Đại đa số chúng ta được yêu cầu sống một cuộc sống đơn điệu, giả tạo một cách có hệ thống. Sức khỏe của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu, ngày này qua ngày khác, bạn nói ngược lại với những gì mình cảm nhận, nếu bạn khom lưng uốn gối trước những gì mình không thích và vui mừng trước những thứ không mang lại cho bạn điều gì ngoài sự bất hạnh. Hệ thần kinh không phải là một tiểu thuyết hư cấu, nó là một phần cơ thể vật lý của chúng ta, linh hồn tồn tại trong không gian và ngay bên trong chúng ta, giống như răng trong miệng. Nó không thể bị xúc phạm liên tục mà không trừng phạt lại.
— BORIS PASTERNAK, BÁC SĨ ZHIVAGO
Sau khi nghiên cứu các hiệu ứng giả dược và phản dược, tôi cảm thấy rất an tâm khi nói rằng cơ thể được thiết kế để tự sửa chữa và niềm tin tích cực, sự quan tâm chăm sóc cùng các phản ứng thư giãn là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể tự chữa lành. Nhưng niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc có thực sự đủ để chữa lành cho cơ thể trong phần lớn các trường hợp không? Tôi có chút nghi ngờ rằng vấn đề không đơn giản như vậy.
Vậy một người phụ nữ, người tin rằng mình sẽ khỏi bệnh và tìm được một bác sĩ tuyệt vời nhưng lại đang sống với một người đàn ông lừa dối và ngược đãi cô thì sao? Thế còn người bệnh đang phải làm việc 12 giờ một ngày ở vị trí đòi hỏi phải đánh đổi sự chính trực của mình để nhận được tiền lương thì sao? Thế còn một người hút thuốc, uống rượu, ăn mì ống, pizza và sống đến 100 tuổi bởi cuộc sống của ông tràn đầy tình yêu, sức sống và ý nghĩa mà ông không muốn rời bỏ thì sao? Tôi nghi ngờ rằng có nhiều yếu tố góp phần tạo ra sức khỏe tối ưu hơn là chúng ta nghĩ.
Ví dụ như trường hợp của những người đặc biệt quan tâm đến sức khỏe. Với những người đang làm “đúng” theo những điều được xem là tốt cho sức khỏe – ăn rau hữu cơ, tránh thịt, sữa, gluten và thực phẩm chế biến sẵn, tập thể dục hằng ngày, ngủ ngon, tránh xa các chất gây nghiện – chúng ta kỳ vọng là họ sẽ sống lâu, sống khỏe và chết một cách yên bình trong lúc ngủ khi già đúng không? Vậy thì tại sao nhiều người rất quan tâm đến sức khỏe lại ốm yếu hơn cả những người ăn hàng đống thịt nướng, uống bia như nước, ngủ năm giờ một đêm và ngồi mọc rễ trên ghế sofa trước màn hình ti-vi?
Nếu một số người quan tâm đến sức khỏe cũng có khả năng bị bệnh như một số người ngồi lì hàng giờ trước ti-vi, tôi phải kết luận rằng có điều gì đó không đúng trong định nghĩa của chúng ta về các yếu tố tạo nên một lối sống lành mạnh. Rõ ràng, những hành vi lành mạnh như vậy rất quan trọng để có được một cuộc sống khỏe mạnh. Tôi coi mình là một trong số những người đặc biệt quan tâm đến sức khỏe. Tôi uống nước ép rau quả, vitamin, đi bộ đường dài và tập yoga hằng ngày, ngủ ngon, gặp cố vấn sức khỏe và cố gắng tránh các độc tố có thể gây hại.
Tuy vậy, tôi đã phải tin rằng lĩnh vực thể chất, sinh hóa thuần túy của bệnh tật – phần có thể chẩn đoán bằng các xét nghiệm, có thể xem trên phim X-quang và có thể giải thích khi quan sát các đĩa Petri dưới kính hiển vi, phần được lợi từ chế độ ăn, tập thể dục, tránh độc tố và các ảnh hưởng tích cực của y học chức năng đối với cơ thể – chỉ là một phần của phương trình. Xin lưu ý rằng đó là một phần lớn, nhưng không phải là tất cả. Kinh nghiệm của tôi với các bệnh nhân (cũng như từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, điều mà tôi sẽ phân tích chi tiết ở Chương 9) khiến tôi tin rằng dù bệnh nhân đã bị bệnh hay vẫn khỏe mạnh, dù họ đã tự chữa lành hay vẫn còn bệnh, có thể vẫn còn có nhiều điều khác nữa đang diễn ra trong cuộc sống mà họ sẽ phải làm chứ không chỉ là những điều được cho là “lành mạnh”.
HỌC TỪ THỰC TẾ CÔNG VIỆC
Sự hiểu biết về những yếu tố giúp cơ thể khỏe mạnh và những yếu tố làm cơ thể bị bệnh trở nên rõ ràng hơn khi tôi làm việc tại một nơi thực hành y học tích hợp ở Hạt Marin. Sau khi từ bỏ việc thực hành y học chính thống, tôi đã tham gia một nhóm bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe đáng yêu, hết lòng giúp đỡ bệnh nhân đạt được sức khỏe tối ưu. Tôi rất biết ơn vì không giống như cách thực hành cũ, tôi được ngồi hàng giờ với những bệnh nhân mới và có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những điều thực sự khiến họ bị bệnh hay khỏe mạnh.
