Chúng ta của ngày hôm nay được tạo nên từ những suy nghĩ của ngày hôm qua và những suy nghĩ hiện tại tạo nên cuộc sống của chúng ta vào ngày mai: Cuộc sống là sự sáng tạo của tâm trí chúng ta.
— KINH PHÁP CÚ
Một nghiên cứu trường hợp được thực hiện bởi bác sĩ Bruno Klopfer (nhà tiên phong nổi tiếng về thử nghiệm Rorschach) vào năm 1957 đã kể câu chuyện của bác sĩ Philip West và bệnh nhân của ông, ông Wright. Bác sĩ West đang điều trị bệnh ung thư hạch bạch huyết ở ông Wright. Tất cả các phương pháp điều trị đã thất bại và thời gian đang cạn dần. Cổ, ngực, bụng, nách và háng ông Wright đầy những khối u có kích thước bằng quả cam; lách và gan ông bị phù; còn ngực ông bị ứ đầy chất dịch lỏng màu trắng đục (hơn 2,2 lít) mỗi ngày, lượng chất lỏng này phải được dẫn lưu để ông có thể thở được. Bác sĩ West cho rằng ông Wright sẽ không sống được quá một tuần.
Nhưng ông Wright tha thiết mong được sống, ông đặt hy vọng vào một loại thuốc mới đầy triển vọng có tên là Krebiozen. Ông khẩn cầu bác sĩ điều trị cho mình bằng loại thuốc này, thế nhưng thuốc Krebiozen chỉ được cung cấp trong các thử nghiệm lâm sàng đối với những bệnh nhân được cho là còn sống thêm ít nhất ba tháng nữa. Ông Wright đã quá yếu để có thể tham gia thử nghiệm.
Nhưng ông Wright không bỏ cuộc. Vì biết loại thuốc này tồn tại và tin rằng nó sẽ là phương thuốc chữa bệnh thần kỳ cho mình, nên ông đã nài nỉ đến khi bác sĩ West đành miễn cưỡng chấp thuận và tiêm Krebiozen cho ông. Bác sĩ West đã thực hiện mũi tiêm vào thứ Sáu, nhưng trong thâm tâm ông không nghĩ rằng ông Wright có thể sống đến tuần sau.
Thứ Hai đầu tuần, bác sĩ West vô cùng kinh ngạc khi thấy bệnh nhân của mình đã ra khỏi giường đi loanh quanh. Theo bác sĩ Klopfer, “các khối u của ông Wright đã tan chảy như những quả cầu tuyết trên bếp lò nóng” và kích thước giảm còn một nửa so với trước. Mười ngày sau khi tiêm liều Krebiozen đầu tiên, ông Wright rời bệnh viện và rõ ràng là không còn bị ung thư nữa.
Ông Wright đã rất hoạt bát, hết lời ca ngợi Krebiozen như một loại thuốc thần kỳ trong suốt hai tháng đến khi các tài liệu khoa học bắt đầu báo cáo rằng, Krebiozen dường như không hiệu quả. Ông Wright, đã tin vào những gì mình đọc trong tài liệu nên bị trầm cảm nặng, và căn bệnh ung thư của ông quay trở lại.
Lần này, bác sĩ West thực sự muốn giúp bệnh nhân của mình nên đã quyết định đánh lừa ông Wright. Ông nói với ông Wright rằng một số thuốc cung cấp đợt đầu đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, khiến chúng kém hiệu quả, nhưng ông đã có được một lô Krebiozen vô cùng tinh khiết, đậm đặc và ông có thể dùng nó để chữa cho ông Wright. (Tất nhiên, đây là một lời nói dối vô hại.)
Bác sĩ West sau đó đã tiêm nước cất cho ông Wright.
Và điều dường như kỳ diệu đã xảy ra lần nữa. Các khối u tan chảy, chất lỏng trong ngực biến mất và ông Wright đã cảm thấy khỏe trở lại thêm hai tháng nữa.
Sau đó, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) đã làm tiêu tan mọi thứ. Hiệp hội thông báo rằng một nghiên cứu trên toàn quốc về Krebiozen đã chứng minh rằng loại thuốc này hoàn toàn vô giá trị. Lần này, ông Wright đã mất hết niềm tin vào việc điều trị. Bệnh ung thư của ông lập tức quay trở lại, và ông qua đời hai ngày sau đó.1
Khi đọc câu chuyện này, tôi nghĩ, thật đúng là một câu chuyện hoang đường. Làm thế nào mà một mũi tiêm chứa nước cất có thể làm cho các khối u ung thư “tan chảy như những quả cầu tuyết”? Nếu báo cáo trường hợp này là đúng, và một căn bệnh ung thư có thể biến mất chỉ bằng một phép trị liệu đơn giản như vậy, thì tại sao các bác sĩ ung thư không tiêm nước cất cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn bốn? Nếu các bệnh nhân đó không còn gì để mất thì việc làm này có hại gì cơ chứ?
Toàn bộ sự việc dường như không thể xảy ra nên tôi đã tiếp tục tìm kiếm. Chắc chắn, nếu có bất kỳ câu chuyện nào kiểu như vậy có thể xảy ra, sẽ có những nghiên cứu trường hợp tương tự được tường thuật trong các tài liệu.
Một bệnh nhân khác trong câu chuyện đã được kể trên Tạp chí Điều tra Lâm sàng ( Journal of Clinical Investigation) buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng. Các thiết bị đo những cơn co thắt trong dạ dày của cô cho thấy mô hình rối loạn tương ứng với chẩn đoán. Sau đó, cô được cấp một loại thuốc mới, thần kỳ, vô cùng công hiệu, mà các bác sĩ đảm bảo chắc chắn sẽ chữa được chứng buồn nôn của cô.
Chỉ trong vài phút, chứng buồn nôn đã biến mất và các thiết bị đo cho thấy kết quả bình thường. Vấn đề là các bác sĩ đã nói dối. Thay vì nhận được một loại thuốc mới vô cùng công hiệu, cô đã được điều trị bằng ipecac, loại thuốc gây nôn trong những trường hợp khẩn cấp, thay vì chống nôn.
