Đừng bao giờ khẳng định hay lặp lại những điều liên quan đến sức khỏe mà bạn không mong muốn chúng trở thành hiện thực.
— RALPH WALDO TRINE
Sau khi đã tìm hiểu rất nhiều về lợi ích của hiệu ứng giả dược, tôi tò mò liệu điều ngược lại có đúng hay không. Ý tôi là nếu niềm tin tích cực kết hợp với sự chăm sóc tận tình của một bác sĩ lâm sàng có thể chữa lành cho cơ thể, thì liệu có phải niềm tin tiêu cực và sự chăm sóc thô bạo từ một bác sĩ vô cảm có thể gây hại cho cơ thể?
Trước tiên, tôi muốn xem xét vai trò của niềm tin tiêu cực đối với sinh lý cơ thể. Có phải suy nghĩ của con người có thể làm cho chính họ bị bệnh?
Hóa ra là con người làm được điều đó. Các nhà nghiên cứu ở thành phố San Diego đã kiểm tra hồ sơ tử vong của gần 30.000 người Mỹ gốc Hoa và so sánh chúng với hồ sơ của hơn 400.000 người da trắng được chọn ngẫu nhiên. Họ nhận thấy rằng, những người Mỹ gốc Hoa, nhưng không phải là người da trắng, chết sớm hơn đáng kể so với mức bình thường (khoảng năm năm) nếu họ vừa bị bệnh vừa có năm sinh được cho là không tốt theo chiêm tinh học và y học Trung Hoa. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những người Mỹ gốc Hoa càng gắn bó với truyền thống Trung Quốc thì càng chết sớm. Sau khi kiểm tra dữ liệu, họ kết luận rằng việc giảm tuổi thọ đó không thể giải thích được bằng các yếu tố di truyền, những lựa chọn lối sống hay hành vi của bệnh nhân, kỹ năng của bác sĩ hay bất kỳ yếu tố nào khác.
Vậy thì tại sao người Mỹ gốc Hoa lại chết trẻ hơn? Các nhà nghiên cứu kết luận rằng họ chết trẻ hơn không phải vì họ có gen Trung Quốc mà là vì họ có những niềm tin của người Trung Quốc. Họ tin rằng mình sẽ chết sớm hơn vì bị các ngôi sao chiếu mệnh. Và niềm tin tiêu cực đó đã rút ngắn thời gian sống của họ.1
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy niềm tin tiêu cực có ảnh hưởng đến sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy 79% sinh viên y khoa báo cáo cáo rằng họ bị các triệu chứng mang tính chất gợi ý về những căn bệnh mà họ đang nghiên cứu. Vì họ bị hoang tưởng và nghĩ rằng mình sẽ bị bệnh cho nên họ bị bệnh.2
Tôi biết điều này từ kinh nghiệm cá nhân. Khi còn là sinh viên y khoa năm nhất, tôi đang nghiên cứu những cách thức có thể làm cho cơ thể bị rối loạn, thức khuya để học thuộc các chuỗi quy trình bệnh lý có thể dẫn đến hàng ngàn căn bệnh khác nhau – từ rối loạn chuyển hóa porphyrin, sốt xuất huyết đến xương thủy tinh và cả chứng ngủ rũ.
Rồi đột nhiên tôi cảm thấy buồn buồn phía dưới da. Tôi hình dung đó phải là một con sán Guinea đang bò dưới da, sẵn sàng chọc thủng da bất cứ lúc nào để thò cái đầu nhỏ xíu của nó ra. Tôi cũng nhận thấy hai bàn chân mình bị tê cứng khi mới thức dậy vào buổi sáng. Tôi chắc chắn 100% đó là bệnh phong. Hai lòng bàn tay của tôi bị lốm đốm, chắc chắn là triệu chứng của bệnh sốt phát ban. Và tôi đổ mồ hôi đêm, khiến bộ đồ ngủ ướt sũng, chỉ có thể là triệu chứng của bệnh sốt rét.
Tôi đã được chẩn đoán mắc nhiều căn bệnh mạn tính trong thời gian học ở trường y (điều này sẽ được giải thích chi tiết ở Chương 9) và tôi rất ngờ rằng những niềm tin tiêu cực về sức khỏe của chính tôi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Tôi không phải là sinh viên y khoa duy nhất bị hành hạ bởi một loạt các triệu chứng về thể chất. Thực tế là phòng khám sức khỏe sinh viên dường như không ngạc nhiên chút nào khi thấy tôi và các bạn học xếp hàng chờ khám bệnh ngay trước kỳ thi tốt nghiệp với những lời than vãn kỳ cục và hàng đống bệnh tự chẩn đoán. Hội chứng này không chỉ đã được nhắc đi nhắc lại bởi sinh viên y khoa tại các phòng khám sức khỏe sinh viên mà còn được đặt tên là “medstudentitis”, hay chính thức hơn là “bệnh sinh viên y khoa – medical student disease.”
NGHĨ BỆNH, BỊ BỆNH
Dù bạn là một người Mỹ gốc Hoa hay một sinh viên y khoa nếu quá chú tâm vào bệnh tật thì theo khoa học chứng minh bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn. Việc có quá nhiều kiến thức về những gì không tốt cho cơ thể thực sự có thể làm hại bạn. Bạn càng chú tâm vào vô số cách mà cơ thể có thể bị tổn hại, bạn càng dễ mắc phải các triệu chứng bệnh về thể chất.
Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là hiệu ứng phản dược (nocebo). Trong khi hiệu ứng giả dược thể hiện sức mạnh của suy nghĩ tích cực, sự kỳ vọng, hy vọng và sự chăm sóc tận tâm thì hiệu ứng phản dược thể hiện sức mạnh của niềm tin tiêu cực. Theo truyền thống, giả dược được kê đơn để giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn trong khi khái niệm nocebo (tiếng Latin nghĩa là “tôi sẽ làm hại”) được đặt ra để phân biệt tác dụng làm hài lòng của giả dược với các ảnh hưởng có hại mà những phương pháp điều trị vô hại có thể gây ra.
Ví dụ khi bạn nói với các bệnh nhân trong một thử nghiệm lâm sàng là họ sẽ được cho uống một viên thuốc giảm đau thì rất có thể cơn đau sẽ biến mất, ngay cả khi những gì họ uống chỉ là một viên thuốc đường. Nhưng nếu bạn cảnh báo với họ rằng việc điều trị có thể gây buồn nôn thì có nhiều khả năng là họ sẽ bị nôn, ngay cả khi họ chưa bao giờ được dùng thuốc thật.
