Con người từ lúc sinh ra đến khi lớn lên đều không ngừng học hỏi. Có người học trăm ngàn bài học vẫn không tiến bộ, nhưng có khi chỉ qua một hành động hoặc lời nói của người khác mà ngộ ra chân lý. Những bài học như vậy có ảnh hưởng rất lớn đến người đó và sẽ theo họ đi suốt cuộc đời.
Có người thám hiểm biển sâu, trải qua muôn sự nguy hiểm, cuối cùng anh ta học được kinh nghiệm tồn tại cũng như cách thức hoạt động khi ở trong nước. Có người leo núi, gặp phải rất nhiều trắc trở, chướng ngại khi ở trên cao mà khắc ghi bài học vượt qua thử thách. Có người đi du lịch khắp nơi, thấy được nhiều thứ, biết thêm nhiều tri thức từ đó đúc kết trải nghiệm của mình thành những bài học quý giá.
Khổng Tử nói: “Ta không bằng một lão nông”, bởi khi ra đồng thì chúng ta cần học kinh nghiệm trồng cấy, canh tác của người nông dân. Trong chốn Thiền đường, câu nói của Thiền sư chỉ thẳng vào tâm kẻ cầu đạo khiến cho họ đạt được sở ngộ.
Có một học giả đến chùa tham thiền, sau một thời gian ông ta liền muốn đi nơi khác. Thiền sư hỏi: “Ông muốn đi đâu?” Học giả đáp: “Tôi muốn đi tham học”. Thiền sư hỏi: “Ông học gì?” Học giả đáp: “Tôi học duy thức học”. Thiền sư hỏi: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, xin hỏi hòn đá bên đường là ở trong tâm hay ở bên ngoài tâm?” Học giả nói: “Ở trong tâm”. Thiền sư nói: “Ông hà tất khổ như vậy, đem hòn đá đặt ở trong tâm để làm gì?” Học giả nghe xong liền đại ngộ.
Thiền sư Đức Sơn dày công nghiên cứu kinh Kim Cang, trước tác một bộ Thanh Long sớ sao. Nghe nói ở phương Nam đề xướng “đốn ngộ thành Phật”, ông cho rằng không thể có sự đốn ngộ ấy được, bèn mang theo sớ sao đến phương Nam với mục đích bài xích tà thuyết này. Tới phương Nam rồi, trên đường ông ghé quán nhỏ mua bánh ăn lót dạ. Bà chủ quán biết Thiền sư Đức Sơn nghiên cứu thấu triệt kinh Kim Cang, bèn hỏi: “Trong kinh Kim Cang nói rằng, “Tâm quá khứ tìm không có, tâm hiện tại tìm không có, tâm tương lai tìm cũng không có.” Cho hỏi, Đại đức muốn ăn điểm tâm vậy là điểm ở tâm nào?” Thiền sư Đức Sơn ngạc nhiên không biết đáp lại ra sao.
Có một chàng thư sinh đến chùa thì thấy câu đối: “Tu Di nạp giới tử, giới tử tàng Tu Di”. Anh ta bèn thắc mắc: “Núi Tu Di dung nạp một hạt cải, nói còn nghe hợp lý, nhưng một hạt cải nhỏ bé làm sao dung nạp được cả một ngọn núi Tu Di, câu đối này thật là không hợp lý”. Thiền sư hỏi lại rằng, có câu: “Đọc vạn quyển sách thì ngòi bút như thần”. Cho hỏi anh, vạn quyển sách làm sao có thể cất trong một cái bụng nhỏ xíu kia? Thư sinh nghe xong liền tỏ ngộ.
Nước Ma Kiệt Đà muốn tấn công nước Việt Kỳ, quốc vương phái đại thần là Vũ Xá đến thỉnh vấn Đức Phật có nên chăng? Thế Tôn không trực tiếp trả lời, chỉ hỏi A Nan: “A Nan, con có nghe nói người dân đất nước ấy rất có thứ tự, hiếu thuận bậc cha mẹ sư trưởng?” A Nan đáp: “Dạ có”. Đức Phật nói: “Như vậy, đất nước ấy cứng như đá không dễ gì chiếm lấy”. Đức Phật lại hỏi: “A Nan, con có nghe nói nhân dân nước ấy phụng trì chính pháp, nghiêm thủ giới luật?” A Nan đáp: “Dạ có”. Thế Tôn tiếp tục nói: “Như vậy, đất nước ấy kiên cố như đá không dễ gì đánh chiếm”. Cứ như vậy hỏi qua đáp lại đến 7 lần, Vũ Xá ở bên cạnh đã biết đáp án, học được một bài học giữ gìn an nguy cho đất nước.
Hàn Dũ đến thăm Thiền sư Đại Điên, Thiền sư đang ở trong Định như như bất động, vị thị giả bên cạnh bèn nói: “Trước tiên dùng Định để lay động, sau đó sử dụng Trí để nhổ bỏ”. Hàn Dũ nghe xong liền không ngừng tán thán: “Ta đã có được thông tin từ lời của thị giả”. Nhờ có lời nói của thị giả mà Hàn Dũ đã học được một bài học vô cùng ý nghĩa.
Tục ngữ nói: “Nói chuyện với anh một lần còn hơn đọc sách mười năm”. Bài học quý giá từ thực tiễn nên để ý, lưu tâm, được như vậy thì cuộc đời nơi đâu cũng có cái cho ta đạt được sở đắc.