Tôi giống bố mẹ ở nhiều điểm.
Bố mẹ tôi là những con người tuyệt vời, luôn làm việc chăm chỉ để vươn tới những mục tiêu của mình. Tôi biết nhiều bạn tuổi "teen" nghĩ cha mẹ mình là những người đến từ hành tinh khác, nhưng tôi thực sự nghĩ bố mẹ tôi rất dễ chịu, dễ thương. Bố mẹ không chỉ động viên, giúp đỡ tôi trong tất cả mọi việc tôi muốn làm, mà còn truyền cảm hứng cho tôi trở thành một vận động viên lướt sóng giỏi, và quan trọng hơn, trở thành một người tử tế.
Bố tôi cực kỳ mê lướt sóng. Các bạn hãy thử hình dung mà xem (khi hình dung chuyện này tôi buồn cười lắm!): Đó là vào một mùa đông ở thành phố Ocean, bang New Jersey. Băng tuyết đóng thành cột ở các góc của những tòa nhà cao tầng, và tuyết bay thành những vòng xoáy quanh những lối đi, nhanh chóng lấp trắng lề đường, chất thành những đống lớn. Ai nấy đều cuộn mình trong những chiếc áo ấm để chống lại cái lạnh và phải gạt tuyết khỏi cửa xe hơi. Giữa trời tuyết lạnh như thế mà bố tôi,
Tom Hamilton, một chàng trai mười bảy tuổi gầy gò, đội ván lướt sóng trên đầu, lóp ngóp vượt qua những đống tuyết với cái đuôi mũ được kết bằng lông hải ly bay phất phới sau đầu. Bố mặc một bộ đồ lặn màu đen dày cộp và bôi thật nhiều kem Vaseline vào nách để khỏi bị lớp áo dày cọ vào làm trầy da. Trông giống hệt như nhân vật trong phim Ốc đảo Đen (Black Lagoon) ra mắt hồi năm 1954, bố vượt qua bão tuyết và mọi trở ngại để đến Tenth Street, bãi lướt sóng yêu thích của mình ở thành phố Ocean.
Ở đó bố gặp Monk, người bạn thân nhất của bố, và hai người đi qua bãi biển vắng bị sương giá và tuyết phủ trắng để lướt sóng trên biển Đại Tây Dương xám xịt trong điều kiện khắc nghiệt đến nỗi lông mày của họ đông cứng lại. Bố tôi và chú Monk bắt đầu lướt sóng cùng nhau từ khi còn nhỏ, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, vào mùa hè năm 1962. Chỉ trong vài năm, các chàng trai mới lớn ấy đã trở thành những "tín đồ" của môn lướt sóng.
"Vào mùa đông, bọn bố làm tất cả những gì mình có thể nghĩ ra để giữ ấm", bố tôi kể với tôi. "Không có dây bảo hiểm, vì vậy trong những tháng mùa đông nếu con ngã khỏi ván lướt thì việc bơi vào bờ sẽ khiến con lạnh khủng khiếp. Bố và các bạn của bố nghĩ ra cách rót nước nóng vào áo lặn trước khi đi lướt sóng để chống chọi với cái lạnh. Trên đường đi ra bãi biển, người đứa nào đứa nấy tỏa hơi như ấm pha trà."
Tôi luôn tự hỏi làm sao bố biết mình sinh ra để lướt sóng. Khi tôi hỏi bố, bố nói có lẽ định mệnh đã dắt tay ông và dẫn ông đến với những con sóng. Ông bà nội của tôi, George và Mary Hamilton, cùng bốn người con nhỏ của họ chuyển đến sống ở New Jersey một thời gian trước khi định cư tại thành phố Ocean. Trong khi ông tôi mở phòng khám nha khoa, bà tôi đảm bảo cho bố tôi và các em trai, em gái của bố được tham gia môn bơi lội thường xuyên. Một hôm ông tôi mang về cho bố tôi một chiếc ván lướt sóng. Đó là một mẫu ván lướt được sản xuất tại một nhà máy (chứ không phải ván lướt làm bằng tay) và được bán tại một cửa hàng đồ gia dụng. Chỉ cần thử một lần là bố tôi đã mê tít. Sau đó thì cảnh bố tôi và chú Monk lướt ván trên bãi biển ở Jersey trở thành cảnh thường thấy. Giá mà ông tôi biết được cái nghi thức hàng ngày đó được hình thành nhờ ông nhỉ!
