"Bởi vì tôi có hai anh trai!"
Đó là câu trả lời của tôi khi mọi người hỏi tại sao tôi lại có khả năng cạnh tranh (hiếu thắng) như vậy. Suy cho cùng, khi bạn là con út trong gia đình có ba người con và lại là con gái duy nhất, thì bạn phải học cách giữ vị trí của mình thôi. Vả lại, giữa anh em tôi luôn có tuyên bố "bất cứ điều gì anh làm được thì em cũng có thể làm tốt hơn" và các anh tôi thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi. Các anh tôi rất khác nhau. Noah hai mươi mốt tuổi và là một tay lướt sóng ở tư thế đứng – giống như bố mẹ tôi và tôi. Anh khá gầy gò và khi lướt sóng anh rất nhanh nhẹn. Anh cũng đam mê nhiếp ảnh. Anh chính là người chụp hầu hết những bức ảnh đẹp nhất lưu lại cảnh tôi lướt sóng. Điều gì tôi ngưỡng mộ nhất ở anh ư? Anh rất quyết tâm và luôn tập trung vào việc mình làm.
Timmy, anh trai thứ hai của tôi, mười bảy tuổi, thích chơi những gì đa số người khác không chơi và là người hay pha trò. Trong khi Noah say sưa với môn lướt sóng đứng, Timmy quyết định trở thành một tay lướt ván nằm. Ván của người chơi môn này chỉ dài khoảng một thước và bạn không thể đứng trên ván đó. Loại ván này không có dây buộc ở đáy ván; chúng có những gờ cứng được sử dụng để điều khiển khi xoay ván. Những người lướt ván nằm sử dụng chân chèo để bắt những con sóng khi họ lướt.
Nhiều người lướt sóng đứng không đánh giá cao những tay lướt ván nằm. Họ gọi những người đó là "những tay vớt bọt biển" và không để ý đến họ hoặc thậm chí tranh giành sóng với họ. Nhưng một người lướt sóng nằm giỏi có thể thực sự tạo ra những màn lướt sóng ấn tượng. Họ có thể chui sâu vào trong những "ống sóng" hơn những người lướt sóng đứng, cưỡi trên sóng lâu hơn, và có thể thực hiện những pha nhào lộn hoặc những cú vẩy ngoạn mục. Vậy nên bạn có thể hiểu tại sao Timmy lại bị hấp dẫn bởi kiểu lướt sóng này – những pha biểu diễn mạo hiểm với những con sóng thuộc chuyên môn của anh ấy! Timmy lúc nào cũng có thể làm tôi cười – với mọi người cũng vậy. Trời cho anh khả năng biết chính xác phải làm gì hoặc nói gì để nụ cười nở trên khuôn mặt của bạn, dù bạn đang nghiêm túc đến mức nào. Anh sẽ làm bất cứ điều gì để một tiếng cười vang lên. Ví dụ, sau khi tôi bị cá mập tấn công, một chương trình truyền hình quốc gia phỏng vấn Timmy, và anh ấy gây cười bằng mái tóc của mình trước máy quay phim. "Ai quan tâm nếu thế giới nghĩ anh là kẻ dở hơi chứ?", anh nói với tôi khi tôi trêu anh về chuyện đó. Anh chỉ muốn đảm bảo rằng các bạn của anh xem ti-vi sẽ cười vì anh chàng Timmy kỳ quặc! Nhưng Timmy không chỉ hài hước – anh là người biên tập tất cả các đoạn video mà bố mẹ tôi đã quay khi tôi lướt sóng. Anh thực sự đã lồng những đoạn nhạc thú vị và đầy sáng tạo vào các video đó.
Một đứa con gái cứng cỏi
Các anh trai của tôi chơi những môn thể thao có tính đối kháng cao như khúc côn cầu, bóng đá, bắn súng sơn. Khi chia đội, ai cũng muốn chọn các anh của tôi vào đội của mình bởi vì họ rất nhanh nhẹn và dữ dội! Khi tôi xem các anh chơi những môn thể thao nói trên, tất nhiên tôi phải chơi theo. Tôi muốn nói rằng, tại sao họ lại có những thú vui đó mà tôi lại không nhỉ? Họ luôn để tôi chơi, và chẳng bao giờ coi tôi là một đứa con gái bé nhỏ cả. Họ coi tôi là một trong những đứa con trai, và như thế có nghĩa là tôi bị chặn, bị đốn ngã, bị làm cho bầm tím. Và tôi lại là đứa có thể chấp nhận điều đó! Họ biết rằng họ có thể khiến tôi thử những trò như trượt pa-tanh một hàng, trượt ván, còn tôi thì sẽ không chịu lùi bước, không khóc nhè nếu như bị ngã.
