Cha mẹ muốn uốn nắn con cái, hy vọng tương lai sau này con cái sẽ nên danh, thành tài. Thầy cô muốn đào tạo học trò của mình, hy vọng sau này các thế hệ học trò có thể giống như nước sông Trường Giang “sóng sau xô sóng trước” (chỉ người đời sau giỏi giang hơn). Trên thế giới này, mỗi một chuyên gia trong ngành nghề nào đó đều muốn đào tạo nên các thế hệ kế thừa và hoàn thành lý tưởng của bản thân.
Tuy nhiên, trong cuộc đời của mỗi một con người, điều quan trọng nhất vẫn là đào luyện chính mình. Bạn có muốn bản thân trở thành một chính trị gia không? Hay trở thành một đại gia? Cho dù mục tiêu cuộc đời bạn muốn đạt được là gì đi chăng nữa thì trước hết bạn phải tự rèn luyện bản thân trở thành một chính nhân quân tử, hoàn thiện về nhân cách.
Chúng ta thấy có những bức tượng được điêu khắc, trạm trổ rất đẹp bởi bàn tay của các nghệ sĩ tài ba, nhưng nguyên liệu để đúc tượng bên trong lại không có chất lượng tốt. Vì vậy mà theo thời gian, tượng bị hư hoại không bền chắc, thật đáng tiếc! Cũng vậy, trong quá trình tự đào luyện bản thân, đa số chúng ta cũng đều mắc phải vấn đề tương tự. Nhìn bề ngoài thì có vẻ chúng ta đạt được thành tựu nhất định, nhưng bản chất thì sự tu dưỡng đạo đức, trí tuệ vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, có những người đã tốn kém không ít tiền của để chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài, như đi trị liệu giảm béo, phẫu thuật thẩm mỹ,… nhưng lại không hề quan tâm chăm sóc vẻ đẹp tâm hồn của chính mình.
Bản thân tự nỗ lực rèn luyện, học tập là công việc của cả một đời người, do vậy cần có sự kiên trì và nhẫn nại. Mỗi người đều phải chú ý chăm sóc cả vẻ đẹp bên ngoài cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn mình, như vậy mới có thể toát lên được khí chất thanh cao và nhân cách ngời sáng của bản thân. Chẳng hạn, anh hùng thì dùng nhân nghĩa để xây dựng hình tượng cho chính mình; phụ nữ thì dùng đức hạnh để xây dựng hình tượng; Học giả lấy trí tuệ là hình tượng hướng tới; Thánh nhân lấy đức hy sinh, đạo đức và cái trí sáng để xây dựng hình tượng,...
Xây dựng hình tượng cho chính mình không phải để nhận được những sự tán thưởng nhất thời, mà quan trọng hơn bạn phải có một vẻ đẹp thực sự, tồn tại bền lâu, đó gọi là “ngày dài biết lòng người, đường xa biết sức ngựa”. Ngoài ra, xây dựng hình tượng cho chính mình còn phải trải qua sự tôi luyện, thử thách của thời gian mới có thể hoàn thiện một cách hoàn hảo được.
Người Anh hy vọng xây dựng hình bản thân như những quý ông quý bà; Người Mỹ thích xây dựng hình tượng những người anh hùng; Người Nhật xây dựng hình tượng những võ sĩ; Người Trung Quốc xây dựng hình tượng của những học giả; Người Pháp xây dựng hình tượng những con người lãng mạn; Người Malaysia xây dựng hình tượng những người tràn đầy sự nhiệt huyết; Chư Phật, Bồ tát, Thánh nhân xưa nay đều mang hình tượng của sự trang nghiêm, từ bi, trí tuệ.
Trong kinh sách có câu: “Tâm như họa sĩ khéo, vẽ thế giới muôn màu”. Tâm của chúng ta có thể xây dựng hình tượng của mình trở thành một Thánh nhân, người bình thường, quỷ La sát, A tu la, cũng có thể là một vị Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác hay một vị Phật. Quý vị hy vọng hình tượng cuộc đời mình sẽ như thế nào?