Khi bệnh nhân này tin rằng các triệu chứng như buồn nôn và co thắt dạ dày sẽ hết thì quả thực là chúng biến mất, ngay cả khi ipecac đã có thể làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn.2
Tôi đã ngồi, gãi đầu. Tò mò, nhưng việc này cũng chẳng thể chứng minh được bất cứ điều gì.
NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA PHẪU THUẬT GIẢ
Ít lâu sau, tôi tình cờ đọc được một bài báo trên Tạp chí Y học New England khắc họa bác sĩ Bruce Moseley, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng về những ca mổ trên các bệnh nhân bị đau đầu gối. Để chứng minh hiệu quả phẫu thuật của mình, ông đã thiết kế một nghiên cứu có kiểm soát tuyệt vời.
Các bệnh nhân trong một nhóm nghiên cứu được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nổi tiếng của bác sĩ Moseley. Một nhóm bệnh nhân khác đã trải qua một cuộc phẫu thuật giả được thiết kế công phu, trong đó bệnh nhân được gây mê, ba vết mổ được thực hiện ở cùng vị trí như trong ca phẫu thuật thực sự, và bệnh nhân được cho xem một đoạn băng ghi hình sẵn cuộc phẫu thuật của một người khác trên màn hình video. Bác sĩ Moseley thậm chí còn té nước xung quanh để tạo ra âm thanh giả giống như quá trình rửa. Rồi ông khâu đầu gối lại.
Đúng như dự đoán, một phần ba số bệnh nhân được phẫu thuật thực sự đã hết đau đầu gối. Nhưng điều gây sốc cho các nhà nghiên cứu là nhóm bệnh nhân được phẫu thuật giả cũng có kết quả tương tự! Thực tế là, tại một thời điểm trong nghiên cứu, những người được phẫu thuật giả ít bị đau đầu gối hơn hẳn những người đã được phẫu thuật thực sự, có lẽ là vì họ đã không phải trải qua chấn thương do phẫu thuật.3
Các bệnh nhân của bác sĩ Moseley đã nghĩ gì về kết quả nghiên cứu? Một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai, người đã khỏi bệnh nhờ vào phẫu thuật đầu gối giả của bác sĩ Moseley, nói: “Cuộc phẫu đã được thực hiện từ hai năm trước và kể từ đó, cái đầu gối này chưa bao giờ làm phiền tôi. Bây giờ nó giống hệt như đầu gối kia.”4
Nghiên cứu này đã làm tôi choáng váng.
Ông Wright và người phụ nữ được điều trị bằng thuốc ipecac chỉ là những nghiên cứu trường hợp, và những nghiên cứu trường hợp thường dễ bị nhiễu và không được xem là chuẩn mực để giải thích vấn đề trong y văn. Tôi đã được dạy rằng tiêu chuẩn vàng để điều tra dữ liệu khoa học là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, được kiểm soát bằng giả dược và được công bố trên một tạp chí có bình duyệt.
Nghiên cứu của bác sĩ Moseley là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, được kiểm soát bằng giả dược – được công bố trên một trong những tạp chí y học uy tín nhất trên thế giới – cho thấy tỷ lệ đáng kể bệnh nhân hết đau đầu gối chỉ vì họ tin rằng mình đã được phẫu thuật.
Đó là bằng chứng thực tế đầu tiên mà tôi thu thập được và đã chứng minh cho tôi thấy rằng một niềm tin – một điều gì đó chỉ xảy ra trong tâm trí – có thể làm giảm bớt một triệu chứng thực, cụ thể trong cơ thể. Nghiên cứu của bác sĩ Moseley đã dẫn dắt tôi nghiên cứu về hiệu ứng giả dược, loại hiệu ứng bí ẩn, mạnh mẽ, có thể tái lập mà một số bệnh nhân đã trải nghiệm khi được điều trị bằng giả dược như một phần của thử nghiệm lâm sàng.
CÔNG HIỆU CỦA GIẢ DƯỢC
Giống như mọi nhà khoa học khác, tôi đã biết về hiệu ứng giả dược từ rất lâu. Các phương pháp điều trị giả, chẳng hạn như các viên thuốc đường, thuốc tiêm bằng nước muối và phẫu thuật giả, thường được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng hiện đại để xác định liệu một loại thuốc, một loại phẫu thuật hay một loại trị liệu cụ thể nào đó có thực sự hiệu quả hay không. Thuật ngữ giả dược [placebo], bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “tôi sẽ hài lòng” đã xuất hiện trong các biệt ngữ y khoa từ xa xưa để nói vô hại, vốn dành cho các bệnh nhân thần kinh để xoa dịu họ.
Trong nhiều thế kỷ, các bác sĩ đã chỉ định những phương pháp điều trị mà không có bất kỳ dữ liệu lâm sàng nào để chứng minh rằng chúng thực sự có hiệu quả. Không ai chất vấn các phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định và cũng không ai nghiên cứu để chứng minh một phương pháp nào đó có hiệu quả hay không. Các bác sĩ chỉ pha chế thuốc, xác định liều lượng cho bệnh nhân và bệnh nhân thấy khỏe hơn, hay ít nhất một tỷ lệ bệnh nhân nào đó cảm thấy như vậy. Hay bác sĩ mở một phần cơ thể bệnh nhân, thực hiện một ca phẫu thuật và các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc không.
