Bí quyết của sự chăm sóc là tình yêu thương dành cho bệnh nhân.
— FRANCIS PEABODY
Tôi nhớ một ngày nọ, mẹ đã gọi điện thoại cho tôi, than phiền về cơn đau dữ dội ở bụng. Bà bị đầy hơi và những đợt tiêu chảy kéo dài kể từ khi bố tôi mất, nhưng cơn đau ở bụng thì chỉ mới xảy ra. Giọng bà nghe có vẻ sợ hãi. Tôi cố trấn an bà nhiều nhất có thể ở khoảng cách gần 5.000 cây số.
Tôi lướt qua những chẩn đoán khác nhau trong tâm trí. Có phải đó là do túi mật của bà? Một vết loét chảy máu? Viêm tụy? Một biểu hiện lạ của viêm ruột thừa? Tắc ruột? Thoát vị gián đoạn? Trào ngược?
Tôi hỏi bà những câu hỏi cần thiết. Bà có bị sốt? Lần bà nôn gần đây nhất là khi nào? Lần đi đại tiện gần đây nhất là khi nào? Bà có bị xì hơi? Bà có cảm thấy đói?
Những câu trả lời của bà khiến tôi tin rằng đó không phải là trường hợp phải phẫu thuật cấp. Tôi nói với bà như vậy nhưng vẫn khuyên bà nên điện thoại cho bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu của mình. Vài phút sau, bà gọi lại. Bà đã để lại lời nhắn cho bác sĩ, và cô ấy đã điện thoại lại yêu cầu bà đến văn phòng của cô ấy ngay lập tức.
Đoạn đường đến văn phòng bác sĩ rất xa, khoảng một giờ lái xe. Đi được nửa đường, bà gọi điện cho tôi và thông báo là cơn đau đã dịu đi một chút. 15 phút sau, khi gần đến nơi, bà gọi điện lại và nói: “Con có tin rằng cơn đau khủng khiếp này đã gần như biến mất không?”
Khi bà đến nơi, cơn đau đã biến mất hoàn toàn.
Bà gọi điện cho tôi và nói: “Mẹ thề là điều này luôn xảy ra với mẹ. Mẹ muốn các triệu chứng thật nặng khi đến gặp bác sĩ để họ biết được tình trạng tồi tệ nhất và giúp mẹ tìm ra điều gì không ổn, nhưng thường thì không như vậy, các triệu chứng biến mất trước khi bác sĩ gọi đến tên mẹ”.
Tuyệt vời.
Bác sĩ của mẹ tôi chưa bao giờ hình dung ra lý do bà bị đau nhưng cuộc trò chuyện với bà đã giúp tôi phát triển một giả thuyết. Mẹ tôi tin tưởng các bác sĩ. Mẹ tin rằng họ có khả năng giúp bà khỏe mạnh. Rất nhiều lần bà cảm thấy không khỏe và sau khi gặp bác sĩ bà cảm thấy tốt hơn. Giờ đây tâm trí của mẹ tôi đã thật sự tin tưởng là các bác sĩ sẽ giúp bà. Và bởi bà chọn những người chăm sóc sức khỏe của mình rất cẩn thận, nên bà thực sự yêu quý họ và bà cũng cảm nhận được tình yêu thương từ họ.
Nhưng nếu sự cải thiện về thể chất mà mẹ tôi trải qua khi đến gặp bác sĩ chủ yếu là kết quả của tâm trí và ảnh hưởng của nó đến cơ thể thì sao? Khi mẹ tôi gọi điện và hẹn gặp bác sĩ, nếu tâm trí bà thể hiện sự thư giãn, hy vọng, lạc quan, sự ân cần và niềm tin rằng mình sắp được chữa lành thì sao? Não của bà thở phào nhẹ nhõm. Những suy nghĩ của bà dập tắt các phản ứng căng thẳng mà bà đã trải qua khi lần đầu nhận thấy cơn đau, ý nghĩ đến gặp bác sĩ gợi ra phản ứng thư giãn, cơ thể nghỉ ngơi và cơ chế tự sửa chữa tự nhiên của bà được kích hoạt. Trước khi bà biết được điều đó, cơ thể đã giải quyết xong vấn đề và thế là xong! Các triệu chứng biến mất.
Chuyến đi đến gặp bác sĩ đã thành công mỹ mãn nhưng vị anh hùng thực sự là tâm trí của mẹ tôi.
Tất nhiên, điều này không làm giảm tầm quan trọng của những điều bác sĩ có thể làm. Khi hai ngón tay của chồng tôi bị cắt rời do cái cưa để bàn, bác sĩ của anh, bác sĩ Jonathan Jones, đã khâu chúng lại bằng các kỹ thuật vi phẫu tiên tiến, Matt và tôi vô cùng ngưỡng mộ ông. Vị bác sĩ tài giỏi này đã đến phẫu thuật trong ngày nghỉ của mình, ông sử dụng kính hiển vi để khâu lại mọi động mạch, dây thần kinh và xương trong các ngón tay của Matt, để chồng tôi, một nghệ sĩ đồng thời là một nhà văn, vẫn có thể sử dụng hai bàn tay của mình. Tôi biết ơn người bác sĩ đồng nghiệp đến nỗi đã tự tay vẽ tặng ông một bức tranh để thể hiện sự kính trọng đối với tài năng, tình yêu thương, sự cam kết và tận tâm mà ông đã dành cho chồng tôi.
Nhưng tôi tin là đóng góp của Matt vào sự hồi phục của anh cũng nhiều như lòng biết ơn mà tôi dành cho bác sĩ Jones. Ngay từ đầu, Matt đã tin rằng các ngón tay của anh sẽ được khâu lại và hoạt động tốt như trước. Anh có niềm tin tuyệt đối vào y học hiện đại và thậm chí sau khi bị cắt đứt rời các ngón tay, anh đã nhìn tôi với đôi mắt mở to và nói: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Anh không hề cảm thấy đau trong suốt sự cố, có lẽ vì cơ thể anh đầy những endorphin làm giảm đau. Khi tôi gọi 911 và các nhân viên y tế đến, Matt biểu lộ sự nhẹ nhõm. Tôi chỉ có thể tưởng tượng rằng não của Matt đã tiết ra các nội tiết tố chữa bệnh và các hóa chất hỗ trợ sức khỏe, những chất đã hỗ trợ cho sự hồi phục của anh và làm cho công việc của bác sĩ Jones thuận lợi hơn, nhưng bản chất của vấn đề là vẫn phải có ai đó khâu các ngón tay. Chúng không thể tự dính liền trở lại.
Khi các bác sĩ cứu chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những chấn thương hay bệnh tật đe dọa đến tính mạng hoặc chân tay, chúng ta rất dễ có cảm giác tôn thờ và tin rằng họ đã tạo ra toàn bộ phép màu. Đúng là một số bác sĩ vô cùng tài năng và những gì họ làm giúp tăng tốc quá trình chữa lành và nhờ đó cơ thể có thể tiến hành công việc tự sửa chữa. Nhưng khi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ một khối u, kê đơn thuốc kháng sinh hay đặt chiếc xương gãy vào đúng vị trí, chúng ta vẫn phải dựa vào những cơ chế tự sửa chữa của cơ thể để hoàn tất công việc. Cơ thể của Matt vẫn phải làm liền lại những đoạn xương đã được kết nối, những vết cắt trong động mạch và dây thần kinh. Bác sĩ Jones đã giúp cho công việc đó trở nên khả thi.
Tôi muốn nói rõ rằng, khi tôi nói về khả năng tự sửa chữa của cơ thể, tôi không gợi ý rằng chúng ta nên từ bỏ những tiến bộ mà y học hiện đại mang đến cho chúng ta. Mặc dù tôi tin rằng cơ thể có khả năng tự sửa chữa đáng nể, tôi cũng tin rằng chúng ta không nên kỳ vọng cơ thể phải tự mình làm tất cả những việc nặng nhọc này, và đôi khi cơ thể sẽ thất bại nếu chúng ta mong muốn nó tự mình làm hết toàn bộ công việc.
Trong khi mẹ tôi có thể không cần bác sĩ phải chạm tay vào để có thể chữa khỏi chứng đau bụng của bà, Matt rõ ràng là cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ Jones. Có khi chúng ta cần dựa vào công nghệ mà y học hiện đại cung cấp và có khi chúng ta không cần đến chúng. Nhưng tôi có thể hứa với bạn điều này: Trong cả hai kịch bản, việc tìm đúng người để hỗ trợ cho hành trình chữa bệnh là rất quan trọng và dữ liệu khoa học tôi nghiên cứu đã xác nhận điều này.
BÁC SĨ CŨNG LÀ THUỐC
Nhiều bệnh nhân đã khỏe lại, ít nhất là một phần, vì họ tin vào sức mạnh của y học hiện đại và kỳ vọng sẽ khỏe hơn khi gặp bác sĩ cùng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác mà họ tin tưởng. Mẹ tôi và Matt không phải là những trường hợp cá biệt khi có niềm tin rất lớn, đặc biệt là với các bác sĩ. Nhiều người đã trải qua các phản ứng có điều kiện tương tự như vậy khi đến gặp bác sĩ. Bệnh nhân đã quen với việc đến gặp bác sĩ và sau đó cảm thấy khỏe hơn, vì vậy tâm trí có thể tạo ra phép màu thậm chí trước khi buổi trị liệu thực sự diễn ra.
