhất là câu hỏi này: "Bạn có sợ việc quay trở lại biển không?" (Không sợ lắm, nhưng thỉnh thoảng tôi có rùng mình). Tôi không cố dựng lên một vở kịch nhằm đánh bóng tên tuổi mình quanh vụ cá mập tấn công. Tôi thích tập trung vào những gì Chúa đã cho phép tôi làm trong việc nhặt nhạnh những mảnh ghép của cuộc sống trước đây của tôi và dần thích nghi với những mảnh ghép mới, những thay đổi trong cuộc sống của tôi sau tai nạn. Hơn hết, tôi muốn sử dụng câu chuyện của mình như một cách để nói với mọi người về Chúa. Dường như Người quyết định để cho tôi trở thành tâm điểm chú ý trong tích tắc và vì thế, tôi nên tận dụng cơ hội đó khi còn có thể.
Trong một tuần, tôi nhận được hết đống thư này đến đống thư khác. Tôi cố gắng đọc nhiều thư nhất có thể, nhưng tôi không thể hồi âm tất cả những bức thư đó được. Nếu tôi làm như vậy thì tôi sẽ bận ngập đầu suốt hai mươi tư tiếng trong ngày. Nhưng vì gia đình tôi và tôi thống nhất là sẽ nắm lấy cơ hội này để tôi nói với mọi người về niềm tin của mình, chúng tôi quyết định cần phải hợp tác với giới truyền thông. Vậy nên chúng tôi gọi điện cho một số người bạn để nhờ họ cố vấn và giúp đỡ.
Chương trình truyền hình đầu tiên mà tôi tham dự với tư cách khách mời là chương trình 20/20. Phải mất nhiều giờ làm phim cho một phóng sự mà khi lên sóng chỉ kéo dài mười phút. Chris Cuomo bay đến Hawaii để phỏng vấn tôi, hỏi tôi đủ mọi câu hỏi: Lúc đó cô đang ở chỗ nào? Lúc ấy cô đang làm gì? Lúc ấy cô cảm thấy như thế nào? Cô có sợ không? Và nhiều câu hỏi khác, nhiều đến nỗi tôi phải thú thật là khiến tôi thấy bực mình. Tôi cảm thấy như thể mình đang bị hỏi cung!
Sau đó tôi nhận được nhiều cuộc phỏng vấn qua điện thoại và tôi phải kể đi kể lại câu chuyện của mình cả triệu lần (hoặc ít nhất đó cũng là cảm giác của tôi sau bao cuộc phỏng vấn). Sang đến tuần thứ hai của tháng Mười một, tôi đã được (bị) phỏng vấn với các chương trình Inside Edition, Tạp chí Life, Sports Illustrated, The Early Show, Good Morning America, The Today Show và cả CNN Live. Tôi trở thành nhân vật ưa thích của mọi người, do hầu như ai ai cũng hỏi về mỗi một chuyện nên tôi cũng trở nên lão luyện khi kể câu chuyện của mình. Chỉ có một vấn đề: mọi việc dần trở nên buồn tẻ và thậm chí nhiều lần còn đáng thất vọng, bởi vì tôi ngán phải nói về bản thân!
Nhưng không phải mọi cuộc phỏng vấn đều là sự tra tấn. Một lần tôi nhận được điện thoại từ một người đàn ông từng giành giải thưởng trong cuộc thi Pipeline Masters(2). Tên ông là Joey Buran, và ông vẫn vừa lướt sóng vừa làm mục sư ở California. Trò chuyện với ông thật thú vị bởi vì ông thực sự hiểu tôi. Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn nhất của các phóng viên là họ gặp khó khăn trong việc tìm ra những câu hỏi thích hợp, họ không thực sự hiểu những gì tôi làm và lý do nào mà tôi lại làm thế. Vậy nên dù họ có kỹ năng nghiệp vụ thì vẫn rất khó để họ hiểu và thông cảm với tôi – cứ như thể tôi và họ có bất đồng ngôn ngữ ấy.
Người nổi tiếng có bao giờ ngủ không?
Vài tháng sau khi bị cá mập tấn công, tôi đi nhiều nơi để trả lời phỏng vấn trên các chương trình truyền hình. Dạo ấy tôi làm khách mời của một chương trình truyền hình ở Los Angeles và sau đó bay đến thành phố New York để thực hiện nhiều chương trình khác nữa. Chúng tôi hạ cánh tại sân bay JFK lúc 10 giờ tối trong một trận bão tuyết và tôi cảm thấy không được khỏe: tôi bị sốt. Tất cả những người đi cùng tôi cũng bị ốm. Sân bay khi đó đầy ắp những người bực bội vì thời tiết xấu đã ghìm chân họ, khiến họ không thể khởi hành đúng giờ trong khi nhiều người khác thì không thể bắt được taxi để đến nơi họ muốn đến. Còn tôi thì sao? Tôi chưa bao giờ nhìn thấy tuyết, vì vậy tôi thực sự phấn khích!