Cho đến tận cuối thế kỷ 19, ý tưởng sử dụng giả dược trong nghiên cứu lâm sàng mới bắt đầu xuất hiện. Sau đó, vào năm 1955, Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xuất bản một bài báo có tầm ảnh hưởng lớn của bác sĩ Henry Beecher tên là Công hiệu của giả dược (The Powerful Placebo). Bài viết chỉ ra rằng nếu được cấp thuốc, nhiều người sẽ cảm thấy khỏe hơn. Nhưng nếu bạn chỉ cho họ uống nước muối thông thường hay thành phần trơ nào đó, khoảng một phần ba trong số họ cũng sẽ khỏi bệnh, không chỉ về mặt tâm lý mà cả về thể chất, những phương diện sinh lý có thể giải thích được trong cơ thể.5
Đột nhiên, khái niệm “hiệu ứng giả dược” trở thành trụ cột chính của y học đương đại và các thử nghiệm lâm sàng hiện đại ra đời. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học tốt phải chịu gánh nặng của việc chứng minh rằng, tác dụng điều trị của loại thuốc hay loại phẫu thuật đang được thử nghiệm vượt trội hơn công hiệu tiềm năng của giả dược. Chỉ khi “loại thuốc hay loại phẫu thuật hiệu quả cao hơn giả dược thì mới được coi là có “công hiệu”. Nếu không, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể không phê chuẩn loại thuốc đó thì loại phẫu thuật sẽ không được thực hiện, còn phương pháp điều trị sẽ bị loại bỏ vì không hiệu quả, tương tự như cuộc phẫu thuật của bác sĩ Moseley. Người ta tin rằng việc chỉ định các phương pháp điều trị đã được chứng minh là không tốt hơn giả dược sẽ vi phạm các nguyên tắc của y học dựa trên bằng chứng. Đó là điều phân biệt những bác sĩ thực sự với các lang băm.
Hay ít ra thì đó cũng là điều tôi đã được dạy.
Điều đó làm tôi suy nghĩ. Hiệu ứng giả dược thực sự là gì? Cho đến khi bắt đầu nghiên cứu, tôi chưa bao giờ thực sự dừng lại để suy nghĩ về nó. Chúng ta đều biết rằng có những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng đã trở nên khỏe hơn dù thứ bạn đưa cho họ chỉ là một viên thuốc bằng đường. Nhưng tại sao lại như vậy?
Đó là khi tôi nhận ra rằng mình đã chạm vào mạch chính của công cuộc tìm kiếm bằng chứng chứng minh tâm trí có thể ảnh hưởng đến cơ thể. Nếu tỷ lệ đối tượng trong các thử nghiệm lâm sàng trở nên khỏe hơn chỉ đơn giản là vì họ tin rằng mình đang được dùng thuốc thật hay được phẫu thuật thực sự, như vậy sự cải thiện mà họ nhận được hoàn toàn là do tâm trí kích hoạt. Nhận thức này làm tôi choáng ngợp.
MINH CHỨNG CHO THẤY NIỀM TIN TÍCH CỰC CÓ THỂ LÀM GIẢM NHẸ CÁC TRIỆU CHỨNG
Tôi đã quay lại với các tạp chí y học để tìm thêm bằng chứng cho thấy chỉ cần tâm trí tin rằng, cơ thể đang được dùng thuốc hay phẫu thuật là đã đủ để làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Tôi tìm thấy rằng gần một nửa số bệnh nhân hen suyễn có triệu chứng bệnh giảm khi dùng thuốc hít giả hoặc châm cứu giả.6 Khoảng 40% những bệnh nhân bị đau đầu đã cảm thấy đỡ hơn khi được cho dùng giả dược.7 Một nửa số bệnh nhân bị viêm đại tràng cảm thấy đỡ hơn sau khi được điều trị bằng giả dược.8Hơn một nửa số bệnh nhân bị đau do viêm loét được nghiên cứu đã hết đau sau khi được điều trị bằng giả dược.9 Châm cứu giả làm giảm chứng bốc hỏa cho gần một nửa bệnh nhân (trong khi châm cứu thật chỉ giúp được một phần tư số người bệnh). Có tới 40% bệnh nhân vô sinh có thai trong khi đang dùng giả dược “giúp thụ thai”.10
Trên thực tế, giả dược có hiệu quả gần như tương đương với morphin trong điều trị giảm đau.11 Và nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hầu hết các phản ứng tạo ra hạnh phúc mà các bệnh nhân trải nghiệm do tác dụng của thuốc chống trầm cảm có thể được quy cho hiệu ứng giả dược.12
Không chỉ thuốc viên và thuốc tiêm mới có tác dụng tuyệt vời trong việc làm giảm triệu chứng bệnh. Như đã được chứng minh từ nghiên cứu phẫu thuật đầu gối của bác sĩ Moseley, hiệu quả của các ca phẫu thuật giả có thể thậm chí còn cao hơn cả phẫu thuật thật. Trong quá khứ, thắt động mạch vú bên trong thành ngực được coi là điều trị tiêu chuẩn cho chứng đau thắt ngực. Ý tưởng là, việc chặn lượng máu đi qua động mạch đó sẽ giúp đưa máu vào tim nhiều hơn và làm giảm các triệu chứng mà mọi người gặp phải khi không có đủ máu chảy trong mạch vành. Các bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện thủ thuật này trong nhiều thập kỷ, và hầu hết bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện.
Nhưng có phải cải thiện đó thực sự đến từ việc thắt động mạch vú bên trong? Hay cơ thể họ đã điều chỉnh theo niềm tin rằng cuộc phẫu thuật đó là hữu ích?
Để tìm ra câu trả lời, một nghiên cứu so sánh các bệnh nhân bị chứng đau thắt ngực đã được thắt động mạch vú bên trong với các bệnh nhân trải qua một quá trình phẫu thuật giả, rạch vết mổ trên thành ngực nhưng không thắt động mạch.
Điều gì đã xảy ra? 71% những bệnh nhân được phẫu thuật giả đã khỏe hơn, trong khi chỉ 67% những bệnh nhân được phẫu thuật thực sự mới khỏe hơn.13 Ngày nay, việc thắt động mạch vú bên trong thành ngực chỉ còn tồn tại trong lịch sử y học.
