Khi đi đến một bãi lướt sóng, tôi thường nôn nóng đến mức con đường đến đó – tất cả những cây cầu nhỏ xíu và những đoạn cua vòng dọc theo vách núi – khiến tôi phát điên. Tôi ước gì mẹ có thể lái xe nhanh hơn và tôi thường giục mẹ tăng tốc, nhưng tôi biết đó là một con đường khó đi, và tôi buộc phải kiên nhẫn. Còn khi phải nằm ở trong xe cứu thương, và người lái xe phải thận trọng trước mỗi góc cua và điều khiển xe di chuyển chậm như sên, bạn sẽ thấy bản thân khó mà giữ được kiên nhẫn. Tôi biết hành trình tới bệnh viện của chúng tôi mất khoảng 45 phút nhưng khi đó tôi cảm thấy thời gian dường như dài vô tận. Phải rất lâu chúng tôi mới đến được đoạn dốc đứng của Princeville và đến lúc này thì con đường đã đủ bằng phẳng để người tài xế nhấn mạnh chân lên pê-đan điều khiển tốc độ.
Tôi có thể hình dung được những gì mẹ tôi đang trải qua ở nhà vào lúc đó. Lúc ở Tunnels chú Jeff Waba đã gọi điện cho mẹ tôi: "Chị Hamilton, có một tai nạn…", chú cố nói thật bình tĩnh và rõ ràng, "Chị cần phải đến bệnh viện. Con gái của chị bị cá mập tấn công". Mẹ tôi tưởng rằng chú Jeff Waba và tôi đang đùa – bởi quả thực thỉnh thoảng tôi có đùa mẹ như vậy. "Thôi nào, thực sự có chuyện gì xảy ra vậy?", mẹ hỏi, giọng đầy hoài nghi.
Chú Jeff không biết phải trả lời ra sao, chú nói: "Không, thật mà, con gái của chị bị cá mập tấn công!". Lần này thì mẹ tôi biết chú không đùa, mẹ có thể cảm thấy sự căng thẳng trong giọng nói của chú. Mẹ gác máy và bật khóc. Tôi biết lúc ấy mẹ tôi đã hình dung ra điều tồi tệ nhất – rằng tôi đang cận kề cái chết hoặc đang phải chịu đau đớn khủng khiếp – nhưng tôi cũng biết rằng mẹ phải cố gắng giữ sự tỉnh táo và bình tĩnh. Mẹ buộc phải bình tĩnh và tỉnh táo. Vì gia đình, vì tôi, mẹ phải mạnh mẽ. Anh Noah kể với tôi rằng lúc đó mẹ gần như một cái máy: mẹ biết mình phải làm gì, cụ thể là phải đến bệnh viện để ở bên tôi, và cách duy nhất để làm điều đó là kiểm soát sự sợ hãi và đau buồn. "Khi họ báo tin cho mẹ, mẹ chết lặng", và sau này mẹ thú nhận với tôi là "Mẹ cứ theo bản năng mà làm thôi".
Mẹ báo tin cho anh Noah của tôi, người mà lúc ấy vẫn còn đang ngủ ở trên gác. "Noah, chúng ta phải đến bệnh viện. Bethany bị cá mập tấn công". Anh ấy hỏi mẹ chuyện xảy ra như thế nào, nhưng mẹ không biết cụ thể chuyện xảy ra như thế nào để có thể nói cho anh ấy biết. "Con sẽ đến bệnh viện ngay!", Noah nói và bật dậy khỏi giường. Vừa mặc quần áo anh vừa gọi điện cho một người bạn của gia đình và là người hỗ trợ tinh thần cho các bạn trẻ, chị Sarah Hill.
Chị Sarah lúc đó vừa mới lái xe vào bãi đỗ xe ở trường tiểu học Hanalei, nơi chị làm việc, thì điện thoại reo: "Chị Sarah, Bethany bị cá mập tấn công!", Noah nói bằng giọng đầy hoảng sợ. Chị Sarah đã cố giữ bình tĩnh nhưng chị vẫn không thể tin vào những gì tai chị vừa nghe được. Chị và tôi thường đi lướt sóng cùng nhau và mặc dù hơn kém nhau nhiều tuổi, chúng tôi thực sự là những người bạn tốt. Chị Sarah và anh Noah thống nhất sẽ gặp nhau ở gần đồn cảnh sát Hanalei rồi cùng đến bệnh viện. Vội vã lên xe đến chỗ hẹn với chị Sarah, anh Noah không quên gọi điện cho Mike Dennis, một người bạn sống ở gần Tunnels với hy vọng có thể biết thêm được thông tin về vụ tai nạn: Tình trạng của tôi như thế nào? Mike có nhìn thấy xe cứu thương không? Mike có nghe thấy tiếng còi xe cứu thương nhưng không biết có chuyện gì xảy ra nhưng anh hứa sẽ tìm hiểu và gọi lại.
