Trong tác phẩm Nguyên Đạo, Hàn Dũ nói rằng: “Ngồi đáy giếng mà nhìn trời thì sẽ nói trời nhỏ hẹp. Nhưng trên thực tế trời hoàn toàn không nhỏ hẹp, mà do con người chỉ nhìn thấy phạm vi nhỏ hẹp mà thôi”.
Có rất nhiều cụm từ đồng nghĩa với “ếch ngồi đáy giếng”, như “tầm mắt như hạt đậu”, “nhìn trời qua ống”, “lấy gáo để đo lường biển cả”, “nhìn trời qua cửa sổ”,… Ý nghĩa chỉ cho tầm nhìn giới hạn, nhỏ hẹp mà những cụm từ này nói đến không phải lúc nào cũng đúng. Bởi vì, trên thực tế có những người rất tài giỏi, mặc dù họ không đi ra bên ngoài nhưng vẫn có thể biết nhiều chuyện trong thiên hạ. Nhờ có tri thức nên họ khéo biết cách tư duy, nghiên cứu mà thấy được rằng “hạt cải chứa núi Tu Di, núi Tu Di để trong hạt cải”, trong lớn có nhỏ, trong nhỏ có lớn. Theo kinh Hoa Nghiêm, một không phải là ít, vạn ức cũng chẳng phải nhiều; lớn không phải là thật sự lớn, nhỏ không phải là thực sự nhỏ. Một hạt vi trần cũng có thể dung nhiếp Tam thiên đại thiên thế giới. Cho nên, “ếch ngồi đáy giếng” cũng có lúc biết được trời đất bao la, rộng lớn trên kia.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp, nhờ nhìn thấy cái nhỏ mà biết được cái lớn hơn. Cho nên chúng ta mới thấy có xuất hiện các cụm từ: “Phật quán một hạt gạo, to như núi Tu Di”, “một đóa hoa là một thế giới, một chiếc lá là một vị Như Lai”, “nhìn một phiến lá biết được cả mùa thu”, “nghe một biết mười”,… Chẳng hạn, Mạnh Tử và Tề Tuyên Vương khi luận bàn về “nhân” có nói: “Sức của ta có thể nâng được vật nặng hơn một tạ, nhưng không nâng nổi một sợi lông. Con mắt có thể nhìn thấy những sợi lông tơ mới nhú của chú chim con, nhưng lại không thấy được một xe củi”. Vì thế, một người nếu chỉ hạn chế tư tưởng của mình ở một phạm vi nhỏ hẹp thì tất nhiên không thể nào phát triển được. Cái đó chính là chỉ cần uống một ngụm nước được múc từ biển thì đã đủ biết vị mặn của biển, đâu cần phải uống hết cả nước biển mới biết được vị mặn của nó?
Trong tác phẩm Tiêu dao du, Trang Tử nói rằng: “Biển bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của con chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng ấy vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Loài chim ấy, khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền chuyển về biển nam. Chỗ biển nam ấy là một cái ao vĩ đại do thiên nhiên tạo thành”. Mặc dù không nhìn thấy tận mắt Côn và Bằng, nhưng Trang Tử vẫn biết được mức độ to lớn, vĩ đại của chúng. Điều đó cho thấy, thông qua tri thức, hiểu biết chúng ta vẫn có thể đoán biết được nhiều việc.
Bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng có nói đến một nhân vật tên là Già Lưu. Bà sống ở nông thôn, cả đời cần cù tiết kiệm. Lúc đến Giang Nam, thành phố hoa lệ như một khu vườn tràn ngập sắc màu này khiến bà bị choáng ngợp. Do không hiểu biết và cũng không biết cách suy luận, cho nên dù nhìn thấy và nghe thấy rất nhiều điều, nhưng bà vẫn không hiểu thông suốt, tầm tư duy của bà nhỏ hẹp chỉ như “ếch ngồi đáy giếng”.
Vì thế, nếu như tư tưởng của một người chưa được khai thông thì người đó cần phải đọc sách để mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết. Trong sách có nguồn tri thức vô tận về thế giới, nên đọc sách cũng như việc thâu nhiếp thế giới vào trong tâm ta và tâm ta cũng dung nhiếp toàn bộ pháp giới. Khi một người có hiểu biết, có thể nhìn thấy được bầu trời to lớn từ sừng của một con ốc sên, thì sẽ không bị mỉa mai, chế giễu là “ếch ngồi đáy giếng”.