Các dữ liệu thu thập được vô cùng ấn tượng và tôi buộc phải tự hỏi liệu có phải chúng có thể còn ấn tượng hơn nếu không có những nỗ lực nhằm giảm thiểu tác dụng của giả dược trong các thử nghiệm lâm sàng. Nếu các nhà nghiên cứu nhìn nhận hiệu ứng giả dược như là một hiện tượng tích cực, một điều gì đó cần được khuyến khích, thì có lẽ chúng ta đã thấy những tỷ lệ thậm chí còn cao hơn nữa. Nhưng đó không phải là tiêu điểm của hầu hết trong số họ. Trái lại, các điều phối viên thử nghiệm lâm sàng và các nhà nghiên cứu trong y khoa (hầu hết đều được các công ty dược tuyển dụng) lại nỗ lực hơn cả mức cần thiết để giảm bớt tác dụng của giả dược. Xét cho cùng, việc những bệnh nhân khỏe hơn nhờ giả dược lại gây trở ngại để một loại thuốc được chấp thuận bán ra thị trường. Để loại ra những bệnh nhân được coi là có “phản ứng quá mức với giả dược,” nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, được kiểm soát bằng giả dược chỉ thực sự diễn ra sau “giai đoạn chọn lọc”, trong đó tất cả những bệnh nhân tham gia đều uống giả dược và bất kỳ ai đáp ứng tốt với nó đều bị loại ra khỏi nghiên cứu.
Vì vậy, nếu hầu hết các nhà nghiên cứu dược phẩm không bắt tay với các hãng dược lớn, thì chúng ta có thể đã thấy những tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng với giả dược thậm chí còn cao hơn nữa trong các thử nghiệm lâm sàng.
CÓ PHẢI MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐÁP ỨNG VỚI GIẢ DƯỢC?
Khi suy nghĩ về hiệu ứng giả dược, tôi cảm thấy hoài nghi về khả năng đáp ứng với giả dược của mình nếu tôi là bệnh nhân trong một thử nghiệm lâm sàng. Rốt cuộc thì tôi là một bác sĩ. Bản thân tôi cũng từng là người khảo sát trong các thử nghiệm lâm sàng. Tôi thông minh và thừa biết mình có đang được điều trị thực sự hay không. Nếu tôi hồ nghi mình đang dùng giả dược thì hiển nhiên giả dược sẽ không công hiệu với tôi, đúng không nào?
Điều này làm tôi suy nghĩ. Có phải một số bệnh nhân sẽ dễ bị giả dược tác động hơn? Có dữ liệu nào chỉ ra những phản ứng chung của những bệnh nhân với giả dược không? Tính cách hay chỉ số thông minh mới quyết định bệnh nhân nào trở nên tốt hơn khi dùng giả dược? Có phải những bệnh nhân có IQ cao sẽ đáp ứng kém hơn với giả dược? Có phải một số bệnh nhân cả tin hơn?
Hóa ra các nhà khoa học đã nghiên cứu về điều này. Ban đầu, họ cho rằng những người phản ứng với giả dược có IQ thấp hơn hay “dễ bị kích thích thần kinh” hơn. Nhưng họ đã khám phá ra rằng, trong điều kiện thích hợp, gần như tất cả mọi người đều được thuyết phục để phản ứng với giả dược. Tất cả chúng ta đều dễ bị tác động, ngay cả đội ngũ bác sĩ và những nhà khoa học cũng thế. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy những người có IQ cao thậm chí còn có phản ứng với giả dược cao hơn.
Tôi cho rằng đây là một tin tốt lành, bởi nếu đúng là niềm tin tích cực có thể chữa lành cơ thể, thì mọi người đều có cơ hội hưởng lợi như nhau từ hiện tượng này. Không chỉ những người cả tin mới có thể tin rằng mình khỏe mạnh, mà cả những người thông minh như bạn cũng thế.
CÓ PHẢI VIỆC CHỮA LÀNH TỪ GIẢ DƯỢC HOÀN TOÀN LÀ DO TÂM TRÍ?
Khi tiếp tục nghiên cứu, tôi đã không thể hiểu thấu đáo những gì mình đang tìm. Rõ ràng, những bằng chứng thu thập được có vẻ đầy hứa hẹn. Khi bệnh nhân, không chỉ riêng những người cả tin mà là tất cả bệnh nhân, tin rằng họ sẽ khỏe lại thì phần lớn trong số họ sẽ trải nghiệm những cải thiện về mặt lâm sàng.
Nhưng điều này không thể thỏa mãn sự tò mò của tôi. Tôi có thể đưa ra lập luận rằng việc giảm triệu chứng thực sự chỉ diễn ra trong tâm trí. Rốt cuộc thì cơn đau là gì nếu không phải là một nhận thức trong tâm trí? Trầm cảm là gì nếu không phải là một trạng thái tinh thần? Ngay cả với các bệnh dễ thấy hơn như hen suyễn hay viêm đại tràng, có thể bạn chỉ cảm thấy rằng mình có thể thở tốt hơn hay chỉ nghĩ rằng các triệu chứng về tiêu hóa đã giảm bớt. Có thể cảm nhận của tâm trí đang thay đổi nhưng cơ thể thì không có bất kỳ phản ứng sinh lý thực sự nào có thể đo lường được. Có lẽ bạn chỉ nghĩ là như vậy và điều đó đã đủ để làm bạn cảm thấy khỏe hơn.
Nếu đúng là tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể thì phải có cách nào đó để chứng minh rằng cơ thể đang đáp ứng, không chỉ bằng việc giảm triệu chứng mà còn bằng những biểu hiện sinh lý có thể nghiên cứu được. Giai đoạn tiếp theo trong nghiên cứu đã dẫn dắt tôi tìm kiếm bằng chứng cho thấy điều đó không chỉ diễn ra trong tâm trí, và niềm tin thực sự có thể làm thay đổi sinh lý của cơ thể.
Việc tìm ra câu trả lời từ hàng trăm ngàn thử nghiệm kiểm soát giả dược đã được công bố là cả một kỳ công, khó khăn chủ yếu là do nhiều nghiên cứu tôi đọc đã cho rằng các triệu chứng như đau đầu, đau lưng, trầm cảm và giảm ham muốn tình dục là rất khó định lượng. Cảm giác về sự suy giảm của các triệu chứng phần lớn mang tính chủ quan. Không có phép đo khách quan nào có thể chứng minh những gì họ tường thuật là đúng.
Nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được bằng chứng cho thấy, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó, những thay đổi sinh lý đáp ứng với giả dược đã thực sự xảy ra trong cơ thể. Khi được cho dùng giả dược, những người đàn ông bị hói đã mọc tóc, huyết áp giảm, mụn cóc biến mất, các vết loét lành lại, nồng độ axit dạ dày giảm, viêm đại tràng giảm, mức cholesterol giảm, cơ hàm thư giãn và sự sưng tấy đã giảm sau khi làm các thủ thuật nha khoa, nồng độ dopamine trong não tăng lên ở những bệnh nhân Parkinson, hoạt động của bạch cầu tăng, và các nghiên cứu hình ảnh cho thấy não của những người cảm thấy bớt đau đã sáng lên.14
Những phát hiện này đã thuyết phục tôi. Giả dược không chỉ làm thay đổi cảm giác mà còn làm thay đổi sinh hóa của bạn. Đây là lúc mọi thứ bắt đầu trở nên thực sự thú vị.
Tác động sinh hóa của hiệu ứng giả dược có khả năng thách thức toàn bộ mô hình bệnh tật của chúng ta. Nhưng trước khi thực hiện bất kỳ bước nhảy vọt nào, tôi muốn tìm hiểu xem liệu có thêm lời giải thích nào khác về lý do vì sao khi được điều trị bằng giả dược, cơ thể con người lại đáp ứng theo cả hai cách, giảm triệu chứng và tạo ra những thay đổi sinh lý có thể đo lường được. Có phải niềm tin tích cực là yếu tố duy nhất đã tạo ra tất cả những thay đổi đó không, hay còn có những yếu tố khác nữa đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân? Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo đã đưa tôi đến với một vài luận cứ.
NĂM LỜI GIẢI THÍCH VỀ HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC
Khi các nhà nghiên cứu lâm sàng nói về hiệu ứng giả dược, họ thực sự đang đề cập đến một loạt sự kiện xảy ra khi bạn đưa những người liên quan vào một thiết kế lâm sàng, cung cấp cho họ một phương pháp trị liệu mà họ biết hoặc là phương pháp đang được thử nghiệm hay phương pháp dùng giả dược, và theo dõi họ trong một khoảng thời gian được chỉ định. Giờ thì chúng ta hãy cùng làm rõ năm lời giải thích đó để có thể hiểu và sử dụng đúng thuật ngữ này.
Lời giải thích rõ ràng nhất, và cũng là điều mà chúng ta muốn tin vào, đó là bệnh nhân cảm nhận triệu chứng bệnh giảm và các biểu hiện sinh lý thay đổi vì họ nghĩ rằng mình sẽ như vậy. Bởi vì theo quy định, bệnh nhân biết rằng họ có thể đang dùng giả dược nhưng nhiều người trong nhóm dùng giả dược khác lại tin họ thực sự đang được điều trị nhưng trên thực tế thì không, vì vậy họ kỳ vọng là mình sẽ khỏe lại. Nói cách khác, niềm tin là bạn sẽ khỏe hơn làm cho bạn cảm thấy mình khỏe hơn.15
Nhưng niềm tin tích cực có thể không phải là yếu tố duy nhất tạo nên phản ứng của cơ thể. Lời giải thích thứ hai về lý do vì sao bệnh nhân khỏe hơn là phản xạ có điều kiện. Chúng ta đều biết thí nghiệm kinh điển về con chó của Pavlov. Con chó của Pavlov không chỉ chảy nước bọt để đáp lại bữa ăn nhẹ Scooby của mình, mà còn bắt đầu chảy nước bọt khi nghe tiếng chuông đi kèm. Hiệu ứng giả dược có thể hoạt động theo cách tương tự. Nếu bạn đã quen với việc dùng thuốc thật từ một người mặc áo choàng trắng và sau đó thấy khỏe hơn, bạn có thể đã được điều kiện hóa để cảm thấy khỏe hơn chỉ bằng việc nhận một viên thuốc đường từ người đó.16 Tất nhiên, điều này vẫn hỗ trợ cho ý tưởng là tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể vì phản xạ có điều kiện cho thấy một mối liên kết rõ ràng giữa cơ thể và tâm trí.
Lời giải thích thứ ba là bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng được hỗ trợ về mặt cảm xúc. Giáo sư Ted Kaptchuk của Đại học Harvard, người nghiên cứu về hiệu ứng giả dược, thường đưa ra lập luận trong các bài báo và các cuộc phỏng vấn rằng sự quan tâm chăm sóc của một nhân vật có thẩm quyền được tôn trọng có thể tạo ra hiệu ứng giả dược tương đương như niềm tin tích cực, hay thậm chí còn lớn hơn. Bệnh nhân trong một thử nghiệm lâm sàng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đôi khi là cả sự chữa lành từ một nhân vật có thẩm quyền mặc áo choàng trắng, chiếc áo từ lâu đã được xem là đại diện cho sức khỏe và khả năng chữa lành. Tất cả chúng ta đều muốn được quan tâm, được lắng nghe, thậm chí được yêu thương và chỉ riêng điều này đã có thể làm giảm các triệu chứng và kích hoạt sự thay đổi sinh lý tích cực, một lần nữa vì liên kết giữa cơ thể và tâm trí.
Lời giải thích thứ tư về lý do con người phản ứng với giả dược, đó là, mặc dù hầu hết các nghiên cứu lâm sàng đều cố gắng loại bỏ những bệnh nhân tự tham gia các phương pháp điều trị khác, vì dữ liệu có thể bị nhiễu. Nếu bệnh nhân trong nhóm sử dụng giả dược trở nên khỏe hơn thì rất có thể là do phương pháp điều trị mà họ đã lén thực hiện.