Di cư
Năm 1968 bố tôi tốt nghiệp trung học Ocean City. Ông bà tôi thưởng cho bố một kỳ nghỉ ở bãi biển Manhattan, California, vậy là bố tôi tha hồ lướt sóng suốt cả mùa hè. Đó là món quà thú vị nhất mà bố tôi có thể tưởng tượng ra. Ở đó bố thỏa sức khám phá biển, trực tiếp "nếm" những con sóng mà trước đó bố mới chỉ nghe nói đến trên các tạp chí. Nhưng dạo đó có chiến tranh. Các chàng trai mười tám tuổi ở khắp nơi đều bị gọi nhập ngũ và họ lên tàu đến Việt Nam. Với hy vọng có thể tìm được cách ở lại tận hưởng thêm niềm đam mê lướt sóng, bố gia nhập lực lượng dự bị, nhưng chẳng bao lâu đơn vị dự bị cũng phải tham gia chiến tranh. Vậy nên để được sống với những con sóng, bố tôi đăng ký vào lực lượng hải quân. Năm 1970 bố được lệnh sang Việt Nam làm nhiệm vụ trên tàu quân sự. Tiếng súng đạn đã làm bố bị điếc vĩnh viễn.
Ở trên tàu, bố tôi gặp một thủy thủ trẻ đến từ Hawaii tên là Robby. Vì cả hai người đều mê lướt sóng nên họ nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Bố tôi ngẩn ngơ trước những câu chuyện về lướt sóng mà chú Robby dệt nên. "Khi nào chiến tranh kết thúc", chú Robby nói với bố tôi, "anh nhất định phải đến Hawaii đấy nhé!".
Vào dịp Giáng sinh 1971 bố tôi đến thăm đảo Hawaii lần đầu tiên. Bố yêu hòn đảo này ngay từ lần đầu ông nhìn thấy nó. Ai có thể cưỡng nổi những cơn gió nhiệt đới ấm áp, nước biển trong xanh mời gọi, những con sóng mùa đông cuồng nhiệt và phong cách sống thoải mái, tự nhiên của người dân ở Hawaii cơ chứ? "Một ngày nào đó…" – bố nói với chú Robby, thầm ước một điều trước những con sóng.
Vào thời điểm đó bố tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, California là nhà của bố. Bố sống ở San Diego, đi học tại Đại học Mesa Junior và tất nhiên, hễ rảnh rỗi lúc nào thì y như rằng bố lại đi lướt sóng ở khu Sunset Cliff. Nhưng đối với bố, tập trung cho việc học không phải là chuyện dễ. Tâm trí của bố lúc nào cũng để ở một nơi nào đó xa lắc xa lơ; bố tính tới việc quay trở lại Hawaii. Vậy là sau kỳ học thứ hai, mặc cho ông bà tôi nghĩ rằng bố đã mất trí, bố bỏ học, dùng chút tiền dành dụm được trong thời gian đi làm thêm để mua vé máy bay một chiều đến Hawaii, với một chiếc ba lô và một chiếc ván lướt sóng.
Bố tôi đến đảo Kauai. Từ sân bay, bố đi nhờ xe đến North Shore, ngồi trên thùng của một chiếc xe tải màu đỏ cũ kỹ chở đầy những thùng nước gạo cho lợn. Những cánh rừng ở phía ngoài thị trấn Hanalei đã bị dân lướt sóng vãng lai "chiếm đóng". Một vài người, chẳng hạn như nhà vô địch thế giới tương lai Margo Oberg và Steve, chồng của cô, quả thực đã dựng những ngôi nhà chắc chắn bằng gỗ và vải dầu ở trên cây. Những người khác sống gan góc hơn trong những chiếc lều dễ mọc nấm mốc vì điều kiệu môi trường ẩm thấp hoặc chấp nhận sống trong những chỗ trú ẩn tạm bợ. Nơi đó người ta gọi là Trại của Taylor, bởi đất mà những người đó chiếm dụng thuộc sở hữu của một người họ hàng của nữ diễn viên lừng danh Elizabeth Taylor.
Bố tôi là người chân ướt chân ráo đến Hawaii. Lo kiếm chỗ để che mưa che nắng và lướt sóng, bố chọn một con mương khá đẹp để gọi là nhà. Bố dựng một cái sàn gỗ để làm lều (dùng một miếng ván gỗ làm sàn tránh ẩm, dựng lều) và ngày nào cũng đi lướt sóng ở bãi Pauaeaka, bãi Tunnels, hoặc ở những nơi có sóng lớn quanh vịnh Hanalei. Nhưng vào đầu mùa mưa bố nhận được bài học đầu tiên: con mương thực sự là một dòng sông tiềm ẩn, một lần bố đi lướt sóng trở về thì phát hiện thấy "nhà" cùng tất cả tư trang, đồ đạc của mình đã bị nước cuốn trôi!