Các anh của tôi khuyến khích tôi thử những việc mà nếu chỉ có một mình thì tôi sẽ chẳng làm. Chính các anh ấy đã khiến tôi bắt đầu lướt sóng ở Pauaeaka. Thú thực, khi đó tôi quá sợ, không dám thử nếu không có sự khích lệ và niềm tin tuyệt đối của họ, niềm tin rằng tôi có thể làm được, không việc gì phải sợ!
Các anh trai của tôi luôn cổ vũ tôi và đã gieo vào lòng tôi ước mơ trở thành nữ vận động viên lướt sóng hàng đầu thế giới. Gia đình tôi là vậy đó: khi một thành viên giành chiến thắng trong một cuộc thi hoặc được trao một giải thưởng thì đó là chiến thắng chung của cả gia đình, bởi vì chúng tôi luôn khích lệ và giúp đỡ nhau vươn tới những ước mơ của mình.
Chúng tôi cũng được dạy để trở thành những người thua cuộc lạc quan. Dù bạn chơi tốt đến mức nào, sớm hay muộn bạn và đội của bạn cũng phải nếm trải thất bại. Bố của tôi luôn nói với chúng tôi: "Buồn chán hay tức tối chẳng ích gì. Luôn có cơ hội khác để chứng minh rằng con có thể làm được". Vậy nên đó là những gì tôi cố nhắc nhở bản thân nếu như tôi thất bại trong một cuộc thi. Đằng nào thua thì cũng thua rồi; hãy nhìn về phía trước. Ngày mai là một ngày khác.
Mặc dù lướt sóng từ khi mới năm tuổi, tôi cũng chơi những môn thể thao khác. Tôi bắt đầu chơi bóng đá khi tôi học lớp một cùng với đội bóng của các cô bé ở North Shore. Trong một thời gian dài tôi chơi ở vị trí hậu vệ. Thoạt đầu tôi khá thất vọng. Tôi rất muốn mình là người ghi bàn trong các trận đấu. Sau đó tôi hiểu ra rằng huấn luyện viên xếp tôi chơi ở vị trí hậu vệ là có lý do. Tôi có khả năng phản xạ nhanh và chặn bóng tốt. Một điều tôi học được về các môn thể thao chơi theo đội: không vị trí hay nhiệm vụ nào kém quan trọng hơn vị trí nào. Tất cả các thành viên của đội phải phối hợp với nhau. Tôi đã chơi bóng đá sáu năm trước khi có cơ hội ghi một bàn thắng mơ ước. Tôi biết đó là một thời gian dài, nhưng điều đó khiến cho chiến thắng của tôi càng trở nên ngọt ngào hơn.
Chiến thắng quan trọng đầu tiên
Khi tôi còn học tiểu học, bố mẹ tôi đã đăng ký cho tôi tham dự những cuộc thi lướt sóng. Hầu hết các cuộc tranh tài này đều là những cuộc thi "đẩy và lướt ván", trong đó một phụ huynh sẽ đẩy con mình ra sóng thay vì để thí sinh nhí phải tự mình bắt sóng.
Lên bảy, tôi đã có thể lướt sóng và bắt sóng mà không cần có sự trợ giúp của bố mẹ. Tôi vẫn cần có huấn luyện viên, nhưng mỗi ngày tôi lại trở nên thành thạo hơn trong môn thể thao này. Với sự ủng hộ và động viên của bố mẹ, tôi quyết định tham gia cuộc thi lướt sóng mang tên Rell Sun ở Oahu. Đó là một cuộc thi lớn, nhất là đối với một đứa trẻ tám tuổi.
Một chuyến đi vòng quanh bang Hawaii không dễ dàng và không hề rẻ. Chúng tôi phải lo tiền đóng lệ phí cho ban tổ chức, tiền mua vé máy bay, tiền thuê xe để đi lại, tiền ăn và tiền khách sạn. Không giống như môn golf hay một số môn thể thao khác, nếu bạn giành chiến thắng trong một cuộc thi lướt sóng thì bạn sẽ chỉ nhận được một chút tiền thưởng hoặc có khi không có phần thưởng bằng tiền, đặc biệt là những cuộc thi lướt sóng dành cho trẻ em và nữ giới.
