Chúng ta cần một linh hồn khác để nương tựa đến dường nào.
— SYLVIA PLATH
Khi xem xét việc mình sống “lành mạnh” đến mức nào, có lẽ bạn đã được lập trình để nghĩ về chế độ ăn, chế độ tập luyện, việc sử dụng các vitamin, những thói quen xấu, các gen của mình và việc bạn có tuân thủ những chỉ định của bác sĩ hay không. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ về việc liệu mình có cảm nhận được sự hỗ trợ mật thiết của một cộng đồng những người mà bạn quan tâm không?
Có thể là không. Nhưng bạn nên làm điều đó.
Vì sự cô đơn có thể khiến bạn ốm yếu hơn cả việc hút thuốc lá và việc là một phần của một cộng đồng hỗ trợ có thể làm tăng tuổi thọ của bạn. Bạn không tin phải không? Hãy để tôi đưa bạn quay ngược thời gian đến thị trấn Roseto, Pennsylvania vào năm 1961, nơi một cộng đồng người Ý nhập cư sống quây quần cùng nhau trong một khu vực được tái tạo thành Cố quốc ở Tân Thế giới.
Giống như tên gọi của nó ở vùng núi phía Nam nước Ý, Roseto Valfortore, ngôi làng Roseto ở Pennsylvania dựa vào một sườn núi có rừng bao phủ – nó tọa lạc ở Poconos, nơi một nhóm người Ý lần đầu tiên đi thuyền đến Tân Thế giới vào năm 1882 để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Vì sự hẻo lánh của nó, có rất ít người bên ngoài tìm đến làng. Nhưng hãy cùng tôi đến làng Roseto và để tôi đưa bạn đi thăm thú xung quanh.
Vào ban ngày, bạn sẽ thấy những con đường vắng vẻ như ở thị trấn ma, bởi trẻ em đều đi học còn người lớn thì đang trong ca làm việc tẻ nhạt, kéo dài nhiều giờ ở mỏ đá hay trong xưởng may, cố gắng kiếm đủ tiền để con cái theo học đại học.
Những ngôi nhà bằng đá hai tầng được xây dựng dọc theo con đường chính của Đại lộ Garibaldi nằm trên sườn đồi đá. Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmel, với những ngọn tháp cao hơn các tòa nhà khác, đã trở nên sống động khi được vị linh mục trẻ đầy cảm hứng và dám nghĩ dám làm, cha Pasquale de Nisco, tiếp quản. Cha de Nisco có thể được ghi nhận là đã đóng góp rất nhiều vào những thành công của thị trấn Roseto. Ông khuyến khích người dân trồng trọt, nuôi lợn, trồng nho, xây dựng xã hội tâm linh và lên kế hoạch cho các lễ hội. Ngay sau đó, các trường học, cửa hàng, xưởng may quần áo và các dấu hiệu khác về văn hóa đã đi vào đời sống.
Vào buổi tối, bạn sẽ thấy ngôi làng Roseto trở nên sống động khi mọi người đi làm về, đi dạo dọc theo con đường chính, dừng lại để buôn chuyện với hàng xóm và có thể chia sẻ một ly rượu vang trước khi về nhà thay quần áo cho bữa tối. Khi chuông nhà thờ vang lên, bạn sẽ thấy những người phụ nữ tụ tập cùng nhau trong khu vực bếp chung, chuẩn bị các bữa tiệc cổ điển của Ý, trong khi những người đàn ông kê bàn chuẩn bị cho các nghi lễ, giúp tập hợp cộng đồng lại với nhau quanh những đĩa đầy mì ống, xúc xích Ý, thịt viên chiên bằng mỡ lợn và rượu vang.
Là một cộng đồng những người nhập cư mới đến bị bao quanh bởi những người hàng xóm Anh và xứ Wales, vốn không thích người Ý, người dân Roseto năm 1961 buộc phải chăm sóc lẫn nhau. Gia đình nhiều thế hệ là hình mẫu chung. Mọi người cùng nhau đi nhà thờ. Hàng xóm thường đi ra đi vào nhà bếp của nhau, và vui vẻ cùng nhau tổ chức những ngày nghỉ lễ. Đạo đức làm việc trong cộng đồng rất mạnh. Ở Roseto, mọi người không chỉ làm việc; họ chia sẻ một sứ mệnh chung, một mục đích sống thúc đẩy họ thường xuyên làm việc chăm chỉ. Họ mơ ước một cuộc sống tốt hơn cho con cái mình.
Người dân Roseto chăm sóc lẫn nhau. Không ai ở Roseto bị bỏ mặc để vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống một mình. Roseto vào năm 1961 là bằng chứng sống về sức mạnh của bộ tộc.
Thị trấn nhỏ bé ở Pennsylvania này có lẽ hầu như không được phần còn lại của thế giới chú ý nếu nó không được tiến sĩ Stewart Wolf, giáo sư tại Đại học Y khoa Oklahoma, người đã mua một ngôi nhà mùa hè ở Poconos cách đó không xa, chú ý.
Một mùa hè, tiến sĩ Wolf được đề nghị nói chuyện với hội y tế địa phương, và sau buổi nói chuyện, một trong số các bác sĩ địa phương đã mời ông đi uống. Sau vài cốc bia, người bác sĩ đó chia sẻ với tiến sĩ Wolf về điều kỳ lạ là, so với thị trấn Bangor liền kề, bệnh tim dường như rất hiếm khi xuất hiện ở thị trấn nhỏ Roseto.
Tiến sĩ Wolf đã lắng nghe rất chăm chú. Cuộc trò chuyện này xảy ra khi các cơn đau tim đang diễn ra với tỷ lệ như bệnh dịch, được gọi là nguyên nhân gây tử vong số một ở nam giới dưới 65 tuổi. Bị cuốn hút trước câu chuyện của vị bác sĩ, tiến sĩ Wolf đã kiểm tra các giấy chứng tử từ Roseto và so sánh chúng với giấy chứng tử ở các thị trấn xung quanh trong khoảng thời gian bảy năm. Thật kỳ lạ, những người đàn ông ở Bangor có tỷ lệ đau tim tương đương với mức trung bình quốc gia nhưng tỷ lệ đau tim ở Roseto chỉ bằng một nửa mức trung bình này. Trên thực tế, tỷ lệ này gần như bằng không đối với những người đàn ông dưới 65 tuổi. Tuy nhiên, không chỉ riêng bệnh tim. Tỷ lệ tử vong thuộc mọi nguyên nhân ở Roseto đều thấp hơn mức trung bình từ 30% đến 35%. Phát hiện này xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn.
Như Malcolm Gladwell đã thuật lại trong Outliers (Những kẻ xuất chúng), John Bruhn, một nhà xã hội học được thuê để hỗ trợ điều tra, nhớ lại: “Không có ai tự tử, không có người nghiện rượu, không ai nghiện ma túy và rất ít tội phạm. Không có ai phải sống nhờ vào phúc lợi. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu về bệnh loét dạ dày tá tràng. Cũng không có ai trong số họ bị bệnh này. Họ chết vì tuổi già. Chỉ vậy thôi.”1
Đến thời điểm này, tiến sĩ Wolf và nhóm của ông quyết tâm tìm ra lý do tại sao người dân Roseto lại miễn nhiễm với bệnh tật như vậy. Cố gắng trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu, kiểm tra và phỏng vấn 2/3 số người trưởng thành trong làng. Ban đầu, tiến sĩ Wolf nghi ngờ họ thực hành một số kiểu ăn kiêng từ Cựu Thế giới khiến bản thân miễn nhiễm tốt hơn với bệnh tật. Có lẽ tất cả là nhờ vào dầu ô liu. Vì vậy, ông đã thuê 11 chuyên gia dinh dưỡng đi theo người dân Roseto vào các cửa hàng tạp hóa và xem họ nấu ăn.