Nhưng những dữ liệu khoa học cho thấy điều gì?
Tôi quay lại với các tạp chí y khoa và đã học được rằng một mối quan hệ trị liệu tốt có thể tạo ra phần lớn các phản ứng tích cực mà bệnh nhân trải nghiệm khi được điều trị bằng giả dược. Các nhà khoa học mặc nhận rằng việc dùng giả dược mà không có sự tham gia của bác sĩ – yếu tố có ảnh hưởng rất mạnh mẽ – là không đủ. Người phân phát giả dược phải là người mà bệnh nhân thực sự tin tưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên NPR, Ted Kaptchuk, giám đốc PiPS (Program in Placebo Studies and the Therapeutic Encounter – Chương trình Nghiên cứu Giả dược và Gặp gỡ Trị liệu), của Harvard đã nói: “Một viên thuốc đường thì không có công hiệu gì cả. Yếu tố tạo ra sự khác biệt là bối cảnh điều trị. Đó là các nghi thức chữa bệnh. Đó là việc hiện diện trong một mối quan hệ chữa lành... Nhưng viên giả dược là tiêm nước muối trở thành những công cụ tuyệt vời để tách biệt những điều thông thường trong bối cảnh đó, mang nó ra khỏi các loại thuốc men cùng những quy trình y học và thực sự chỉ nghiên cứu việc chăm sóc. Tôi nghĩ rằng đó là những gì chúng ta đo được khi nghiên cứu hiệu ứng giả dược.”1
Khi Kaptchuk, người đã được đào tạo để trở thành chuyên gia châm cứu và thực hành y học cổ truyền Trung Hoa, được hỏi làm thế nào mà ông, với tư cách là một nhà khoa học, lại biện hộ cho việc thực hành châm cứu khi hầu hết các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có kiểm soát đều thất bại trong việc chứng minh hiệu quả của nó cao hơn giả dược. Ông đã trả lời: “Vì tôi là một người chữa lành giỏi. Đó là sự thật khó chấp nhận. Nếu bạn cần sự giúp đỡ và bạn đến chỗ tôi, bạn sẽ khỏe hơn. Hàng ngàn người đã thấy như vậy. Bởi suy cho cùng thì điều đó không thực sự liên quan đến những cây kim. Đó là về con người.”2
Những ngụ ý của Kaptchuk đã được khẳng định trong bài báo nghiên cứu về bệnh hen mà ông là đồng tác giả trên Tạp chí Y học New England. Những người báo cáo là bị khó thở đã được điều trị bằng thuốc hít albuterol (điều trị tiêu chuẩn cho bệnh hen suyễn), thuốc hít giả (giả dược), châm cứu giả (cũng là giả dược) và không điều trị gì. Tất cả các bệnh nhân được điều trị đều cảm thấy tốt như nhau – mức cải thiện khoảng 50% ở những người được điều trị bằng albuterol, thuốc hít giả và châm cứu giả, so với mức cải thiện 21% ở những người không được điều trị gì.
Tuy nhiên, không giống các nghiên cứu khác, đã chứng minh rằng những phản ứng sinh lý trùng khớp với sự suy giảm triệu chứng, khi các nhà nghiên cứu tiến hành đo chức năng phổi ở bệnh nhân hen thì phản ứng sinh lý không giống với cảm nhận chủ quan của họ. Chức năng phổi đo được ở những người được châm cứu giả, hít thuốc giả và không điều trị đều được cải thiện (7%), nhưng không nhiều bằng những người được dùng albuterol (20%).3
Vì sao những người mắc bệnh hen lại cảm thấy tốt hơn ngay cả khi cơ thể họ không thể hiện các phản ứng sinh lý để giải thích cho sự cải thiện về mặt lâm sàng? Có lẽ các bệnh nhân trong nghiên cứu đã cảm thấy khỏe hơn, không chỉ vì albuterol, châm cứu giả hay thuốc hít giả, mà là vì ai đó đã quan tâm. Điều gì sẽ xảy ra nếu các bệnh nhân được điều trị không phải bằng thuốc men mà bằng sự chăm sóc y tế? Có lẽ các nhóm được điều trị cảm thấy tốt hơn như nhau bởi họ được chăm sóc như nhau, và có lẽ điều đó thậm chí còn quan trọng hơn loại thuốc hay phương pháp điều trị mà họ nhận được.
Hen suyễn có thể khác với ung thư. Khi bạn chiến đấu với một căn bệnh đe dọa đến tính mạng, bạn không hướng tới làm giảm triệu chứng; bạn quan tâm tới sự thuyên giảm của bệnh. Ung thư đã hết hay chưa? Nhưng nếu việc cải thiện triệu chứng và sự thuyên giảm của bệnh được gắn kết bởi kinh nghiệm trị liệu và mối liên hệ của nó với tâm trí, những tổn hại do phản ứng căng thẳng gây ra và khả năng chữa lành của phản ứng thư giãn thì sao?
Tôi nghi ngờ là có một mối liên kết mạnh mẽ giữa chúng, nhưng một lần nữa, tôi muốn có bằng chứng.
BẰNG CHỨNG VỀ ẢNH HƯỞNG MẠNH MẼ CỦA SỰ QUAN TÂM CHĂM SÓC
Tại thời điểm này của nghiên cứu, tôi đã cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng hiệu ứng giả dược liên quan rất nhiều đến cách thể hiện sự quan tâm chăm sóc. Và tôi cũng nghi ngờ rằng việc thiếu sự yêu thương chăm sóc – đặc biệt là lời nguyền trong y học – có thể gây ra hiệu ứng phản dược. Nhưng tác dụng của nó lớn đến mức nào và có bằng chứng nào cho thấy cách cư xử cùng những niềm tin của người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân có ảnh hưởng đến kết quả điều trị không?
Một nghiên cứu của bác sĩ Lawrence Egbert thực hiện tại Trường Y Harvard đã được công bố trên Tạp chí Y học New England, trong đó ông chia ngẫu nhiên các bệnh nhân trước phẫu thuật thành hai nhóm. Một nhóm được gặp các bác sĩ gây mê lạc quan, vui vẻ và được đảm bảo rằng ca phẫu thuật rất đơn giản, thì họ sẽ cảm thấy thoải mái, không bị đau và mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Những bệnh nhân không may khác (những bệnh nhân tội nghiệp!) đã gặp các bác sĩ gây mê hoàn toàn trái ngược, hành xử gắt gỏng, vội vã và thiếu cảm thông. Kết quả là những người được gặp các bác sĩ gây mê lạc quan chỉ cần một nửa lượng thuốc giảm đau và xuất viện sớm hơn trung bình 2,6 ngày.4
Sự lạc quan của bác sĩ cũng tạo nên điều khác biệt. Bị thôi thúc trước lời bình luận “Sở dĩ bác sĩ Smith thành công đến như vậy là bởi ông ta rất lạc quan”, vào năm 1987, bác sĩ K. B. Thomas đã được truyền cảm hứng để thực hiện một nghiên cứu về việc thái độ lạc quan của bác sĩ có tác động đến sự hồi phục của bệnh nhân hay không. Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Southampton và công bố trên Tạp chí Y học Anh (British Medical Journal) đã đánh giá 200 bệnh nhân của chính ông, những người cảm thấy không khỏe nhưng không có bất kỳ dấu hiệu bất thường rõ ràng nào khi khám. Các bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để nhận một trong bốn loại tư vấn khác nhau: tư vấn được thực hiện “theo hướng tích cực,” cùng với việc điều trị và không điều trị, và tư vấn được thực hiện “theo hướng tiêu cực,” cùng với việc điều trị và không điều trị. 64% trong số những người được tư vấn theo hướng tích cực đã cảm thấy khỏe hơn so với 39% ở những người nhận được tư vấn theo hướng tiêu cực. Nghiên cứu tìm ra rằng sự phục hồi của bệnh nhân có thể được tăng lên nhờ những lời gợi ý như bệnh “sẽ đỡ hơn trong vài ngày tới”, và nếu anh ta được điều trị, thì “việc điều trị đó chắc chắn sẽ giúp anh khỏe hơn”. Trái lại, những từ ngữ tiêu cực, chẳng hạn như “Tôi không chắc rằng phương pháp điều trị này sẽ có hiệu quả” làm cho thời gian phục hồi lâu hơn.5 Thomas kết luận: “Bản thân bác sĩ là một tác nhân trị liệu mạnh mẽ; họ là giả dược và ảnh hưởng của họ có thể được cảm nhận, dù ít hay nhiều, trong mọi buổi tư vấn.”6
Trong khi sự lạc quan và những lời nói tích cực là chìa khóa, thì niềm tin cũng quan trọng không kém. Hiệu ứng phản dược có thể xảy ra khi một bệnh nhân không tin tưởng nhân viên y tế và các liệu pháp mà họ thực hiện.7 Tôi từng làm việc trong một phòng khám y tế công ở San Diego, nơi hầu hết bệnh nhân là những người tị nạn Somali. Đến từ một nền văn hóa có cách thực hành y học rất khác biệt, nhiều bệnh nhân của tôi thật sự không tin tưởng các bác sĩ người Mỹ và những phương pháp điều trị mà họ kê đơn. Trong nhóm bệnh nhân này, tôi đã chứng kiến rất nhiều tác dụng phụ đến từ những phương pháp điều trị thông thường, dường như là vô hại, chẳng hạn như bổ sung vitamin trước khi sinh, so với báo cáo của các bệnh nhân người Mỹ. Mặc dù tôi đã cố gắng để có được lòng tin của những bệnh nhân này, tôi nghi ngờ rằng những tác dụng phụ nói trên xảy ra vì một số người thực sự tin là chúng tôi đang cố đầu độc họ.
