Trong xã hội ngày nay, việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết các cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, gia đình đều tổ chức các cuộc họp, hội nghị với nội dung và phạm vi khác nhau. Như hội nghị thượng đỉnh, hội nghị thường niên, hội nghị giao ban quý, hội nghị giao ban hàng tháng, hội nghị học thuật, các buổi họp gia đình,…
Hội nghị là cuộc họp mặt của nhiều người để bàn về một vấn đề quan trọng, diễn ra theo quy trình, thủ tục nhất định. Hội nghị là nơi tập trung trí tuệ của nhiều người và kết quả của hội nghị là đi đến sự thống nhất chung, đạt được nhận thức chung của số đông. Khi nói đến hội nghị, có người đã so sánh rằng, “ba tướng hợp sức lại sẽ hơn một ông Gia Cát Lượng”, tức là mặc dù Gia Cát Lượng rất giỏi, nhưng nếu chỉ có một mình thì sẽ không thể giỏi bằng ba tướng hợp sức lại. Cho nên, hội nghị là để cùng nhau tìm ra cách giải quyết các vấn đề cần thiết, tìm ta giải pháp chung để phát triển nhân sinh và xã hội.
Trong xã hội dân chủ, bất cứ việc gì liên quan đến tập thể đều cần phải được tiến hành công khai, minh bạch, công chính, công bằng và xin ý kiến của tập thể đồng ý thông qua các cuộc họp, hội nghị.
Hội nghị là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, sự tiến bộ của thời đại. Thông qua Hội nghị, chúng ta có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, thậm chí có thể giải quyết cả những bất đồng, mâu thuẫn, hiểu lầm, từ đó đạt được nhận thức chung, sự đồng thuận chung của tập thể.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên tổ chức quá nhiều cuộc họp, bởi có nhiều cuộc họp thực chất là “hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết mà không hành” (họp nhưng không bàn, bàn nhưng không ra quyết định, ra quyết định nhưng không thực hiện). Do đó, các cuộc họp không có ý nghĩa và làm mất thời gian của mọi người.
Hiện nay, ở các quốc gia phương Tây, việc điều trần công khai đang ngày càng trở nên hết sức thịnh hành. Bởi thông qua đó sẽ thu thập được nhiều ý kiến của người dân, giúp cho các chính sách hoặc đạo luật dễ được người dân chấp nhận và thực hiện.
Ở Trung Quốc, ngay từ thời xa xưa, các vị hoàng đế đã tiến hành các buổi thiết triều để họp bàn chính sự cùng các đại thần vào mỗi buổi sáng. Đây thực chất chính là cuộc họp, hội nghị theo nghĩa hiện đại ngày nay.
Trong Phật giáo, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, trong Tăng đoàn đã thường xuyên tổ chức hội họp. Căn cứ vào những ghi chép trong kinh Trung A Hàm có thể thấy, Đức Phật rất xem trọng chế độ hội nghị. Theo lời dạy của Đức Phật thì điều kiện đầu tiên để xây dựng thể chế chính trị của một quốc gia là phải “tập hợp lại với nhau và cùng bàn luận việc chính sự” trong sự hòa hợp, đồng thuận.
Trong cuộc họp, mọi người đều có quyền được phát biểu ý kiến, nhưng cần tôn trọng nguyên tắc “thiểu số phải phục tùng đa số”, “đa số cũng phải tôn trọng thiểu số”. Đặc biệt, mọi người cần phải tuân thủ những nội dung công việc đã được hội nghị thông qua và cùng giúp đỡ lẫn nhau thực hiện các công việc trong nội dung đó.
Tuy nhiên cũng có không ít người không tôn trọng nguyên tắc của hội nghị, sự tán thành của họ chỉ mang tính chất đối phó, làm việc theo cảm hứng và thiếu trách nhiệm. Cho nên hiện nay, các cuộc họp đều xây dựng hệ thống nội quy riêng và yêu cầu các thành viên tham gia phải tuân thủ nghiêm túc. Đây là bước thay đổi lớn trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị hiện nay.