Khi tham gia nhóm thực hành mới, tôi đã rất ngưỡng mộ những bệnh nhân mới của mình. Họ là những người có ý thức về sức khỏe cao nhất mà tôi đã từng được phục vụ. Nhiều người đến trung tâm đã uống nước ép rau quả hằng ngày, ăn thuần chay, tập thể dục với huấn luyện viên cá nhân, ngủ tám tiếng mỗi đêm, uống cả nắm vitamin và các chất bổ sung mỗi sáng, bỏ ra cả đống tiền cho những người chữa bệnh bằng CAM, và tuân thủ chỉ định của các bác sĩ một cách nghiêm ngặt. Chế độ chăm sóc sức khỏe này có hiệu quả tuyệt vời đối với một số người. Họ là đỉnh cao của sự khỏe mạnh với làn da tỏa sáng, cơ thể tuyệt đẹp và sinh lực toát ra từ lỗ chân lông.
Nhưng một vài người trong số họ thì vô cùng ốm yếu. Tôi đã rất bối rối! Từ tất cả những gì tôi đã học được ở trường y, những người này đáng lẽ phải có sức khỏe hoàn hảo. Vậy thì tại sao có quá nhiều người sống rất “lành mạnh” lại bị bệnh?
Để giúp đỡ những bệnh nhân này, tôi đã cho thực hiện hàng loạt kiểm tra, bao gồm cả các xét nghiệm chuyên khoa mà các bác sĩ chính thống hiếm khi yêu cầu. Đôi khi tôi tìm được điều gì đó đáng ngạc nhiên và khi được điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân biến mất hoàn toàn. Chẳng hạn như, một nội tiết tố thay thế đơn giản sẽ thay đổi cuộc sống của họ. Và họ nghĩ rằng tôi là một siêu anh hùng.
Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, tôi không thể tìm ra lời giải thích nào về mặt sinh hóa cho lý do vì sao họ không cảm thấy khỏe mạnh. Tôi cảm thấy mình giống như một người chữa bệnh thất bại nhưng trong thâm tâm tôi biết rằng đó không phải là lỗi của tôi. Tôi đã không quên đề nghị một xét nghiệm quan trọng nào đó. Tôi đã không quên giới thiệu họ đến đúng chuyên gia. Câu trả lời nằm ở nơi nào đó khác. Vẫn còn thiếu một mảnh ghép lớn của câu đố chữa bệnh. Tôi chỉ không thể hiểu được nó là gì.
Giờ đây, tôi thực sự tò mò và cố gắng tìm kiếm lý do tại sao những bệnh nhân “lành mạnh” này lại bị bệnh nhiều đến thế. Thay vì tập trung hoàn toàn vào các hành vi sức khỏe, bệnh sử trong quá khứ và những câu hỏi truyền thống khác, tôi bắt đầu yêu cầu bệnh nhân kể tôi nghe về cuộc sống của họ. Vì chúng tôi có đến một giờ để dành cho nhau, tôi có thể ngồi và lắng nghe. Và những gì họ nói đã thay đổi cách nhìn của tôi về khái niệm sức khỏe.
Đó là khi tôi được truyền cảm hứng để thay đổi mẫu phiếu nhận bệnh của mình. Thay vì giới hạn câu hỏi ở bệnh sử của bệnh nhân, tiền sử phẫu thuật, tiền sử gia đình, thuốc men và tiền sử sử dụng chất gây nghiện như cách mà tôi được dạy ở trường y, tôi đã thêm vào đó một loạt câu hỏi về toàn bộ cuộc sống của họ. Những điều học được từ những câu hỏi này đã khiến tôi ngạc nhiên.
MỘT KIỂU NHẬN BỆNH HOÀN TOÀN MỚI
Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về đời sống cá nhân của bệnh nhân, đặt những câu hỏi mà hầu hết các bác sĩ chưa bao giờ nghĩ tới. Có bất cứ điều gì làm cho bạn không thể là chính mình, sống đúng với con người thật của mình không? Nếu có, điều đó là gì? Điều bạn yêu quý và trân trọng về bản thân mình là gì? Điều còn thiếu trong cuộc sống của bạn là gì? Bạn đánh giá cao điều gì về cuộc sống của mình? Bạn có đang trong một mối quan hệ lãng mạn không? Nếu vậy, bạn có hạnh phúc không? Nếu không, bạn có mong muốn có một mối quan hệ như vậy không?
Bạn có cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc không? Bạn có cảm thấy gắn kết với mục đích của cuộc đời mình không? Bạn có cảm thấy được thỏa mãn về tình dục, dù là với một đối tác hay với chính mình? Bạn có thể hiện bản thân một cách sáng tạo không? Nếu vậy thì bằng cách nào? Nếu không, bạn có cảm thấy sự sáng tạo của mình đang bị kìm nén, giống như có một điều gì đó trong bạn tha thiết muốn được thể hiện không? Bạn cảm thấy thoải mái về tài chính hay tiền bạc là một yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống của bạn?
Nếu bà tiên đỡ đầu có thể thay đổi một điều về cuộc sống của bạn, bạn sẽ ước điều gì? Bạn có đang phải thực hiện ràng buộc nào mà bạn ao ước có thể phá vỡ chúng không?
Tôi phát hiện ra rằng các câu trả lời của bệnh nhân thường giúp tôi hiểu về lý do vì sao họ có thể bị bệnh nhiều hơn mọi xét nghiệm, hồ sơ y tế hay kiểm tra X-quang. Việc chẩn đoán thường rất rõ ràng, điều mà trước đây tôi đã bỏ lỡ vì không hỏi những câu hỏi đúng.