Trong cuốn Love, Medicine & Miracles (Tình yêu, Y học & Phép màu), bác sĩ Bernie Siegel đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ở nhóm kiểm soát, trong một thử nghiệm về một loại thuốc hóa trị mới, đã không được cho uống gì ngoài nước muối, nhưng họ đã được cảnh báo rằng đó có thể là hóa trị và 30% trong số họ bị rụng tóc.3 Trong một nghiên cứu khác, những bệnh nhân nhập viện được cho uống nước đường và được bảo là sẽ dễ nôn. 80% trong số họ đã bị nôn.4
Một thử nghiệm nghiên cứu bệnh hen đã cho các bệnh nhân hít một dung dịch muối vô hại sau khi được cho biết nó có chứa các chất gây kích ứng. Họ không chỉ bị khò khè và cảm thấy khó thở mà còn thực sự bị tắc nghẽn phế quản. Các bệnh nhân này đã trải qua cơn hen suyễn cấp tính đã cảm thấy đỡ hơn sau khi được cho hít chính dung dịch trơ trước đó nhưng được cho biết là nó sẽ giúp họ khỏe lại.5
Trong một nghiên cứu, hơn 3/4 những người nghĩ rằng họ đang được dùng thuốc kháng histamine, nhưng thực ra là một giả dược, đã bị buồn ngủ.6 Khi những người tham gia nghiên cứu được thông báo rằng oxit nitơ gây mê, có tác dụng giảm đau, có thể sẽ gây đau, thì họ đã bị đau.7
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Sinh học Pavlovian (Pavlovian Journal of Biological Sciences), 34 sinh viên đại học đã được nối với các màn hình và được thông báo rằng một dòng điện sẽ được truyền qua đầu họ. Những người tham gia nghiên cứu đã được cảnh báo rằng họ có thể sẽ bị đau đầu do tác dụng phụ của dòng điện. Dù không có một volt điện nào thực sự được sử dụng nhưng hơn 2/3 số sinh viên đã báo cáo là bị nhức đầu.8
Ngay cả những suy nghĩ về cái chết dường như cũng trở thành hiện thực. Theo tiến sĩ Herbert Benson, Giáo sư Đại học Harvard và là chủ tịch Viện Y học Tâm trí/Cơ thể (Mind/Body Medical Institute) ở Boston: “Các bác sĩ phẫu thuật rất cảnh giác với những người tin rằng họ sẽ chết. Đã có một số nghiên cứu về những người chuẩn bị phẫu thuật và họ gần như muốn chết để được gặp lại một người thân yêu đã qua đời. Gần như 100% bệnh nhân trong những trường hợp như vậy đã chết sau khi phẫu thuật”.9
Những bệnh nhân sắp trải qua phẫu thuật đã “tin” rằng mình đang cận kề cái chết được so sánh với một nhóm bệnh nhân khác, những người có “nỗi sợ hãi bất thường” về cái chết. Trong khi nhóm sợ chết hồi phục khá tốt, thì nhóm tin rằng mình sẽ chết thường có kết quả đúng như vậy. Tương tự, những phụ nữ tin rằng họ dễ bị bệnh tim có nguy cơ tử vong cao gấp bốn lần. Không phải vì những phụ nữ này có chế độ ăn xấu hơn, có huyết áp cao hơn, có cholesterol cao hơn hay có bệnh sử gia đình xấu hơn so với những phụ nữ không mắc bệnh tim. Sự khác biệt duy nhất giữa hai nhóm là những niềm tin của họ.10
Một nghiên cứu trường hợp hấp dẫn khác đã mô tả một bệnh nhân tâm thần mắc chứng rối loạn đa nhân cách. Theo một nhân cách, bệnh nhân không bị tiểu đường và mức đường trong máu của cô bình thường. Tuy nhiên, ngay tại khoảnh khắc mà cô thay đổi bản ngã, cô tin rằng mình mắc bệnh tiểu đường và sự thực diễn ra y như vậy. Toàn bộ sinh lý của cô thay đổi. Lượng đường trong máu tăng lên và tất cả các bằng chứng y học cho thấy cô thực sự mắc bệnh tiểu đường. Khi nhân cách của cô thay đổi trở lại, thì lượng đường trong máu quay lại mức bình thường.11
Bác sĩ tâm thần Bennett Braun, tác giả cuốn The Treatment of Multiple Personality Disorder (Điều trị rối loạn đa nhân cách), đã mô tả một số trường hợp tương tự. Chẳng hạn như Timmy có thể uống nước cam mà không bị vấn đề gì. Nhưng Timmy chỉ là một trong nhiều nhân cách của bệnh nhân, trong khi Timmy có thể uống nước cam mà không bị hậu quả gì, tất cả các nhân cách khác đều dị ứng với nước cam và nổi mề đay dù là chỉ với một ngụm nhỏ. Tuy nhiên, nếu Timmy quay trở lại giữa lúc phản ứng dị ứng đang diễn ra, thì các mề đay lập tức biến mất và các mụn nước bắt đầu xẹp xuống.12
Hiệu ứng phản dược có thể dẫn đến bệnh tật và thậm chí là cả cái chết khi bệnh nhân mong đợi một kết cục như vậy. Các nghiên cứu khoa học điều tra về hiệu ứng phản dược có thể là thách thức về mặt đạo đức, vì rất khó thuyết phục hội đồng đánh giá ủng hộ các nghiên cứu được thiết kế theo cách cố tình làm cho bệnh nhân cảm thấy tệ hơn. Vì vậy, có ít dữ liệu xác nhận sự tồn tại của hiệu ứng phản dược hơn là hiệu ứng giả dược. Hầu hết những gì chúng ta biết về hiệu ứng phản dược đến từ một hiệu ứng phụ của các thử nghiệm lâm sàng có dùng giả dược.
Khi bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng mù đôi được cảnh báo về các tác dụng phụ có thể gặp nếu sử dụng thuốc thật, khoảng 25% gặp phải tác dụng phụ, đôi khi là rất nghiêm trọng, ngay cả khi họ chỉ uống thuốc đường.13 Những người chỉ được điều trị bằng giả dược thường báo cáo bị mệt mỏi, nôn mửa, yếu cơ, cảm lạnh, ù tai, rối loạn vị giác, rối loạn trí nhớ và các triệu chứng khác, nhưng không phải do uống thuốc đường.
