Thông thường, mọi người đều có xu hướng muốn “trốn tránh” thực tế mỗi khi gặp phải những việc khiến mình không vui, nhưng lại luôn tìm mọi cách để “theo đuổi” những thứ mà mình yêu thích. Đối với những việc xấu, như sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối,… thì chúng ta cần phải “trốn tránh” không làm; nhưng tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh gia đình, trốn tránh công việc,…
Sáu căn của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mỗi ngày đều đang theo đuổi sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Có người theo đuổi ái tình, tiền bạc, sự hưởng thụ, có người lại “đuổi sao bắt trăng”,... Bất cứ việc gì mà phải theo đuổi, rượt đuổi (truy) thì đều không tốt hoặc không vui. Ví dụ: Ăn năn, hối hận khi làm việc sai trái thì gọi là “truy hối”; trước khi tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng thì làm lễ “truy điệu”; hồi tưởng lại việc xưa thì gọi là “truy tư”; tội phạm trốn chạy thì bị “truy nã”,... Tất cả những việc này đều mang nghĩa không tích cực, hoặc không mang lại niềm vui cho chúng ta.
Có người cố gắng hết sức đuổi bắt kẻ trộm cho bằng được, nhưng cũng có người suy nghĩ không nên truy cùng đuổi tận kẻ đã rơi vào đường cùng. Bởi vì, cũng giống như việc đòi nợ, thúc nợ, nếu chúng ta đòi quá gấp, thúc quá mức sẽ dẫn tới kết quả ngược lại.
Một số cơ quan nhà nước khi không đủ nguồn kinh phí để hoạt động thì họ phải xin cấp “kinh phí bổ sung”. Một số công ty, doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập phải “bổ sung dự toán”,… những điều này dường như đã trở thành việc hết sức phổ biến. Rất nhiều hiệp ước, hiệp định cần phải “truy nhận” vì chúng mất quá nhiều thời gian. Các gia đình có thành viên ly tán nhiều năm cũng đến thời điểm mong tìm về cội nguồn để nhận tổ quy tông.
Những nhân vật trong lịch sử vốn đã trở thành người thiên cổ, nhưng bởi vì người đời sau muốn truy căn tìm gốc, cho nên tạo ra muôn vàn vấn đề để khảo cứu, luận bàn. Con người cứ mải miết tranh đúng tranh sai, đem việc xưa bàn luận, truy cứu không chịu ngừng nghỉ gây nên bao thị phi không đáng có. Chuyện xưa đã thuộc về quá khứ, tại sao còn mãi đàm luận trái phải, thực hư. Cho nên có người cho rằng: “Việc xưa hà tất phải truy cứu lại” thật là đúng vậy!
Những oan ức đời người có khi không cần biện bạch. Những tội phạm sai trái có lúc không cần đến sự truy cứu của Pháp luật hay dư luận; cũng không nhất thiết phải cần có người tố cáo để điều tra, truy vết. Bởi vì, thời gian và nhân quả sẽ cho chúng ta câu trả lời. Con người sống trong cuộc đời này, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, nhân quả xưa nay chẳng hề sai!
Nhìn lại lịch sử các triều đại xưa nay, từng có những người khi còn sống không nhận được sự tôn trọng của mọi người. Cho đến khi hồn đã về Tịnh độ hoặc triều đại đã thay đổi, thì những cống hiến của họ đối với đất nước mới được công nhận và được truy phong thụy hiệu anh hùng, Hiền nhân. Chẳng hạn, Trương Tự Trung bị vu oan thông đồng với địch, mãi sau này oan tình của ông mới được tẩy rửa. Nhưng tận đến khi ông không còn nữa thì người ta mới truy phong cho ông danh hiệu “hy sinh vì đất nước”.
Do không có khả năng dự tính trước mọi việc, không biết nhìn người nên khi Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín, Hán Cao Tổ đã coi thường và đối xử với nhà quân sự tài ba này như binh lính hèn mọn. Vì vậy mà Hàn Tín âm thầm rời đi, chỉ khi Tiêu Hà đuổi theo thuyết phục Hàn Tín mới chịu ở lại. Sau đó, Hàn Tín được Lưu Bang dựng đàn bái làm tướng, chinh chiến mưu lược trở thành vị khai quốc công thần của triều Hán. Có không ít nhân vật giống như Hàn Tín, vì tài năng không được coi trọng nên họ đã quyết định dứt khoát rời đi không quay đầu trở lại. Việc người tài không được trọng dụng như vậy trong lịch sử không thiếu, thật đáng tiếc thay!
Một đời người sống cần phải có ý chí, theo đuổi ước mơ, hướng tới tương lai, cầu tiến bộ, luôn chú trọng thiết lập cuộc sống ý nghĩa ngay hiện tại. Đối với những việc đã qua, những chuyện xưa cũ thì chúng ta hãy suy nghiệm lịch sử để rút ra bài học. Trên cơ sở đó kế thừa những tinh hoa tốt đẹp và sửa chữa những sai lầm còn tồn tại. Đây cũng đều là những việc làm có giá trị, mang ý nghĩa kiếp người.