Những gì bác sĩ của bạn tin cũng rất quan trọng. Trong một nghiên cứu tìm hiểu về vai trò của các endorphin trong cách thức giả dược giúp làm giảm đau được công bố trên tạp chí Lancet, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, dù đã sử dụng phương pháp mù đôi nhưng những kỳ vọng của các bác sĩ vẫn ảnh hưởng đến cách bệnh nhân phản ứng với việc tiêm fentanyl, naloxone hay giả dược.8 Nếu bác sĩ không tin một phương pháp điều trị nào đó sẽ hiệu quả, thì việc điều trị có thể sẽ thực sự kém hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu khác do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (National Institute of Mental Health) thực hiện đã đánh giá 250 bệnh nhân trầm cảm. Những bệnh nhân này được phân ngẫu nhiên vào một trong bốn nhóm trị liệu 16 tuần: liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân, liệu pháp hành vi nhận thức, dùng thuốc chống trầm cảm imipramine và giả dược. Là một nghiên cứu nhánh của một dự án lớn hơn, các nhà nghiên cứu tại Georgetown đã ghi hình lại cách các bác sĩ tương tác với bệnh nhân và yêu cầu các chuyên gia dự đoán ai sẽ khỏe lại còn ai thì không, dựa trên những trao đổi trong các video này.
Thật ngạc nhiên, các chuyên gia đã có thể dự đoán được điều này dựa trên mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, bất kể bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp nào. Đó không chỉ là việc có hay không sự gắn kết về cảm xúc giữa bác sĩ và bệnh nhân. Hóa ra những gì bác sĩ tin về tiên lượng của bệnh nhân cũng rất quan trọng. Nếu một bác sĩ tin rằng bệnh nhân sẽ cải thiện, khả năng bệnh nhân sẽ cải thiện thường cao hơn so với trường hợp bác sĩ không thể hiện niềm tin tích cực này.9 Những phát hiện về niềm tin của bác sĩ đã được tái lặp lại trong nhiều nghiên cứu, không chỉ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần mà cả trong những lĩnh vực khác.
Không có gì ngạc nhiên khi tính cách của bác sĩ cũng tạo nên sự khác biệt. Một nghiên cứu của Trường Y Harvard được công bố trên Tạp chí Y học Anhđã chứng minh rằng phản ứng với một giả dược tăng từ 44% lên 62% khi bác sĩ điều trị bệnh nhân với “sự ấm áp, quan tâm và tự tin”. Trong khi ở nhóm kiểm soát thứ ba, những người trong danh sách chờ và không nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào, chỉ có 28% được cải thiện.10
Sự hỗ trợ đúng đắn kết hợp với niềm tin tích cực, thậm chí có thể dẫn đến việc chữa lành không thể giải thích được. Đầu những năm 1950, bác sĩ Albert Mason tại Bệnh viện Queen Victoria Hospital ở London đã chữa trị cho một thiếu niên có làn da dày, nứt nẻ bao phủ hầu hết cơ thể. Bệnh của cậu bé được cho là bệnh mụn cóc nghiêm trọng Trước đây thôi miên từng được mô tả là phương pháp điều trị mụn cóc hiệu quả, vì thế bác sĩ Mason thực sự tin rằng thôi miên có thể chữa khỏi mụn cóc ngay cả ở giai đoạn tiến triển như vậy.11
Bị thuyết phục trước việc dùng sức mạnh của tâm trí để tự chữa trị mụn cóc, bác sĩ Mason đã quyết định làm như vậy. Trong buổi trị liệu đầu tiên, bác sĩ Mason chỉ tập trung vào cánh tay cậu bé, ông đưa cậu bé vào trạng thái bị thôi miên và hướng dẫn cậu bé, nhìn thấy cánh tay của mình hồng hào và khỏe mạnh trong suốt liệu trình. Sau lần điều trị lặp lại, làn da đã gần như trở lại bình thường trước sự kinh ngạc của các đồng nghiệp. Nhưng bác sĩ Mason không hề ngạc nhiên. Ông có niềm tin là tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể, ít nhất là đối với tình trạng mụn cóc nghiêm trọng như vậy.
Sau đó, khi cậu bé gặp lại vị bác sĩ phẫu thuật đã không thành công trong việc cố gắng giúp mình ghép da, cậu đã làm vị bác sĩ ngạc nhiên bởi làn da khỏe mạnh của cậu, nhất là khi vị bác sĩ đã phạm sai lầm trong chẩn đoán bệnh. Cậu bé đã bị chẩn đoán sai và cậu không phải bị mụn cóc. Bệnh thực sự của cậu là ichthyosis, một bệnh di truyền bẩm sinh nghiêm trọng có khả năng gây tử vong.
Mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh rằng tâm trí có thể chữa khỏi bệnh ichthyosis bẩm sinh, cả bác sĩ Mason và cậu bé đều đã tin rằng thôi miên sẽ có tác dụng. Và sự thật là thế.
Tin tức được lan truyền ra ngoài và những người mắc bệnh ichthyosis bẩm sinh khác đã tìm đến bác sĩ Mason, ông cũng cố gắng giúp đỡ họ. Thế nhưng bác sĩ Mason đã không thể tái lập hiệu ứng tương tự ở những bệnh nhân khác. Ông đổ lỗi cho sự thất bại là do thiếu niềm tin. Dù ông tin rằng thôi miên sẽ chữa khỏi mụn cóc, nhưng ông nghi ngờ nó có hiệu quả đối với tình trạng bệnh di truyền nghiêm trọng này.
NGHI THỨC TRONG Y HỌC
Một viên thuốc đường, dù có công hiệu thì thật sự cũng chỉ là một viên thuốc đường. Nó không phải là phép màu. Trong khi một số phương pháp điều trị như phẫu thuật bàn tay của chồng tôi, sửa chữa cơ thể theo những cách mà cơ thể không thể tự làm một mình, các phương pháp điều trị khác chỉ đơn thuần là tranh thủ sức mạnh của tâm trí để tối ưu hóa sức khỏe của cơ thể và sự hỗ trợ của một người chăm sóc sức khỏe tận tâm lại có thể tạo ra khác biệt.
Một vài nghiên cứu – tương tự như nghiên cứu của K. B. Thomas – còn tiến xa đến mức cho rằng bác sĩ thực chất là giả dược, vai trò mà bác sĩ thực hiện tự bản thân nó đã kích hoạt phản ứng tự phục hồi.12 Như Ted Kaptchuk đã giải thích, những gì chúng ta học được từ hiệu ứng giả dược là chúng loại bỏ các trị liệu được cho là chữa trị cho chúng ta – như thuốc kháng sinh, phẫu thuật đầu gối, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, phẫu thuật lồng ngực – làm cho y học trở thành một dạng trị liệu ít liên quan đến thuốc hay phẫu thuật hơn. Không có những chiếc bẫy sinh hóa của thuốc men, chúng ta chỉ còn lại y học thuần khiết như trước khi các phương pháp điều trị rất hiệu quả như phẫu thuật ngón tay cho ra đời – nghi thức trong y học, ý nghĩa mà chúng ta gán cho việc điều trị y tế và sự chăm sóc từ một người tận tâm đang cố gắng giúp chúng ta khỏe lại.
Vì vai trò của người bác sĩ trong thế giới phương Tây có ý nghĩa rất lớn trong nền văn hóa hiện đại, sự hỗ trợ của một bác sĩ tận tâm thậm chí có thể còn quan trọng hơn sự hỗ trợ tương tự từ một mục sư, nhà trị liệu, người châm cứu hay sự hiện diện của một người yêu thương giúp chữa lành nào khác. Tuy nhiên, điều tương tự có thể không đúng ở các nền văn hóa khác, nơi khả năng chữa bệnh mạnh mẽ nhất có thể nằm trong tay vị pháp sư, vị bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc hay bà lang vườn.
Một bác sĩ mà tôi từng phỏng vấn – chúng ta sẽ gọi cô ấy là bác sĩ M. – đã nói: “Tôi biết rằng điều quý giá nhất mà tôi dành cho bệnh nhân của mình là tình yêu thương”. Cô ấy kể tôi nghe câu chuyện về một bệnh nhân bị đau tới 90% cơ thể do chứng đau dây thần kinh nghiêm trọng. Bệnh nhân đã gặp hàng tá bác sĩ và một vài người chữa bệnh bằng các liệu pháp thay thế nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau đó, cô gặp bác sĩ M., người đã kê đơn dầu cá và các vitamin B cho cô. Bác sĩ M. thừa nhận với tôi rằng cô ấy kê toa các chất bổ sung gần như là giả dược bởi không có bằng chứng lâm sàng nào chỉ ra chúng sẽ có hiệu quả trong việc chống lại chứng đau dây thần kinh này. Bác sĩ M. cũng dành hàng giờ để lắng nghe bệnh nhân và dành cho cô ấy sự quan tâm chăm sóc.