Điều thú vị là những cảnh báo về phản dược này không hề xảy ra ngẫu nhiên; chúng dường như có xu hướng tăng lên để đáp ứng với các cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc hay liệu pháp điều trị thực sự. Chỉ riêng việc gợi ý rằng bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng tiêu cực do tác dụng của một loại thuốc (hay một viên thuốc đường) đã có thể là một lời tiên tri tự đúng. Ví dụ, nếu bạn nói với một bệnh nhân được điều trị bằng giả dược là anh ta có thể cảm thấy buồn nôn thì có nhiều khả năng là anh ta sẽ cảm thấy như vậy. Nếu bạn gợi ý rằng anh ta có thể bị đau đầu, anh ta có thể sẽ bị đau đầu thật. Nói cách khác, những gợi ý có sức mạnh rất lớn.14
Hiệu ứng phản dược có lẽ thể hiện rõ ràng nhất trong trường hợp “chết bởi lời nguyền”, khi một người bị nguyền rủa và được nói rằng họ sẽ chết, sau đó thì họ chết thật.15 Khái niệm chết do lời nguyền không chỉ đúng với các bác sĩ phù thủy ở những nền văn hóa bộ lạc. Y văn cho thấy những bệnh nhân tin rằng bệnh của họ đã ở giai đoạn cuối, vì bị thông báo nhầm rằng họ chỉ còn sống được vài tháng nữa, đã chết trong khung thời gian đó dù các kết quả khám nghiệm tử thi không đưa ra được lời giải thích sinh lý nào về việc chết sớm như vậy.16
Bác sĩ Sanford Cohen đã kể câu chuyện về một bệnh nhân AIDS, mà các chuyên gia tin là đã chết vì tình cờ nghe được mẹ mình nói là bà muốn anh ta chết đi. Bà mẹ biết được con trai mình vừa là người đồng tính vừa bị AIDS trong cùng một ngày, đã công khai cầu nguyện anh ta chết đi vì sự xấu hổ mà anh ta đã mang đến cho bà, ngay bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt. Một giờ sau anh ta đã chết và các bác sĩ thực sự bất ngờ vì bệnh nhân không có vẻ gì là đã đến giai đoạn cuối.17
Một số người tin rằng những người bị hội chứng tiền kinh nguyệt có thể là nạn nhân của một dạng hiệu ứng phản dược. Họ tin mình sẽ gặp những triệu chứng như vậy trước khi có kinh nên họ bị đúng như thế. Một nghiên cứu về các phụ nữ bị suy nhược do hội chứng tiền kinh nguyệt đã dùng một mẹo để lừa đối tượng được nghiên cứu nghĩ rằng chu kỳ kinh của họ sẽ khác đi so với thông lệ bằng cách cho họ uống một viên thuốc vô hại và bảo họ như vậy. Ví dụ như, một phụ nữ thường có kinh vào giữa tháng và bị hội chứng tiền kinh nguyệt trong ba ngày trước đó đã được thông báo rằng cô sẽ có kinh vào ngày đầu tiên của tháng.
Điều gì đã xảy ra? Mặc dù thời gian có kinh của cô không thay đổi, nhưng cô đã bị hội chứng tiền kinh nguyệt vào đầu tháng đó bởi cô tin rằng mình sẽ bị như vậy.18
Các triệu chứng của phản dược có thể biểu hiện trong các nhóm lớn cũng như trong từng cá nhân. Ví dụ, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản do sóng thần vào năm 2011, những người không có bằng chứng nào về việc bị phơi nhiễm phóng xạ đã báo cáo các triệu chứng ngộ độc phóng xạ từ những nơi rất xa như Hoa Kỳ. Tương tự, hàng ngàn người không có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào đã báo cáo các triệu chứng của bệnh cúm lợn sau khi các phương tiện truyền thông thổi phồng những báo cáo về dịch bệnh trên truyền hình, báo chí và Internet. “Các dịch bệnh” tương tự như vậy đã được báo cáo tại nơi làm việc, trường học và thị trấn, những nơi rò rỉ khí ga, có mùi lạ hay côn trùng cắn đã được tường thuật trên các phương tiện truyền thông.19
Vậy điều đó đã diễn ra như thế nào? Làm thế nào một người có bị thể rụng tóc khi được cho dùng nước muối? Làm thế nào họ có thể bị nôn khi được cho uống nước đường? Làm thế nào họ có thể bị tiểu đường hay bị dị ứng với nước cam chỉ bằng việc thay đổi nhân cách? Điều gì đang xảy ra, cả trong não và trong cơ thể? Tôi tiếp tục đào sâu nghiên cứu để tìm kiếm câu trả lời.
Các nhà khoa học tin rằng hiệu ứng phản dược chủ yếu được gây ra do sự kích hoạt phản ứng căng thẳng mà hiệu ứng giả dược giúp làm giảm đi. Khi một bệnh nhân bị một thầy thuốc phù thủy nguyền rủa, một thành viên gia đình hay một bác sĩ, thì áp lực gây ra bởi tin xấu sẽ kích thích phản ứng căng thẳng. Ví dụ như khi bệnh nhân được thông báo là sẽ bị đau (nhưng chỉ được cấp một chất vô hại), trục HPA bị kích thích làm tăng mức cortisol. Cả cơn đau và sự kích thích quá mức của trục HPA đều đã xảy ra và sau đó được làm giảm bằng Valium, cho thấy rằng một cơ chế căng thẳng đã diễn ra.20
Một số người cũng đưa ra giả thuyết rằng những người được thông báo là bị bệnh có thể trở nên tuyệt vọng đến mức ngừng chăm sóc bản thân và phải gánh chịu hậu quả của việc này. Họ cũng có thể bị trầm cảm và như tôi sẽ thảo luận ở Chương 7, mối liên hệ giữa trầm cảm và sức khỏe kém là rất rõ ràng.
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NẠN NHÂN CỦA GEN
Ý tưởng rằng niềm tin sẽ chuyển thành những thay đổi sinh lý trong cơ thể đến từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu về di truyền học biểu sinh, có nghĩa là “kiểm soát từ bên ngoài các gen” trong lĩnh vực sinh học phân tử. Vậy những gì ở “bên ngoài các gen” khi chúng ta nói về kiểm soát di truyền học biểu sinh?