Nhưng đó không phải là sự thật. Không đủ tiền để mua dầu ô liu – lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe – người dân Roseto nấu ăn với mỡ lợn và họ thường xuyên ăn pizza chất đầy xúc xích, pepperoni, salami và trứng. Trên thực tế, điều gây sốc là có đến 41% lượng calo của họ đến từ chất béo.
Hơn nữa, cơ thể của những người Mỹ gốc Ý ở Roseto không cân đối. Thực tế là hầu hết đều hút thuốc, ít vận động và nhiều người bị béo phì. Vậy đâu là lý do khiến họ khỏe mạnh? Tiến sĩ Wolf nghi ngờ là yếu tố di truyền. Bởi người Roseto đều có nguồn gốc từ cùng một ngôi làng nhỏ ở Ý, tiến sĩ Wolf nghi ngờ họ có thể đã thừa hưởng một số gen giúp bảo vệ khỏi bệnh tật. Vì vậy, ông đã tìm kiếm những người nhập cư khác cũng có nguồn gốc từ Roseto Valfortore nhưng sống ở những nơi khác tại Mỹ, để xem họ có khỏe mạnh như những người bà con của họ ở Pennsylvania không.
Thế nhưng, những người có nguồn gốc từ cùng ngôi làng nhưng sống rải rác ở Mỹ thì không khỏe mạnh hơn so với mức trung bình. Di truyền học không thể giải thích được điều đó.
Sau đó, tiến sĩ Wolf đã nghĩ đến yếu tố địa lý. Có lẽ là thứ gì đó trong nước của họ hoặc chất lượng bệnh viện nơi họ được chăm sóc y tế. Cách đánh giá tương tự được thực hiện ở hai thị trấn lân cận có tỷ lệ bệnh tim tương ứng với mức trung bình quốc gia. Nhưng đó không phải là do chất lượng nước. Họ dùng chung nguồn nước với các cộng đồng lân cận của Nazareth và Bangor, nơi có tỷ lệ người bị bệnh bằng mức bình quân chung. Bệnh viện cũng không phải là nguyên nhân và khí hậu cũng thế.
Cuối cùng, tiến sĩ Wolf nhận ra rằng, nếu không phải là do chế độ ăn, địa lý, gen hay chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì phải có một thứ gì đó thuộc về chính Roseto bảo vệ người dân. Ông kết luận rằng một cộng đồng gắn kết, hỗ trợ là yếu tố dự báo sức khỏe tim tốt hơn mức cholesterol hay việc hút thuốc.
Tiến sĩ Wolf đã hoàn thành nghiên cứu ban đầu của mình ngay khi thời kỳ hoàng kim của đời sống cộng đồng tại Roseto bắt đầu tan rã. Trong khi người dân Roseto đã làm việc nặng nhọc trong mỏ đá và xưởng may, hy sinh để con cái có thể vào đại học và sống giấc mơ Mỹ, thế hệ trẻ không thích thú lắm với cuộc sống ở Roseto do họ nghĩ nơi đây dường như miễn nhiễm với quá trình hiện đại hóa. Khi thế hệ trẻ rời nhà đi học đại học, họ đã mang về Roseto những ý tưởng mới, những giấc mơ mới và những con người mới. Người Mỹ gốc Ý bắt đầu kết hôn với những người không phải là người Ý. Những đứa trẻ rời xa nhà thờ, tham gia các câu lạc bộ đồng quê và chuyển đến sống ở những ngôi nhà ngoại ô dành cho gia đình nhỏ với hàng rào và hồ bơi.
Với những thay đổi này, các ngôi nhà nhiều thế hệ đã tan rã và lối sống cộng đồng đã chuyển hướng từ những buổi lễ hằng đêm sang kiểu triết lý “thân ai nấy lo”, một triết lý vốn đã áp dụng từ lâu ở các cộng đồng lân cận. Những người hàng xóm từng thường xuyên ghé thăm nhau bất cứ lúc nào bắt đầu gọi điện để sắp xếp cuộc hẹn. Các nghi thức buổi tối, người lớn hát những bài ca trong khi trẻ nhỏ chơi bi đánh đáo trở thành những buổi tối trước màn hình ti-vi.
Năm 1971, khi tỷ lệ đau tim ở các vùng khác của cả nước đã giảm xuống nhờ vào việc áp dụng rộng rãi các chế độ ăn lành mạnh hơn và các chương trình tập thể dục đều đặn, Roseto đã có ca tử vong do bệnh tim đầu tiên ở một người dưới 45 tuổi. Trong thập niên tiếp theo, tỷ lệ mắc bệnh tim ở Roseto đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp tăng gấp ba. Và số ca đột quỵ cũng tăng lên. Đáng buồn thay, vào cuối những năm 1970, số cơn đau tim nghiêm trọng ở Roseto đã tăng lên bằng mức trung bình quốc gia.
Hóa ra, con người nuôi dưỡng lẫn nhau, thậm chí còn nhiều hơn cả mì ống, và sức khỏe của cơ thể phản ánh điều này. Tiến sĩ Wolf, người đã tiếp tục nghiên cứu về cộng đồng Roseto trong nhiều năm đã kết luận rằng một cá thể bị cô lập có thể dễ dàng bị nhấn chìm trước những thách thức của cuộc sống hằng ngày, và kiểu đè nén này có thể kích hoạt các phản ứng căng thẳng trong cơ thể. Tuy nhiên, một cá nhân được một cộng đồng tương trợ bao quanh thì sẽ luôn cảm thấy thư giãn. Loại thư giãn này chuyển thành các tác động tích cực đối với sinh lý cơ thể, dẫn đến khả năng phòng ngừa và đôi khi là làm thuyên giảm bệnh.
CỘNG ĐỒNG TƯƠNG TRỢ LÀ THUỐC NGỪA BỆNH
Hẳn là bạn đã biết, từ rất lâu rồi, rằng các mối quan hệ lành mạnh thì tốt cho cơ thể.
Nhưng lần cuối cùng bác sĩ hỏi bạn rằng liệu người chồng cũ tồi tệ có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau cơ xơ hóa của bạn, hoặc miệng lưỡi độc địa của mẹ bạn có thể đã khiến bạn bị bệnh tim là khi nào? Lần gần đây nhất bạn tự hỏi mình những câu hỏi kiểu như vậy là khi nào?
Trong phần còn lại của chương này, tôi sẽ chỉ ra cách các mối quan hệ xã hội và các mối quan hệ lành mạnh, bao gồm các mối quan hệ lãng mạn, tình dục lành mạnh và sự hỗ trợ của một cộng đồng tinh thần, không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc mà cả sinh lý của bạn.