Không lâu sau, bệnh nhân yêu một chàng trai trẻ và ngay sau đó, cô quay lại văn phòng bác sĩ M. để thông báo rằng cơn đau của cô đã biến mất. Cô tin đó là nhờ công hiệu của các vitamin B và dầu cá, và gọi chúng là phương thuốc thần kỳ.
Nhưng bác sĩ M. nói với tôi: “Tôi biết đó không phải là do các vitamin. Tôi tin rằng căn bệnh được chữa khỏi là nhờ tình yêu của chàng trai trẻ kết hợp với sự chăm sóc mà tôi dành cho cô ấy”.
CƠ CHẾ CỦA SỰ QUAN TÂM CHĂM SÓC
Sự quan tâm chăm sóc và niềm tin tích cực của một nhân viên y tế có thể giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân như thế nào? Tất cả đều có thể giải thích bằng phản ứng căng thẳng gây bệnh và phản ứng thư giãn giúp tự chữa lành. Khi một bệnh nhân gán cho bác sĩ những ý nghĩa tích cực cảm thấy được chăm sóc, tin tưởng, trấn an và được nâng đỡ, phản ứng căng thẳng sẽ bị cắt đứt. Các phản ứng thư giãn được tạo ra. Bệnh nhân bắt đầu cảm thấy khỏe hơn ngay lập tức.
Chỉ cần tưởng tượng là bạn bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Giây phút bạn nghe thấy từ ung thư, phản ứng căng thẳng chiến hay chạy của bạn bắt đầu hoảng loạn. Tuyến thượng thận bơm ra cortisol. Hệ thống thần kinh giao cảm ở trong tình trạng báo động. Từ ung thư được tâm trí diễn giải như một mối đe dọa chết người dù nguy cơ tử vong hiếm khi xảy ra tại thời điểm chẩn đoán. Trong tình trạng căng thẳng sinh lý như vậy, cơ thể không được trang bị tốt để chống lại bệnh ung thư. Nó quá bận rộn chuẩn bị cho việc chiến đấu và chạy trốn.
Sau đó, bác sĩ ung thư, một người tốt bụng, tận tâm nắm tay bạn, vỗ về khi bạn khóc và bảo đảm với bạn rằng ông đã chăm sóc hàng ngàn người bị căn bệnh ung thư giống như vậy và hầu hết họ đã làm rất tốt. Bằng những lời nói điềm tĩnh và sự hiện diện nhẹ nhàng, vị bác sĩ ung thư giải thích rằng dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng sẽ không bao giờ đơn độc, ông sẽ ở cạnh bạn, làm mọi việc trong khả năng để giúp bạn. Một kế hoạch điều trị được đưa ra, ông cho bạn số điện thoại để bạn có thể gọi khi có điều cần hỏi. Ông trao cho bạn một cái ôm hay một cái vỗ nhẹ vào lưng. Cho dù bạn đang phải đối mặt với một cuộc phẫu thuật lớn và nhiều tháng hóa trị, bạn đã cảm thấy tốt hơn rồi.
Vì sao ư? Bởi vì tâm trí được xoa dịu. Nỗi sợ hãi được giảm bớt. Các phản ứng căng thẳng đã bị tắt. Cơ thể thư giãn. Bác sĩ đã thuyết phục não của bạn rằng mọi thứ sẽ ổn, hay ít nhất là ông sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng mọi thứ sẽ ổn. Trong trạng thái thư giãn như vậy, cơ thể có thể bận rộn làm những gì nó làm tốt nhất – cố gắng chữa lành cho chính nó.
VIỆC THIẾU SỰ QUAN TÂM CHĂM SÓC CÓ THỂ LÀM HẠI BẠN
Như vậy, nếu các bác sĩ điềm tĩnh, biết cách làm bệnh nhân an lòng và tin tưởng là mọi thứ sẽ ổn có thể tạo ra những tác dụng sinh lý tích cực, thì chúng ta cũng biết được điều gì sẽ xảy ra khi các bác sĩ vô tình sử dụng siêu năng lực của họ sai cách. Mặc dù họ có thể có ý tốt, nhưng thường là các bác sĩ và những người chăm sóc sức khỏe khác không chỉ thất bại trong việc đối xử với bệnh nhân bằng sự ân cần và quan tâm chăm sóc; họ thậm chí còn cho phép bản thân trở nên quá bận rộn, làm việc quá sức và suy kiệt đến mức thẳng thừng làm hại bệnh nhân của mình.
Một người bạn đã viết thư cho tôi sau khi rời phòng khám:
Lissa à, nếu vị bác sĩ này cướp đồ của tớ khi ra về, tớ sẽ không thể xác nhận đó là ông ta vì tớ không nghĩ rằng ông ta đã nhìn tớ dù chỉ một lần. Từ người y tá nhận bệnh đến người bác sĩ ở phòng khám, cả hai người đều TRÁNH nhìn mặt tớ, cắm mặt vào màn hình máy tính khi đặt câu hỏi và nhấn bàn phím. Máy tính in ra đơn thuốc mới của tớ và ông ta thậm chí còn chưa thảo luận với tớ về nó. Nếu một chương trình máy tính là những gì tớ cần để theo dõi và bổ sung đơn thuốc cho bệnh trạng hiện tại hay các bệnh mạn tính khác, thì tớ cần gì phải ngồi chờ đến một tiếng đồng hồ trong phòng đợi, chờ để được nhìn vào lưng anh chàng nào đó chắc? Ồ còn nữa – cô y tá rõ ràng đã đặt một mã sai vào máy tính, bởi vì ông ta đã chuẩn bị sẵn để cho tớ đi khám VÚ thay vì nghe bệnh suyễn trong NGỰC. Tớ đã định nói: “Ông đang nói về cái quái gì vậy, thưa ông? Ông đã có thông tin sai hoặc là ông đang ở sai phòng”. Phùuuu. Bây giờ tớ đang nổi điên. Tớ sẽ không bao giờ quay lại đó nữa.
Tôi thường xuyên nghe kiểu phản hồi này từ cộng đồng trực tuyến của mình. Với những người chăm sóc sức khỏe bị quá tải, kiệt sức và thiếu tôn trọng, đôi khi bệnh nhân còn cảm thấy căng thẳng hơn sau khi đi khám bác sĩ. Nếu bạn phải ngồi hai tiếng đồng hồ trong một phòng chờ đông đúc chỉ để có bảy phút rưỡi với một bác sĩ kiệt sức, người ngắt lời bạn, quên tên bạn, không bao giờ đặt tay lên người bạn, và sau đó làm bạn hoảng sợ với một tiên lượng khó hiểu, bạn có thể chắc chắn rằng phản ứng căng thẳng của mình sẽ được kích hoạt.
Không ai cố tình để điều này xảy ra. Những người chăm sóc sức khỏe thường hy sinh rất nhiều cho bệnh nhân đến nỗi không còn nhớ đến tiếng gọi đã đưa họ đến với công việc mình đang làm. Họ nghĩ rằng sự hy sinh đã chứng minh được sự quan tâm mà họ dành cho bệnh nhân. Nhưng chỉ sự hy sinh thôi thì không đủ. Đã đến lúc đưa yếu tố chăm sóc quay trở lại đúng bản chất. Các bác sĩ và những người chăm sóc sức khỏe khác cần nhớ lý do vì sao chúng ta làm công việc này để có thể tối đa hóa hiệu quả chữa bệnh đối với bệnh nhân của mình. Đặc biệt là khi mọi việc trở nên xấu đi.
CÁCH THÔNG BÁO TIN XẤU
Năm 1974, bác sĩ Clifton Meador đã nói với bệnh nhân của mình, Sam Londe, người bị ung thư thực quản rằng tình trạng của ông được coi là nguy hiểm đến tính mạng. Sam đã chết rất nhanh, chỉ vài tuần sau khi bác sĩ Meador báo tin về bản án tử hình của mình.
Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi sau khi ông qua đời đã khiến các bác sĩ ngạc nhiên. Tế báo ung thư được tìm thấy rất ít, chắc chắn là không đủ để giết chết ông. Bác sĩ Meador đã nói trên Kênh Khám phá Sức khỏe (Discovery Health Channel): “Ông ấy đã chết với căn bệnh ung thư nhưng không phải do ung thư”. Vì sao Sam chết? Có lẽ tin tức xấu đã kích hoạt nỗi sợ hãi nhiều đến mức những phản ứng căng thẳng đã tàn phá cơ thể ông. Ông chết vì được nói rằng mình sẽ chết và ông tin rằng mình sẽ chết. Những suy nghĩ tiêu cực của ông đã chuyển thành những thay đổi sinh lý thực sự.
Nhiều thập niên sau, cái chết của Sam Londe vẫn ám ảnh bác sĩ Meador, và ông nói: “Tôi nghĩ rằng ông ấy bị ung thư. Ông ấy nghĩ rằng mình bị ung thư. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng ông ấy bị ung thư... Phải chăng, theo cách nào đó, tôi đã xóa đi mọi hy vọng của ông ấy?”13
Tôi ngờ rằng những câu chuyện kiểu như thế không phải là hiếm. Đương nhiên là các bác sĩ không bao giờ muốn làm hại bệnh nhân. Hầu hết các bác sĩ được thúc đẩy bởi những ý định thuần khiết nhất và chúng tôi không mong muốn gì hơn là giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Nhưng tôi đã nghe các bác sĩ giỏi đưa tin xấu hết lần này đến lần khác. Đại loại như:
CỬA SỐ 1
Tôi e rằng bệnh ung thư của cô không thể phẫu thuật được và không giới hạn ở một cơ quan như chúng ta nghĩ. Trên thực tế, nó có trong dạ dày, đại tràng , các hạch bạch huyết và rải rác khắp niêm mạc bụng. Chúng tôi chưa kiểm tra nhưng có thể nó cũng có trong phổi, xương và não.