Ồ, bạn đã đoán được rồi. Đó là tâm trí. Hóa ra, dù không thể thay đổi ADN của mình, nhưng bạn có thể tận dụng sức mạnh của tâm trí để thay đổi cách ADN tự biểu hiện. Chủ nghĩa quyết định di truyền truyền thống, được giải thích bởi Watson và Crick, những người đã phát hiện ra chuỗi xoắn kép ADN, ủng hộ quan niệm cho rằng mọi thứ trong cơ thể đều được gen kiểm soát – như vậy, về cơ bản, gen là định mệnh của chúng ta. Nếu điều này là đúng, chúng ta thực sự là nạn nhân của gen. Bệnh tim, ung thư vú, sự nghiện ngập, trầm cảm, cholesterol cao – bất cứ thứ gì bạn có thể gọi tên. Nếu có người trong gia đình bạn bị thì về cơ bản bạn cũng sẽ bị.
Tín điều của chủ nghĩa quyết định di truyền, như đã được dạy theo truyền thống, rất đơn giản. Bạn được sinh ra với ADN của mình, thứ mà sau đó sẽ được sao chép thành ARN trước khi chuyển thành một protein. Nhưng các nghiên cứu về di truyền học biểu sinh đã và đang phát hiện ra những luận cứ mới thách thức toàn bộ luận điểm này của chủ nghĩa quyết định di truyền.
Ngày nay, các nhà khoa học tin rằng các tín hiệu từ bên ngoài như dinh dưỡng, môi trường sống cũng như những suy nghĩ và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến các protein điều hòa, yếu tố quyết định cách thức và thậm chí là quyết định liệu ADN có được biểu hiện theo những cách nhất định hay không. Nói cách khác, gen không hề rời rạc và khô cứng như chúng ta từng nghĩ.
Ngày càng có nhiều thông tin khoa học về những yếu tố sinh lý xảy ra khi bạn tin rằng mình sẽ khỏe lại hay mình sẽ bị bệnh. Vậy mà rất nhiều người trong số chúng ta, dù không hề muốn, lại được lập trình sẵn những suy nghĩ tiêu cực về sức khoẻ ngay từ khi còn bé.
Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta đã không được lập trình để có những suy nghĩ tích cực về sức khỏe. Từ khi còn là những đứa trẻ, tâm trí chúng ta đã được lập trình với những niềm tin có khả năng hủy hoại những nỗ lực để có được sức khỏe và hạnh phúc tối ưu. Những niềm tin như “Tôi rất dễ bị cảm lạnh”, “Tôi luôn ăn quá nhiều”, “Có lẽ tôi sẽ không sống thọ” và “Trong gia đình tôi có gen ung thư” khiến tâm trí kích hoạt các cơ chế sinh lý gây hại cho cơ thể.
Những niềm tin được lập trình sẵn từ thời thơ ấu không chỉ liên quan đến sức khỏe thể chất. Chúng còn liên quan đến những niềm tin tự giới hạn sâu rộng hơn (như “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không đủ thông minh”, “Tôi không xứng đáng để có được nhiều tiền”, “Tôi là một kẻ thua cuộc”, “Sẽ không bao giờ có ai đó yêu thương tôi”).
TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ DI TRUYỀN BIỂU SINH
Hóa ra, việc thay đổi suy nghĩ thực sự có thể làm thay đổi cách não bộ giao tiếp với phần còn lại của cơ thể, do đó, làm thay đổi các yếu tố sinh hóa của cơ thể. Không chỉ riêng não của bạn có sự linh hoạt này. Dù rằng bạn không thể thay đổi ADN của mình nhưng nhà sinh học tế bào, bác sĩ Bruce Lipton đã khẳng định rằng bạn có thể thay đổi cách biểu hiện của ADN dựa trên những gì bạn tin.21
Mã di truyền của bạn giống như một bản thiết kế có thể được diễn giải theo hàng triệu cách khác nhau. Trước khi có Dự án giải mã gen người, các nhà sinh vật học đã cho rằng chúng ta có ít nhất 120.000 gen, một gen cho mỗi protein được tạo ra trong cơ thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chúng ta chỉ có khoảng 25.000 gen và chúng có thể tự biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.
Trên thực tế, ngày nay chúng ta biết rằng từng gen trong số 25.000 gen đó có thể tự biểu hiện theo ít nhất 30.000 cách thông qua các protein điều hòa chịu ảnh hưởng của các tín hiệu môi trường. (Bạn thử làm toán xem!) Các nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng các yếu tố môi trường có thể chi phối một số đột biến gen nhất định và thay đổi cách thức ADN được biểu hiện. Những gen bị thay đổi này sau đó có thể được truyền lại cho con cháu, cho phép thế hệ sau thể hiện các đặc điểm tốt hơn dù chúng vẫn còn mang đột biến gen.22
Nghiên cứu về kiểm soát di truyền học biểu sinh đang cách mạng hóa cách chúng ta nghĩ về gen. Chúng ta từng nghĩ rằng một số người được ban phước với “các gen tốt”, trong khi những người khác gặp họa bởi điều mà cộng đồng y tế vô cảm gọi là “piss-poor protoplasm” hay “thiếu chất nguyên sinh”. Trên thực tế, có rất ít bệnh đến từ một đột biến gen duy nhất. Có ít hơn 2% số bệnh, chẳng hạn như xơ nang, bệnh Huntington và thiếu máu huyết tán, đến từ một gen bị lỗi duy nhất, và chỉ khoảng 5% bệnh nhân ung thư và tim mạch mắc bệnh là do di truyền.23 Ngày nay, các nhà khoa học biết rằng bộ gen phản ứng với môi trường của tế bào nhiều hơn so với những đề xuất quyết định di truyền. Có nghĩa là phần lớn các quá trình bệnh có thể được giải thích bằng những yếu tố môi trường mà các tế bào tiếp xúc như dinh dưỡng, thay đổi nội tiết tố và thậm chí là tình yêu. Chúng ta không nhất thiết phải là nạn nhân của ADN.