Quyết định đi thăm bà con ở New Jersey, vậy nên gia đình tôi thuê một chiếc xe hơi và bắt đầu lái xe về phía Nam. Trên đường đi chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng. Tuyết rơi không ngừng và bố tôi bắt đầu bốc từng nắm tuyết thành những quả cầu tuyết ném vào tôi – điều đó thật không công bằng bởi vì tôi không thể chơi giỏi trò đó cùng bố khi chỉ còn một tay. Nhưng tôi nghĩ bố muốn thách thức tôi, bố biết tôi không bao giờ lùi bước trước một thách thức nào!
Ở New York, tôi bị cuốn vào hết cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác. Tôi là khách mời trong chương trình MTV, thông báo những video sắp được phát trong chương trình. Tôi đọc những điều được ghi sẵn trên một tấm biển lớn mà một trợ lý cầm sẵn. Tôi hy vọng những gì mình nói nghe không đến nỗi ngớ ngẩn!
Tại khách sạn, tôi được một chiếc xe Limousine đến đón, đưa tôi đến tham dự một chương trình truyền hình mà tôi làm khách mời. Trước đó tôi chưa từng ngồi trên một chiếc xe Limousine, và phải nói là tôi thích chiếc Beater cũ kỹ của chúng tôi hơn.
Trước khi bị cá mập cắn, tôi chưa từng đến một trường quay của đài truyền hình nào. Người ta gọi trường quay ở đài truyền hình là "phòng xanh lá" nhưng mười lần tôi có mặt ở một trường quay của đài truyền hình thì chín lần tôi thấy phòng ở đó không thực sự có màu xanh lá (tại sao họ lại gọi như vậy nhỉ?). Có những chỗ ngồi và những vị khách đang đợi đến lượt tên mình được gọi. Những căn phòng đầy đồ ăn, đồ uống (bất cứ món gì và tất cả mọi món mà bạn có thể tưởng tượng ra) cùng với một chiếc ti-vi để khách theo dõi chương trình truyền hình đang được phát sóng.
Quan sát những gì diễn ra tại trường quay của một đài truyền hình là một trải nghiệm khá thú vị. Khi bạn xem ti-vi, bạn chỉ thấy người dẫn chương trình và các khách mời, nhưng ở tại trường quay thì mới thấy có nhiều người khác ở xung quanh đến thế nào. Một số chương trình với các khán giả theo dõi trực tiếp sẽ có những tấm biển báo hiệu cho mọi người biết khi nào nên vỗ tay. Làm khách mời của một chương trình, bạn được chuyên viên làm tóc và trang điểm, và ban đầu tôi thấy khá căng thẳng khi bị các máy quay phim chĩa vào mình. Sau đó, khi đã ngồi vào ghế dành cho khách mời, họ chiếu đèn vào bạn, treo micro phía trên đầu bạn và thoạt đầu, tôi bị mất tập trung. Nhưng sau vài lần thì tôi đã quen hơn. Tôi phải gạt mọi chuyện khác đi, để tập trung vào cuộc trò chuyện và những câu hỏi.
Người đạo diễn phải đảm bảo mọi chuyện diễn ra theo đúng thời gian đã định, còn người dẫn chương trình được báo hiệu cho biết còn bao lâu thì hết giờ, nhưng vẫn có thể giữ cho cuộc trò chuyện diễn ra mà không mất bình tĩnh trước sức ép của thời gian.
Một số chương trình được ghi âm, ghi hình, biên tập để phát sóng vào một trong những ngày sau đó. Trong trường hợp ấy (giống như khi tôi tham gia chương trình 20/20 và chương trình Inside Edition) họ quay phim rất nhiều cảnh nhưng chỉ phát sóng một phần nhỏ. Họ không hỏi ý kiến của bạn về những đoạn nào nên bị cắt bỏ, đoạn nào họ sẽ giữ lại – vậy nên bạn chỉ còn cách cầu may và hy vọng cho điều tốt nhất.
Khi các bạn của tôi hỏi về điều mà tôi thấy là thú vị nhất khi đến New York, tôi luôn nói rằng có hai điều thú vị nhất đối với tôi. Đó là: (1) tuyết và tất cả những trò chơi liên quan đến tuyết, và (2) trà pha vị cam tươi được phục vụ miễn phí tại tháp Sheraton. Vậy thôi.