Nếu cô muốn, chúng tôi có thể làm hóa trị liệu nhưng đó chỉ là để giảm nhẹ chứ không phải là để chữa bệnh. Tôi rất tiếc phải báo cho cô tin tức này và tất nhiên, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp cô cảm thấy thoải mái. Nhưng đây là thời điểm tốt để thu xếp mọi thứ. Nếu cô chưa cập nhật di chúc, cô có thể muốn làm điều đó bởi chỉ 1 trong 20 người mắc loại ung thư của cô sống sót sau năm năm và hầu hết đều chết trong vòng ba đến sáu tháng.
Tôi rất tiếc vì phải nói với cô về điều này và tất nhiên là chúng ta có thể nói chuyện nhiều hơn khi tác dụng của thuốc mê đã hết và cô tỉnh táo hơn một chút.
Khi tin tức xấu được thông báo theo cách như vậy, nó kích hoạt các phản ứng căng thẳng khiến cơ thể bệnh nhân khó tự sửa chữa hơn và, trong một số trường hợp đặc biệt, nó thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Rất có thể bạn sẽ chết vì sợ.
Tôi đề nghị một cách mới để thông báo tin tức xấu với chính bệnh nhân mà chúng ta đã mô tả đằng sau Cửa số 1 – người mắc bệnh ung thư di căn và có cơ hội sống sót là 1/20. Hãy cho cô ấy một chút thời gian để tỉnh dậy sau khi gây mê. Hãy để cô ấy yên ổn một chút trong phòng hồi sức. Hãy nói với gia đình cô ấy là chúng ta sẽ có một cuộc họp khi cô ấy hoàn toàn tỉnh lại và sau đó hãy thay thông báo bên trên bằng cuộc trò chuyện dưới đây:
CỬA SỐ 2
Tôi có những tin tốt và cả những tin xấu, vì vậy tôi sẽ nói tin xấu trước. Tôi e là căn bệnh ung thư không chỉ giới hạn ở một cơ quan như chúng ta đã hy vọng. [Tạm dừng một lát.]
Ung thư dường như đã di căn đến dạ dày, đại tràng , hạch bạch huyết và niêm mạc bụng. Chúng ta sẽ phải làm một số xét nghiệm để xem liệu ung thư có thể đã lan đến nơi nào khác nữa không và chúng ta sẽ sớm có được thông tin đó, vì vậy chúng ta có thể lên kế hoạch về những gì sẽ làm tiếp theo. Nhưng tôi muốn cô biết rằng cô sẽ không phải trải qua điều này một mình. [Tạm dừng một lần nữa.]
Tôi biết rằng điều này thật khó khăn, nhưng hãy để tôi chia sẻ với cô những tin tốt. Tin tốt là có một tỷ lệ % những người có chẩn đoán tương tự như cô vẫn sống sót, và một số tiên liệu cho thấy cô có thể là một trong số đó. Cơ thể được thiết kế để tự sửa chữa khi bị bệnh, và chúng ta có bằng chứng rõ ràng rằng những người chăm sóc tốt cơ thể, tâm trí và tinh thần trong khi vẫn hy vọng và tin tưởng vào năng lực chữa lành của bản thân sẽ có nhiều khả năng khỏi bệnh. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều lạc quan và giữ cho tâm trí cũng như cơ thể cô thư giãn nhiều nhất có thể, bởi chỉ trong trạng thái thư giãn này, cơ thể cô mới có thể chống lại căn bệnh ung thư.
Tôi muốn cô biết là tôi tin rằng cô có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư và tôi sẽ ở đây để hỗ trợ cô trong từng bước đi trên con đường này. Chúng ta sẽ nói chuyện vào ngày mai về các lựa chọn điều trị và chúng ta có thể đi đến đâu, nhưng tại sao cô không nghỉ ngơi trước và dành thời gian trao đổi với gia đình về việc này. Trước khi tôi đi thực hiện ca phẫu thuật tiếp theo, cô có muốn hỏi tôi điều gì không? [Tạm dừng và lắng nghe.]
Tôi sẽ nói chuyện với cô vào sáng mai và nếu cô có bất kỳ câu hỏi khẩn cấp nào từ bây giờ cho đến lúc đó, đừng ngần ngại gọi điện thoại cho tôi. Đây là số của tôi trong trường hợp cô cần. Tôi biết đây không phải là tin tức mà cô muốn nghe vào ngày hôm nay, nhưng làm ơn, đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Tôi tin vào phép màu và cô có thể là phép màu đó.
Thử tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy khác biệt như thế nào sau mỗi cuộc trò chuyện. Bác sĩ đầu tiên có thể sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mất phương hướng và đau buồn. Trong khi đó, vị bác sĩ đằng sau Cửa số 2 có thể sẽ khiến bạn cảm thấy được hỗ trợ, có hy vọng và được cung cấp đầy đủ thông tin, những điều giúp tâm trí và cơ thể bạn thư giãn.
Là người chăm sóc sức khỏe, tôi nghĩ trách nhiệm của chúng ta là xem xét cách thức để có thể hỗ trợ bệnh nhân giữ vững những niềm tin tích cực và giải phóng những niềm tin tiêu cực, nhờ vậy chúng ta có thể hạn chế phản ứng căng thẳng và khơi gợi phản ứng thư giãn để giúp cơ thể tự chữa lành và ngăn ngừa những tổn hại khác. Có lẽ hành động yêu thương và phục vụ sẽ có tác dụng vững chắc hơn bất kỳ loại thuốc hay phẫu thuật nào. Có lẽ chúng ta sẽ cần thêm vài phút trong ngày để thông báo những tin xấu theo cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chữa lành nhưng kết quả thu được có thể là phi thường.
LÀ BÁC SĨ HÃY NHÀ CHỮA LÀNH CHO CHÍNH BẠN
Với tư cách là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nếu chúng ta toàn tâm toàn ý với công việc của mình thì chúng ta có thể tạo ra môi trường lý tưởng để bệnh nhân tự chữa lành. Nhưng chúng ta lại thường phạm sai lầm khi cố gắng phục vụ những người đang cần chữa trị đến mức kiệt sức. Chúng ta đã được dạy phải hy sinh nhu cầu của bản thân để phục vụ người khác. Chúng ta trở nên thiếu ngủ trầm trọng, ăn uống kém, thất bại trong việc chăm sóc các mối quan hệ, bỏ bê bản thân, đóng cửa trái tim để bảo vệ chính mình, thường xuyên rơi vào tình trạng bất an cả về về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Giây phút mà một bác sĩ hay người chăm sóc sức khỏe cho đi đến mức cạn kiệt, thì việc chữa lành thực sự không còn tác dụng gì nữa. Bởi chúng ta sẽ cảm thấy mình là nạn nhân và trở thành những kẻ xấu xa, làm khổ bệnh nhân của mình.
Nếu tôi có thể vung đũa thần và thay đổi một điều trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, tôi sẽ thay đổi quan niệm điên rồ rằng để trở thành một người chăm sóc sức khỏe tốt, chúng ta phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình. Chúng ta không thể hiện diện trọn vẹn, mở rộng trái tim khi cần thiết và toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân khi chúng ta không có gì để trao tặng. Khi các bác sĩ có thể trở thành những tấm gương tự chăm sóc để bệnh nhân soi theo, toàn bộ hệ thống sẽ trải qua một sự thay đổi căn bản. Nếu có thể tự chữa lành cho chính mình trước tiên, thì chúng ta sẽ có thể phục vụ và yêu thương trọn vẹn, rồi chữa lành thế giới một cách hiệu quả hơn.
15 CÁCH NÂNG CAO KỸ NĂNG ĐIỀU TRỊ
1. Lắng nghe.
2. Mở rộng trái tim.
3. Giao tiếp bằng mắt.
4. Bỏ tay khỏi nắm cửa và ngồi xuống.
5. Thật sự có mặt.
6. Trao những cái chạm giúp chữa lành.
7. Mời bệnh nhân hợp tác với bạn.
8. Tránh phán xét.
9. Giáo dục nhưng không ép buộc.
10. Cẩn trọng khi sử dụng từ ngữ và luôn lạc quan.
11. Tin vào trực giác của bệnh nhân.
12. Tôn trọng những nhà trị liệu khác đang chữa trị cho bệnh nhân của bạn.
13. Trấn an bệnh nhân là họ không đơn độc.
14. Khuyến khích bệnh nhân giảm căng thẳng và để cho sự hiện diện của bạn giúp giảm nhẹ căng thẳng.
15. Trao tặng hy vọng vì tiên lượng dù có nghiệt ngã đến đâu thì khả năng tự thuyên giảm vẫn luôn tồn tại.
Chữa lành cho bản thân là một công việc khó khăn và không ai nên làm điều đó một mình. Là bác sĩ, chúng ta có thể tăng liều điều trị để cứu sống bệnh nhân, nhưng nếu chúng ta thất bại trong việc chữa lành cho chính mình để tâm hồn tràn ngập yêu thương đủ dành vào việc chữa trị, thì chúng ta sẽ hạn chế khả năng phục hồi hoàn toàn và bền vững của bệnh nhân.
