Sự sống của một con người, ngoài thân thể vật chất thì còn phải có sức mạnh tinh thần. Theo cách nói của dân gian thì tinh thần ấy chính là linh hồn. Một người nếu như không có tinh thần, thì người khác sẽ nói anh ta là hồn bay phách lạc; nếu như không tập trung, thì anh ta bị phê bình là hồn vía lên mây. Có thể thấy, muốn là một con người hoàn chỉnh thì chúng ta cần phải có linh hồn. Đoàn thể có linh hồn của đoàn thể; quốc gia thì có linh hồn của quốc gia. Linh hồn là trung tâm, là chủ tể của con người. Một người có linh hồn thì mới điều khiển được các cơ quan trên cơ thể hoạt động, làm việc phát huy công dụng của từng bộ phận.
Có người cho rằng, con người sau khi chết sẽ trở thành ma quỷ, lúc ấy mới gọi là linh hồn. Kỳ thực không phải như vậy, ánh mắt của một con người có thần, đó chính là tác dụng của linh hồn; tinh thần cương nghị chính là do linh hồn biểu hiện. Một người gọi là có thần sắc, phong thái phi phàm, đó cũng chính là nhờ tác dụng vi diệu của linh hồn mà có. Một người dũng cảm, tự tin, khéo léo, đó chính là do sự phát huy tác dụng của linh hồn.
Con người có linh hồn thì làm việc nhanh nhạy, nói chuyện linh hoạt, xử lý công việc khéo léo, làm người có linh khí, linh cảm. Có người dùng câu “tâm linh tương thông” để hình dung về việc nam nữ yêu đương hòa hợp, thấu hiểu nhau. Thậm chí, có người còn tin vào thế giới của linh hồn, theo đuổi những điều thần kỳ linh nghiệm, gọi đó là “không hỏi bá tính hỏi quỷ thần”. Loại hành vi theo đuổi quá mức về tâm linh hư vọng này khiến cho linh hồn của bản thân mất đi sự tinh tường, mù quáng tin vào những điều sai trái, hư dối, không thật.
Cả phương Đông, phương Tây đều nghiên cứu và thảo luận rất sôi nổi về vấn đề linh hồn. Thế giới linh hồn nhất định sẽ có một ngày thực sự được lý giải. Tuy nhiên, Phật giáo không xem trọng linh hồn mà xem trọng chân tâm. Bởi vì linh hồn chỉ có thể đạt đến thức thứ sáu trong tám thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt na, a lại da), chỉ được coi là những hoạt động tâm linh thông thường. Nếu như chúng ta có trí tuệ của thức thứ sáu thì đó mới chỉ là có một chút ít thông minh tài trí. Ngoài ra, ở trên phương diện tâm linh còn có thức thứ tám, thức này mới thực sự là chủ tể của sinh mệnh.
Để đạt được nhận thức của thức thứ tám, chúng ta không thể đơn giản chỉ dựa vào tri thức là có thể dễ dàng hiểu được. Như muốn đạt “Đại viên cảnh trí” thì chúng ta cần phải dựa vào việc tu trì, thể nghiệm mới có thể chứng đắc được. Nếu như chúng ta đem “Tám thức” chuyển thành “Bốn trí”: chuyển năm thức đầu (hay còn gọi tiền ngũ thức) thành “Thành sở tác trí”, chuyển thức thứ sáu (ý thức) thành “Diệu quan sát trí”, chuyển thức thứ bảy (mạt na thức) thành “Bình đẳng tính trí”, chuyển thức thứ tám (a lại da thức) thành “Đại viên cảnh trí”, thì khi ấy Phật tính hiện tiền trong tâm thức của chúng ta. Lúc đó còn lo sợ cuộc đời không viên mãn sao?
Có người nói: “Linh hồn bất diệt, tinh thần bất tử”. Đây là sự khảo cứu về cuộc đời tuy nhiên chưa đạt đến cứu cánh tuyệt đối. Con người muốn đạt được cứu cánh, cần phải trở về với “Chân thường duy tâm”, “Niết Bàn tịch tĩnh”, đó mới là bản lai diện mục của chúng ta.