Thực tế là sự cô đơn gây căng thẳng, trong khi cộng đồng yêu thương giúp bạn thư giãn. Cảm giác căng thẳng và thư giãn không chỉ tác động đến tâm trí; chúng còn tác động đến cơ thể. Khi bạn thiếu cộng đồng hỗ trợ và cảm thấy phải một mình đương đầu với cuộc sống, sự quá tải mỗi ngày có thể gây ra cảm giác lo lắng, điều mà não bộ xem là một mối đe dọa.2 Sự quá tải như vậy ảnh hưởng xấu đến mọi thứ, từ huyết áp đến chức năng thận. Những hệ quả tiêu cực của sự quá tải và căng thẳng có thể được giảm thiểu khi bạn được nâng đỡ bởi bạn bè, người thân và những người hàng xóm tốt bụng. Trên thực tế, chỉ riêng yếu tố này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể bạn hơn cả việc bạn ăn gì, uống bao nhiêu bia rượu, có hút thuốc hoặc có thường xuyên tập thể dục hay không.
ẢNH HƯỞNG CỦA CỘNG ĐỒNG ĐẾN TUỔI THỌ KỲ VỌNG
Khi nghĩ về những hành vi giúp kéo dài tuổi thọ, có lẽ bạn nghĩ đến việc từ bỏ rượu bia, đi bộ hằng ngày, uống vitamin, giảm ăn thực phẩm chế biến sẵn và thắt dây an toàn khi lái xe nhiều hơn là việc tham gia một câu lạc bộ, mời bạn bè ăn tối hoặc có một người bạn cùng phòng dễ thương. Nhưng có lẽ đã đến lúc bạn suy nghĩ lại về chiến lược sức khỏe dự phòng của mình và bắt đầu tự điều trị bằng thuốc từ các mối quan hệ tích cực.
Không chỉ Roseto cho thấy rằng một cộng đồng tương trợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những nghiên cứu tương tự ở Peru, Israel, Borneo và nhiều nơi khác đã xác nhận những gì các nhà nghiên cứu phát hiện ra ở ngôi làng nhỏ tại Pennsylvania, rằng một cộng đồng những người yêu thương có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nhiều hơn những gì bạn ăn, cách bạn tập thể dục và việc bạn có những thói quen tốt cho sức khỏe hay không.3
Một nghiên cứu về người dân của Hạt Alameda, California, cho thấy rằng, ở mọi lứa tuổi và giới tính, trong khoảng thời gian chín năm, những người có ít mối quan hệ xã hội nhất có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với những người có nhiều mối quan hệ xã hội nhất, ngay cả khi có tính đến tiền sử bệnh tật, tình trạng kinh tế xã hội, thói quen hút thuốc, uống rượu, sự béo phì, chủng tộc, sự hài lòng về cuộc sống, hoạt động thể chất và việc sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng.4 Những người có kết nối xã hội nhiều hơn thậm chí còn có tỷ lệ ung thư thấp hơn.5
Khi dự đoán tuổi thọ, việc chúng ta giao tiếp với người khác nhiều như thế nào có thể cũng quan trọng như việc tập thể dục. Một nghiên cứu của Harvard khảo sát cuộc sống của gần 3.000 người cao tuổi cho thấy những người tụ tập cùng nhau đi ăn tối, đánh bài, đi dã ngoại, đi nghỉ với bạn bè, đi xem phim, tham gia các sự kiện thể thao, đi nhà thờ và tham gia các hoạt động xã hội khác sống thọ hơn những người sống cô lập trung bình 2,5 năm. Trên thực tế, những loại hoạt động xã hội gần như ổn định này có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi cũng nhiều như lợi ích từ các hoạt động liên quan đến thể dục. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các hoạt động xã hội có lợi ích tương đương và độc lập với lợi ích của việc tập thể dục.6 Nhiều nghiên cứu khác xác nhận rằng các mối quan hệ xã hội và tuổi thọ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.7
Nếu bạn đang bị bệnh, mức độ hỗ trợ xã hội mà bạn trải nghiệm thậm còn chí ảnh hưởng đến khả năng khỏi bệnh. Một nghiên cứu của Đại học California, San Francisco được công bố trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng (Journal of Clinical Oncology) đã khảo sát mạng lưới xã hội của gần 3.000 y tá bị ung thư vú. Nghiên cứu này cho thấy rằng những phụ nữ bị cô lập về mặt xã hội trước khi được chẩn đoán mắc ung thư vú có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 66% và nguy cơ tử vong do ung thư vú cao gấp đôi. Các y tá đã chịu đựng căn bệnh ung thư một mình được phát hiện là có nguy cơ tử vong vì bệnh cao gấp bốn lần so với những người có từ mười người bạn trở lên ủng hộ hành trình của họ. Trên thực tế, dữ liệu cho thấy tình bạn có thể thậm chí còn tốt cho sức khỏe hơn so với việc có một người phối ngẫu. Trong cùng một nghiên cứu, việc có người phối ngẫu không cho thấy lợi ích đối với việc sống sót nhưng việc có nhiều tình bạn lại mang đến lợi ích này.8
Hiệu quả bảo vệ tương tự của một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ đã được tìm thấy trong một nghiên cứu thực hiện tại Đại học Sahlgrenska ở Thụy Điển và được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu (European Heart Journal), điều tra về đời sống xã hội của 741 người đàn ông mắc bệnh tim trong khoảng thời gian 15 năm, đã xác định rằng những người có điểm số cao nhất về “hội nhập xã hội” cũng là những người được bảo vệ tốt nhất trước các cơn đau tim mới.9
Trong một bài báo trên tạp chí Nhà khoa học Mới (New Scientist) về ảnh hưởng của sự cô đơn đối với sức khỏe, tiến sĩ Charles Raison, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa Emory, đã kết luận: “Những người có đời sống xã hội phong phú và những mối quan hệ ấm áp, cởi mở thường không mắc bệnh và sống thọ hơn.”10
CỘNG ĐỒNG TÂM LINH VÀ SỨC KHỎE
Bạn có thể không nghĩ rằng việc đi nhà thờ là một hành vi tốt cho sức khỏe, nhưng thực tế đúng là như vậy. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ Y tế Công cộng California, được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ (American Journal of Public Health), cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tham gia các hoạt động phục vụ tôn giáo với tỷ lệ tử vong thấp hơn trong khoảng thời gian 28 năm trên 5.286 cư dân Hạt Alameda.11 Một nghiên cứu khác, được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Lão hóa Buck và cũng được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ, đã đánh giá việc tham dự các hoạt động tôn giáo và tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian năm năm đối với 1.931 cư dân cao tuổi của Hạt Marin, California. Một lần nữa, các phát hiện cho thấy việc tham dự các nghi lễ tôn giáo có tác dụng bảo vệ đối với tuổi thọ kỳ vọng.12
Trên thực tế, như một nghiên cứu khác đã chỉ ra, nếu bạn đã phẫu thuật tim và nhận được sự hỗ trợ và sức mạnh từ cộng đồng tôn giáo của mình, bạn sẽ có khả năng sống sót sau sáu tháng cao gấp ba lần.13
Nhưng vì sao tôn giáo lại tốt cho sức khỏe đến thế? Bạn có thể nghĩ đó là do những người đi nhà thờ ít có khả năng uống rượu quá độ, phê thuốc hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Và bạn đã đúng. Những người theo tôn giáo có xu hướng cư xử tốt hơn so với những người không theo tôn giáo.14 Trên thực tế, nhiều nhóm tôn giáo, như người Mormon hay người Do Thái Chính Thống, hăng hái thúc đẩy lối sống tích cực, ít căng thẳng, những điều ủng hộ sự chừng mực và cuộc sống gia đình hài hòa.