Cuộc thi đó diễn ra tại bãi biển Makaha. Nhiều vận động viên lướt sóng nổi tiếng đã có mặt ở đó, và khi nhìn quanh tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi vì mình được tham gia vào cuộc thi này. Cộng đồng những người lướt sóng, đặc biệt là lướt sóng thiếu nhi, giống như một gia đình lớn hạnh phúc. Những con sóng ngày hôm đó đủ lớn và tôi cảm thấy đầy hứng khởi. Nhiều bạn cảm thấy bị đe dọa khi phong trào lướt sóng ngày càng được mở rộng. Còn tôi ư? Tôi sống với môn lướt sóng mà – càng có nhiều người lướt sóng tôi càng thích! Trước đó tôi chưa từng lướt sóng ở Makaha, và như vậy những thí sinh địa phương quen với sóng biển ở đó có lợi thế hơn tôi. Nhưng tôi không để điều ấy làm mình sợ hãi. Tôi tham gia hai nội dung: nội dung lướt sóng với ván ngắn dành cho các bé gái từ bảy đến chín tuổi và nội dung thi lướt ván dài cũng dành cho độ tuổi đó. Thí sinh nhiều tuổi nhất trong cuộc thi là mười hai tuổi, bởi vì Rell Sun là cuộc thi dành cho trẻ dưới mười ba tuổi – hay như dân lướt sóng thường gọi là "grom", tức là dân lướt sóng nhí.
Một trong những bạn gái lướt sóng ngày hôm đó, Carrisa Moore, thể hiện phần thi của mình rất tốt và tôi ngưỡng mộ sự can đảm của bạn ấy. Đáng lẽ bạn ấy giành chiến thắng trong cuộc thi nhưng không may bạn ấy gặp tai nạn, bị gờ của ván lướt làm bị thương ở cổ. Chúng tôi đến cuộc thi với những gia đình theo đạo Thiên Chúa khác, vậy nên tất cả chúng tôi cùng cầu nguyện cho Carrisa.
Mọi chuyện tiến triển tốt
Thế rồi đến phần thi của tôi. Mẹ tôi bảo cho tôi biết tôi nên bắt đầu từ đâu. Ngày hôm đó tôi lướt sóng khá tốt và giành chiến thắng ở tất cả các nội dung thi. Giải thưởng của tôi, ngoài các cúp vô địch, là hai chiếc ván lướt sóng mới tinh. Những nhân vật huyền thoại của môn lướt sóng trao giải thưởng cho tôi trong khi các bạn và gia đình của tôi đứng vây quanh tôi reo mừng. Tôi vui lắm. Tôi nhớ lúc đó tôi đã nghĩ: "Chuyện này là thật hay mơ nhỉ?".
Giành chiến thắng trong cuộc thi đó là một sự khởi đầu tốt đối với tôi. Tôi tham gia nhiều cuộc thi lướt sóng khác và trong hầu hết các cuộc thi tôi đều đạt thành tích tốt. Tôi tham gia cuộc thi Haleiwa Menehune, một cuộc thi được tổ chức ở bãi biển Oahu nổi tiếng của North Shore (Menehune là giống người lùn trong truyền thuyết của dân Hawaii). Tại cuộc thi đó tôi gặp lại một số đối thủ quen thuộc từ các cuộc thi trước, một điều khá thú vị, bởi vì chúng tôi đã quen biết nhau, và tôi cũng có một số bạn mới. Những cuộc thi đó thực sự là những sự kiện thú vị và tràn ngập niềm vui, khi mà chuyện thắng cuộc chỉ là thứ yếu so với niềm vui được lướt sóng, được gặp gỡ và giao lưu với những người bạn có chung niềm say mê.