"Một nửa" xứng hợp… một thế giới xa lắc xa lơ
Trong khi bố tôi cố làm những ngón chân lạnh cóng của mình ấm lên ở New Jersey, thì ở đầu kia của lục địa, trong ánh mặt trời California ấm áp, mẹ của tôi, Cheri Lynch, và chị của mẹ, Debbie, đang kéo chiếc ván lướt nặng trịch mà họ đi thuê trên cát ở bãi biển Mission, một khu ven biển ở Bắc San Diego. Mẹ tôi khi đó mới mười hai tuổi, và vòng tay của mẹ gần như không đủ rộng để ôm quanh chiếc ván lướt to tướng.
Khi mẹ kể về những ngày đó – những ngày đầu mẹ học lướt sóng – tôi nghe như thể mẹ đang thật sự sống lại với những ngày ấy. Với bất cứ ai là dân lướt sóng thực sự, lần đầu tiên lướt sóng cũng là một sự kiện trọng đại trong đời. Tôi thích nghe mẹ mình kể về trải nghiệm đó, muốn biết mẹ đã xoay xở như thế nào, cảm giác của mẹ ra sao: khi nước xô vào thắt lưng của mẹ, mẹ quay mũi ván về phía bờ và cong người trên ván lướt, bắt đầu chèo ván một cách vụng về.
Một đợt sóng trắng xô tới, khiến ván lướt của mẹ trôi nhanh về phía bãi cát. Mẹ đứng lên và với thế đứng của người mới học lướt ván, mẹ lướt con sóng đầu tiên và cuối cùng của ngày hôm đó. "Đó là khoảnh khắc trọng đại của đời mẹ", mẹ thường nói với tôi như vậy. Và tôi hiểu mẹ muốn nói gì.
Lướt sóng là thứ gây nghiện, là sự lôi cuốn thú vị không thể tả được đối với bất cứ ai chưa được trải nghiệm nó. Và một khi môn thể thao này đã quyến rũ được bạn thì nó sẽ không để bạn rời bỏ nó. Mẹ tôi đã khiến ông bà ngoại tôi phát điên khi mẹ van nài họ lái xe chở mẹ trên quốc lộ số 8 tận hai mươi phút để đến bãi biển Pacific ở cuối phố Law Street để lướt sóng. Thật may, ông tôi, John Lynch, hồi đó là huấn luyện viên thể thao tại trường trung học San Diego. Và vì lịch huấn luyện hè của ông không bận lắm nên ông dễ dàng chở cả nhà (bà tôi, bác Dorothy, mẹ tôi, bác Debbie và dì Karen) trên chiếc xe của gia đình đến bãi biển và ở đó suốt những ngày hè.
Khi không lướt sóng, mẹ tôi thám hiểm các bãi đá ngầm được phủ đầy tảo bẹ của La Jolla để tìm bào ngư. Mẹ chẳng biết sợ là gì. Có những ngày, suốt cả buổi chiều mẹ và mấy chị em gái ở khu vực phố Marine tham gia những cuộc lướt ván nằm mạo hiểm mà người ta gọi là "body whomping" (một loại hình lướt sóng mà nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ bị con sóng quẳng mạnh vào cát một cách không thương tiếc). Vào thời đó còn hiếm con gái lướt sóng. Tham gia các câu lạc bộ lướt sóng chủ yếu là nam giới bởi vì lúc đó ván lướt được làm ra còn rất nặng và cồng kềnh. Người tham gia môn này bắt buộc phải bơi giỏi và không được sử dụng dây bảo hiểm. Bạn phải khỏe như vận động viên điền kinh thực thụ (do đó mẹ tôi cũng không ngại lướt sóng với các bạn chơi là nam giới). Thực ra, mẹ và các bạn của mẹ chẳng bận tâm đến điều đó: "Mẹ chẳng bao giờ phải tự mình mang cái ván lướt 9’6" màu vàng nặng trịch xuống bãi biển hoặc từ bãi biển vào sâu trong bờ", mẹ tôi hào hứng kể. "Luôn có một đám con trai xăng xái làm việc đó giúp mẹ".