Norman Cousins, tác giả cuốn Anatomy of an Illness (Giải phẫu một căn bệnh), biết rõ điều này. Cousins được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống thoái hóa khớp do rối loạn thoái hóa collagen, và anh tin rằng mình có thể duy trì tình trạng của mình nếu được xuất viện và điều trị bằng vitamin C liều cao với tiếng cười hằng ngày thay vì thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc an thần. May mắn thay, bác sĩ của anh, người mà Cousins có thể cùng hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đã ủng hộ quyết định này.
Trong cuốn sách của mình, Cousins đã viết: “Tôi cho rằng vị bác sĩ của tôi đã góp phần quan trọng trong việc giúp tôi chế ngự và có thể nói là chinh phục căn bệnh của mình bằng cách khuyến khích tôi tin rằng, mình là một đối tác đáng tôn trọng của ông ấy trong mọi quyết định”.
HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC TRONG Y HỌC BỔ SUNG VÀ THAY THẾ
Sự quan tâm chăm sóc giải thích lý do vì sao bệnh nhân thường cảm nhận hiệu quả rõ rệt khi được điều trị bằng các phương pháp điều trị CAM (Complementary and Alternative Medicine – y học bổ sung và thay thế), bao gồm các liệu pháp như châm cứu, Đông y, vi lượng đồng căn, Reiki, thảo dược, liệu pháp năng lượng, liệu pháp craniosacral, thuật nắn cột sống và các phương thức tương tự khác. Dù vậy, những phương pháp điều trị CAM thường được chỉ ra là “không hiệu quả” theo các nguyên tắc của y học có bằng chứng, nói cách khác, chúng được xem là không hiệu quả hơn so với giả dược. Tôi tin rằng lý do nhiều phương pháp điều trị kiểu này không đứng vững trong các thử nghiệm kiểm soát giả dược là vì khi được thực hiện với sự quan tâm chăm sóc thì châm cứu giả và châm cứu thật đều hiệu quả như nhau. Đó là bởi vì, như Kaptchuk đã nói trước đó, việc chữa trị không phải là “về những cây kim châm”. Cả hai đều kích hoạt sự thư giãn và làm giảm căng thẳng trong cơ thể. Và đây là điều tốt lành chứ không phải điều gì đó mà những người chữa trị CAM phải e ngại!
Điều gì sẽ xảy ra nếu phần lớn những gì chúng ta cung cấp trong Tây y cũng hoạt động theo cách tương tự? Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi điều trị bệnh mạn tính, sự chăm sóc và trấn an mà chúng ta trao cho bệnh nhân có lẽ cũng có giá trị đối với sinh lý của cơ thể không thua gì thuốc uống và thuốc tiêm.
Xin hãy hiểu rằng, tôi không ở đây để tranh luận về việc liệu các phương pháp chữa bệnh CAM có “hiệu quả” hay không. Nếu bệnh của bạn biến mất một cách bí ẩn sau khi dùng một phương thuốc vi lượng đồng căn, hay nếu bạn là một người chữa bệnh bằng năng lượng đã chứng kiến sự thuyên giảm tự phát xảy ra ở bệnh nhân của mình, tôi không nghi ngờ hiệu quả của các phương pháp điều trị như vậy. Trên thực tế, tôi hoàn toàn tin rằng những điều không thể giải thích được đã xảy ra trong quá trình trị liệu của các chuyên gia được đào tạo để thực hành các dạng trị liệu mà dữ liệu khoa học vẫn chưa thể kiểm chứng.
Thay vì bác bỏ các phương pháp điều trị như vậy, tôi muốn đưa ra lập luận rằng sở dĩ các phương pháp chữa bệnh không chính thống có hiệu quả không cao là do cách thực hành chúng. Hiệu quả của chúng đến từ sự kết hợp mạnh mẽ của niềm tin tích cực vào phương pháp chữa trị, sự quan tâm chăm sóc của người chữa bệnh và phản ứng thư giãn tạo ra bởi các phương pháp điều trị. Trên thực tế, có lẽ những phương thức này có hiệu quả cao – nhưng không phải theo những cách thức mà chúng ta mong đợi.
Điều tôi muốn gợi ý là tất cả các biện pháp can thiệp nhằm hỗ trợ cho sức khỏe và sự chữa lành – cho dù là thuốc và phẫu thuật thông thường hay các phương pháp điều trị CAM – có thể tác động chủ yếu thông qua sức mạnh của tâm trí. Chúng ta đã được thấy nhiều phương pháp điều trị y tế chính thống không tốt hơn giả dược, trong khi những phương pháp khác đã được chứng minh là hiệu quả hơn giả dược. Điều này gợi ý rằng một số phương pháp điều trị chính thống thực sự mang lại lợi ích vượt xa những gì niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc có thể tạo ra. Trong khi đó, hiệu quả của hầu hết các trị liệu CAM, nếu không nói là tất cả, đến từ niềm tin tích cực, sự quan tâm chăm sóc và các phản ứng sinh lý tích cực mà chúng kích hoạt.
ĐÓ LÀ TRỊ LIỆU HAY PHẢN ỨNG THƯ GIÃN?
Bằng chứng cho thấy rằng châm cứu thật có thể không hiệu quả hơn châm cứu giả. Dù một vài thử nghiệm chỉ ra rằng châm cứu thật hiệu quả hơn châm cứu giả14 nhưng phần lớn thì không. Khi bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để được châm cứu thật (châm kim dọc theo các kinh tuyến năng lượng như được dạy trong trường đào tạo châm cứu) hay châm cứu giả (châm kim đại hoặc châm kim giả vào da nhưng không đưa sâu vào cơ thể), nhiều người được châm cứu thật đã khỏe hơn. Nhưng những người được châm cứu giả cũng thế.15 Mặc dù nhiều người tin rằng việc châm kim đúng vị trí là quan trọng, nhưng nếu nó liên quan đến người bác sĩ châm cứu nhiều hơn là kỹ thuật châm cứu thì sao?
Điều tương tự cũng có thể đúng với Reiki, một hình thức chữa bệnh bằng năng lượng của Nhật Bản được thực hiện bằng cách đặt hoặc vẫy tay trên cơ thể để di chuyển năng lượng sống qua các vị trí “nghẽn” trong cơ thể. Các nghiên cứu như là nghiên cứu thực hiện tại Đại học bang Sonoma và đã được công bố trên Diễn đàn Kỹ năng Điều dưỡng đối với Bệnh Ung thư (Oncology Nursing Forum), đã nghiên cứu các bệnh nhân được hóa trị và thấy rằng những người được thực hành Reiki thường có tình trạng sức khỏe tốt hơn so với những người chỉ được điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn, nhưng những người được thực hành Reiki giả cũng nhận được lợi ích sức khỏe tương tự.16 Một lần nữa, điều này không làm tôi ngạc nhiên. Vì chính tôi cũng đã thực hành Reiki, tôi có thể chứng thực rằng Reiki giúp thư giãn sâu sắc, đặc biệt là khi kỹ thuật này được một người thật sự tận tâm thực hiện. Nhưng Reiki giả cũng vậy. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người thích nó!
Các nghiên cứu cũng cho thấy vi lượng đồng căn, một liệu pháp CAM dựa trên giả thuyết rằng, một chất gây ra các triệu chứng bệnh ở người khỏe mạnh sẽ chữa khỏi bệnh ở người bị bệnh khi được dùng với liều lượng rất nhỏ, có thể không công hiệu hơn giả dược, dù dữ liệu mâu thuẫn nhau. Một phân tích tổng hợp về 107 thử nghiệm vi lượng đồng căn được thực hiện tại Đại học Limburg ở Hà Lan và đã được công bố trên Tạp chí Y học Anh cho thấy xu hướng có hiệu quả về mặt lâm sàng, tức là vi lượng đồng căn có thể hiệu quả hơn giả dược và đáng được nghiên cứu sâu hơn.17 Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp với dữ liệu được thiết kế kỹ lưỡng hơn, quy mô lớn hơn, được công bố trên Lancet, đã đánh giá 110 thử nghiệm vi lượng đồng căn và 110 thử nghiệm y học tiêu chuẩn tương tự và tập trung vào việc tìm kiếm các yếu tố nhiễu trong nghiên cứu. Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ, cho thấy liệu pháp vi lượng đồng căn có hiệu quả bằng hoặc cao hơn không nhiều so với giả dược.18 Tôi sẽ lập luận rằng có lẽ không phải phương thuốc vi lượng đồng căn đã chữa khỏi bệnh mà người thực hiện liệu pháp mới là tác nhân tạo ra điều đó.