Tôi đã hiểu rằng những bệnh nhân này không khỏe mạnh không phải do gen xấu, các thói quen không tốt cho sức khỏe hay do kém may mắn, mà vì họ cô đơn hay đau khổ trong các mối quan hệ tồi tệ, căng thẳng về công việc, hay tài chính hoặc bị trầm cảm nặng. Khi tôi hỏi trong mẫu phiếu nhận bệnh “Điều gì còn thiếu trong cuộc sống của bạn?” hầu hết bệnh nhân đã viết một danh sách dài. Và khi tôi trực tiếp hỏi câu tương tự, phần lớn trong số những bệnh nhân này đã khóc. Một điều gì đó đang xảy ra, một điều không liên quan gì đến rau quả, chế độ tập luyện hay vitamin.
Ở chiều hướng đối lập, tôi có những bệnh nhân khác, những người ăn uống kém, ít khi tập thể dục, quên uống các dưỡng chất bổ sung và có sức khỏe gần như hoàn hảo. Khi tôi đọc mẫu phiếu nhận bệnh của họ, họ tiết lộ rằng cuộc sống của họ tràn ngập tình yêu, niềm vui, công việc có ý nghĩa, tài chính dồi dào, có thể thể hiện sự sáng tạo, niềm vui tình dục, kết nối tâm linh và những đặc điểm làm họ khác biệt với những người rất quan tâm đến sức khỏe nhưng ốm yếu. Về cơ bản, họ hạnh phúc. Và mặc dù họ đã không chăm sóc cơ thể theo cách tốt nhất nhưng cơ thể họ vẫn khỏe mạnh.
Đó là khi tôi bắt đầu hỏi bệnh nhân hai câu mấu chốt. “Bạn nghĩ điều gì có thể là căn nguyên bệnh của mình?” Và quan trọng nhất là “Cơ thể bạn cần gì để chữa lành?”
Thỉnh thoảng, bệnh nhân trả lời với sự hiểu biết sâu sắc về các điều chỉnh liên quan đến sức khỏe thông thường mà họ cảm thấy cần thực hiện – chẳng hạn như “Tôi thực sự cần thuốc chống trầm cảm”, “Các thuốc kháng sinh có thể giải quyết vấn đề”, “Tôi cần giảm khoảng 10kg” hoặc “Tôi thật sự cần phải cân bằng nội tiết tố của mình”.
Nhưng thường xuyên là, khi tôi hỏi: “Bạn nghĩ điều gì có thể là căn nguyên bệnh của mình?” bệnh nhân nói những điều như thế này: “Tôi cho đi đến khi hoàn toàn suy kiệt”, “Tôi bất hạnh trong hôn nhân”, “Tôi ghét công việc của mình”, “Tôi cần có nhiều thời gian hơn cho bản thân”, “Tôi rất cô đơn, đêm nào tôi cũng khóc đến khi ngủ thiếp đi”, “Tôi không còn gắn kết với mục đích sống của mình”, “Tôi không còn cảm nhận được Thượng Đế nữa”, “Tôi ghét bản thân đến nỗi không thể nhìn vào chính mình trong gương”, “Tôi đang trốn tránh việc phải đối diện với sự thật”, “Tôi không thể tha thứ cho mình vì những gì tôi đã làm”, “Tôi đang sống giả tạo và tôi cảm thấy mình giống như một kẻ lừa đảo”.
Và khi tôi hỏi bệnh nhân: “Cơ thể bạn cần gì để chữa lành?” tôi đã bị sốc vì những câu trả lời của họ. “Tôi phải nghỉ việc.” “Đã đến lúc tôi cần công khai giới tính với bố mẹ tôi.” “Tôi phải ly hôn.” “Tôi phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết.” “Tôi cần thuê người trông trẻ.” “Tôi quá cô độc, tôi cần kết bạn nhiều hơn.” “Tôi cần thiền mỗi ngày.” “Tôi phải nói cho chồng biết rằng tôi đang ngoại tình.” “Tôi cần tha thứ cho chính mình.” “Tôi cần trân trọng bản thân.” “Tôi sẽ không bi quan như vậy nữa.”
Chà...
Trong khi nhiều bệnh nhân chỉ đơn giản là chưa sẵn sàng để làm những gì trực giác mách bảo, những bệnh nhân can đảm nhất đã lắng nghe lời thì thầm từ bên trong và thực hiện triệt để các thay đổi. Một số người bỏ việc. Một số khác ly hôn. Một số người chuyển đến sống ở thành phố khác. Hay có những người cuối cùng cũng theo đuổi giấc mơ họ đã kìm nén từ lâu.
Các bệnh nhân này đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Đôi khi, một danh sách dài các bệnh biến mất, thường là rất nhanh. Các bệnh nhân của tôi đã tự chữa lành sau hàng năm trời điều trị bằng các liệu pháp y tế mà không có hiệu quả. Tôi đã vô cùng sửng sốt.
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ VIỆC TỰ CHỮA LÀNH
Marla là cư dân kiểu mẫu của Hạt Marin. Cô ăn chay, đi bộ đường dài và tập yoga, thi đấu ba môn phối hợp, uống hàng tá chất bổ sung theo liệu pháp tự nhiên và tránh uống rượu, hút thuốc hay sử dụng bất kỳ loại thuốc bất hợp pháp nào.
Nhưng cô có một bộ hồ sơ y tế cao hơn nửa mét và bốn loại bệnh mạn tính khác nhau.