Lời giải thích thứ năm và cũng lời giải thích cuối cùng là một số bệnh nhân có thể khỏe hơn vì bệnh đã tự khỏi. Rốt cuộc, cơ thể là một cơ quan tự phục hồi, cố gắng không ngừng để đạt được cân bằng nội môi. Vì vậy, ngay cả khi bạn đưa các bệnh nhân vào trong một căn phòng tối mà không điều trị hay chăm sóc gì, thì vẫn sẽ có một tỷ lệ nhất định trong số họ có sự cải thiện về sức khỏe. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh chủ đề này, một số nhà khoa học tin rằng hiện tượng thuyên giảm tự phát là lời giải thích duy nhất cho hiệu ứng giả dược. Bài báo của bác sĩ Asbjørn Hróbjartsson và bác sĩ Peter Gøtzsche trên Tạp chí Y học New England với tiêu đề Is the Placebo Powerless? (Phải chăng giả dược chẳng có tác dụng gì?), tuyên bố rằng chúng ta không thể chỉ ra được một cách rõ ràng tác dụng của giả dược trừ phi các nghiên cứu cũng bao gồm cả nhóm không điều trị, nhóm không được dùng thuốc thật và cũng không được dùng thuốc đường (điều mà hầu hết các nghiên cứu không thực hiện).17 Trong nghiên cứu của họ, có rất ít bằng chứng có ý nghĩa về tác dụng của giả dược khi các nhóm không điều trị cũng được tìm hiểu, điều này cho thấy không phải niềm tin tích cực hay sự quan tâm chăm sóc mà chính đặc điểm tự nhiên của căn bệnh đã làm bệnh thuyên giảm.18 Tuy nhiên, những người khác đã chỉ trích nghiên cứu này vì những sai sót trong thiết kế, họ cho rằng việc so sánh các nhóm giả dược từ nhiều loại nghiên cứu khác nhau để đánh giá các loại bệnh hoàn toàn khác nhau thì cũng giống như so sánh táo với cam, điều này có khả năng làm cho việc diễn giải dữ liệu tổng hợp bị sai lệch.19
Bất chấp những tranh luận đó, sự thuyên giảm tự phát chắc chắn có thể làm sai lệch các kết quả nghiên cứu lâm sàng và chúng xảy ra ngay cả khi không có giả dược. Nhưng chẳng phải điều đó thậm chí còn hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho lập luận rằng cơ thể được thiết kế để tự-sửa-chữa hay sao? Nếu ngay cả một số người trong các nhóm không-điều-trị cũng khỏe lại trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng phải điều đó chứng minh rằng cơ thể biết cách để tự chữa lành cho chính nó hay sao? Ngay cả khi chúng ta tranh luận chỉ để cho vui là hiệu ứng giả dược không thực sự tồn tại (hầu hết các chuyên gia tin là có), thì chúng ta vẫn biết rằng những thuyên giảm tự phát không giải thích được có lẽ xảy ra thường xuyên hơn chúng ta biết; vì những người tự chữa lành không thuộc một thử nghiệm lâm sàng thì không được theo dõi bởi các hệ thống chăm sóc sức khỏe thông thường.
Chúng ta kết luận được rằng mặc dù những thay đổi sinh lý xảy ra khi sử dụng giả dược có thể không hoàn toàn là kết quả của niềm tin tích cực, nhưng hiệu ứng giả dược xác nhận một liên kết giữa cơ thể với tâm trí cùng khả năng thiên phú của cơ thể về việc tự sửa chữa.
KHÍA CẠNH SINH LÝ CỦA HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC
Chúng ta biết rằng có hiệu ứng giả dược. Nhưng đâu là những cơ chế sinh lý để giải thích cách mà suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin có thể chuyển thành sự thay đổi về mặt sinh lý?
Các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận với nhau về câu hỏi này nhưng có một số lý thuyết đã được công nhận. Suy nghĩ tích cực về việc sẽ khỏe lại có thể kích thích các morphin nội sinh tự nhiên, giúp cải thiện các triệu chứng, giảm đau và nâng cao tâm trạng. Ngược lại, khi những bệnh nhân phản ứng tích cực với giả dược được cho dùng thuốc naloxone điều trị quá liều opioid, ngăn chặn quá trình hình thành các morphin nội sinh tự nhiên, thì giả dược đột nhiên mất tác dụng.20
Việc tin tưởng rằng bạn sẽ khỏe lại và được các nhà nghiên cứu lâm sàng tận tâm chăm sóc cũng có thể làm giảm căng thẳng sinh lý (điều được biết là nguyên nhân làm cho cơ thể bị bệnh) và tạo ra cảm giác thư giãn về mặt sinh lý (điều cần thiết để những cơ chế tự sửa chữa của cơ thể hoạt động tốt). Bác sĩ Walter Cannon, giáo sư của Đại học Harvard là người đầu tiên đề cập đến việc cơ thể kích hoạt phản ứng mà giáo sư gọi là phản ứng căng thẳng, hay phản ứng chiến-hay-chạy, đây chính là cơ chế sinh tồn được bật lên khi não nhận thấy một mối đe dọa. Khi dòng thác nội tiết tố này được một ý nghĩ hay cảm xúc trong tâm trí kích hoạt, chẳng hạn như cảm giác sợ hãi, trục HPA – trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, sẽ khiến hệ thống thần kinh giao cảm phải làm việc quá sức, tăng đột ngột mức cortisol và adrenaline trong cơ thể. Theo thời gian, việc cơ thể tràn ngập các nội tiết tố gây căng thẳng này có thể sinh ra các triệu chứng về thể chất, khiến cơ thể bị bệnh.