Chị Sarah và anh Noah khẩn trương tới bệnh viện, còn mẹ tôi lái chiếc Beater đi ngay sau họ. Tôi biết anh Noah bấn loạn lắm nhưng anh phải cố gắng giữ bình tĩnh. Và chị Sarah ở đó để làm chỗ dựa tinh thần cho anh. Chị nói với anh rằng chị đã cầu Chúa để xin sự chỉ dẫn cho gia đình tôi và một đoạn Kinh Thánh thoáng hiện lên trong đầu chị:
"Bởi vì ta biết các kế hoạch mà ta có cho con", Chúa phán, "những kế hoạch sẽ làm cho con phát triển chứ không làm hại con, những kế hoạch mang đến cho con hy vọng và tương lai."
"Chị hãy nói cho mẹ của em biết đoạn Kinh Thánh đó nhé!", Noah nói đi nói lại với Sarah. Có lẽ Chúa đã dành sẵn cho tôi điều gì đó lớn lao hơn. Tất cả những gì chúng tôi cần là tin cậy… và tin tưởng.
Tin xấu
"Em gái cậu bị mất một cánh tay", vài phút sau Mike báo cho Noah biết. "Ôi, Chúa ơi!", Noah kêu lên. "Ôi không! Mình không thể tin được, mình không thể tin!", Noah biết anh không thể báo cho mẹ tôi biết tin chẳng lành đó, anh chưa thể. Thật quá khó khăn để mẹ đương đầu với chuyện này mà không thể tận mắt nhìn thấy tôi. Thay vì báo cho mẹ biết, anh Noah và chị Sarah bắt đầu gọi điện cho những người bạn theo đạo Cơ Đốc ở đảo để họ cùng cầu nguyện cho tôi.
Khi mẹ tôi đến chỗ đài phun nước, điểm đánh dấu con đường vào cộng đồng Princeville của chúng tôi, mẹ nghe thấy tiếng còi báo hiệu xe cứu thương đang tới. Lúc xe của mẹ và xe chị Sarah buộc phải dừng lại ở nút giao thông, xe cứu thương chở tôi chạy qua và cả hai người vội vã lái xe chạy theo, nhưng lúc đó tôi không hề biết và tôi cũng đã quên rằng sáng hôm đó bố tôi đang ở bệnh viện chuẩn bị làm phẫu thuật cho đầu gối của ông. Lúc ấy, nếu biết bố mẹ đang ở rất gần mình thì chắc tôi đã cảm thấy khá hơn chút ít.
Trong khi đó, ở bệnh viện bố tôi đã lên bàn mổ. Thay vì được gây mê hoàn toàn, bố quyết định để các bác sĩ gây tê từ thắt lưng trở xuống. Khi bác sĩ David Rovinsky, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình, đang chuẩn bị bắt đầu phẫu thuật cho bố tôi thì một y tá chạy vào phòng cấp cứu: "Tin khẩn, bác sĩ Rovinsky", cô y tá thông báo. "Có một cô bé mười ba tuổi bị cá mập tấn công và đang được đưa đến đây. Chúng tôi cần phòng mổ này ngay bây giờ". Bác sĩ biết hôm đó là lễ Halloween nên cứ nghĩ cô y tá nói đùa. Nhưng khi bố tôi nghe cô y tá nói thế, ông biết ngay chuyện không phải như thế. Trực giác mách bảo bố rằng cô bé mười ba tuổi bị nạn kia có thể là tôi hoặc là Alana.
"Tom, cứ ở yên đây", bác sĩ cố trấn an bố tôi. "Tôi sẽ đi tìm hiểu xem có chuyện gì". Vậy là người bố tội nghiệp của tôi nằm một mình trên bàn mổ, không cử động, chỉ biết cầu nguyện trong lo lắng và băn khoăn. Bố không có điện thoại cầm tay để gọi cho mẹ tôi và cũng không có cách nào để liên lạc với bất cứ ai. Trong vòng năm phút, bác sĩ Rovinsky quay trở lại, với khuôn mặt trắng bệch, mắt rớm lệ. "Tom, đó là Bethany", ông khẽ nói với bố tôi. "Hiện cô bé đang ở trong tình trạng ổn định. Đó là tất cả những gì tôi biết, tôi không có bất kỳ thông tin nào khác. Tom, tôi buộc phải để anh ra khỏi phòng mổ. Bethany đang được chuyển vào đây".