Nhưng chỉ riêng nguyên nhân đó thì không đủ để giải thích sự khác biệt. Còn có nhiều điều hơn thế. Những người tham gia các buổi lễ tôn giáo có mạng lưới xã hội lớn hơn. Một cộng đồng tôn giáo ngăn chặn sự cô lập và hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe.15 Tác động tích cực của cộng đồng tôn giáo đối với sức khỏe cơ thể là rất lớn, có thể là do những nơi thờ cúng khuyến khích sự hòa nhập xã hội, và những người có chung niềm tin tôn giáo có xu hướng quan tâm đến nhau theo cách mà người dân Roseto từng làm.
Những người tham gia các buổi lễ tôn giáo thường xuyên sống lâu hơn 7,5 năm so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi tham dự các buổi lễ tôn giáo và lâu hơn gần 14 năm so với người Mỹ gốc Phi.16 Những người thuộc về một cộng đồng tâm linh cũng được chứng minh là có huyết áp thấp hơn và nguy cơ mắc bệnh tim mạch được giảm thiểu, tỷ lệ trầm cảm và tự tử thấp hơn, tỷ lệ lạm dụng chất gây nghiện thấp hơn và hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn.17 Những người theo đạo Mormon, những người cùng chia sẻ đức tin tôn giáo sống cùng nhau trong những cộng đồng gắn kết chặt chẽ, thậm chí đã được chứng minh là có tỷ lệ ung thư thấp hơn 24% so với tỷ lệ bình quân chung.18
Trong các nghiên cứu ở Hạt Alameda, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có mức độ gắn kết tôn giáo cao có tỷ lệ mắc các bệnh về tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp và tất cả các bệnh khác đã được nghiên cứu thấp hơn. Thực tế là tác dụng bảo vệ sức khỏe của việc tham dự các sự kiện tôn giáo hằng tuần mạnh tương đương với tác dụng của việc hút thuốc và tập thể dục thường xuyên đối với sức khỏe.19
Hiển nhiên là việc tham gia một cộng đồng tâm linh sẽ ngăn ngừa sự cô lập xã hội. Giống như cư dân Roseto, mọi người chăm sóc lẫn nhau và đảm bảo rằng không ai bị cô đơn, các cộng đồng tôn giáo cũng thường cung cấp sự hỗ trợ tương tự, và minh chứng cho thấy cơ thể đã đáp lại điều đó bằng việc có sức khỏe tốt hơn. Nhưng có thể có những giải thích khác về lý do tại sao những người tham gia các cộng đồng tâm linh có nhiều khả năng khỏe mạnh hơn.
Ngoài các phản ứng thư giãn do cộng đồng hỗ trợ tạo ra, niềm tin vào một sức mạnh cao hơn cũng có thể tạo ra những cảm xúc tích cực, điều giúp chống lại cảm giác căng thẳng và góp phần tạo ra trạng thái nghỉ ngơi sinh lý cần thiết để cơ thể tự sửa chữa. Những người tin vào một sức mạnh cao hơn cũng có khả năng có được sức khỏe tốt hơn bởi họ có khả năng tìm thấy ý nghĩa khi đối mặt với sự mất mát hay chấn thương tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy những phụ huynh sùng đạo đã mất con do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có khả năng đối mặt với vấn đề sau 18 tháng tốt hơn so với những phụ huynh không mộ đạo.20 Người mộ đạo cũng dễ tha thứ hơn, điều này làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và phẫn nộ, vốn là nguyên nhân gây ra các phản ứng căng thẳng.21
Trong khi những người tin vào một thiên tính yêu thương có nhiều khả năng hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người không tin,22 bạn không cần phải đăng ký vào bất kỳ tôn giáo cụ thể nào hay tin vào một sức mạnh cao hơn để có được những lợi ích của việc đi theo một tôn giáo. Mặc dù các thiết chế tôn giáo truyền thống mang lại lợi ích cộng đồng được liên kết bởi đức tin chung, bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe bằng cách tin tưởng vào một điều gì đó hơn theo cách của riêng mình.
Tính tôn giáo, được các nhà khoa học xã hội định nghĩa là việc tìm kiếm điều thiêng liêng, cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, khi bạn thừa nhận và đánh giá cao sự thiêng liêng trong cuộc sống – sự thiêng liêng của tự nhiên, sự phúc lạc của trẻ thơ, việc nhận thức rằng công việc của bạn là một thiên hướng, cơ thể là một kênh để mang yêu thương vào thế giới, sự thiêng liêng của hôn nhân. Bằng cách thấm đẫm những phẩm chất phi thường vào những điều bình thường, bạn mở ra cho mình sự siêu việt, điều có thể khơi gợi cảm giác thư giãn trong cơ thể, dẫn đến hạnh phúc nhiều hơn và tiếp đó là sức khỏe tốt hơn. Những người theo tâm linh cũng hạnh phúc hơn, có sức khỏe tinh thần tốt hơn, sử dụng ít ma túy và rượu hơn, có kỹ năng đối phó tốt hơn và sống lâu hơn những người không theo tâm linh.23
Hãy nhớ rằng khi nói về ảnh hưởng đối với sức khỏe thì tôn giáo không phải toàn là hoa hồng. Giống như mọi khía cạnh của cuộc sống, đời sống tâm linh có khả năng làm bạn căng thẳng cũng như giúp bạn thư giãn. Những người mà tôn giáo khơi dậy cảm giác tội lỗi, xấu hổ, kìm nén và nỗi sợ bị buộc tội từ một vị Thượng đế chuyên trừng phạt có nhiều khả năng tạo ra những phản ứng căng thẳng lặp đi lặp lại, dẫn đến tình trạng sức khỏe kém.24 Vì vậy, không phải đời sống tâm linh nào cũng có thể chữa lành cho bạn, mà phải là kiểu đời sống tâm linh phù hợp với những điều thiêng liêng đối với bạn.
QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ SỨC KHỎE
Nếu bạn không nghĩ rằng hôn nhân là một đơn thuốc cho tuổi thọ hay việc chung sống với người yêu là cách cải thiện sức khỏe thì có lẽ đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại. Mặc dù việc là một phần của cộng đồng đã được chứng minh là điều giúp cải thiện sức khỏe, y văn cũng cho thấy rằng việc trở thành một phần của mối quan hệ hôn phối cũng có lợi cho cơ thể. Dữ liệu cho thấy hôn nhân ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tuổi thọ.25
Một nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng ( Journal of Epidemiology and Community Health) đã xem xét dữ liệu điều tra dân số và phát hiện ra rằng những người không bao giờ kết hôn có nguy cơ tử vong khi còn trẻ cao hơn 58% so với những người có trao hẹn ước.26 Những người có hôn nhân hạnh phúc cũng có huyết áp thấp hơn 27 và ít bị mất ngủ hơn.28
Bạn đang yêu nhưng chưa kết hôn? Đừng lo lắng. Không chỉ những người kết hôn mới được hưởng lợi từ các ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe của việc chung sống. Một nghiên cứu ở New Zealand được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Otago, được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Anh (British Journal of Psychiatry), đã khảo sát 1.000 người và thấy rằng những người đang trong mối quan hệ tình cảm – bất kể họ đã kết hôn hay chưa – ít có khả năng bị trầm cảm hay lạm dụng rượu bia hơn.29
Một nghiên cứu khác, được thực hiện tại Đại học Chicago và Đại học Northwestern và được công bố trên tạp chí Căng thẳng (Stress), đã kiểm tra 500 sinh viên Cao học Quản trị Kinh doanh (MBA) – gần một nửa trong số họ đã kết hôn hoặc đang trong một mối quan hệ tình cảm. Các sinh viên được hướng dẫn chơi một loạt các trò chơi kinh tế trên máy tính, điều mà họ tin là một phần bài kiểm tra. Các mẫu nước bọt được lấy trước và sau khi chơi để đo nồng độ nội tiết tố, chẳng hạn như nội tiết tố căng thẳng cortisol. Để tạo ra một môi trường căng thẳng, mỗi sinh viên được thông báo rằng bài kiểm tra là một yêu cầu của khóa học và nó sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai của họ.
Nồng độ nội tiết tố căng thẳng tăng lên ở tất cả những người tham gia, nhưng những người không đang trong một mối quan hệ gắn kết thì có mức nội tiết tố căng thẳng cao hơn so với những người còn lại. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Tuy hôn nhân có thể khá căng thẳng nhưng nó sẽ giúp mọi người dễ xử lý các yếu tố gây căng thẳng khác trong cuộc sống.”30
Trong khi một số người cảm thấy hạnh phúc với đời sống độc thân, hầu hết mọi người đều mong muốn được gắn kết mật thiết với một đối tác lãng mạn. Chúng ta được lập trình sinh học để kết đôi, và những lợi ích đối với sức khỏe biểu hiện ở những cặp đôi hạnh phúc cho thấy việc kết đôi như vậy là một lợi thế sinh tồn và tốt cho cơ thể. Các mối quan hệ hôn nhân giúp cải thiện sức khỏe như thế nào? Nhiều khả năng là thông qua sức mạnh của tâm trí. Khi bạn cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ và nuôi dưỡng trong một mối quan hệ, tâm trí bạn trải nghiệm ít phản ứng căng thẳng và gợi ra nhiều phản ứng thư giãn hơn, còn sinh lý của cơ thể cũng phản hồi một cách tương ứng.
Xin lưu ý rằng việc chung sống đơn thuần không phải là câu trả lời. Những mối quan hệ hôn nhân có thể là nguồn gốc của cả sự căng thẳng và thư giãn. Không phải bất kỳ mối quan hệ nào cũng có lợi cho sức khỏe – nó phải là mối quan hệ phù hợp. Khi sống độc thân, sức khỏe của bạn thực sự sẽ tốt hơn so với khi bạn sống trong một mối quan hệ tồi tệ.31 Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, như đã được một nghiên cứu của Đại học bang Ohio chứng minh và công bố trên Tạp chí Ung Thư (Cancer). Nghiên cứu này đã kiểm tra 100 bệnh nhân bị ung thư vú và chỉ ra rằng những người đang trong các cuộc hôn nhân tồi tệ thì không khỏe mạnh bằng những người đang hạnh phúc trong hôn nhân.32
Các cuộc hôn nhân bị ngược đãi cũng gây ra rủi ro về sức khỏe, không chỉ liên quan đến chấn thương mà còn vì các nguyên nhân gây bệnh khác. Phụ nữ đã kết hôn hay đang chung sống là nạn nhân của tình trạng lạm dụng gia đình có nhiều khả năng bị bệnh hơn.33 Vì vậy, đừng ở lại trong một mối quan hệ xấu chỉ vì bạn nghĩ rằng nó sẽ có lợi cho sức khỏe. Điều quan trọng là thúc đẩy những mối quan hệ giúp khơi gợi phản ứng thư giãn hơn là các mối quan hệ kích hoạt phản ứng căng thẳng.
Bạn đã mất đi người bạn đời? Khi một trong hai người qua đời, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác là đặc biệt quan trọng. Một nghiên cứu cho thấy những người đột ngột mất đi người bạn đời thường có nhiều khả năng bị bệnh hơn. Tuy nhiên, nếu người còn lại có thể tâm sự với những người gần gũi, họ có ít vấn đề về sức khỏe hơn và có nhiều khả năng hạnh phúc hơn.34
TÌNH DỤC VÀ SỨC KHỎE
Một ghi nhận phổ biến về lợi thế đối với sức khỏe mà những người đang trong một mối quan hệ hôn nhân thường tận hưởng là tình dục. Với tất cả các cảnh báo về sự nguy hiểm của tình dục – các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và nguy cơ mang thai – bạn có thể không nhận ra rằng tình dục có thể tốt cho sức khỏe của mình. Nhưng các nghiên cứu cho thấy những lợi ích của một mối quan hệ tình dục lành mạnh với một đối tác thân thiết sẽ cải thiện sức khỏe của cơ thể theo những cách đáng chú ý.
Những người có đời sống tình dục lành mạnh sống lâu hơn, ít có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, ít bị ung thư vú, hệ miễn dịch được tăng cường, ngủ ngon hơn, trẻ trung hơn, thể lực tốt hơn, khả năng sinh sản được tăng cường, các cơn đau mạn tính được giảm nhẹ, ít đau nửa đầu hơn, ít bị trầm cảm hơn và có nhiều cơ hội được tận hưởng một sự cải thiện trong chất lượng cuộc sống hơn.35
Ngày càng có nhiều bằng chứng về điều này. Quan hệ tình dục không chỉ vui – nó còn tốt cho sức khỏe của bạn! Mặc dù một số lợi ích của đời sống tình dục tích cực có thể là do tập luyện thể chất nhưng những tác động tích cực của đời sống tình dục lành mạnh lên tâm trí – gợi lên phản ứng thư giãn sinh lý và chống lại các tác động của phản ứng căng thẳng – thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn đến sinh lý của cơ thể.
Nhưng giống như tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống, tình dục cũng có khả năng làm bạn căng thẳng. Nếu bạn thất vọng về tình dục, cảm thấy không tin tưởng vào bạn tình, lừa dối bạn đời, mất ham muốn hoặc bị đau khi quan hệ, đời sống tình dục của bạn cũng có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng. Chìa khóa để đời sống tình dục của bạn như một công cụ để phòng và trị bệnh là đảm bảo rằng đời sống đó phải lành mạnh và khiến bạn cảm thấy thư giãn chứ không phải là căng thẳng. Nếu ngược lại, hãy giải quyết các vấn đề tiềm ẩn giữa bạn và bạn đời, bởi đời sống tình dục lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng.