Marla đã nghe một số người bạn nói rằng cách điều trị của tôi không giống với việc thực hành y khoa thông thường, vì vậy cô đã đăng ký một cuộc hẹn để xem liệu tôi có thể tìm ra lý do cô vẫn bị bệnh bất chấp mọi nỗ lực để được khỏe mạnh không. Thông tin trong phiếu nhận bệnh về cuộc sống cá nhân của Marla cho thấy cô rất đau khổ. Cô đang ở trong một cuộc hôn nhân bất hạnh, bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần, và cô đã không quan hệ tình dục trong suốt hai năm. Cô cảm thấy sự sáng tạo của mình bị đè nén vì chồng không ủng hộ đam mê nghệ thuật của cô, và cô quá bận rộn trong công việc cùng việc tập luyện cho các cuộc đua, cô đã không có thời gian để vẽ. Thêm vào đó, cô còn bị kiệt sức vì chăm sóc người mẹ già yếu, bệnh tật đang sống chung nhà.
Sau khi đọc phiếu nhận bệnh của Marla, tôi biết rằng cơ thể Marla sẽ không khỏe lại chừng nào cô chưa chữa lành những khía cạnh khác trong cuộc sống của mình. Với tất cả những cảm xúc tiêu cực chất đầy trong tâm trí và tất cả những nội tiết tố căng thẳng đang chảy trong cơ thể, không có rau, thực phẩm bổ sung, chương trình tập thể dục hay loại thuốc nào đủ mạnh để chống lại những tác động có hại với sức khỏe từ các phản ứng căng thẳng mạn tính trong cơ thể cô.
Sau khi chia sẻ với Marla suy nghĩ của tôi về lý do thực sự khiến cơ thể cô khổ sở, tôi đã hỏi cô câu hỏi chính: “Cơ thể cô cần gì để khỏe lại?”
Marla nói: “Tôi cần chuyển đến Santa Fe.”
“Tại sao lại là Santa Fe?” Tôi hỏi.
Marla nói “Tôi có một nhà nghỉ ở Santa Fe và bất cứ khi nào tôi đến đó, mọi triệu chứng của tôi đều biến mất.”
Có lẽ có một lời giải thích sinh hóa cho điều này. Có lẽ cô có một số phản ứng nhạy cảm hóa học với thứ gì đó trong ngôi nhà ở Mill Valley của mình. Có lẽ cô bị dị ứng với thứ gì đó mọc ở Bay Area nhưng không có ở Santa Fe. Có lẽ thời tiết, thực phẩm hay yếu tố môi trường nào đó có thể giải thích cho sự khác biệt lớn như vậy.
Nhưng tôi nghi ngờ điều đó, vì vậy tôi khuyến khích Marla lắng nghe sự khôn ngoan của cơ thể và trực giác của cô.
Một năm sau, tôi nhận được một cuộc gọi từ Marla nói với tôi rằng cô đã chuyển đến Santa Fe. Để thực hiện một động thái quyết liệt như vậy, cô đã bán công ty của mình và giúp mẹ cô chuyển đến sống ở một cộng đồng hưu trí tuyệt vời gần Santa Fe, nơi cô có thể đến thăm bà vào cuối tuần. Cô cũng đệ đơn ly hôn chồng. Và ngay khi đến Santa Fe, cô đăng ký vào trường nghệ thuật. Cô đã yêu một người đàn ông mới và gặp một nhóm bạn nghệ sĩ hoàn toàn mới, và cô thích đi bộ đường dài, đi xe đạp cũng như trượt tuyết ở vùng ngoại ô Santa Fe.
Điều quan trọng nhất là, cô nói với tôi, tất cả các triệu chứng của cô đã biến mất, như thể bằng phép thuật, trong vòng ba tháng sau khi cô chuyển đến nơi ở mới.
CÁCH LỐI SỐNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ
Các bệnh của Marla đã không được chữa khỏi bằng thuốc, chất bổ sung hay phẫu thuật mà bằng cách làm giảm căng thẳng trong cuộc sống, thư giãn tâm trí và cơ thể, theo đuổi ước mơ, tìm kiếm tình yêu và làm đầy cơ thể bằng các kích thích tố tốt cho sức khỏe trong khi loại khỏi cơ thể những nội tiết tố căng thẳng có hại. Những thay đổi như vậy dẫn đến các thay đổi sinh lý có thể đo lường được trong cơ thể cô.
Và không chỉ riêng Marla. Tôi đã chứng kiến những biến đổi tương tự ở hàng tá bệnh nhân. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra rằng việc các cơ sở y tế gần như chỉ tập trung vào các yếu tố sinh hóa của cơ thể và thường bỏ qua sức khỏe tinh thần đang gây hại rất lớn cho bệnh nhân.
Kinh nghiệm với các bệnh nhân ở Hạt Marin đã thúc đẩy tôi bước sang giai đoạn nghiên cứu tiếp theo về những điều dẫn đến sức khỏe và tuổi thọ tối ưu. Với cùng niềm đam mê đã đưa tôi đến thư viện để tìm kiếm bằng chứng là tâm trí có thể chữa lành cơ thể, tôi quay lại với y văn để tìm kiếm những yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể thông qua sức khỏe của tâm trí, bên cạnh những hành vi tạo ra sức khỏe truyền thống mà tôi đã được dạy ở trường y.
Giả thuyết của tôi là các lựa chọn về lối sống có thể dẫn đến những thay đổi về sinh lý trong cơ thể, lan tỏa đến những người mà bạn tiếp xúc trong cuộc sống và công việc, đến mức độ tự do sáng tạo mà bạn được trải nghiệm, đến cảm giác gắn kết về mặt tâm linh, đến quan hệ của bạn với tiền bạc và đến mức độ hạnh phúc của bạn. Những người lựa chọn cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh, như tìm một người bạn đời yêu thương, hỗ trợ, có mối quan hệ thân thiết với bạn bè và gia đình, làm công việc họ yêu thích, sống tích cực... những điều tối ưu hóa phản ứng thư giãn và chống lại phản ứng căng thẳng, thì có sức khỏe tốt hơn.
