Nước Mỹ là một quốc gia lớn mạnh, người Mỹ luôn tự hào họ là dân tộc rất tự trọng, tự tôn, nhưng Mỹ lại là một đất nước có thói quen thu tiền típ. Chúng ta có thể thấy, ở đất nước này từ nhân viên nhà hàng, người lái taxi, thậm chí là người đánh giày, cho đến người xách hành lý cho hành khách ở sân bay cũng cần có tiền típ. Ngược lại, Nhật Bản là một quốc gia có lãnh thổ không lớn, người dân Nhật Bản đa phần đều ở trong những căn nhà rất nhỏ, nhưng ở Nhật Bản lại không có văn hóa tiền típ. Ở đó, từ quán ăn đến nhà hàng đều không cho phép nhân viên hình thành thói quen nhận tiền típ.
Tiền típ không nhất thiết là phải đưa tiền, mà đôi khi chỉ cần cho người nhận một câu khen ngợi chân thành, một cái bắt tay hay một nụ cười tươi tắn thì cũng khiến họ cảm thấy rất vui. Đối tượng nhận tiền típ không phải lúc nào cũng là những người thuộc tầng lớp phục vụ, ngay cả những người giàu có cũng thích những người công nhân, nông dân hay tiểu thương cho họ tiền típ. Chẳng hạn, bà nội trợ khi mua rau, sẽ nói với người bán rau cho họ thêm ít hành, ít tỏi, miếng gừng, đó chẳng phải là tiền típ đấy sao? Thậm chí có những người khi mua xe họ cũng hy vọng nhà sản xuất tặng thêm phụ kiện, giảm ít tiền, đó cũng chính là hành vi đòi tiền típ.
Cho tiền típ rốt cuộc là tốt hay xấu? Việc cho tiền típ, có lúc sẽ hình thành nên tâm lý tham cái lợi nhỏ, có lúc lại có thể làm tăng chất lượng phục vụ tốt nếu đưa nhiều tiền típ. Tiền típ có thể nhiều hoặc ít, có người ăn một bát mỳ với giá 50 đồng, nhưng lại cho tiền típ đến 500 đồng, bởi vì đơn giản là họ thích. Từ xưa đến nay, Trung Quốc đại lục là nơi đã quen với việc cho tiền típ, ví dụ: nếu khi thanh toán xong với nhân viên phục vụ nhà hàng, bạn nói: “Không cần thối lại, coi như tiền típ vậy!” thì ngay lập tức, nhân viên phục vụ sẽ kêu lên: “Tiền típ 20 đồng”, “tiền típ 80 đồng”.
Xưa kia bác sĩ khám bệnh cho mọi người hoặc tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân không biết lấy gì để cảm ơn bèn đưa cho bác sĩ bao lì xì, đây cũng chính là tiền típ vậy. Trước đây, trong bệnh viện có những thói quen ấm áp như thế. Nhưng dần dần có một số bác sĩ chỉ quan tâm xem bao lì xì của bệnh nhân đưa là bao nhiêu, sau đó mới quyết định chất lượng điều trị tốt hay xấu. Cứ như thế, bao lì xì lại đã làm hư hỏng đạo đức của một bộ phận y bác sĩ.
Thời xưa, gia đình mời giáo viên về dạy học cho con mình đều đưa học phí trước để biểu thị tôn sư trọng đạo. Nhưng vì vậy mà có một số người dạy học lại chỉ chú ý xem có bao nhiêu tiền, mà không hề coi trọng đến chất lượng giảng dạy. Điều này dần dần khiến cho đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo bị xuống cấp.
Cho tiền típ cũng cần có nghệ thuật, ví dụ như có người xem ra tưởng như là bắt tay, thực tế là âm thầm đưa tiền típ cho đối phương; Hoặc trước khi một hoạt động nào đó diễn ra thì đưa trước tiền típ, để cho người nhận tiền típ cảm thấy được sự tôn trọng.
Việc đưa tiền típ đáng lẽ là một hành vi tốt dùng để biểu đạt sự cảm ơn, nhưng có một số nhà hàng, khách sạn đã lạm dụng việc thu tiền típ khiến nó trở thành một hành vi xấu. Điển hình là khi khách hàng vừa vào đến cửa thì liền chạy đến xách túi, cầm chìa khóa cho họ và đồng thời chủ động đòi tiền típ, mở cửa phòng giúp khách hàng cũng đòi tiền típ; đưa trà cho khách hàng cũng đòi tiền típ, thậm chí lúc ăn cơm, đội nhạc diễn tấu cũng đòi tiền típ từ khách hàng. Tiền típ nếu quá nhiều hoặc quá lạm dụng thì sẽ khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị làm phiền vì thế cần thiết phải thay đổi thói quen này.
Có một câu chuyện vui rằng, một vị khách nọ đến nhà hàng ăn cơm, không ngừng bấm chuông gọi nhân viên phục vụ. Khi nhân viên phục vụ đến, khách khí hỏi: “Anh cần tôi phục vụ gì ạ?” Lần đầu tiên vị khách nói: “Tôi muốn thử xem chuông có reo không thôi”; lần thứ hai vị khách nói: “Tôi muốn biết tai của anh có thính không thôi”; lần thứ ba vị khách lại nói: “Tôi muốn xem chân của anh có nhanh không thôi”. Người phục vụ nghe xong nở nụ cười nói: “Anh an tâm, trước khi anh cho tiền típ thì chuông, tai và đôi chân của tôi đều rất nhanh nhạy”.
Trên thế giới, văn hóa cho tiền típ ở mỗi một quốc gia không giống nhau. Ấn Độ, Thái Lan, Nepal, Philippines, Indonesia, Trung Quốc đại lục, ngay cả những quốc gia chú trọng phát triển du lịch ở Châu Phi và Châu Âu đều có thói quen thu tiền típ. Do vậy, cần tìm hiểu văn hóa của các quốc gia này trước khi đến thăm thì chúng ta mới có thể nhập gia tùy tục.
Việc cho tiền típ khiến người đưa tiền cảm thấy tự hào, đồng thời cũng đem lại niềm vui cho những người phục vụ. Kỳ thực, không chỉ có con người mới cần tiền típ mà động vật cũng cần chúng ta cho tiền típ. Chẳng hạn, sau mỗi lần biểu diễn xong, cá heo được cho ăn những con cá nhỏ, điều này chẳng phải cũng giống như việc cho con người tiền típ sao? Tiền típ, chỉ cần cho một cách hợp lý và hoan hỷ thì không có gì là không tốt cả.