Như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn ở Chương 8, ngoài phản ứng căng thẳng, một cơ chế sinh tồn được thiết kế để giúp chúng ta sống sót trong các tình huống khẩn cấp, cơ thể còn có một loại phản ứng đối trọng là phản ứng thư giãn. Khi phản ứng thư giãn được khơi gợi, các nội tiết tố gây căng thẳng giảm xuống, các nội tiết tố thư giãn tạo ra sức khỏe (đối trọng của các nội tiết tố gây căng thẳng) được giải phóng, hệ thống thần kinh đối giao cảm sẽ nắm quyền kiểm soát và cơ thể quay trở lại trạng thái cân bằng bên trong. Chỉ trong trạng thái nghỉ ngơi và thư giãn này, cơ thể mới có thể tự sửa chữa. Bất cứ điều gì làm giảm căng thẳng và khơi gợi phản ứng thư giãn không chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh gây ra bởi phản ứng căng thẳng mà còn giúp cơ thể được tự do để làm công việc tự nhiên của nó, tự chữa lành.
Niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc cũng có thể làm thay đổi hệ miễn dịch. Những người được điều trị bằng giả dược có thể cảm nhận sự tăng cường chức năng miễn dịch nhờ loại bỏ phản ứng căng thẳng và kích hoạt phản ứng thư giãn. Giả dược cũng có thể ức chế hệ miễn dịch. Trong một nghiên cứu, người ta cho chuột dùng thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamide (pha với nước đường). Sau đó, họ ngưng thuốc và những chú chuột này chỉ còn uống nước đường (giả dược). Thật đáng ngạc nhiên, hệ miễn dịch của chúng vẫn bị ức chế một cách khách quan, ngay cả khi chúng không còn dùng thuốc nữa. Điều này cho thấy rằng ngay cả chuột cũng có thể phản ứng với niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc bằng các phản ứng miễn dịch sinh lý có thể đo lường được.21
Niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc cũng có thể làm giảm nhẹ phản ứng dẫn đến đau, sưng, sốt, lờ đờ, thờ ơ và chán ăn, một loại phản ứng của cơ thể trong giai đoạn cấp tính của bệnh.22
Liên kết giữa cơ thể và tâm trí cũng có thể được điều hòa bởi các chức năng điều hành của phần vỏ não trước trán. Thực tế thì việc những người mắc bệnh Alzheimer không có phản ứng với giả dược đã ủng hộ cho lý thuyết này.23 Vậy là có thể vùng nào liên quan đến niềm tin, bị tổn thương khi mắc bệnh về thần kinh, sẽ ảnh hưởng tới việc bệnh nhân có phản ứng với giả dược hay không. Nhà sinh vật học tiến hóa Robert Trivers nói rằng những gì não bộ kỳ vọng sẽ diễn ra trong tương lai gần sẽ ảnh hưởng đến trạng thái sinh lý của nó. Trivers cho rằng bệnh nhân Alzheimer không phản ứng với giả dược là do họ không thể dự đoán tương lai, vì vậy tâm trí họ không thể chuẩn bị về mặt sinh lý cho điều đó.
Phản ứng giả dược cũng liên quan đến việc kích hoạt hoóc- môn dopamine (hay hoóc-môn hạnh phúc) trong các accumben hạt nhân, một vùng não liên quan đến cơ chế khen thưởng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu não bộ của một số người sau khi được cho tiền để xem họ đã giải phóng bao nhiêu hoóc-môn dopamine trong các accumben hạt nhân. Số lượng dopamine mà một bệnh nhân giải phóng được càng nhiều thì khả năng phản ứng tốt với giả dược của họ càng cao.24
Dù đó là cơ chế nào đi nữa, rõ ràng là tâm trí và cơ thể giao tiếp thông qua các nội tiết tố và những chất dẫn truyền thần kinh bắt nguồn từ não và sau đó rời khỏi não để báo hiệu cho các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi điều chúng ta nghĩ và cách chúng ta cảm nhận có thể chuyển thành những thay đổi sinh lý trong phần còn lại của cơ thể.
Nghe có vẻ mơ hồ đúng không? Chúng ta không nói nhiều về cách suy nghĩ và cảm xúc gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chúng có ảnh hưởng thì tại sao chúng ta không cẩn thận hơn với những gì chúng ta đưa vào tâm trí mình? Nhưng tôi đang đi quá nhanh rồi. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cách giữ cho tâm trí và cơ thể khỏe mạnh trong Phần Hai của cuốn sách này.
CÓ PHẢI TẤT CẢ CÁC BỆNH ĐỀU CÓ PHẢN ỨNG VỚI GIẢ DƯỢC NHƯ NHAU?
Câu hỏi tiếp theo trong hành trình tìm hiểu hiệu ứng giả dược của tôi là phải chăng giả dược có tác dụng với mọi loại bệnh. Liệu có phải tất cả các triệu chứng và các loại bệnh đều phản ứng với giả dược ở một mức như nhau?
Những gì tôi tìm được là gần như mọi thử nghiệm lâm sàng đều cho thấy những hiệu ứng của giả dược nhưng một số bệnh dường như phản ứng với giả dược tốt hơn những bệnh khác. Giả dược có vẻ hiệu quả nhất khi được dùng cho các bệnh nhân mắc những bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như dị ứng, nổi loạn nội tiết như tiểu đường, các bệnh viêm như viêm đại tràng, các bệnh về sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm, các rối loạn hệ thần kinh như Parkinson và mất ngủ, các triệu chứng về tim như đau thắt ngực, các bệnh về hô hấp như hen suyễn và ho, và có hiệu quả cao nhất ở các rối loạn đau mạn tính.
Nhưng liệu giả dược có tác dụng trong điều trị ung thư? Đau tim? Đột quỵ? Suy gan? Bệnh thận?
Trong nghiên cứu của mình, tôi đã không tìm được nhiều dữ liệu để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ là bởi việc điều trị các bệnh như vậy trong một thử nghiệm lâm sàng với giả dược được xem là vô đạo đức. Với những bệnh đe dọa đến tính mạng như vậy, các phương pháp điều trị mới thường được nghiên cứu trong đối chiếu với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn đã có và đã được chứng minh là có ít nhất một số hiệu quả nhất định. Vì vậy, rất khó để biết được mức độ đáp ứng hay không đáp ứng của bệnh này hay bệnh kia.