Một cách mơ hồ, tất cả chúng ta đều biết rằng tình trạng căng thẳng không tốt cho sức khỏe. Nhưng sau giai đoạn nghiên cứu ban đầu, đến lúc này tôi đã hiểu được mối liên hệ rõ ràng giữa sự căng thẳng mà tâm trí trải nghiệm và cách cơ thể bị suy yếu. Tôi quan sát cách thức những căng thẳng về cảm xúc như cô đơn, thất vọng trong công việc, tức giận về một chấn thương trong quá khứ, lo lắng về tiền bạc và cảm giác sợ hãi có thể dẫn đến bệnh tật.
Có nhà khoa học nào khác từng nghiên cứu các loại liên kết này chưa? Có bằng chứng nào hỗ trợ cho ý tưởng rằng các mối quan hệ tốt dẫn đến sức khỏe tốt hơn hay sự căng thẳng trong công việc dẫn đến bệnh tật? Đây là lúc quay lại với các tạp chí khoa học.
Tôi đặt ra sứ mệnh chứng minh rằng mỗi khía cạnh trong cách bạn sống cuộc đời mình đều ảnh hưởng đến sức khỏe của tâm trí và cùng với nó là sức khỏe của cơ thể bạn. Tôi dự đoán rằng, để sống một cuộc sống năng động, ngăn ngừa bệnh tật hoặc tối ưu hóa cơ hội thuyên giảm bệnh, bạn sẽ cần:
• Những mối quan hệ lành mạnh, bao gồm một mạng lưới gắn kết trong gia đình, với bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
• Cách thức lành mạnh, có ý nghĩa để sử dụng thời gian trong ngày của bạn, cho dù bạn làm việc bên ngoài hay tại nhà.
• Cuộc sống lành mạnh và đầy sáng tạo cho phép tâm hồn bạn hát lên bài ca của nó.
• Đời sống tâm linh lành mạnh, bao gồm cảm nhận về sự gắn kết với điều thiêng liêng trong cuộc sống.
• Đời sống tình dục lành mạnh cho phép bạn tự do thể hiện bản thân và khám phá những lạc thú.
• Đời sống tài chính lành mạnh, không bị áp lực nợ nần, đảm bảo rằng các nhu cầu thiết yếu của cơ thể bạn được đáp ứng đầy đủ.
• Môi trường sống trong lành, không có độc tố, các nguy cơ về thiên tai, bức xạ và các yếu tố không lành mạnh khác đe dọa sức khỏe của cơ thể.
• Đời sống tinh thần và cảm xúc lành mạnh, đặc trưng bởi sự lạc quan, hạnh phúc và không sợ hãi, lo lắng, trầm cảm hay bị các bệnh về sức khỏe tâm thần khác.
• Lối sống lành mạnh hỗ trợ sức khỏe thể chất của cơ thể, như dinh dưỡng tốt, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh các chất gây nghiện không lành mạnh.
Bằng chứng khoa học mà tôi phát hiện đã chứng minh rằng giả thuyết trên là đúng. Mỗi khía cạnh trong cuộc sống của bạn – các mối quan hệ, công việc, dòng chảy sáng tạo, đời sống tinh thần, đời sống tình dục, v.v. – có khả năng làm bạn căng thẳng hoặc thư giãn. Một mối quan hệ lành mạnh tạo ra những phản ứng thư giãn trong cơ thể. Một mối quan hệ không lành mạnh kích thích phản ứng căng thẳng. Một đời sống tâm linh lành mạnh gợi ra những cảm xúc tích cực như niềm vui, hy vọng và phản ứng thư giãn được bật lên. Một đời sống tâm linh không lành mạnh, bạn cảm thấy bị cộng đồng tâm linh của mình phán xé, nỗi sợ bị một vị thần khắc nghiệt trừng phạt hoặc lo lắng trước những hệ quả tiêu cực như phải xuống địa ngục, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng căng thẳng.
Chỉ tập trung vào cơ thể mà không quan tâm đến sức khỏe của tâm trí thì không đủ. Tăng cường sức khỏe của cơ thể mà không khuyến khích sức khỏe của tâm trí là một nỗ lực vô ích. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra rằng cơ thể chúng ta là tấm gương phản chiếu sự gắn kết, tâm linh, nghề nghiệp, tình dục, sự sáng tạo, tài chính, môi trường, tinh thần và sự lành mạnh của cảm xúc, chúng ta mới được chữa lành thật sự. Trên thực tế, dữ liệu khoa học cho thấy rằng, ít nhất là trong một số trường hợp, sức khỏe của tâm trí quan trọng tương đương, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, sức khỏe của cơ thể. Cơ thể không quyết định mà là một tấm gương phản chiếu cách chúng ta sống cuộc đời mình. Cơ thể là sự phản chiếu toàn bộ kinh nghiệm sống của chúng ta.
