Tôn Trung Sơn được tôn xưng là Quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc, ông có một câu nói bất hủ: “Thiên hạ vi công”. Thiên hạ, nhỏ như quốc gia, lớn như vũ trụ được vận hành dưới sự che chở của trời và sự nâng đỡ của đất. Quốc gia thuộc sở hữu của toàn thể nhân dân, hay còn gọi là “dân hữu, dân trị, dân hưởng”. Cũng vậy, vũ trụ thuộc sở hữu của tất cả chúng sinh.
Trên thế giới, giữa các quốc gia với nhau có công ước quốc tế quy định luật biển, có mậu dịch quốc tế trên lĩnh vực kinh tế, thậm chí có cả tòa án quốc tế, quan hệ quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Mọi người chung sống hòa bình chính là lý tưởng cao nhất của “Thiên hạ vi công”.
“Công” ở đây có nghĩa là của chung, vì cái chung. Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có công lý, chẳng hạn khi làm việc thì phải vì việc chung; khi nói chuyện thì phải phù hợp với công luận; làm chính trị thì cần phải có công đạo (công bằng, lẽ phải); Pháp luật thì cần phải công chính; làm người thì cần phải công bằng. Cho nên, khu vườn công cộng lớn được gọi là công viên; đường sá được gọi là công lộ; người làm quan thì gọi là công bộc; sự nghiệp từ thiện được gọi là sự nghiệp công ích.
Văn thao trong Lục thao (hay còn gọi là Thái công binh pháp) có viết: “Thiên hạ là sở hữu chung của mọi người, không có thiên hạ của riêng một ai cả!” đây chính là tư tưởng “Thiên hạ vi công”. Do đó, toàn dân đều được hưởng thụ một cuộc đời công bằng trong trời đất. Mỗi người cần phải có ý thức: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”, tức là đối với sự thịnh suy của đất nước thì mọi người dân đều phải có trách nhiệm. Đổng Trọng Thư nhấn mạnh thuyết “Thiên nhân cảm ứng”; Nho gia cho rằng “Thiên - địa - nhân” chính là tam tài; đây cũng được xem là sự chú giải cho tư tưởng “Thiên hạ vi công”.
Mọi người vẫn thường hỏi rằng: Trời ở đâu? Vương Dương Minh nói: “Vũ trụ ở trong tâm của ta, tâm của ta chính là vũ trụ”. Từ đó có thể thấy, thiên hạ đều ở trong tâm của chúng ta. Trong tâm của ta có người, thì tức là trong tâm của ta có trời; trong tâm của ta có đất nước, thì tức là trong tâm của ta có trời; trong tâm của ta có vũ trụ, thì tức là trong tâm của ta có trời. Có câu nói: “Chân trời góc biển vẫn coi như là bên cạnh” vậy thì chi bằng nói là: “Trời ở ngay trong tâm chúng ta!”
Từ xưa, người Trung Quốc đã có tư tưởng và khái niệm về Thiên đạo. Có câu “dựa vào trời mà ăn cơm”, dựa vào điều kiện tự nhiên để sinh sống, có nghĩa là phải biết sợ trời, không được bất kính với trời. Người nào làm quá nhiều điều ác, không đàng hoàng thì đó là kẻ “vô pháp vô thiên”, thậm chí những kẻ đó còn bị nguyền rủa “trời đánh sét đánh”.
Nho gia xem Thiên - địa - nhân chính là Tam tài, hay còn gọi là “Tam tài hợp nhất”. Những người có nhiều việc làm và hành vi thật sự xấu tệ khiến trời đất khó dung, có nghĩa là Tam tài mà chỉ còn lại “nhất tài” thì làm sao có thể sống độc lập được? Song có không ít người có suy nghĩ ỷ lại, dựa dẫm cho nên làm việc gì cũng cầu trời phù hộ, cầu trời giúp đỡ, như: Hạn hán thì cầu trời cho mưa; mưa nhiều rồi thì cầu trời quang mây tạnh… Nếu như trời đã ở trong lòng của chúng ta, vậy thì khi gặp chuyện ỷ lại cầu trời chi bằng ta tự cầu chính bản thân mình. Khi hạn hán chưa đến, thì chúng ta cần phải tiết kiệm nguồn nước; khi vào mùa mưa quá nhiều, thì chúng ta nên khơi thông sông ngòi, cống rãnh, làm tốt công tác chống lụt. Như vậy, chỉ cần có ông trời trong lòng thì chúng ta đã tự cứu mình rồi.
Cho nên, trước hết chúng ta phải tự giúp chính mình thì sau đó mới được trời giúp. Khi đó chúng ta không còn phải “im lặng hỏi ông trời”, cũng không cần mãi oán than “Ông trời bất công”. Nếu làm được điều này thì việc đạt tới cái gọi là “Thiên hạ vi công” không có gì là khó, cũng không có gì là gian nan!