Sau này bố tôi kể cho tôi biết rằng quãng thời gian ở trong phòng hồi sức đối với bố thật là khổ sở: tâm trí bố rối loạn với những hình dung về chuyện đang xảy ra với tôi trong phòng mổ, nơi mà đáng lẽ bố phải ở chứ không phải tôi. "Bố cố gắng lấy lại cảm giác của đôi chân để có thể chạy sang đó xem con ra sao", bố thú nhận. "Bố không biết con bị thương nặng đến mức nào – bố cầu mong sao con chỉ bị khâu vài mũi thôi và con sẽ sớm bình phục như chuyện đó chưa hề xảy ra". Nhưng một lần nữa, trực giác đã mách bảo và cho bố tôi hiểu rõ rằng tình trạng của tôi không chỉ đòi hỏi có vài mũi khâu. Anh Timmy của tôi biết tin dữ khi anh đang ở trường trung học Kapaa. Điện thoại di động trong ba lô của anh ấy rung và giọng mẹ vang lên khi anh bắt máy: "Timmy, Bethany đang vào viện". Anh thực sự đã nghĩ là mẹ tôi đang nói về bố, người mà hai mươi phút trước anh đã lái xe đưa đến bệnh viện. Vậy nên anh đáp: "Vâng, con biết rồi".
Anh tưởng mẹ tôi nói nhầm và thế là anh tiếp tục đọc cuốn tạp chí chuyên về lướt sóng trong thư viện của trường.
Cuộc gọi tiếp theo là từ anh Noah, người đã biết sơ sơ tình hình của tôi: "Timmy, Bethany bị cá mập tấn công! Đến bệnh viện ngay đi!". Vậy là anh Timmy vội chạy ra xe, vừa chạy vừa bấm máy gọi bạn bè của anh, nhờ họ cầu nguyện cho tôi.
Ngay trước khi xe cứu thương đến bệnh viện, chú Holt gọi điện cho mẹ tôi và đó là cuộc gọi đầu tiên của chú cho mẹ kể từ lúc tôi bị nạn. Mẹ tôi không biết chút gì về chuyện đã xảy ra ngoại trừ một điều rằng tôi đang đau đớn. Chú Holt nói cho mẹ tôi biết cái tin gây choáng váng: "Cheri, con gái chị bị mất một cánh tay". Mẹ kể lại rằng khi nghe chú Holt báo tin đó, mẹ choáng váng đến nỗi đã buông rơi chiếc điện thoại, phải đánh xe vào lề đường và mẹ cứ ngồi đó nhìn trân trân hai bàn tay của mình đang để trên bánh lái. Mẹ bật khóc nức nở.
Mẹ đau đớn quá. Đối với mẹ, dường như bao nhiêu công sức và nỗ lực chúng tôi đặt vào tương lai trở thành một vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp của tôi thế là đã trở thành công cốc. Tuy nhiên, dù đau đớn đến nghẹn ngào, mẹ vẫn cố gắng giữ tỉnh táo để mở một đĩa CD gồm những ca khúc cầu nguyện và hát theo những giai điệu đó. Nước mắt nhạt nhòa, mẹ cầu xin Chúa và nói với Người rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, mọi chuyện vẫn nằm trong tay Người. Tôi vẫn ở trong tay Chúa.
Lo lắng
Tôi đang ở trong phòng mổ, vậy nên tôi hoàn toàn không biết những gì đang diễn ra bên ngoài. Trong khi đó ở phòng đợi, gia đình và bạn bè tôi lại đang cố gắng đoán xem tình hình của tôi bên trong như thế nào: họ khóc, đi đi lại lại trong lo lắng và bồn chồn, và cầu nguyện. Tôi biết mẹ tôi sẽ chộp lấy tay của bất cứ y tá hoặc bác sĩ nào đi ngang qua để xin họ cho mẹ biết tình hình của tôi, và tôi biết anh Noah sẽ nôn nao cả ruột gan (sau này anh thú nhận rằng lúc vừa mới bước ra khỏi xe, anh lập tức nôn ọe). Thật may, anh Timmy tìm thấy bố tôi ở phòng hồi sức và anh thông báo cho bố chút thông tin ít ỏi mà anh biết: chí ít anh cũng đảm bảo với bố rằng tôi còn sống. Cuối cùng bố tôi cũng có thể cử động được hai chân, rồi một người hộ lý tới, thấy bố tôi ngồi thẳng người trên ghế và liền hỏi xem liệu bố có muốn gặp tôi không.
Bố tôi không chờ đợi bất cứ sự trợ giúp nào: bố lết ra khỏi phòng hồi sức, đi tìm tôi.