Hãy thử xem xét trường hợp một bệnh nhân bị đau vùng chậu, cơn đau chỉ xuất hiện khi vị cấp trên hay lăng mạ, thích kiểm soát bước vào văn phòng cô. Cô đến gặp bác sĩ phụ khoa, người đã chẩn đoán là cô bị lạc nội mạc tử cung và đề nghị điều trị bằng một phẫu thuật, đồng thời giới thiệu cô đến gặp bác sĩ tiết niệu. Vì vậy, cô đến gặp bác sĩ tiết niệu, người đã nội soi bàng quang và chẩn đoán cô bị viêm bàng quang kẽ nhưng đề nghị cô đi khám bác sĩ tiêu hóa, chỉ để chắc chắn rằng chẩn đoán là đúng. Sau đó, cô đến gặp bác sĩ tiêu hóa, người đã kiểm tra bụng và chẩn đoán là cô bị hội chứng ruột kích thích.
Tuy vậy, không ai nói với cô về sự thật là cô chỉ bị đau khi cấp trên của cô ở trong văn phòng. Không ai nghĩ rằng có lẽ sự căng thẳng trong công việc và mối quan hệ xấu với cấp trên đang biểu hiện thành những triệu chứng thực thể vì sự lặp đi lặp lại của phản ứng căng thẳng trong cơ thể. Có lẽ, thay vì dùng thuốc hay phẫu thuật, những gì cô cần là một công việc mới để có thể chữa lành những suy nghĩ tiêu cực của mình, cho phép cơ thể cô tự sửa chữa.
ỐM YẾU VỚI KHỎE MẠNH
Nếu sự khỏe mạnh của cơ thể đòi hỏi sự khỏe mạnh của tâm trí, chúng ta sẽ gọi loại sức khỏe này là gì? Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta thậm chí còn không có từ để mô tả loại sức khỏe mở rộng này. Định nghĩa chung của từ “sức khỏe” không tính đến việc bạn có hài lòng với công việc, có hôn nhân hạnh phúc hoặc có được sống giữa những người thân yêu hay không.
Ở trường y, tôi được dạy rằng có hai loại người – người bệnh và người khỏe mạnh. Chúng ta đều biết ai là người bệnh. Họ có vấn đề về thể chất. Họ có các kết quả xét nghiệm hay kiểm tra X-quang bất thường và được xem là bị bệnh hoặc ốm yếu. Cuối cùng họ được cho dùng thuốc, và nếu bác sĩ giúp họ không phải nhập viện – hay thậm chí tệ hơn là hấp hối – chúng ta đều thở phào nhẹ nhõm.
Nếu chúng ta tiến thêm một bước nữa và giúp họ điều chỉnh lối sống theo hướng có lợi cho cơ thể, như thay đổi chế độ ăn hoặc cai thuốc lá, và những thay đổi này giúp họ cảm thấy đỡ hơn, chúng ta tự vỗ lưng nhau và cho rằng chúng ta đã làm tốt công việc của mình.
Trái lại, những người khỏe mạnh có kết quả kiểm tra thể chất bình thường, kết quả xét nghiệm và X-quang bình thường, và nói chung là không bị bệnh. Nếu họ mắc bệnh, chúng ta đã kiểm soát bệnh bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn, tập thể dục, giảm cân hay bất cứ điều gì có tác dụng giữ cho họ “khỏe mạnh”.
Là những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chúng ta hướng đến việc ngăn người khỏe mạnh trở thành người bệnh, và may mắn thay, nhận thức tốt hơn về sức khỏe dự phòng đã biến mục tiêu đó thành hiện thực. Giáo dục sức khỏe cộng đồng về các hành vi tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như dinh dưỡng tốt, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tiêm phòng và tầm soát ung thư, đã góp phần cải thiện sức khỏe của dân số nói chung.
Vậy mà, trong khi công nghệ y tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hiểu biết của chúng ta về những gì giúp ngăn ngừa bệnh tiếp tục phát triển thì số người bị bệnh béo phì, cao huyết áp và tiểu đường, bị đau tim, đột quỵ và ung thư hay phải sử dụng thuốc điều trị lo âu, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực trong xã hội ngày càng tăng.
Còn có một loại bệnh nhân khác nằm ở đâu đó giữa người bệnh và người khỏe mạnh. Về mặt kỹ thuật, họ không bị bệnh nhưng cũng không thật khỏe. Kết quả xét nghiệm máu của họ bình thường. Những chỉ báo quan trọng của họ ổn định. Họ có hồ sơ sức khỏe thể chất sạch trơn. Tuy vậy, họ không cảm thấy đầy sức sống. Có không ít những bệnh nhân như vậy ngoài kia.
Những người mắc phải kiểu bệnh này cảm thấy mệt mỏi và đến gặp bác sĩ. Họ cảm thấy phiền muộn và lo lắng. Họ trăn trở vào ban đêm. Họ bị giảm ham muốn tình dục. Họ tăng cân. Họ vướng vào nhiều loại nghiện ngập khác nhau. Và họ phàn nàn về các triệu chứng thể chất mơ hồ như đau cơ, đau lưng và cổ, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, tức ngực và chóng mặt.
Nghi ngờ có vấn đề gì đó nghiêm trọng, những bệnh nhân này đến gặp bác sĩ và khẳng định rằng có điều gì đó không ổn. Bác sĩ tiến hành một loạt xét nghiệm và thông báo là bệnh nhân “khỏe mạnh”. Chỉ có bệnh nhân là không cảm thấy khỏe.
Vì không thể tìm ra lời giải thích sinh hóa cho các triệu chứng mà những bệnh nhân này gặp phải, các bác sĩ có xu hướng điều trị cho họ bằng thuốc chống trầm cảm và những loại thuốc giăng bẫy khác mà không tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề và bệnh nhân thường không cảm thấy khỏe hơn. Thế nên, họ tìm đến một bác sĩ khác và bắt đầu lại toàn bộ quá trình vì rõ ràng là có điều gì đó không đúng. Và họ đã đúng. Đã có điều gì đó sai. Nhưng đó không phải là những gì mà họ nghĩ.