KHÍA CẠNH SINH LÝ CỦA SỰ CÔ ĐƠN
Vậy tại sao việc sống trong một cộng đồng thân thiết, tụ tập với những người có cùng đức tin, đang trong một mối quan hệ hôn phối, có nhiều bạn bè và tận hưởng mối quan hệ tình dục gắn kết lại giúp tạo ra sức khỏe tốt hơn?
Những mối quan hệ lành mạnh là thuốc cho tâm trí, và như chúng ta đã thấy, tâm trí có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh lý của cơ thể. Vậy mà có quá nhiều người, nhất là ở những nước phát triển, bị cô lập về mặt xã hội. Dù sự cô lập về xã hội đôi khi có thể có tác dụng tích cực – một cách để nạp năng lượng cho tâm trí thông qua việc tĩnh tâm, thiền định, dành thời gian cho bản thân và các hoạt động nuôi dưỡng, tạo ra sức khỏe – sự tách biệt về mặt xã hội trong thời gian dài có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cảm giác cô đơn có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng trong cơ thể, tương tự như kiểu phản ứng chiến hay chạy vì lo sợ cơ thể bị tổn hại.
Thỉnh thoảng, mọi người đều cảm thấy cô đơn, nhưng đối với một số người, cô đơn đã trở nên thường trực. Nhà tâm lý học người Canada Vello Sermat, người đã nghiên cứu về trạng thái cô đơn ước tính rằng từ 10 đến 30% dân số phải chịu đựng cảm giác cô đơn tràn ngập.36 Trong một nghiên cứu khác, 16% những người trả lời một mẫu quảng cáo trên báo đã mô tả rằng họ “luôn cô đơn hoặc cô đơn trong phần lớn thời gian”.37 Trong số những người cô đơn, 37% mô tả sức khỏe của họ là “kém” hoặc “rất kém”.38
Như Robert Putnam đã viết trong cuốn Bowling Alone (Chơi bowling một mình): “Một nguyên tắc cơ bản là, nếu bạn không thuộc về bất kỳ nhóm nào nhưng quyết định sẽ tham gia một nhóm, bạn sẽ giảm được một nửa nguy cơ tử vong trong năm tới. Nếu bạn hút thuốc và không thuộc bất kỳ nhóm nào, khảo sát ngẫu nhiên về việc bạn nên lựa chọn giữa việc ngừng hút thuốc hay tham gia một nhóm cho thấy, việc tham gia một nhóm thì dễ dàng hơn là giảm cân, tập thể dục thường xuyên hoặc bỏ thuốc.39 Đó thực sự là một tin đáng phấn khởi.
Nhà tâm lý học John Cacioppo, người đã dành cả đời để nghiên cứu những ảnh hưởng của sự cô lập về mặt xã hội và sự cô đơn đối với cơ thể, đã đồng ý rằng việc chữa khỏi nỗi cô đơn cũng tốt cho sức khỏe như việc bỏ hút thuốc. Theo Cacioppo, những người cô đơn và những người có mạng lưới xã hội tốt có các đặc điểm sinh lý như gen truyền tín hiệu cortisol, phản ứng viêm và hệ miễn dịch khác nhau.40 Những người cô đơn có phản ứng huyết áp tâm trương cao hơn đối với căng thẳng, mức phản ứng thay đổi miễn dịch và đáp ứng cortisol với stress lớn hơn.41
Những người cô đơn cũng được chứng minh là có tỷ lệ mắc bệnh tim, ung thư vú, bệnh Alzheimer và có những suy nghĩ về việc tự tử cao hơn.42 Sự cô đơn thậm chí còn ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Một nghiên cứu của Thụy Điển kiểm tra 1.290 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim cho thấy những người đồng ý với tuyên bố “Tôi cảm thấy cô đơn” có tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật cao hơn đáng kể.43
Trong các nghiên cứu so sánh giữa những người cô đơn và không cô đơn, những người cô đơn được phát hiện là chức năng tim mạch có thay đổi đáng kể, bao gồm mức độ kháng lực ngoại biên cao hơn trong mạch máu, huyết áp cao hơn, nồng độ carbon monoxide giúp thư giãn mạch máu thấp hơn, những thay đổi trong nhịp tim và sự co bóp của tim tương tự như những gì xảy ra khi cơ thể đối mặt với một mối đe dọa.
Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng những người cô đơn có chất lượng giấc ngủ kém, dẫn đến việc giảm dung nạp glucose, tăng nồng độ cortisol và tăng kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm chiến hay chạy. Các hiệu ứng này phản ánh những gì được thấy trong sự lão hóa bình thường và có thể giải thích lý do cơ thể của những người cô đơn bị ảnh hưởng.44
Những người cô đơn thường xuyên được phát hiện là có nồng độ cortisol trong nước bọt của cả ngày cao hơn, cho thấy việc phóng thích ra nhiều nội tiết tố giải phóng corticotropin và kích hoạt trục HPA, những yếu tố kích hoạt phản ứng căng thẳng.45 Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng sự cô đơn làm cho chức năng miễn dịch bị ức chế, dẫn đến thay đổi khả năng chống nhiễm trùng, tấn công chống lại các tế bào ung thư và sửa chữa bên trong của cơ thể.46
Cacioppo cho rằng chấm dứt sự cô đơn không phải là dành thời gian với người khác nhiều hơn mà là thay đổi thái độ của chúng ta với người khác. Người cô đơn có thể xem những người khác là mối nguy hiểm tiềm tàng. Khi chúng ta cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm, các nội tiết tố căng thẳng có hại và các hóa chất liên quan đến cảm giác sợ hãi khác được kích hoạt. Khi chúng ta chữa lành nỗi cô đơn, cơ thể có thể cũng được chữa lành theo.
Tâm trí có thể nhận biết sự cô đơn nhờ vào những đặc điểm của nó – một cảm giác không còn kết nối, không còn thuộc về, không được yêu thương – nhưng não thằn lằn chỉ biết có một cách để giao tiếp với phần còn lại của cơ thể. “Houston này, chúng ta đang gặp vấn đề!” Ngay cả khi tâm trí có thể phân biệt được việc đối mặt với một con thú hoang đang đi tìm mồi và cảm giác cô đơn, hàng loạt nội tiết tố mà tâm trí tiết ra để đối phó với mối đe dọa trong cơ thể là hoàn toàn giống nhau. Khi tâm trí phát tín hiệu cảnh báo, vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận của bạn trở nên sống động, và một lượng các nội tiết tố gây căng thẳng như adrenaline, norepinephrine và cortisol chảy vào máu, báo cho các cơ quan khác biết là có một con thú hoang đang đi rong.
Thông thường, khi não thằn lằn nhận thấy con sư tử đã biến mất, các hệ thống phản ứng căng thẳng được điều chỉnh trở lại, thông báo cho các cơ quan quay về hoạt động như bình thường. Nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn, cơ thể bạn có thể bật cảnh báo phản ứng căng thẳng và để nó tiếp tục hoạt động, gây hại cho sức khỏe cũng như làm giảm tuổi thọ của bạn theo thời gian. Khi cảm giác cô đơn được biết là tạo ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cũng tương tự như việc hút thuốc, nên chăng các bác sĩ cần kê đơn hỗ trợ xã hội và giảm bớt cảm giác cô đơn như là một phần của lối sống lành mạnh tối ưu?