CƠ THỂ GIỐNG NHƯ MỘT CHIẾC ĐĨA PETRI
Bị cuốn hút trước những điều học được từ sách của Lipton nhưng tôi vẫn tò mò và muốn biết nhiều hơn nên đã phỏng vấn ông. Ông đã giải thích với tôi rằng là một nhà sinh vật học tế bào, ông đã làm việc với các tế bào gốc đa năng, các tế bào có thể trở thành bất cứ thứ gì khi chúng lớn lên. Ông đặt một tế bào trong đĩa Petri để nuôi cấy tế bào, vì thế, nó phân chia thành nhiều tế bào giống hệt nhau về mặt di truyền. Sau đó, Lipton tách các tế bào đã được phân chia vào ba đĩa Petri và cho chúng tiếp xúc với ba môi trường nuôi cấy khác nhau. Ông khám phá ra rằng môi trường mà tế bào tiếp xúc quyết định việc tế bào đó sẽ trở thành một tế bào cơ, tế bào mỡ hay tế bào xương. Mặc dù tất cả các tế bào đó đều giống hệt nhau về mặt di truyền, nhưng chúng đã tự biểu hiện theo những cách rất khác nhau. Kết quả cuối cùng cho thấy cùng một ADN giống hệt nhau về mặt di truyền đã biểu hiện thành các dạng tế bào hoàn toàn khác nhau.
Điều gì đã kiểm soát số phận của các tế bào? Không phải là di truyền. Chúng đều giống hệt nhau về mặt di truyền. Sự khác biệt duy nhất là môi trường mà ADN đã tiếp xúc. Môi trường tế bào cũng xác định được tình trạng sức khoẻ của các tế bào. Các tế bào tiếp xúc với một môi trường “tốt” (môi trường tế bào lành mạnh) được tận hưởng sức khỏe tối ưu trong khi các tế bào tiếp xúc với một môi trường “xấu” (môi trường tế bào không lành mạnh) thì sẽ bị bệnh.
Lipton cho biết: “Nếu tôi là một bác sĩ chuyên khoa về tế bào, thì chắc hẳn tôi đã chẩn đoán các tế bào trong môi trường xấu là bị bệnh. Chắc chắn là chúng cần thuốc. Nhưng đó không thực sự là điều chúng cần. Nếu bạn đưa các tế bào bị bệnh ra khỏi môi trường xấu và trả chúng trở lại môi trường tốt, thì chúng sẽ tự hồi phục mà không cần đến thuốc.”
Một ngày nọ, khi đang quan sát các tế bào trong phòng thí nghiệm, Lipton đã được khai ngộ. Ông nhận ra rằng cơ thể con người không khác gì các tế bào trong phòng thí nghiệm. Lipton cho biết: “Con người chẳng khác gì một chiếc đĩa Petri nhựa tiệt trùng chứa một cộng đồng 50 nghìn tỷ tế bào. Việc các tế bào ở trong cơ thể hay trong đĩa Petri không phải là vấn đề. Máu là môi trường nuôi cấy của các tế bào trong cơ thể, máu tắm và cho chúng ăn. Việc thay đổi thành phần của máu cũng giống như việc thay đổi môi trường nuôi cấy của các tế bào. Vậy điều gì kiểm soát thành phần của máu? Não là nhà hóa học, điều chỉnh môi trường mà các tế bào tiếp xúc. Não giải phóng các neuropeptide, các nội tiết tố, các yếu tố tăng trưởng và các hóa chất khác giống như việc thêm hóa chất vào một chiếc đĩa Petri với một chiếc ống hút, và do đó làm thay đổi môi trường tế bào”.
Khi tôi hỏi ông cách niềm tin có thể thay đổi môi trường tế bào, Lipton đã giải thích rằng não là cơ quan tri giác nhưng tâm trí lại có nhiệm vụ diễn giải. Toàn bộ vấn đề liên quan đến cách tâm trí diễn giải một sự kiện trong cuộc sống. Ví dụ như bạn có thể mở mắt ra và nhìn thấy một người. (Đây là sự tri giác khách quan của não bạn.) Tâm trí bạn khi đó có thể nhận ra đây là người bạn yêu thương. (Đây là sự diễn giải của tâm trí.) Tiếp theo, não giải phóng oxytocin, dopamine, các endorphin và các hóa chất tích cực khác cung cấp môi trường tế bào lành mạnh cho toàn bộ các tế bào trong cơ thể thông qua máu.
Ngược lại, nếu bạn mở mắt ra và nhìn thấy một người (sự tri giác) và tâm trí bạn diễn giải rằng người này rất đáng sợ, thì não sẽ tiết ra các nội tiết tố gây căng thẳng và các hóa chất gây sợ hãi khác, những chất gây hại cho tế bào. Lipton nói: “Khi chúng ta thay đổi cách tâm trí diễn giải về bệnh tật từ góc độ nỗi sợ hãi và sự hiểm nguy thành niềm tin tích cực, não sẽ phản ứng lại về mặt sinh hóa, máu thay đổi môi trường nuôi cấy tế bào của cơ thể và các tế bào sẽ thay đổi về mặt sinh học.”
Tôi đã được khai ngộ khi nghe bác sĩ Lipton giải thích về điều này. Đột nhiên, mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa. Chúng đều xuất phát từ các nội tiết tố và các chất dẫn truyền thần kinh mà não bộ tiết ra, tùy thuộc vào cách tâm trí diễn giải sự việc tích cực (như nó đã làm với hiệu ứng giả dược), hay tiêu cực (như nó đã làm với hiệu ứng phản dược). Khi chúng ta hy vọng và lạc quan, tâm trí sẽ giải phóng các hóa chất đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi sinh lý, được kiểm soát chủ yếu bởi hệ thần kinh đối giao cảm và trong trạng thái nghỉ ngơi này, các cơ chế tự sửa chữa tự nhiên của cơ thể được tự do làm việc để sửa chữa những gì bị hỏng hóc trong chính cơ thể.
Tuy nhiên, nếu tâm trí nghĩ về những niềm tin tiêu cực, thì não sẽ coi chúng là một mối đe dọa. Trong tình huống đó, não xem như có một con sư tử đang đuổi theo bạn, vì vậy đây là lúc đánh lại và bỏ chạy. Khi các phản ứng căng thẳng của cơ thể được kích hoạt, cơ thể không quan tâm đến các vấn đề dài hạn như trẻ hóa tế bào, tự sửa chữa và chống lại các tác động của sự lão hóa. Nó quá bận rộn để chuẩn bị cho bạn chạy trốn khỏi con sư tử. Không có lý do gì để đưa các tế bào miễn dịch đến nơi cần thiết và tiêu diệt các tế bào ung thư đi lạc hay đang di chuyển sang các tế bào mới trong cơ thể nếu bạn sắp bị ăn thịt.