Nhiều người trong số những bệnh nhân này, là người khỏe mạnh về mặt kỹ thuật nhưng lại cảm thấy không khỏe, đang phải chịu hậu quả sinh lý của các phản ứng căng thẳng lặp đi lặp lại làm cơ thể suy yếu dần. Nếu các căng thẳng tiềm ẩn không được giải tỏa, những bệnh nhân này thường sẽ thực sự đổ bệnh. Nhưng cơ sở y tế dường như không nhận ra điều này. Thay vào đó, họ gợi ý rằng các triệu chứng thực thể là “bệnh tưởng”. Và theo một cách nào đó thì họ cũng đúng. Nó bắt đầu từ trong đầu bạn và sau đó chuyển vào cơ thể.
KHÍA CẠNH SINH LÝ CỦA CẢM XÚC
Vậy chính xác là một ý nghĩ hay một cảm xúc chuyển thành những tác động về thể chất trong cơ thể bằng cách nào?
Bạn bắt đầu với một suy nghĩ hay một cảm xúc – ví dụ như sự lo sợ. Một bác sĩ nói với bạn rằng bạn chỉ còn ba tháng để sống. Hay có người tiêm cho bạn thứ gì đó mà họ cảnh báo là sẽ có tác dụng phụ khó chịu. Cũng có thể là nó không đến nỗi kịch tính như vậy. Có thể bạn đang lo sợ rằng vợ bạn sẽ rời bỏ bạn, ông chủ sẽ sa thải bạn, bạn sẽ không thể thanh toán các hóa đơn, ước mơ của bạn sẽ không thành hiện thực hoặc bạn sẽ bị mọi người xa lánh vì không dễ thương.
Suy nghĩ của bạn rất mạnh mẽ. Tâm trí có ý thức của bạn – tập trung ở não trước – biết rằng bạn đang lo sợ. Nhưng não thằn lằn của bạn – khu vực gần cuống não, nơi chứa vùng dưới đồi – không thể chỉ ra sự khác biệt giữa một nỗi lo sợ mơ hồ và một nguy cơ sống còn thực sự. Não thằn lằn nghĩ rằng bạn sắp chết và điều này kích thích phản ứng căng thẳng, thiết lập các cơ chế chiến hay chạy, kích hoạt trục HPA, giải phóng hệ thống thần kinh giao cảm, tắt hệ miễn dịch và chuẩn bị sẵn sàng để bạn chạy trốn khỏi mối nguy hiểm.
Khi cơ thể bạn đang trong một phản ứng căng thẳng, các chức năng tự bảo trì và tự sửa chữa của cơ thể ngừng hoạt động. Những phản ứng căng thẳng này được mặc định là hiếm khi được kích hoạt. Cơ thể khỏe mạnh được cho là ở trạng thái thư giãn sinh lý trong phần lớn thời gian. Nếu bạn là một người thượng cổ sống trong một bộ lạc hạnh phúc, lâu lâu bạn mới phải chạy trốn khỏi thú dữ. Phần lớn thời gian còn lại, bạn sẽ thu lượm các loại quả mọng, ngồi quanh đống lửa và tạo ra những em bé thượng cổ.
Đương nhiên, những người thượng cổ tổ tiên của chúng ta không sống thọ vì những nguy hiểm thực sự và cấp thời mà họ phải đối mặt hằng ngày, những nguy hiểm mà hầu hết chúng ta đã được bảo vệ nhờ những thứ xa xỉ hiện đại như nơi trú ngụ rộng rãi và thực phẩm dồi dào. Nhưng cuộc sống hiện đại cũng có những hiểm họa riêng. Các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày như sự cô đơn, những mối quan hệ không hạnh phúc, tình trạng căng thẳng trong công việc, tình trạng căng thẳng về tài chính, lo lắng và trầm cảm – gây ra những suy nghĩ và cảm xúc ở não trước những suy nghĩ và cảm xúc này sẽ kích thích lặp đi lặp lại vùng dưới đồi để gây ra các phản ứng căng thẳng. Tâm trí biết đó chỉ là một cảm xúc, nhưng não thằn lằn lại nghĩ rằng bạn đang bị tấn công.
Những cảm giác như sợ hãi, lo lắng, tức giận, thất vọng, oán hận và những cảm xúc tiêu cực khác kích hoạt trục HPA.1 Dù cơ thể bạn có gặp nguy hiểm hay không, tâm trí bạn tin rằng bạn đang bị nguy hiểm, vì vậy vùng dưới đồi được kích hoạt và phóng thích yếu tố giải phóng corticotropin (CRF –Corticotropin-Releasing Factor) vào hệ thần kinh. CRF đáp ứng bằng cách kích thích tuyến yên, khiến nó tiết ra prolactin, nội tiết tố tăng trưởng và nội tiết tố vỏ thượng thận (ACTH – Adrenocorticotropic Hormone), yếu tố kích thích tuyến thượng thận và khiến nó giải phóng cortisol, yếu tố chịu trách nhiệm về việc giúp cơ thể duy trì cân bằng nội môi khi não báo hiệu một mối đe dọa.
Khi vùng dưới đồi được kích hoạt, nó cũng bật hệ thống thần kinh giao cảm (phản ứng chiến-hay-chạy), khiến tuyến thượng thận giải phóng epinephrine và norepinephrine, những yếu tố làm tăng nhịp mạch, huyết áp và ảnh hưởng đến các phản ứng sinh lý khác. Việc tiết ra các nội tiết tố này dẫn đến một loạt thay đổi về trao đổi chất trong toàn bộ cơ thể.