Khi thực hiện nghiên cứu, tôi cảm nhận sâu sắc rằng hiệu ứng giả dược chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi khổng lồ. Tâm trí tôi lan man với những câu hỏi mà có thể tôi sẽ không bao giờ trả lời được. Ví dụ, nếu bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng được thông báo là được điều trị bằng giả dược và đôi khi cũng nhận được một số kết quả vô cùng ấn tượng, vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nói dối họ? Nếu chúng ta tạo ra một nghiên cứu vô đạo đức, đảm bảo các bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc mới có hiệu quả tốt nhất trên thị trường và sau đó điều trị cho họ bằng giả dược thì sao? Đương nhiên là các hội đồng thẩm định sẽ không bao giờ cho phép thực hiện một nghiên cứu như vậy bởi nguyên tắc đồng thuận sau khi được thông tin đầy đủ, nhằm bảo vệ quyền được biết sự thật của bệnh nhân. Nhưng nếu chúng ta có thể làm điều đó thì sao? Tôi ngờ là kết quả sẽ làm chúng ta choáng váng. Vì sao ư? Bởi vì, giống như trường hợp ông Wright với Krebiozen, có một điều gì đó mạnh mẽ sẽ vận hành khi chúng ta tin tưởng, mà không hề nghĩ: Chúng ta sẽ khỏe lại và nhận được sự hỗ trợ từ các bác sĩ cũng có cùng suy nghĩ lạc quan như vậy.
Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều đó nhưng tôi tin rằng hiệu ứng giả dược chỉ là bước khởi đầu. Tôi không thể ngăn mình tiến xa hơn hiệu ứng giả dược và tự hỏi một câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn, một con voi to trong phòng mà chúng ta không thể vờ như không thấy.
Chúng ta có thể thật sự tự chữa lành cho chính mình không?
MỞ RA BÍ MẬT CỦA SỰ THUYÊN GIẢM TỰ PHÁT
Tôi tìm được một phần câu trả lời trong một bữa tiệc cocktail tại Viện Khoa Học về Trí Năng (IONS – Institute of Noetic Sciences) ở thành phố Petaluma, bang California, khi đang nhấm nháp rượu vang và trò chuyện với chủ tịch IONS, Marilyn Schlitz. Khi tôi nói với cô về câu hỏi hóc búa của mình, Marilyn trấn an tôi bằng nụ cười với hàm ý “Đừng lo lắng!” và giới thiệu với tôi một cơ sở dữ liệu trên mạng mà Caryle Hirshberg và Brendan O’Regan đã tập hợp có tên là Dự án về Thuyên giảm Tự phát (The Spontaneous Remission Project). Cơ sở dữ liệu này bao gồm một thư mục chú giải ấn tượng với 3.500 tài liệu tham khảo từ hơn 800 tạp chí bằng 20 ngôn ngữ khác nhau, ghi nhận lại các trường hợp bệnh tự thuyên giảm không thể giải thích được. Họ định nghĩa sự thuyên giảm tự phát là “sự biến mất, hoàn toàn hay một phần, của một căn bệnh hay khối u mà không có điều trị y tế hay điều trị y tế không đủ để làm biến mất các triệu chứng bệnh hay khối u.”25
Thư mục ghi nhận một số trường hợp đáng kinh ngạc. Một bệnh nhân dương tính với HIV đã trở thành âm tính. Một phụ nữ bị ung thư vú di căn với các khối u ở vú, phổi và xương đùi không được điều trị tự nhiên khỏi bệnh. Các mảng bám chặn động mạch vành của một người đàn ông đã biến mất mà không cần phải điều trị. Một người đàn ông bị phình mạch não đột nhiên khỏi bệnh. Một người đàn ông với vết thương do đạn bắn vào não đã hồi phục mà không cần điều trị. Một phụ nữ mắc bệnh cơ tim phì đại do suy tim đã tự khỏe trở lại. Một người phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp đã tự khỏi bệnh.26
Tôi cũng biết được hai cuốn sách có cùng tên được viết vào những năm 1960, Sự tự thuyên giảm của bệnh ung thư (The Spontaneous Regression of Cancer) của Boyd và Ung thư tự thuyên giảm (Spontaneous Regression of Cancer) của Everson và Cole, cho thấy ra sự gia tăng số lượng các nghiên cứu trường hợp như vậy được báo cáo trong y văn.
Khi nghiền ngẫm kĩ nghiên cứu trường hợp này đến nghiên cứu trường hợp khác về việc bệnh tự thuyên giảm, tôi cảm thấy tim đập nhanh vì phấn khích. Đa số các nghiên cứu trường hợp đã không chỉ ra được cách sự thuyên giảm tự phát đã xảy ra như thế nào. Các bệnh nhân đã không được phỏng vấn để xem liệu họ có tin rằng mình sẽ khỏe lại hay họ có làm bất cứ điều gì khác đặc biệt để tự chữa lành cho chính mình hay không.
Nhưng các nghiên cứu đó đã cho tôi minh chứng rằng hầu như không có chứng bệnh nào có thể được xem là “không thể chữa khỏi”. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã tự khỏi dù bệnh đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa được như tôi đã được dạy. Rõ ràng điều tôi được dạy đã sai.
Đầu óc tôi quay cuồng. Ruột gan tôi cồn cào đến nỗi tôi gần như không thể ăn được. Tôi đã sụt mất năm ký trong vài tuần. Đến thời điểm này, tôi đã thực sự bước trên con đường thực hiện sứ mệnh của riêng mình.
Không chút nghi ngờ, tôi đã chứng minh cho mình thấy là tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể. Tôi thậm chí còn có một giải thích sinh lý hợp lô-gíc về cách mà điều đó xảy ra. Nhưng tôi cũng biết rằng mình chỉ mới bắt đầu hiểu được sự phức tạp của mối liên kết giữa cơ thể và tâm trí, tôi vẫn chưa biết cách khai thác sức mạnh của tâm trí để giúp mọi người ngăn ngừa bệnh tật và chữa bệnh. Thế là tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.