Theo thời gian, những niềm tin tiêu cực kích hoạt đi kích hoạt lại phản ứng căng thẳng sẽ gây tổn hại. Môi trường tế bào bị nhiễm độc bởi các nội tiết tố gây căng thẳng. Không có gì lạ khi cơ thể bị bệnh và khó có thể tự sửa chữa.
NHỮNG ĐIỀU XẢY RA KHI MANG THAI RẤT QUAN TRỌNG
Các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến cách ADN tự biểu hiện ngay từ khi chúng ta còn trong bụng mẹ. Một loạt các bệnh ảnh hưởng đến người trưởng thành, chẳng hạn như loãng xương và trầm cảm, có liên quan đến những ảnh hưởng phát triển trước và trong khi sinh.24 Một lần nữa, điều này thách thức toàn bộ ý niệm về chủ nghĩa quyết định di truyền.
Trong cuốn Life in the Womb (Cuộc sống trong bụng mẹ), bác sĩ Peter Nathanielsz đã giải thích rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc lập trình cho sức khỏe suốt đời từ khi còn trong bụng mẹ cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn gen của chúng ta trong việc xác định tình trạng tinh thần và thể chất trong suốt cuộc đời chúng ta. Ông gọi quan điểm hạn hẹp về di truyền là cận thị gen.25
Tình thương chúng ta nhận được trong thời thơ ấu cũng định hình não của chúng ta, thay đổi các thụ thể trong não, những yếu tố ảnh hưởng đến bộ điều hòa giúp cơ thể người trưởng thành phản ứng với các kích thích căng thẳng, mà dễ chuyển thành bệnh tật trong cuộc sống sau này. Trên thực tế, việc thiếu sự gắn kết với mẹ trong giai đoạn đầu đời không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta, mà còn khiến chúng ta dễ bị trầm cảm, dễ gây hấn và lạm dụng ma túy, và do đó, có thể đe dọa toàn xã hội và sự an bình của cả một nền văn hóa.26
Nói cách khác, bố mẹ có thể định hình sức khỏe của chúng ta ngay từ khi chúng ta chỉ là một tia sáng lấp lánh trong mắt họ. Một loạt các bệnh mạn tính có thể phát triển do hệ quả từ những ảnh hưởng xấu trong môi trường mà chúng ta gặp phải khi còn trong bụng mẹ.27
TIỀM THỨC
Bố mẹ, thầy cô và những người có ảnh hưởng đến bạn cũng định hình những niềm tin tồn tại trong tiềm thức của bạn, lấp đầy tâm trí bạn bằng các chương trình sẽ điều khiển cuộc sống của bạn trừ phi bạn học được cách tái lập trình tiềm thức của mình. Thông thường, đến tuổi lên sáu, các chương trình này đã được thiết lập và có rất ít người từng cố gắng kiểm tra và tái lập trình tiềm thức của họ. Vì chúng ta không kiểm soát được phần não đã được lập trình từ lúc nhỏ này nên không có gì lạ khi hầu hết mọi người phải rất vất vả để có thể thay đổi những niềm tin hạn hẹp và mang tính tự phá hoại, những niềm tin gây hại cho sức khỏe và mọi khía cạnh trong đời sống của họ.
Ngay cả khi bạn trưởng thành và tâm trí có ý thức của bạn chứa đầy những những hy vọng và suy nghĩ tích cực, bạn vẫn hành động theo tiềm thức suốt 95% thời gian bạn có. Những niềm tin tiêu cực theo thói quen này đã trở thành mặc định, xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta phớt lờ những suy nghĩ tích cực. Chúng hoạt động khi chúng ta đang ngủ, đang làm việc hay bất cứ khi nào chúng ta không lặp lại những lời khẳng định tích cực một cách có ý thức. Những niềm tin như vậy có thể kích hoạt một kiểu hiệu ứng phản dược, vì nếu tiềm thức tin rằng chúng ta sẽ bị bệnh, não sẽ cảm nhận một mối đe dọa và phản ứng căng thẳng được kích hoạt. Như bạn đã biết, điều tiếp theo là cơ thể bạn sẽ phải bận rộn chạy trốn khỏi con sư tử trong nhận thức đó một lần nữa và sẽ bị tổn hại.
Sức mạnh của tiềm thức giải thích lý do việc suy nghĩ tích cực chỉ có thể giúp bạn bấy nhiêu đó thôi. Đã bao lần bạn đọc những cuốn sách về sự tự lực, tham gia các hội thảo, đưa ra các cam kết cho một năm mới và thề là sẽ cải thiện cuộc sống của mình chỉ để nhận ra rằng sau một năm cuộc sống của bạn không hề tốt hơn? Vì tâm trí có ý thức chỉ hoạt động trong 5% thời gian, nên nó có rất ít khả năng để vượt qua ảnh hưởng nặng nề của tiềm thức. Để thực hiện những thay đổi lâu dài trong niềm tin, bạn phải thay đổi những niềm tin của mình không chỉ ở tâm trí có ý thức mà cả trong tiềm thức.
HÃY THẬN TRỌNG HƠN VỀ CÁCH BẠN LẬP TRÌNH CON TRẺ
Nhiều người đã được lập trình để có những suy nghĩ theo hướng từ bỏ quyền quyết định đối với sức khỏe của mình từ khi còn nhỏ. Rất ít bậc cha mẹ dạy rằng tâm trí có sức mạnh để chữa lành và cũng có thể làm hại cơ thể của chính chúng ta. Thay vào đó, chúng ta đã được lập trình để tin rằng chữa lành cho cơ thể không phải là việc của chúng ta, và chúng ta có rất ít khả năng để giúp bản thân mình khỏe mạnh.
Khi còn nhỏ, hầu hết chúng ta đều được học là nếu cơ thể bị bệnh, chúng ta phải đến gặp bác sĩ để được điều trị. Khi một đứa trẻ ngã và trầy đầu gối, hiếm khi bố mẹ nói “Sẽ ổn thôi con yêu. Bây giờ đầu gối của con có thể chú tâm vào việc chữa lành cho chính nó.” Không! Chúng ta chạy cuống lên để lấy thuốc mỡ và băng dán. Không có gì sai với thuốc mỡ và băng dán, nhưng chúng nuôi dưỡng niềm tin sai lầm ở đứa trẻ là cơ thể phụ thuộc vào các phương pháp điều trị đến từ bên ngoài thay vì cơ chế tự sửa chữa một cách tự nhiên mà tất cả chúng ta đều có. Khi trưởng thành, chúng ta tin rằng chúng ta không có khả năng kiểm soát sức khỏe của mình trong khi chúng ta thực sự có khả năng rất lớn.