Các nhà phê bình đã không thừa nhận kết quả của những nghiên cứu giống như phân tích tổng hợp vi lượng đồng căn, dẫn đến tuyên bố của Lancet về “sự kết thúc của vi lượng đồng căn” và “sự phát triển của sự thật”.19 Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra rằng, những người chỉ trích nghiên cứu trên đã trích dẫn nó như một ví dụ của việc y học chính thống uốn nắn dữ liệu theo hướng bất công với y học thay thế.20 Nếu sử dụng y học dựa trên bằng chứng để đánh giá các phương pháp điều trị không phù hợp với kiểu phân tích như vậy, thì chúng ta phải cởi mở trong việc giải thích những kết quả xác nhận hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh mà chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ. Việc đưa các thành kiến tiêu cực vào loại dữ liệu kiểu này chỉ vì chúng ta không thể tìm được một giải thích sinh hóa hợp lý là không khoa học.
Hãy nhớ rằng nhiều nghiên cứu trong số này không hề hoàn hảo. Vấn đề trong cách thức thực hiện nghiên cứu về các liệu pháp này là nó khó có thể là một nghiên cứu mù đôi, cả người thực hiện và bệnh nhân đều không phân biệt được điều trị thật và giả. Mặc dù một số nghiên cứu về châm cứu giả đã sử dụng “kim” giả và có thể qua mặt cả bác sĩ châm cứu, nhưng những nghiên cứu khác chỉ có bệnh nhân không biết điều trị là thật hay giả.
Điều này đã làm sai lệch mọi thứ. Các nghiên cứu chứng minh rằng khi các bác sĩ lâm sàng biết bệnh nhân đang được điều trị bằng liệu pháp gì, họ vô tình thông báo điều này cho bệnh nhân bằng các phương tiện phi ngôn ngữ. Do đó, hầu hết các thử nghiệm y tế tiêu chuẩn đều là mù đôi, để cả người nghiên cứu và bệnh nhân đều không biết họ có đang sử dụng giả dược hay không. Sự khác biệt này làm cho việc áp dụng phương pháp nghiên cứu lâm sàng vào nhiều phương pháp điều trị CAM sẽ dẫn đến những sai lệch.
MỤC TIÊU THỰC SỰ CỦA VIỆC ĐIỀU TRỊ
Làm ơn đừng để mình bị chệch hướng bởi sự nghèo nàn của dữ liệu. Mặc dù các nhà khoa học có thể không đưa ra được những giải thích khoa học về mặt sinh lý cho nhiều phương pháp điều trị CAM nhưng liệu nó có thực sự cần thiết không khi chúng ta đã có lời giải thích về mặt sinh hóa cho các phương pháp điều trị như vậy? Chúng ta biết rằng việc nằm trên bàn khám với một chuyên gia tận tâm trong môi trường thư giãn tập trung vào việc chữa lành có thể ngắt các phản ứng căng thẳng mà nhiều người phải đối mặt hằng ngày, nhất là khi bị bệnh. Chúng ta cũng biết rằng việc khơi gợi các phản ứng thư giãn tạo ra sự thay đổi nội tiết tố tích cực và đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng nội môi tự nhiên, thúc đẩy quá trình tự sửa chữa của cơ thể. Chúng ta còn cần biết thêm gì nữa?
Y học chính thống gọi bất cứ thứ gì không hiệu quả hơn giả dược là “lang băm.” Nhưng không phải là chúng ta đã bỏ lỡ mục tiêu thật sự hay sao? Tôi đề nghị chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị y tế. Nếu bệnh nhân khỏe hơn, việc liệu pháp đó phải tốt hơn giả dược có thực sự quan trọng không? Việc giải quyết các triệu chứng và chữa lành bệnh không phải là mục tiêu cuối cùng hay sao? Cách thức để chúng ta đạt được mục tiêu đó có thực sự quan trọng không?
Tôi biết đó là một quan niệm cấp tiến. Nhưng tôi không phải là người duy nhất suy nghĩ như vậy.
Trong một bài xã luận trên Tạp chí Y học Anh, tiến sĩ David Spiegel, giáo sư của Đại học Yale đã chỉ trích những người hoài nghi về hàm ý đó, nếu hầu hết lợi ích của các liệu pháp CAM đến từ hiệu ứng giả dược thì họ [những người hoài nghi] đáng được đưa chung vào nhóm hành nghề lang băm. Ông đặt ra câu hỏi: “Có phải cộng đồng y học thay thế đã học hỏi từ lịch sử để hiểu rằng có điều gì đó quan trọng về trải nghiệm của bệnh tật và nghi thức trong những tương tác giữa bác sĩ với bệnh nhân mà phần còn lại của y học có thể cần phải lắng nghe?”21
HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC TRONG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Không chỉ riêng các phương pháp điều trị CAM mới là những phương pháp mà hiệu quả có thể đến từ niềm tin tích cực, sự quan tâm chăm sóc và phản ứng thư giãn được tạo ra nhiều hơn là từ chính phương pháp điều trị. Các nghiên cứu cho thấy tâm lý trị liệu có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân theo cách tương tự. Chắc chắn là các dữ liệu ủng hộ quan niệm cho rằng những người được điều trị bằng liệu pháp tâm lý có biểu hiện tốt hơn nhiều so với những người không được điều trị.22 Nhưng đó thực sự là do liệu pháp tâm lý hay là vì liệu pháp tâm lý tạo ra phản ứng thư giãn từ sự kết hợp giữa niềm tin tích cực của bệnh nhân và sự hỗ trợ yêu thương của một nhà trị liệu tận tâm? Không phải tâm trí và cơ thể có nhiều khả năng chữa lành hơn khi được thư giãn hay sao?
Trong một thí nghiệm mang tính bước ngoặt được thực hiện tại Đại học Vanderbilt và được công bố trên Văn khố Tâm thần học Đại cương (Archives of General Psychiatry), các nhà trị liệu tâm lý giàu kinh nghiệm đã điều trị cho 15 sinh viên đại học mắc chứng lo âu và trầm cảm, trong khi một nhóm bệnh nhân tương tự được điều trị bởi các giáo sư đại học, những người không phải là các nhà trị liệu. Những bệnh nhân được điều trị bởi các giáo sư không có kỹ năng đã có sự cải thiện tương đương với những bệnh nhân được điều trị bởi các nhà trị liệu chuyên nghiệp.23
Nhà nhân chủng học y tế, tiến sĩ Arthur Kleinman tin rằng việc quy kết những thành công của liệu pháp tâm lý cho hiệu ứng giả dược không loại trừ những lợi ích của nó. Ông xem nó như là một phương pháp trị liệu bổ sung. “Tâm lý trị liệu rất có thể là một cách tốt để tối đa hóa các phản ứng giả dược... nhưng nếu vậy, nó nên được hoan nghênh thay vì bị lên án, vì đã khai thác một quá trình trị liệu hữu ích mà chưa được sử dụng đúng mức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tổng quát.”24
HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC TRONG TRỊ LIỆU BẰNG ĐỨC TIN
Mặc dù có ít dữ liệu lâm sàng trong lĩnh vực chữa lành bằng đức tin, nhưng chúng ta có thể lập luận rằng những người chữa bệnh bằng đức tin có thể có cùng một động lực. Hãy suy nghĩ về điều đó. Những người đến từ những nơi rất xa chỉ để gặp một người mà họ tin rằng sẽ chữa lành cho họ. Thêm vào đó là những người cần được chữa lành khác, những người cũng đã thực hiện chuyến hành hương và chia sẻ cùng một niềm tin tích cực. Được đẩy vào các nghi thức và thực hành giúp củng cố niềm tin – một cái ôm yêu thương, những bàn tay được đặt lên, thiền định, thảo dược, nước thánh – và bạn đã có một công thức để khơi gợi các phản ứng thư giãn và tự chữa lành mà các nhà khoa học đặt tên là “hiệu ứng siêu-giả-dược”.25
Nước chữa bệnh ở Lộ Đức là một ví dụ về hiệu ứng siêu-giả- dược này. Lộ Đức cung cấp cơ hội hoàn hảo cho việc tự chữa lành. Mọi người thực hiện chuyến hành hương và thường kiệt sức khi đến nơi, nghĩa là họ ở trong trạng thái tinh thần có khả năng tiếp thu cao. Đền thờ tại Lộ Đức có nhiều biểu tượng chữa lành thiêng liêng, nhiều cơ hội cho các nghi lễ chữa lành, cũng như tụ họp của những người hành hương. Cùng nhau, những người đến đây thường chịu ảnh hưởng của sự lan truyền cảm xúc và niềm hy vọng tập thể. Chỉ riêng điều này – niềm tin rằng nước thánh sẽ chữa lành bệnh – có thể đã đủ để kích hoạt các phản ứng thư giãn cần thiết để cơ thể tự chữa lành.
Giáo hội Công giáo nhận thức được điều này và đã cố gắng loại trừ bất kỳ sự chữa lành nào có thể được coi là “Hysteria – rối loạn tâm căn”. Mục đích là để đảm bảo sự chữa lành là phép màu thực sự của một thiên tính thay vì là kết quả của việc tự chữa lành do năng lực tâm trí tạo ra. Để đảm bảo điều này, Giáo hội đã thuê các bác sĩ để xác minh xem liệu một trường hợp tự khỏi bệnh có “được tính” là một “dấu hiệu của Chúa” thực sự hay không. Từ năm 1858, chỉ có 68 trường hợp đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của họ.