Tôi đoán rằng bạn có thể nghĩ chẳng lẽ tôi không bị ấn tượng trước thành phố lớn đó. Thật ra thì ở New York có nhiều người vô gia cư, và điều đó khiến tôi thực sự buồn. Những người làm chương trình MTV tạo cơ hội cho tôi tham gia những cuộc dạo phố tốn kém nhưng quả thực tôi không thấy thích thú chút nào với việc mua sắm tại những cửa hàng quá đắt đỏ ở đó. Trong khi chúng tôi đi mua sắm, tôi đi ngang qua một người phụ nữ đang ngồi bên cái nắp cống bốc hơi để sưởi ấm. Tôi cảm thấy thương bà và tôi muốn giúp bà bằng cách tặng bà chút đồ ăn trưa và một ít tiền. Những người đi cùng tôi phản ứng như thể đó là việc to tát lắm. Không phải vậy. Tôi nghĩ đó đơn giản chỉ là những gì mà Chúa muốn nói trong câu: "Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một trong những người cùng khổ này của anh
em ta, ấy là đã làm cho chính ta". Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều người ở New York có thể thản nhiên đi qua một người ốm yếu hoặc đang phải chịu rét mướt trên đường phố mà thậm chí không đưa mắt nhìn. Tôi không thể làm như vậy được. Tôi không thể quay mặt đi trước một người đang cần giúp đỡ. Ấy là chưa kể chỉ cần một hành động nhỏ của lòng tốt cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn.
Tôi xuất hiện trong chương trình của Oprah!
Nhiều người đối xử với chúng tôi rất tốt. Thậm chí Peter Jennings(3) còn mời cả gia đình tôi đến văn phòng của ông mặc dù tôi không làm phỏng vấn với ông. Từ New York, tôi đến Canada rồi Chicago để làm khách mời trong chương trình của Oprah(4). Giống như hầu hết những người làm truyền hình đã phỏng vấn tôi, Oprah rất dễ mến và tốt bụng, nhưng bà không phải là típ người có thể đi chơi và ăn kem với bạn sau buổi phỏng vấn. Nhưng tôi thực sự không mong đợi điều đó vậy nên tôi không hề thất vọng. Lúc đó tôi không hề nghĩ mình là người nổi tiếng nhưng quả thực, khi bạn xuất hiện trong tất cả những chương trình truyền hình có hàng triệu người xem và họ bỗng cảm thấy như thể bạn đến thăm nhà họ và họ biết bạn. Bạn trở thành người nổi tiếng, vậy đó.
Đối với tôi, toàn bộ việc được ghi nhận, trở nên "nổi tiếng" là một diễm phúc và là một phương thuốc. Tôi muốn cuộc đời mình có thể phục vụ người khác, làm nguồn khích lệ và động viên họ. Tuy nhiên, sự nổi tiếng cũng có mặt trái của nó: tôi có thể làm những gì tôi muốn, chỉ có điều việc tôi làm không tránh khỏi sự chú ý của người khác. Chẳng hạn, nếu tôi muốn đi chơi với các bạn của mình thì việc đó sẽ không hề dễ dàng khi những người lạ xuất hiện và muốn gặp tôi. Tôi muốn đối xử tốt với họ nhưng nói thật lòng, đôi khi tôi chỉ muốn lờ họ đi.
Làm khách mời của các cuộc phỏng vấn cũng ảnh hưởng đến việc tham gia các cuộc thi lướt sóng hoặc việc sinh hoạt ở nhà thờ lẫn thời gian vui chơi với bạn bè của tôi. Thậm chí việc học của tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, tôi phải học bù và phải học rất vất vả để hoàn thành chương trình học với kết quả tốt.
Tôi biết rằng Chúa đã đặt tôi vào một vị trí mà tôi có cơ hội để giúp đỡ người khác trên khắp thế giới. Và tôi luôn nhắc nhở bản thân mình, đến mười lần mỗi ngày (nếu không nhớ thì các anh của tôi phải nhắc tôi) rằng đây không chỉ là chuyện bản thân tôi được mọi người chú ý. Đây là vì lợi ích to lớn hơn thế, do vậy nếu tôi phải hy sinh hoặc phải tham gia nhiều cuộc phỏng vấn thì điều đó cũng đáng.
Làm ơn không xin chữ ký!