Chính tôi đã là một nạn nhân của kiểu lập trình như vậy. Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt yêu thích thức ăn mặn chứ không thích đồ ăn ngọt, đó chính là điểm yếu nhất của tôi. Tôi yêu xúp, khoai tây chiên, phô mai, bất cứ thứ gì mặn và mẹ tôi luôn nói với tôi rằng nếu tôi ăn nhiều muối, tôi sẽ bị huyết áp cao khi trưởng thành. Không ai trong gia đình tôi bị huyết áp cao. Thực ra thì bố mẹ tôi đều có huyết áp thấp bất thường. Nhưng tiềm thức của tôi đã được lập trình để tin rằng tôi sẽ bị huyết áp cao khi trưởng thành.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ở tuổi 20, tôi, một phụ nữ mảnh mai, khỏe mạnh, không có tiền sử gia đình bị huyết áp cao, lại được chẩn đoán là bị cao huyết áp.
Cho đến nhiều năm sau, khi bắt đầu nghiên cứu sức mạnh của niềm tin tích cực và tiêu cực, tôi mới nhận ra điều mà những niềm tin trong tiềm thức của tôi có thể đã tạo ra. Đó có thể là sự trùng hợp? Phải chăng định mệnh của tôi là bị huyết áp cao? Có lẽ thế. Không ai có thể khẳng định điều đó. Nhưng nó làm bạn phải suy nghĩ.
Hãy thử tưởng tượng nếu bố mẹ đã lập trình rất mạnh mẽ vào tiềm thức non nớt của chúng ta để chúng ta tin rằng mình có siêu năng lực tự chữa lành để chống lại bệnh tật và khởi tạo sức khỏe, thay vì dạy chúng ta là bệnh phải được điều trị bằng thuốc rồi vội vã đến phòng khám để được chích thuốc. Thử hình dung xem tiềm thức của chúng ta về sức khỏe tối ưu sẽ mạnh mẽ đến nhường nào.
Những điều học được đã thay đổi cách tôi nuôi dạy cô con gái Siena của mình. Khi bé lên ba hay bốn tuổi, trước khi biết được những điều đó, chồng tôi, Matt, sẽ đùa với Siena mỗi khi bé bị ốm hay bị thương. Anh bắt chước tiếng còi xe cứu thương, ôm bé trên tay, chạy quanh phòng và hét lên: “Nhanh lên nào! Gọi xe cứu thương nhanh lên! Chúng ta phải đưa Siena đến nhà máy trẻ em để lấy cho cô ấy một chiếc chân (hoặc môi hay mũi) mới nào”. Bé sẽ cười và chúng tôi dán vết thương bằng băng cá nhân hoặc đưa bé đến gặp bác sĩ. Nhưng hàm ý của thông điệp mà chúng tôi đã lập trình trong tiềm thức của bé là “Con phải đến nhà máy trẻ em để có thể khỏe trở lại”. Với kiểu lập trình như vậy thì sẽ rất khó để bé chấp nhận rằng cơ thể có thể tự chữa lành khi trưởng thành.
Đến tận khi tôi bắt đầu nghiên cứu quá trình tự hồi phục, Matt và tôi mới biết rằng chúng tôi có thể đã vô tình làm ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của Siena. Chắc chắn là mẹ tôi đã không mong muốn bất cứ điều gì cho các con ngoài sức khỏe và hạnh phúc. Hầu hết chúng ta không nhận ra cách chúng ta lập trình cho con cái và những hậu quả kéo theo cho cuộc sống của chúng sau này.
Giờ đây, Matt và tôi đã thay đổi cách nói về bệnh tật, chấn thương và quá trình chữa lành với Siena. Nếu Siena thức dậy với cơn đau bụng, thì chúng tôi nhắc bé rằng bé có khả năng tự chữa bệnh cho chính mình và sau đó thường điều trị cho bé bằng giả dược, một giọt thuốc ho hay một viên kẹo Tic Tac, hoặc đôi khi là một liều thuốc cảm hoặc thuốc vi lượng đồng căn. Khi đưa thuốc, chúng tôi nhắc bé: “Thuốc này chỉ là để giúp con tự chữa lành cho chính mình.”
Sau khi chúng tôi làm điều này, bé bắt đầu nói về bệnh tật và chấn thương theo một cách hoàn toàn mới. Bé có thể bị ngã và trầy đầu gối nhưng sau đó sẽ đứng bật dậy và nói: “Mẹ đừng lo lắng. Đầu gối của con biết cách tự chữa lành cho chính nó.”
Chắc chắn là vợ chồng tôi không bao giờ từ chối việc điều trị y tế cho con khi cần thiết – và đó cũng không phải điều mà tôi gợi ý. Trộm vía, nếu Siena đã từng được chẩn đoán mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào đó, chúng tôi đã đưa bé đến gặp bác sĩ nhanh nhất có thể. Nhưng Siena gần như chưa bao giờ phải đến gặp bác sĩ trừ lúc phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thêm vào đó, giờ đây bé hồi phục nhanh hơn rất nhiều mỗi khi bị mắc virus cúm và cảm lạnh ở trường mẫu giáo. Có lẽ, khi bé lớn lên, việc lập trình của chúng tôi sẽ giúp bé dễ dàng vượt qua bất kỳ sự kháng cự nào của tâm trí đối với quá trình tự chữa lành.
Nhưng còn bạn thì sao? Nếu bố mẹ bạn chưa bao giờ lập trình để tiềm thức của bạn tin rằng nó có thể tự chữa lành thì sao? Nếu bạn muốn tin rằng tâm trí mình có thể chữa lành cho cơ thể nhưng không thể làm được điều đó thì sao? Nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng hay nản lòng, đừng tuyệt vọng. Tin tốt lành là những niềm tin tiêu cực về sức khỏe, điều kích hoạt hiệu ứng giả dược và tình trạng ốm yếu, có thể được tái lập trình. (Để biết thêm về cách để biến đổi những niềm tin tiêu cực trong tiềm thức thành những niềm tin tích cực, hãy xem Chương 10.)
Một khi thay đổi những niềm tin trong tiềm thức, chúng ta sẽ tối ưu hóa môi trường nuôi cấy cho cộng đồng các tế bào tạo nên cơ thể và từ đó làm thay đổi cách ADN tự biểu hiện. Chúng ta không phải là nạn nhân của gen. Chúng ta làm chủ định mệnh của chính mình.