Các mạch máu dẫn đến hệ tiêu hóa, tay và chân co lại, trong khi các mạch máu đi đến tim, các nhóm cơ lớn và não giãn ra, ưu tiên là đưa máu đến các cơ quan sẽ giúp bạn thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Đồng tử giãn ra để đón nhiều ánh sáng hơn. Sự trao đổi chất tăng tốc để giúp bạn tăng cường năng lượng bằng cách phá hủy chất béo dự trữ và giải phóng glucose vào máu. Nhịp hô hấp tăng lên và phế quản giãn ra cho phép nhiều oxy hơn đi vào, cơ bắp căng lên và sẵn sàng để chạy nước rút khỏi mối đe dọa đã được nhận biết.
Axit dạ dày tăng lên và các men tiêu hóa giảm, thường dẫn đến co thắt thực quản, tiêu chảy hoặc táo bón. Cortisol ức chế hệ miễn dịch để giảm sự viêm nhiễm đi kèm với bất kỳ vết thương nào mà cuộc tấn công có thể gây ra. Sự sinh sản bị ngắt – tình dục là điều xa xỉ khi có một mối đe dọa!
Về cơ bản, cơ thể bỏ qua việc ngủ, tiêu hóa và sinh sản, thay vào đó nó tập trung vào việc chạy, thở, suy nghĩ, cung cấp oxy và năng lượng để giữ cho bạn an toàn. Khi cơ thể đang đối mặt với một mối đe dọa về thể chất, những thay đổi này giúp bạn chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi mối đe dọa. Nhưng khi mối đe dọa này chỉ tồn tại trong tâm trí, cơ thể không nhận ra rằng chẳng có mối đe dọa nào về thân thể, và theo thời gian, phản ứng căng thẳng này được kích hoạt lặp đi lặp lại, phản ứng sinh học tự nhiên cuối cùng thực sự lại gây hại nhiều hơn là lợi.
Kết quả là cơ thể không thể thư giãn và sửa chữa, điều chắc chắn sẽ gây bệnh nếu các cơ chế tự sửa chữa không được duy trì. Các cơ quan sẽ bị hư hỏng. Các tế bào ung thư chúng ta tạo ra một cách tự nhiên mỗi ngày, vốn thường bị hệ miễn dịch xử lý, được phép sinh sôi. Những ảnh hưởng của sự bào mòn liên tục đối với cơ thể sẽ gây hại và chúng ta bị bệnh.
Nhưng sự việc không nhất thiết phải diễn ra theo cách này. Cơ thể biết cách thư giãn với phản ứng thư giãn đối trọng mà Herbert Benson đã mô tả (xem Chương 8). Khi bộ phận tri giác ở não trước nghĩ về những suy nghĩ tích cực và cảm nhận những thứ như tình yêu, sự kết nối, sự thân thiết, niềm vui và hy vọng, vùng dưới đồi sẽ ngừng kích hoạt các phản ứng căng thẳng. Khi bạn cảm thấy lạc quan và hy vọng, được yêu thương và hỗ trợ, trong dòng chảy của cuộc sống công việc hay sự sáng tạo, được nuôi dưỡng về mặt tâm linh hay gắn kết về tình dục với người khác, phản ứng thư giãn sẽ thay thế phản ứng căng thẳng.
Hệ thống thần kinh giao cảm tắt. Nồng độ cortisol và adrenaline giảm. Hệ thống thần kinh đối giao cảm chiếm lĩnh. Hệ miễn dịch làm việc trở lại. Và cơ thể có thể tiến hành quá trình tự sửa chữa tự nhiên, ngăn ngừa bệnh tật và cố gắng điều trị bệnh tật đã hiện hữu. Kết quả là, bệnh có nhiều khả năng được ngăn ngừa ở những người khỏe mạnh và thậm chí là có thể được chữa trị ở những người bị bệnh.
Thật vậy! Những suy nghĩ của bạn dẫn đến việc tự chữa lành. Tâm trí đã chữa lành cho cơ thể và đó không phải là một kiểu siêu hình vô căn cứ. Nó thuần túy là sinh lý học.
Giờ đây, tôi tin chắc rằng niềm tin tích cực và sự quan tâm chăm sóc sẽ tắt phản ứng căng thẳng, kích hoạt phản ứng thư giãn và đưa cơ thể về trạng thái nghỉ ngơi sinh lý tự nhiên để nó có thể tự chữa lành. Một trong những cách căn bản nhất mà tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể là thông qua các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn. Chúng ta đều biết rằng tình yêu có sức mạnh chữa lành, nhưng bạn có biết rằng nó không chỉ chữa lành cho linh hồn mà cho cả cơ thể nữa? Trong khi sự cô đơn, tức giận và phẫn nộ là chất độc cho cơ thể, mong muốn kết nối, sự thân thiết và cảm giác tương thuộc với gia đình, những người yêu thương và bạn bè được gắn kết trong ADN của chúng ta, và khi những mong muốn này được đáp ứng, cơ thể chúng ta đáp lại bằng sức khỏe tốt hơn. Khi bạn tìm thấy bộ lạc của mình, cảm thấy được yêu thương và được bao quanh bởi những người hiểu rõ trái tim bạn và chấp nhận con người thật của chính bạn, bạn đã tối ưu hóa khả năng tự sửa chữa của cơ thể và giúp cơ thể sẵn sàng cho những phép màu.