KHÔNG PHẢI MỌI MỐI QUAN HỆ ĐỀU NHƯ NHAU
Dữ liệu khoa học ủng hộ quan niệm cho rằng các mối quan hệ lành mạnh ảnh hưởng đến tâm trí, và từ đó ảnh hưởng đến cơ thể. Nhưng rõ ràng là không phải mọi mối quan hệ đều như nhau. Nhiều người cô đơn đã chọn sống một mình như một cách thức để đối phó với các mối quan hệ đau thương có thể gây hại cho tâm trí và cơ thể. Chúng ta biết rằng việc bị lạm dụng hay bị bỏ bê trong thời thơ ấu có thể làm giảm tuổi thọ.47 Những người phải chịu đựng các mối quan hệ mang tính xung đột hay thù địch bị ảnh hưởng cả về thể xác lẫn tinh thần.48 Rõ ràng là, các cuộc hôn nhân mang tính bạo hành về thể xác có thể làm bạn bị thương hoặc giết chết bạn. Khi các chiến hữu của bạn là một băng đảng đường phố thường xuyên tham gia các vụ xả súng, sức khỏe của bạn rõ ràng là đang gặp nguy hiểm. Khi cộng đồng xung quanh bạn đang tiêm heroin cho nhau thì việc ở một mình sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Dù những ví dụ về cách thức các mối quan hệ không tốt có thể gây hại dường như khá rõ ràng, nhưng bạn có thể ít nhận biết cách mà các loại quan hệ xã hội không hỗ trợ khác, tinh tế hơn có thể gây hại cho sức khỏe của mình. Bạn có thể không nhận ra rằng khi bị cộng đồng nhà thờ phán xét vì đã không tuân thủ các quy tắc xã hội, tâm trí bạn có khả năng tạo ra những phản ứng căng thẳng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Khi gia đình bạn thường xuyên ca cẩm mỗi khi bạn về thăm nhà, những bữa ăn gia đình chiều Chủ nhật có thể không có lợi cho sức khỏe của bạn như những bữa tối ở Roseto. Khi bạn đi chơi với bạn bè nhưng lại cảm thấy không thoải mái trong việc thể hiện con người thật của mình, cơ thể bạn có thể cảm nhận rằng đó là một mối đe dọa.
Ai cũng biết rằng các mối quan hệ không lành mạnh thì không tốt cho bạn. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong cuộc sống có thể có những mối quan hệ mà bạn biết là đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhưng bạn lại không nhận biết cách thức chúng ảnh hưởng đến sinh lý của cơ thể. Khi bị ung thư, bạn có thể không tự động đi đến kết luận rằng cuộc hôn nhân lừa dối có thể đã làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn thông qua việc thường xuyên kích hoạt phản ứng căng thẳng. Khi bị đau tim, bạn có thể không gắn kết nó với người chị gái của mình, người đã tra tấn bạn bằng lời nói mỗi khi bạn gọi điện thoại, hay người “bạn” của mình, người xúc phạm bạn mỗi khi gặp nhau và nói xấu sau lưng bạn.
Mặc dù dữ liệu cho thấy rằng chúng ta cần bầu bạn với người khác để có sức khỏe tối ưu, nhưng điều chúng ta thực sự cần là những mối quan hệ chân thật, lành mạnh cho phép chúng ta là chính mình mà không bị phán xét hay chỉ trích. Giao tiếp xã hội thuần túy thì không đủ. Nếu bạn sống giữa những người khiến bạn cảm thấy không an toàn khi yếu đuối, cơ thể bạn sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng.
Các phản ứng quan hệ tiêu cực khác, chẳng hạn như sự gây hấn, sự ghét bỏ hay sự rút lui trong tình yêu, kích thích phản ứng căng thẳng, trong khi tình yêu thương, sự nâng đỡ, lòng trắc ẩn, những cảm giác gắn bó và tương thuộc kích hoạt việc giải phóng các nội tiết tố tạo ra cảm giác thư giãn và thoải mái như oxytocin, dopamine và endorphin.
Nói cách khác, hãy tham gia đời sống xã hội. Tránh sự cô đơn. Bao quanh mình bằng bạn bè và gia đình. Nhưng hãy chú ý đến các mối quan hệ bạn chọn để mang vào cuộc sống của mình. Hãy chọn vòng tròn thân thiết của mình một cách khôn ngoan và chắc chắn rằng vào cuối ngày, bạn cảm thấy được hỗ trợ bởi những người trong vòng tròn thân thiết thay vì bị đánh giá, chỉ trích, bắt nạt, gây áp lực hay đe dọa.
Nhìn chung, con người là những động vật xã hội. Về lịch sử, sự kết nối trong cộng đồng tạo ra lợi thế tiến hóa trong một thế giới đầy rẫy những mối đe dọa. Sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta mong muốn tình yêu, sự tương thuộc và sự gắn kết với con người. Đúng là một số người trong chúng ta là người hướng nội và một số là người hướng ngoại. Một số người đã làm chúng ta đau khổ và chúng ta xem việc sống tách biệt như một cơ chế bảo vệ trái tim khỏi những tổn thương tiếp theo. Một số người có nhu cầu lớn hơn về việc kết nối với con người, trong khi một số khác thấy rằng những gì tâm trí và cơ thể cần để khơi gợi cảm giác thư giãn sinh lý là thời gian thiền tập một mình. Điều quan trọng nhất là bạn phải khai thác nguồn trí huệ giúp chữa lành cơ thể bằng trực giác của chính mình để xác định điều gì sẽ nuôi dưỡng tâm trí và cơ thể bạn.
Thật khó để mở lòng ra cho các mối quan hệ khi bạn cảm thấy không an toàn. Mở rộng trái tim và biểu lộ những điểm yếu dường như là điều cuối cùng bạn muốn làm khi trái tim bị tổn thương. Nhưng đó là một việc rất nên làm. Sự hổ thẹn, sự che giấu và cô lập là kẻ thù của quá trình chữa lành.
SỨC MẠNH CỦA SỰ YẾU ĐUỐI
Brené Brown, giáo sư Đại học Houston, tác giả các cuốn sách Daring Greatly (Dám mạo hiểm) và The Gifts of Imperfection (Món quà của sự không hoàn hảo), nghiên cứu về sự xấu hổ, nỗi sợ hãi và sức mạnh của sự yếu đuối để biến cảm giác tủi thẹn thành mối liên hệ mật thiết với người khác. Trong một bài nói chuyện có sức lan tỏa lớn trên TEDx là “The Power of Vulnerability” (Sức mạnh của sự yếu đuối) cũng như trong các cuốn sách của mình, Brown thảo luận về vai trò của sự hổ thẹn và cách nó dẫn đến tình trạng cô lập về xã hội. Cô chỉ ra rằng thái độ can đảm chấp nhận tổn thương, việc trau dồi lòng trắc ẩn đối với sự không hoàn hảo của người khác và tạo ra các ranh giới phù hợp là tiền đề cho các mối quan hệ lành mạnh.
Trong cuốn The Gifts of Imperfection, Brown viết: “Nếu muốn sống và yêu thương bằng cả trái tim, nếu muốn dấn thân vào thế giới từ một vị trí xứng đáng, chúng ta phải nói về những trở ngại – đặc biệt là cảm giác xấu hổ, nỗi sợ hãi và sự dễ tổn thương.” Cô mô tả cảm giác xấu hổ là nỗi sợ mình không xứng đáng được yêu thương và nói rằng nó tồn tại trong tất cả chúng ta: “Cảm thấy xấu hổ là đặc tính của con người.”