Sarah Hill và tôi được xếp ghế hạng nhất trong chuyến bay kéo dài sáu tiếng đồng hồ từ Kauai đến Los Angeles. Thật không dễ chịu chút nào khi phải ngồi trên máy bay lâu như vậy bởi vì chúng tôi hầu như không thể chợp mắt được. Nhưng chúng tôi thực hiện chuyến đi bởi vì tôi được mời đến trao giải thưởng Dove của Hiệp hội nhạc Gospel – giống như một giải Grammy của những người theo Cơ Đốc giáo. Tôi đang ở trong trạng thái
lâng lâng thì chị Sarah bỗng nhiên huých khuỷu tay vào sườn tôi và thì thầm: "Patrick Swayze ngồi ngay gần bọn mình và ông ấy cứ nhìn em suốt kìa. Chị nghĩ ông ấy biết em đấy". Điều chị nói khiến tôi bật cười thành tiếng. Patrick Swayze(5) biết tôi ư? "Ông ấy đang nhìn em kìa!", chị Sarah nói tiếp, "Em có muốn chị đưa cho em một mảnh giấy và một cây bút để em xin chữ ký của ông ấy không?".
"Không", tôi đáp.
"Tại sao không?", chị Sarah hỏi với vẻ lo lắng.
"Bởi vì chính em còn thấy chán chuyện người khác cứ hỏi xin chữ ký của mình mà", tôi nói với chị ấy.
Làm người nổi tiếng quả thực không dễ. Và tôi không giỏi làm người nổi tiếng. Khi tôi xem các cuộc phỏng vấn của mình trên truyền hình, tôi nhận thấy mình nói ấp a ấp úng, ậm à ậm ừ, hay ngọ nguậy, nhiều lần còn tròn mắt nhìn hoặc đưa ra những câu trả lời cộc lốc chỉ gồm một từ. Đôi khi tôi không có tâm trạng để nói. Và thường thì tôi chán phải kể đi kể lại một câu chuyện.
Nhưng tôi đã cố gắng để làm quen với những lời thì thầm và những cái nhìn không phải hướng vào một cô gái chỉ có một cánh tay mà hướng vào một cô gái là nạn nhân của một vụ cá mập tấn công. Không phải lúc nào mọi người cũng xử sự một cách nhã nhặn và dễ chịu. Có lần tôi đang đợi Sarah ở sân bay thì một người đàn ông bước tới hỏi tôi một cách vênh váo và thô lỗ: "Vậy là cô vẫn cứ lướt sóng ở Tunnels hả?". Tôi không thể chịu đựng được và cảm thấy lệ dâng lên trong mắt. "Anh ta nói vậy là có ý gì?", tôi hỏi Sarah sau khi chị ấy ném về phía người đàn ông kia cái nhìn mà dân Hawaii gọi là "cái nhìn phê phán". "Quên nó đi", chị bảo tôi. Nhưng nói thì dễ chứ làm mới khó. Sự châm chọc và những lời nói thô lỗ, vô cảm luôn làm tôi bị tổn thương. Khi tôi ở trên bãi biển, ở sân bay, trong các cửa hàng hay tiệm ăn, tôi luôn phải đối mặt với những người lạ: Họ bước tới và nói với tôi rằng tôi là "người truyền cảm hứng". Bữa ăn của tôi bị gián đoạn vì người ta muốn chụp ảnh với tôi. Thật lạ lùng!
Các bạn có biết lạ hơn thế là chuyện gì không? Nếu tôi là một vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp hàng đầu thì tôi cũng không được chú ý đến như vậy và có thể tôi cũng chỉ được biết đến trong cộng đồng của những người lướt sóng mà thôi. "Cậu không chỉ là một vận động viên lướt sóng", các bạn của tôi nói, "Giờ cậu là người mang đến hy vọng cho những người đã và đang phải đương đầu với trò đùa của số phận". Còn bạn, bạn nghĩ gì? Từng ấy trách nhiệm là quá nhiều với bất kỳ ai!
Thật may mắn, tôi có chỗ dựa vững chắc từ gia đình để giữ đầu óc sáng suốt. Tôi không tự cho mình là người quan trọng đáng được mọi người đối xử như VIP trong một góc nhỏ của mình trên thế giới và tôi thích cách sống vốn có của mình. Đối với bạn bè và gia đình, tôi chỉ là Bethany và không có gì thay đổi dù tôi bị mất cánh tay và trở thành nhân vật "gây sốt" đối với giới truyền thông.
Đây là thế giới thực, nơi con người yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, bất chấp những khuyết tật. Tôi thực sự hy vọng rằng Patrick Swayze may mắn có được một đội ủng hộ từ phía gia đình mình, những người cảm nhận và hướng về ông giống như cách gia đình tôi đối xử với tôi.