Và trong những cuộc thi của chúng tôi, không ai thực sự tự mãn như trong các cuộc thi thể thao khác. Không có cái kiểu suy nghĩ kiêu ngạo: "Tớ là người giỏi nhất, cậu không thể chạm vào tớ được đâu". Bởi vì tất cả chúng tôi đều biết rằng khi bạn ở dưới nước, nhiều điều có thể xảy ra với bạn: thiên nhiên có thể ủng hộ bạn hoặc không hợp tác với bạn, hoặc sự lựa chọn thời điểm của bạn không hợp lý. Vậy nên bất cứ ai cũng có thể mang cúp vô địch về nhà – còn nếu bạn thua cuộc, thì luôn luôn có ngày mai để bạn tiếp tục cố gắng. Đã nhiều lần tôi buộc phải trở thành đối thủ của Alana bạn tôi trong một cuộc thi lướt sóng. Cả hai chúng tôi đều cố gắng để giành chiến thắng. Không bao giờ giữa chúng tôi có cảm giác khó chịu của người thua cuộc, và chúng tôi luôn mừng cho người chiến thắng. Đó là thể thao, không có gì để chúng tôi phải quá căng thẳng hết. Giờ đây tôi vẫn giữ thái độ đó, mặc dù tôi đã lớn và thi lướt sóng bây giờ căng thẳng hơn trước. Phần thưởng dành cho người chiến thắng trong các cuộc thi lướt ván cũng cao hơn: số tiền trao thưởng lớn hơn, nhiều tài trợ hơn. Khi tôi bắt đầu chiến thắng nhiều cuộc thi lướt sóng, dường như có khả năng tôi có thể trở thành một vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp như vài cô gái khác ở đảo này. Chí ít bố mẹ tôi và các anh trai tôi cũng nghĩ như vậy. Hồi đó tôi không để tâm đến chuyện đó mấy. Thay vì thế, tôi chỉ muốn tận hưởng những khoảnh khắc mình đang sống và không lo lắng quá nhiều về tương lai.
Anh trai của tôi, Noah, trở thành người bảo trợ của tôi. Anh soạn một bản lý lịch và thành tích của tôi rồi gửi đến một loạt các công ty lướt sóng. Anh tạo những trang web và những chương trình trên máy tính; anh chụp ảnh tôi, thậm chí giúp thiết kế ván lướt để tôi có thể có một chiếc ván lướt dành riêng cho môn lướt sóng mà tôi theo đuổi. Anh liên lạc với các công ty sản xuất quần áo và dụng cụ lướt sóng, gửi những gói quảng cáo đến bất cứ ai trong ngành công nghiệp lướt sóng mà anh có thể nghĩ tới. Vì Noah thích chụp cảnh lướt sóng và theo học ngành kinh doanh nên anh là một người bán hàng thứ thiệt. Chính anh là người đã giúp tôi có được nhà tài trợ: Hãng Rip Curl.
Mọi người thường hỏi tôi về bí quyết giành chiến thắng trong một cuộc thi lướt sóng. Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tất cả những gì tôi có thể nói với các bạn đó là sự kết hợp giữa việc hoàn thiện kỹ năng và giữ cái nhìn lạc quan. Trước một cuộc thi, tôi không lo lắng hoặc căng thẳng quá mức. Quả thực, ngoại trừ việc đi lướt thử ở bãi sóng sẽ diễn ra cuộc thi thì còn lại, tôi không nghĩ nhiều về chuyện tranh tài cho lắm. Trước mỗi cuộc thi, tôi dành một ít thời gian quan sát để hiểu được những đặc điểm của sóng ở nơi mình sẽ thi để vạch ra chiến lược thi đấu. Dựa vào những gì quan sát được, tôi đánh dấu một điểm trên bãi biển để xếp hàng, và xác định điểm để xuất phát.
Đôi khi tôi tính toán không tốt, và kết quả là tôi thất bại, tôi phải thừa nhận rằng những lần như vậy tôi cảm thấy thất vọng về bản thân mình lắm. "Bethany, con phải vượt qua chuyện này", bố tôi nói. Vậy nên tôi nghe lời khuyên của bố và cố gắng lấy lại tinh thần để có thể tập trung vào những gì ở phía trước. Bố cũng dạy tôi tầm quan trọng của việc học từ chính những sai lầm của mình. Tôi quyết tâm không để mình hình thành các thói quen xấu. Bởi vì tôi vẫn còn là một vận động viên lướt sóng nghiệp dư, dù có chiến thắng tôi cũng không kiếm được tiền từ một cuộc thi, nhưng tôi có cơ hội được nhận tiền từ các nhà tài trợ. Nhưng đối với tôi, những đồng đô-la
không phải là toàn bộ ý nghĩa của các cuộc thi lướt sóng. Đôi khi ai đó quên rằng ý nghĩa thực sự của một cuộc thi lướt sóng là để mang lại niềm vui. Tôi ghét những ý nghĩ thiếu tích cực. Tại một cuộc thi, tôi thấy một người cha mắng con gái của mình bởi vì cô bé lướt sóng không được tốt. Tôi thực sự cảm thấy thương bạn ấy. Phản ứng như vậy thì được gì nhỉ? Một lời khích lệ không tốt hơn hay sao?
Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc của tôi: các thành viên trong gia đình là những người hâm mộ số một của tôi. Dù tôi chiến thắng hay thất bại, đối với gia đình mình tôi vẫn rất tuyệt, và tôi biết tôi luôn có được tình yêu và sự ủng hộ của gia đình cho dù tôi xếp vị trí thứ mấy trong một cuộc thi. Cả bố và mẹ tôi đều là dân lướt sóng, nhưng họ không nghĩ đến chuyện thi thố, các anh của tôi không quan tâm đến chuyện tham gia các cuộc thi. Vậy nên tôi cho rằng vì thế mà tôi trở thành vận động viên ngôi sao của gia đình – xin bật mí rằng điều đó không giúp tôi được miễn làm việc vặt ở nhà đâu các bạn ạ!
Thế giới lướt sóng mở ra với phái nữ
Càng ngày càng có nhiều bạn gái bắt đầu lướt sóng, và điều đó có nghĩa rằng cuối cùng nữ giới cũng được coi là những vận động viên và thực sự có thể kiếm sống với môn thể thao này, điều mà một thập kỷ trước gần như là không thể. Ngày nay, thậm chí có cả các tạp chí chuyên về các nữ vận động viên lướt sóng. Những cô gái cùng tham gia những chuyến lướt sóng chuyên nghiệp là những nhóm bạn luôn quan tâm và gắn bó với nhau, và họ là những người cống hiến hết mình cho môn thể thao họ say mê. Các cô gái trẻ ở đội nghiệp dư (như tôi) cũng khá thân thiết với nhau. Ngày nay số lượng những người tham gia đội này cũng khá đông vậy nên tôi không thể nói tôi thân với tất cả mọi người. Nhưng tôi thích gặp gỡ những người bạn mới và muốn có cơ hội hiểu họ nhiều hơn nữa.
Tôi không biết những bạn gái khác làm gì trước khi họ tham gia một cuộc thi lướt sóng, nhưng đối với tôi thủ tục khá đơn giản: tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho sự an toàn của tất cả mọi người và tôi cầu nguyện rằng tôi sẽ có được sự sáng suốt khi chọn sóng và có khả năng làm những điều cần làm đúng lúc. Người ta thường hỏi rằng trước khi tôi bị cá mập tấn công tôi có bị thương lần nào không. Thực ra lướt sóng là một môn thể thao khá an toàn: nếu bạn ngã, thì bạn rơi xuống nước, và như thế đỡ rủi ro hơn là ngã đập mặt xuống vỉa hè được đổ bê tông khi trượt pa-tanh. Tôi đã từng bị ngã một, hai lần trong khi lướt sóng. Không hẳn tôi bị thương, nhưng trong vài phút tôi có hơi hoảng sợ và ý nghĩ "mình có thể sẽ chết đuối" xuất hiện trong đầu. Nhưng sau đó con sóng lại nâng tôi lên, tôi lại có thể thở và thế là tôi quên hẳn nỗi sợ.
Hầu hết những vận động viên lướt sóng bị thương đều do ván lướt của họ hoặc do ván lướt của người khác. Một lần tôi đang lướt sóng ở gần bờ và bị chính ván của tôi đập vào người. Cú đập ấy khiến tôi đau đến nỗi tôi không thể ra biển trong vài ngày. Bạn biết đấy, phải là một vết thương ra trò mới có thể ngăn tôi lướt sóng. Cũng có khi xảy ra trường hợp một con sóng lớn khiến bạn bị va đập, và nếu thứ mà bạn va vào là san hô thì…, cứ xác định rằng bạn trông sẽ không được xinh lắm với những vết cứa, vết rách.
Những vết sưng bươu, bầm tím, những vết trầy xước rớm máu… ôi, những cái đó có thể xảy ra với tôi. Tôi sẽ chấp nhận tất cả… miễn là tôi được lướt sóng!