Cách chúng ta xấu hổ và những gì chúng ta xấu hổ về bản thân thay đổi tùy theo mỗi người nhưng chúng đều liên quan đến các yếu tố – ngoại hình, công việc, tiền bạc, các mối quan hệ, tình trạng nghiện ngập, việc nuôi dạy con cái, tình dục, sự lão hóa, gia đình... Nhưng có một tin tốt lành. Nếu tất cả chúng ta đều có khả năng cảm thấy xấu hổ thì tất cả chúng ta cũng có “khả năng chấp nhận xấu hổ”, theo như cách gọi của Brown, khả năng nhận ra sự xấu hổ khi nó trỗi dậy, hướng nó theo chiều hướng lành mạnh, giữ vững ý thức của chúng ta về phẩm giá và sự chân thật, rồi sử dụng những điều này để phát triển lòng can đảm, lòng trắc ẩn đối với người khác, những người cũng cảm nhận nỗi xấu hổ của riêng họ, và nhờ đó kết nối với họ.
Theo Brown, sự khác biệt giữa cảm giác tội lỗi và cảm giác xấu hổ là cảm giác tội lỗi ngụ ý “tôi đã làm điều gì đó tồi tệ,” trong khi sự xấu hổ ngụ ý rằng “tôi thì xấu xa”. Trong khi cảm giác tội lỗi thường là động lực để chúng ta sống chính trực hơn thì sự xấu hổ là chất độc cản trở các mối quan hệ đích thực. Brown khuyên bạn nên can đảm chấp nhận việc có thể bị tổn thương và là chính mình, từ bi với bản thân, buông bỏ thói quen cầu toàn và trau dồi điều cô gọi là “sự toàn tâm toàn ý”, rèn luyện cách sống và yêu thương bằng cả trái tim.
Trong nghiên cứu về cảm giác xấu hổ, nỗi sợ hãi và việc dễ bị tổn thương, Brown nhận thấy rằng những người toàn tâm toàn ý thường sống cuộc sống đầy giá trị, nghỉ ngơi và vui chơi trọn vẹn với niềm tin tưởng, đức tin, trực giác, hy vọng, sự chân thực, tình yêu thương, sự tương thuộc, niềm vui, lòng biết ơn và sự sáng tạo, đồng thời tránh xa chủ nghĩa cầu toàn, sự ù lì, tránh để mình rơi vào tình trạng kiệt sức, kiêu ngạo, lạnh lùng, phán xét, thiếu thốn và chỉ biết lo cho bản thân.49
Mỗi ngày là một cơ hội để thắt chặt mối quan hệ gắn kết với những người bạn coi trọng. Khi bạn để trái tim mình cảm nhận, hãy chấp nhận cảm giác xấu hổ, ngừng phán xét người khác, học cách tha thứ, học cách là chính mình và biểu lộ tâm hồn bạn, bạn đang cho phép tâm trí bạn thực hiện những điều kỳ diệu của chính nó, tối ưu hóa cơ thể ở trạng thái tự nhiên cho việc tự sửa chữa.
ĐƠN THUỐC CHO SỰ CÔ ĐƠN
Nếu bạn đang sống cô độc và đã từ bỏ việc cố gắng để giao tiếp xã hội nhiều hơn hoặc lựa chọn việc tiếp tục sống một mình, bạn có thể cân bằng một số ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của sự cô đơn và cô lập về mặt xã hội. Trong Chương 8, tôi sẽ giới thiệu một vài kỹ thuật bạn có thể sử dụng ở nhà để khơi gợi phản ứng thư giãn và giảm bớt phản ứng căng thẳng.
Nếu bạn đang cô đơn và mong muốn cải thiện sức khỏe, hoặc bạn đang trong các mối quan hệ độc hại và cần thuốc giải cho những tác hại mà chúng có thể gây ra cho cơ thể, hãy tiếp tục đọc. Trong Chương 10, bạn sẽ có dịp chẩn đoán mọi sự mất cân bằng trong cuộc sống và đưa ra một kế hoạch hành động để giảm cô đơn và tận hưởng những lợi ích của các mối quan hệ lành mạnh đối với sức khỏe.
Cho đến lúc đó, tôi muốn bạn biết rằng cách tốt nhất để giảm bớt nỗi cô đơn là kết nối với bản chất tự nhiên đích thực của bạn. Hãy để thế giới thấy con người thật, đích thực, tuyệt vời của bạn. Quá nhiều người trong chúng ta dành quá nhiều năng lượng để cố gắng trở thành ai đó mà chúng ta không hề phù hợp. Trong những nỗ lực để được chấp nhận, chúng ta đánh mất một phần của chính mình và hậu quả là sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng.
Sự thật là việc hướng đến sự chấp nhận về mặt xã hội thì cũng giống như việc cố gắng bắn trúng mục tiêu liên tục di chuyển về sự chấp nhận, tức là phải luôn bắt kịp những xu hướng, so sánh bản thân với người khác, hy sinh những gì bạn thực sự yêu thích vì những gì bạn nghĩ là người khác thích và tuân thủ các tiêu chuẩn phù hợp giả tạo. Càng cố tỏ ra sành điệu, bạn càng cảm thấy cô độc. Như Brené Brown đã nói trong một bài phát biểu xúc động tại hội nghị World Domination Summit: “Rào cản lớn nhất của sự tương thuộc là sự phù hợp”. Nó là công thức chắc chắn cho sự cô đơn. Nó cũng là cái giá rất đắt để trả, khiến bạn không chỉ cô đơn mà còn ốm yếu.
Bạn có thể bị cám dỗ trước việc tìm kiếm sự chấp nhận của xã hội để tránh cảm giác là người không phù hợp hoặc bị tổn thương. Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy được yêu thương và chấp nhận. Chúng ta khao khát sự tương thuộc. Nhưng với giá nào đây? Nó có đáng để bạn bán rẻ con người thật của mình và thay thế nó bằng một phiên bản nhựa nào đó cần liên tục được tái tạo để phù hợp với yếu tố chấp nhận được của ngày hôm nay (điều mà bạn có thể chắc chắn là đã khác với ngày hôm qua)?
Không.
Cởi bỏ mặt nạ của bạn ra và để cho vẻ rạng rỡ bên trong tỏa sáng, nó có thể không “sành điệu”, nhưng nó tạo cơ hội cho sự kết nối sâu sắc. Bạn cần phải thực sự can đảm để không cảm thấy hối lỗi về sự “không sành điệu” – và trong cuốn sách của tôi không có gì “tuyệt vời” hơn những người đủ can đảm để là chính mình, ngay cả khi điều đó đi ngược lại những điều mà những chuẩn mực văn hóa chung đòi hỏi bạn phải theo. Khi bạn đủ dũng cảm để không bị dằn vặt vì là chính mình, bạn trở thành thanh nam châm hút tất cả những người khao khát có đủ can đảm để làm điều tương tự. Điều đó, bạn của tôi ơi, là cách chắc chắn để giảm thiểu sự cô đơn.