Các dữ liệu chứng minh điều này vô cùng hấp dẫn. Và tôi bắt đầu cảm thấy mình thật vô trách nhiệm vì đã không biết đến điều này sớm hơn. Khi đọc Lời thề Hippocrates, tôi đã hứa: “Trước hết, không được gây hại.” Tôi bắt đầu cảm thấy có lỗi về bất kỳ vai trò nào mà tôi đảm trách, khi vô tình làm hại bệnh nhân của mình, vì đã không hướng dẫn họ về cách thức niềm tin có thể tạo ra những thay đổi về thể chất và vì việc phóng chiếu những niềm tin của chính tôi có thể đã vô tình làm tổn thương họ.
Khi chúng ta thông báo cho một người các số liệu thống kê như “Chín trong mười người có bệnh trạng tương tự bạn chết trong vòng sáu tháng” hay “Bạn có 20% cơ hội sống sót sau năm năm”, phải chăng chúng ta đang làm một việc chẳng khác gì cách một số nền văn hoá bộ lạc thực hành lời nguyền? Có phải chúng ta đang nguyền rủa họ, kích hoạt phản ứng sợ hãi trong tâm trí họ, khiến tâm trí họ kích hoạt phản ứng căng thẳng vào lúc cơ thể cần đến phản ứng thư giãn nhất?
Khi chúng ta tuyên bố với bệnh nhân là “bệnh không thể chữa được” hay thậm chí còn gắn nhãn bệnh “mạn tính” cho các bệnh như đa xơ cứng, bệnh Crohn hay huyết áp cao, và nói với họ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng cả đời, về bản chất, không phải là chúng ta đang làm hại họ sao? Cơ sở nào để chúng ta biết là họ sẽ không phải là một trong những nghiên cứu trường hợp đã được tập hợp trong Dự án tự hồi phục, đã chữa khỏi những căn bệnh được gọi là không thể chữa được?
Trong cuốn Spontaneous Healing (Tự chữa lành), bác sĩ Andrew Weil lập luận rằng các bác sĩ có thể đã vô tình thực hiện điều mà ông gọi là “lời nguyền trong y học”. Khi thông báo rằng bệnh nhân mắc bệnh “mạn tính,” “không chữa được,” hay “giai đoạn cuối,” chúng ta có lẽ đã lập trình tiềm thức của họ bằng những niềm tin tiêu cực và kích hoạt phản ứng căng thẳng, gây hại cho họ nhiều hơn lợi. Bằng việc dán nhãn cho một bệnh nhân là có tiên lượng xấu và cướp đi niềm hy vọng về việc có thể chữa lành, cuối cùng thì chúng ta có thể chứng minh rằng tiên lượng xấu mà chúng ta đã ban cho bệnh nhân là đúng. Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta trao tặng hy vọng và kích hoạt tâm trí phóng thích các hóa chất tạo ra sức khỏe để hỗ trợ cho các cơ chế tự sửa chữa của cơ thể?
Khi bố tôi được chẩn đoán mắc u ác tính di căn, những khối u đã di căn vào não và gan, thông tin thật nghiệt ngã. Là các bác sĩ, cả bố và tôi đều biết những số liệu thống kê – có ít hơn 5% số người có bệnh trạng tương tự như bố tôi sống sót sau năm năm và hầu hết đã chết trong vòng ba đến sáu tháng.
Với những gì đã học được, giờ nhìn lại tôi ước rằng chúng tôi đã không biết những con số đó khi phát hiện bố có khối u ác tính trong não. Chỉ cần nhìn vào những con số, niềm hy vọng của cả hai chúng tôi đã vỡ vụn. Chúng tôi chưa bao giờ tập trung vào 5% những người đã thực sự sống sót. Và ai có thể nói rằng bố tôi không phải là một người trong số đó? Tất cả những gì chúng tôi có thể nghĩ là 95% người bệnh đã chết, thường là chết rất nhanh.
Giờ đây, sau tất cả những gì đã học được, tôi nhận ra rằng các bác sĩ, người thông báo những con số kiểu này thực sự có thể đã vô tình làm hại bệnh nhân của mình. Chúng ta không thể biết trước được tương lai. Chúng ta không có cách nào để dự đoán ai sẽ làm nên điều kỳ diệu và ai sẽ nhanh chóng đầu hàng. Ý định của chúng ta là thuần khiết. Chúng ta bị thôi thúc bởi sự trung thực, một cam kết về quyền tự chủ của bệnh nhân và mong muốn chuẩn bị cho bệnh nhân của mình điều tồi tệ nhất để họ không tìm cách trốn tránh sự thật.
Nhưng nếu bệnh nhân đó thuộc 1/10 số người sống sót thì việc được cảnh báo về một điều gì đó có thể không bao giờ xảy ra sẽ giúp được gì cho họ? Liệu mong muốn công bố toàn bộ thông tin của chúng ta có đáng để loại bỏ hy vọng và làm tan vỡ những niềm tin chỉ để bệnh nhân có thể “thực tế” về tiên lượng của họ?
Tôi không đề nghị chúng ta quay trở lại với mô hình gia trưởng của trường học ngày xưa kiểu như “Đừng làm rộn cái đầu nhỏ bé của bà vì điều đó, thưa bà”. Vào đầu thế kỷ 20, các bác sĩ đã che giấu bệnh trạng của bệnh nhân vì “Nếu bà ngoại biết, nó sẽ giết chết bà ấy”.
Không. Sự trung thực và hợp tác là nền tảng của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân và nó phải được gìn giữ. Giáo dục, trao quyền và thông tin đầy đủ là phương châm làm việc của tôi. Nhưng tôi muốn đặt vấn đề về cách mà chúng ta cung cấp thông tin. Không phải điều có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta – những người chữa lành cũng như bệnh nhân – là thay đổi cách suy nghĩ và giao tiếp để có thể tối ưu hóa cơ hội có được sức khỏe tối ưu hay sao?
Là một bác sĩ, đây là những gì tôi đã học được: Công thức để chữa lành nằm đâu đó giữa sự giao thoa của hy vọng, sự lạc quan, sự quan tâm chăm sóc và sự hợp tác đầy đủ với một bệnh nhân được trao quyền kiểm soát đối với sức khỏe của mình.