Năm 1962, Vittorio Micheli được đưa vào một bệnh viện ở Verona với khối u ung thư lớn ở hông trái. Trong vòng mười tháng, hông của ông đã gần như hoàn toàn tách rời, khiến xương trôi nổi trong một khối mô mềm đến nỗi người ta phải bó bột để giữ chân ông dính lại. Như một phương sách cuối cùng, ông đã thực hiện chuyến đi đến Lộ Đức, nơi ông từng tắm vài lần. Mỗi lần, ông mô tả một cảm giác nóng di chuyển khắp cơ thể. Trong tháng tiếp theo, ông đã trải nghiệm năng lượng tái tạo, các bác sĩ chụp X quang lại và tìm thấy một khối u nhỏ hơn nhiều. Họ ấn tượng đến nỗi ghi nhận lại từng bước hồi phục của ông. Không lâu sau, khối u của Micheli biến mất và xương bắt đầu tái tạo. Trong vòng hai tháng, ông đã đi lại được.26
Phép lạ của Anna Santaniello, ca thứ hai được ghi nhận gần đây nhất tại Lộ Đức, xảy ra khi bà bị bệnh tim tiến triển nghiêm trọng theo sau cơn viêm khớp dạng thấp cấp tính. Bà bị khó thở trầm trọng cùng với bệnh Bouillaud, căn bệnh khiến bà khó nói chuyện và không thể đi được. Bà cũng bị các cơn hen nặng, tím tái (do thiếu oxy) ở mặt và môi, và sưng chân. Sau khi được các tình nguyện viên hạ xuống vùng nước chữa bệnh, các triệu chứng của bà biến mất và một bác sĩ xác nhận là bà đã được chữa khỏi bệnh.
Gần đây nhất, vào tháng Ba năm 2011, Serge François, 56 tuổi, đã được tuyên bố là phép màu mới nhất. Sau các biến chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm, ông gần như không có khả năng vận động ở chân trái, ông đã hành hương đến ngôi đền linh thiêng vào năm 2002 và trải nghiệm sự gia tăng nhanh chóng khả năng vận động. Mười năm sau đó, ông vẫn khỏe mạnh.
Trong cuốn Anatomy of an Illness, Norman Cousins đã viết: “Những phương thuốc ‘chữa bệnh thần kỳ’ được ca ngợi có rất nhiều trong kinh sách của tất cả các tôn giáo lớn... tất cả đều có nói đến chuyện một khi được khuyến khích và thúc đẩy đúng cách, bệnh nhân có khả năng tham gia tích cực vào sự đảo ngược thần kỳ của bệnh tật và khuyết tật.”
TÁI KHẲNG ĐỊNH TRỌNG TÂM CỦA Y HỌC
Là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chúng ta được ban phước bằng một cơ hội thiêng liêng. Chúng ta có khả năng khuyến khích các phản ứng thư giãn ở bệnh nhân và khi làm như vậy, chúng ta là một phần của quá trình chữa lành theo nhiều cách chứ không chỉ là dùng thuốc hay phẫu thuật. Theo tôi, nếu chúng ta thất bại trong việc tối ưu hóa các cơ chế tự chữa lành của bệnh nhân, chúng ta sẽ gây tổn hại rất lớn cho họ và cho chính bản thân mình. Và nếu chúng ta đảm nhận và làm tốt công việc của mình, vai trò của chúng ta trong quá trình chữa bệnh có thể có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân.
Tôi thường nói đùa rằng tôi thực hành yêu thương với một ít thuốc phụ thêm. Tuy nhiên, thường là những tiến bộ công nghệ làm cho chúng ta xa cách với bệnh nhân đến nỗi tình thương dường như bị lạc mất trong quá trình này. Trước kia, bác sĩ thường gọi điện thoại đến nhà, ngồi bên giường bệnh và chạm vào bệnh nhân. Trong khi đó, ngày nay, các lượt thăm khám của chúng ta diễn ra chỉ trong 13 phút ở một phòng vô trùng trắng toát, nơi các xét nghiệm có thể thay thế cho bệnh sử chi tiết của bệnh nhân và các kiểm tra X-quang thậm chí có thể thay thế cho việc khám sức khỏe trực tiếp. Không có sức mạnh chữa lành của việc lắng nghe, của sự tiếp xúc yêu thương, quan tâm chăm sóc và ý định chữa lành, vậy chúng ta đem lại gì cho bệnh nhân ngoài công nghệ?
Khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe, hãy chắc chắn rằng bạn tìm được sự quan tâm chăm sóc cần thiết. Chỉ tìm kiếm bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất hay bác sĩ điều trị nổi tiếng nhất chuyên về căn bệnh cụ thể của bạn thì chưa đủ. Mặc dù các kỹ năng chuyên môn chắc chắn hữu ích, nhưng nếu bạn muốn tối ưu hóa cơ hội chữa lành cho cơ thể mình, bạn cần đảm bảo rằng những người chăm sóc sức khỏe của bạn cũng thực sự quan tâm đến điều đó. Bạn có thể cần nhiều hơn một người khi điều hướng quá trình điều trị. Bạn có thể cần cả một nhóm người tin tưởng vào bạn, cung cấp cho bạn nhiều công cụ từ các hộp đồ nghề khác nhau của họ để khiến cơ thể sẵn sàng cho các phép màu. Khi tập hợp nhóm của mình, bạn cần chắc chắn rằng các thành viên của nhóm sẽ hợp tác tốt với nhau.
Chuyên gia châm cứu Susan Fox gọi một nhóm các chuyên gia hợp tác với nhau như vậy là “bàn tròn trị liệu”. Bàn tròn trị liệu là một quá trình hợp tác, trong đó tất cả những chuyên gia chăm sóc sức khỏe liên quan đến việc chữa trị cho bệnh nhân đều bình đẳng, và ý kiến của họ đều quan trọng. Tại bàn tròn trị liệu, bệnh nhân chứ không phải bác sĩ sẽ chủ trì với tư cách là người có thẩm quyền cao nhất. Mặc dù các bác sĩ có thể được mời đến bàn tròn trị liệu nhưng lời mời có mặt không có nghĩa là các bác sĩ có quyền đưa ra mệnh lệnh, phủ nhận lời khuyên của những người khác, không tôn trọng mọi người, hay tệ nhất là coi thường các mong muốn của bệnh nhân.
Mặc dù tôi hiểu rằng cần phải có một bác sĩ đưa ra mệnh lệnh trong phòng cấp cứu, nhưng điều tương tự không áp dụng cho trường hợp chăm sóc người mắc bệnh mạn tính. Tôi đã từng nghe một bác sĩ đáng kính (dù đã mệt) nói với một y tá giỏi: “Chúng ta hãy cùng chơi một trò chơi nhỏ. Tôi sẽ đóng vai bác sĩ. Cô đóng vai y tá. Tôi sẽ đưa ra các yêu cầu và cô làm theo.” Kiểu quyết đoán này không có lợi cho cả người chăm sóc sức khỏe lẫn bệnh nhân.
Tôi cũng từng nghe thấy các bác sĩ chế giễu bệnh nhân vì đã tìm kiếm phương pháp điều trị thay thế hay các liệu pháp vi lượng đồng căn, họ không tôn trọng bệnh nhân và cả người thực hành CAM. Những kiểu quan hệ đối đầu như vậy làm tôi thật sự khó chịu, bởi chúng thể hiện một sự rối loạn chức năng lớn hơn nhiều trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Kiểu tư duy độc đoán, chiếu cố, thứ bậc này mang tính quân sự hơn là cách mà hệ thống chăm sóc sức khỏe nên thực hành. Mặc dù các bác sĩ có thể cảm thấy là họ đang trong cuộc chiến chống lại bệnh tật nhưng việc sao chép các phương thức giao tiếp thời chiến vào bệnh viện và phòng khám không giúp mọi người khỏi bệnh. Nó chỉ kích hoạt các phản ứng căng thẳng. Chức năng chăm sóc sức khỏe sẽ hiệu quả hơn nhiều khi các đội cùng làm việc như một nhóm cam kết phục vụ bệnh nhân trước tiên và trên hết, không có cái tôi, không có cạnh tranh và các trò chơi quyền lực không cần thiết.
Trong cộng đồng trực tuyến của mình, tôi đã tuyển mộ những nhà cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – những người chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân, những người cam kết mang sự chăm sóc trở lại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nếu bạn đang gật đầu và tự hỏi những người còn lại thì sao, đừng tuyệt vọng. Chúng ta ở đây, một cộng đồng ngày càng có tổ chức và có tiếng nói, gồm các tác nhân thay đổi, những người biết rằng chúng ta phải tái khẳng định lại trọng tâm của y học và nỗ lực để thay đổi. Hãy giữ vững niềm tin. Chúng tôi cần bạn hơn bao giờ hết.
Bác sĩ Larry Dossey, một nhà tiên phong về y học tâm trí và cơ thể, đã viết cho tôi: “Chúng ta thực sự xây dựng một kiểu thế giới y học song song tồn tại với kiểu thế giới chính thống. Chúng ta tập trung vào những gì [thế giới chính thống] biết và tôn vinh nó, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có nhiều thứ nữa như: tâm linh, ý nghĩa, mục đích, ý thức, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, tình yêu thương... Và cô biết sao không? Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Đó thực sự chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng chúng ta cần phải nhảy nhanh nhất có thể vì thời gian không đứng về phía chúng ta. Sự cấp bách là có thật. Chào mừng cô đến với điệu nhảy!”
Đã đến lúc rồi. Bạn đã sẵn sàng chưa?