Khi tốt nghiệp trung học, mẹ chuyển đến Planet Central, một nơi dành cho bất cứ ai là dân hippie, thích lướt sóng, trông có vẻ lập dị: bãi biển Ocean. Nhưng rồi cuối cùng mẹ cũng tìm đến Kauai. Sau khi quanh quẩn ở vùng Nam California và thử khám phá văn hóa trượt tuyết ở vùng núi Mammoth trong một thời gian ngắn, mẹ quyết định rằng mình cần một phong cách sống bớt sôi nổi hơn và trải nghiệm môn lướt sóng ở mức độ khó hơn. Kauai, vào đầu những năm 1970, chưa được nhiều khách du lịch biết đến nhưng Hollywood đã đến gõ cửa vùng này. Elvis đã làm bộ phim Hawaii Xanh (Blue Hawaii) vào năm 1961. Năm 1958, Mitzi Gaynor và John Kerr đã lấy North Shore làm cảnh nền cho bộ phim ca nhạc Biển Nam Thái Bình Dương (South Pacific). Nhưng nhìn chung vùng này vẫn là một vùng thôn quê, yên bình và giàu truyền thống của dân Hawaii.
Không đi cùng gia đình, mẹ tôi đã rủ Chris, một người bạn của mẹ cùng tham gia cuộc phiêu lưu. "Hạ cánh" tại một sân bay nhỏ ở Lihue, khệ nệ với những chiếc ván lướt sóng, túi xách, ba lô, hai người bạn tìm ra đường cao tốc với ý định bắt xe đi nhờ ba mươi dặm để đến North Shore. Phải mất tám tiếng đồng hồ chờ đợi, họ mới được một chiếc xe tải VW chở đầy dân lướt sóng cho đi nhờ.
Mẹ tôi có một ít tiền tiết kiệm vậy nên mẹ có thể lướt sóng và cắm trại. Ngay lập tức mẹ nhận thấy điều kiện lướt sóng ở Kauai tốt hơn ở bất cứ nơi nào mẹ từng trải nghiệm ở California. Mẹ dành nhiều thời gian ban ngày luyện tập với những con sóng lớn còn ban đêm thì tham gia lửa trại với dân lướt sóng đến từ những nơi khác và dân hippie di cư đến bờ biển Kauai.
Bọ Rùa và Cá Ngừ quen nhau
Bố tôi xin được chân phục vụ tiệc tại khách sạn Kauai Surf. Khách sạn này nằm ở trong thị trấn Lihue, cách điểm dựng lều của bố ở North Shore khá xa. Vì bố không có xe nên thường phải đi nhờ xe từ chỗ làm về chỗ ở. Nhưng bắt được xe để đi nhờ vào lúc đêm khuya cũng không phải là chuyện dễ. Nhiều lần bố chỉ đi nhờ được nửa đường. Lê bước qua một thị trấn nhỏ vào lúc hai giờ sáng, và còn phải đi vài dặm nữa mới về được đến lều, thỉnh thoảng bố bò vào một nhà thờ địa phương và ngủ trên những chiếc ghế băng, lấy áo choàng của cha xứ đắp lên người khi cảm thấy lạnh. North Shore gần giống như một thị trấn nhỏ. Mọi người ở đó hầu như đều biết nhau. Chẳng mất nhiều thời gian, chàng trai hầu bàn mê lướt sóng đã để ý thấy một cô gái tóc vàng xinh đẹp được những người bạn lướt sóng gọi là Bọ Rùa. (Bố cũng có "nickname" là Cá Ngừ bởi vì những khi được nghỉ làm, bố ra biển bơi thường xuyên đến nỗi người ta nói ông giống như một con cá ngừ).
Nhưng mẹ tôi không để ý đến bố. Khi đó mẹ đã có bạn trai. Mẹ và bố trở thành bạn của nhau, bạn bình thường thôi. Cho đến một ngày mẹ tôi nói, "Em không có bạn trai nữa". Chuyện bắt đầu xảy ra…
Vào ngày lễ Tình nhân Valentine sau đó, cũng là ngày sinh nhật của mẹ tôi, bố ngỏ lời yêu với mẹ. "Mẹ của con đã òa khóc vì hạnh phúc… Sáu tháng sau bố mẹ kết hôn", bố tôi kể. Tất nhiên, bất cứ đứa con nào của cặp đôi mê lướt sóng này cũng sớm được cha mẹ cho làm quen với môn thể thao yêu thích của họ.