Như chúng ta thấy, các quan viên trong chính phủ đều có người trợ lý, phụ tá; các đoàn thể, doanh nghiệp trong xã hội cũng có cố vấn về các lĩnh vực khác nhau. Dù là trợ lý hay cố vấn thì đều phải là những người hoặc những tập thể có trí tuệ, linh hoạt, nhạy bén trong công việc và các hoạt động nghề nghiệp. Như chúng ta thấy, đằng sau mỗi một bộ phim điện ảnh vĩ đại đều có những nhà đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim tài ba. Hậu quả sau mỗi cuộc chiến tranh là sự ngã xuống của hàng vạn binh sĩ và sự hy sinh của biết bao nhiêu anh hùng vô danh.
Thời cổ đại, người phụ tá cho các quan được gọi là “sư gia”. Sư gia tốt thì sẽ giúp đỡ các công việc cho chủ nhân của mình, đồng thời hiến những kế sách hay đem lại lợi ích, danh tiếng cho chủ nhân. Ngược lại, sư gia không tốt thì sẽ cố vấn cho chủ nhân mình đàn áp, ức hiếp người thiện lương, tham ô gian lận. Điều này cũng là thể hiện phẩm đức chốn quan trường.
Một phụ tá ưu tú không những cần có trí tuệ hơn người, kiến thức rộng sâu, tầm nhìn xa, mà đặc biệt hơn cần phải là người thực sự có đạo đức. Bởi vì, nếu là người có đạo đức sẽ không ham chiếm công lao, luôn biết giữ đúng chừng mực, biết khiêm cung, lễ độ, biết hạ mình trước lãnh đạo như vậy mới là một người phụ tá tốt.
Người phụ tá là người có vị trí đặc biệt quan trọng vì họ có sức ảnh hưởng lớn đối với nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo ưu tú, nhưng lại có một người phụ tá thiếu phẩm hạnh, thì rất dễ bị dẫn dắt đi vào con đường bất chính, đầu cơ trục lợi. Bên cạnh đó cũng có nhà lãnh đạo thiếu phẩm hạnh, nhưng lại có được người phụ tá tốt, chính trực, sẽ cố vấn cho cấp trên của mình đi con đường chính đạo, từ đó hạn chế phạm phải những sai lầm không đáng có. Qua đó chúng ta thấy được công lao và sự cống hiến to lớn của người phụ tá.
Đường Thái Tông sở dĩ xây dựng thành công “Trinh Quán chi trị”, bởi vì ông có một nhóm người phụ tá ưu tú; Võ Tắc Thiên từ một thân phận nữ nhi lại có thể xưng hoàng xưng đế, bởi vì bà biết cách trọng dụng người tài bên cạnh. Hay như Mạnh Thường Quân trong nhà có ba ngàn môn khách nên phải sử dụng người phụ tá và cũng chính nhờ có sự giúp đỡ của Phùng Hoan mà ông đã trở thành tướng nước Tề. Có thể thấy được cống hiến của người phụ tá rất to lớn, không thể xem thường.
Thành công hay thất bại của một người lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào các mối quan hệ bên ngoài, mà đôi khi còn chịu ảnh hưởng rất lớn của người phụ tá, bởi vì vai trò của người phụ tá vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, Lưu Bị tuy trở thành đế vương, nhưng người ta không nói về tài năng của Lưu Bị mà luôn nói về cống hiến to lớn của Gia Cát Lượng. Trong bộ phim Bao Thanh Thiên, Bao Công quả thực rất đáng kính nể, nhưng sư gia Công Tôn Sách mới là người bày mưu tính kế, cố vấn sách lược và có đóng góp không hề nhỏ. Hay như trong triều đại Ung Chính, Hoàng đế Ung Chính có người phụ tá là Ổ Tư Đạo thật khiến người ta kính phục.
Ngoài ra, hoàng thân quốc thích cũng được coi là phụ tá bên cạnh vua. Có không ít người trong số đó rất lộng quyền, can thiệp chính trị, làm khổ người dân, đó cũng là tội của kẻ làm phụ tá vậy! Tấn Văn Công do không xử lý tốt việc phong thưởng cho Giới Tử Thôi (Giới Chi Thôi) – người phò vua trong suốt thời gian 19 năm, nên đã khiến cho Giới Tử Thôi quyên sinh nơi Cẩm Sơn. Cho dù hối hận và biểu thị sự tưởng nhớ Giới Tử Thôi thông qua “tết Hàn thực” nhưng cũng không có cách nào bù đắp được sai lầm của Văn Công đối với người phụ tá của mình.
Có những người tài giỏi đứng trên vũ đài chính trị với tư cách một vị lãnh đạo, thủ trưởng. Bên cạnh đó cũng có những người không thích để lộ danh tính, chỉ thích ở phía sau và trở thành “túi trí khôn”, “kho trí tuệ” cho nhà lãnh đạo. Những người này mới đích thực là phụ tá tốt. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều có Khoa Thư ký (Trợ lý). Qua đó cho thấy, những người trợ lý đóng vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu trong các cơ quan, đoàn thể, tập thể ở mọi lĩnh vực.