“Đồ nhà quê” là cụm từ thường được dùng để chỉ những người quê mùa, mộc mạc, không có vẻ đẹp của sự thanh tao, lịch sự, đồng thời họ cũng không biết nhiều về thế giới bên ngoài. Chẳng hạn, nhân vật Già Lưu trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng.
Tuy nhiên, cụm từ “đồ nhà quê” không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa chê bai như vậy. Bởi có những người vì điều kiện khách quan nên rất ít có cơ hội được tiếp xúc với xã hội bên ngoài (trong xã hội bảo thủ trước đây), nhưng không phải vì thế mà họ là những người kém hiểu biết.
Trên thực tế, có nhiều người nhờ cha mẹ cả đời vất vả kiếm tiền mà có cơ hội được ra nước ngoài học tập. Vậy nhưng khi cha mẹ tới thăm thì họ lại cảm thấy xấu hổ, nghĩ cha mẹ mình quê mùa cho nên không muốn cha mẹ tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè của mình. Điều này thực sự rất đáng buồn!
“Đồ nhà quê” trước đây còn được gọi là “hai lúa”. Kỳ thực, “đồ nhà quê” hay “hai lúa” lại hết sức dễ thương. Họ thật thà, chất phác, khiêm tốn, cần cù, đơn giản và vui vẻ. Có những lúc chúng ta phải công nhận rằng trên thế gian này nhờ có họ mà cuộc sống trở nên đẹp đẽ và đáng yêu hơn rất nhiều.
Ở một khía cạnh khác, “đồ nhà quê” hay “hai lúa” hàng ngày vẫn không ngừng làm ra những sản phẩm nông nghiệp để cung cấp cho các thành phố, cho người hiện đại sử dụng, thụ hưởng. Ngược lại, thử hỏi người hiện đại đã dành nhiều sự quan tâm đến những người quê mùa, hai lúa đó hay chưa?
Không nên có suy nghĩ rằng, chính phủ chỉ cần chăm lo phúc lợi cho toàn dân là đủ, mà đặc biệt cần phải chú ý mang lại nhiều hơn nữa quyền lợi cho những người được gọi là “đồ nhà quê” đó. Như quyền lợi được hưởng sự giáo dục, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đi du lịch thế giới, được hưởng chế độ hưu trí dưỡng lão, v.v. Chúng ta cần phải nhận ra rằng, sự đóng góp của những “người nhà quê” cho đất nước hoàn toàn không hề thua kém so với đóng góp của người dân ở thành thị.
Có thực trạng đáng buồn là một bộ phận người dân thành thị vẫn có thái độ kỳ thị đối với những người có xuất thân từ nông thôn, cười chê họ là “đồ nhà quê”. Họ không biết rằng, không phải “đồ nhà quê” nào cũng là người không hiểu biết, quê mùa. Có rất nhiều người, tuy sống ở nông thôn nhưng tầm hiểu biết và nhận thức của họ không hề kém cỏi. Họ đều là những con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Ngược lại, cũng có không ít những người tự xưng mình là người thành phố nhưng tầm hiểu biết thì thấp kém, nhân cách đạo đức rất tệ, lại còn không tôn trọng pháp luật kỷ cương. Bộ phận “khách quý thành phố” ấy rất cần phải phản tỉnh chính mình, nhìn lại để thay đổi cho đúng danh thành thị.
Có rất nhiều các vị lãnh đạo cấp cao có xuất thân từ nông thôn quê mùa. Chẳng phải họ là những người vô cùng tài giỏi và có tri thức cao đó sao? Rồi những người với tư cách đại diện cho ý dân không phải là người nhà quê đó sao? Xã hội hiên đại ngày nay rất cần người có khí chất, vừa có tài vừa có đức để phát triển đất nước, mở rộng tầm nhìn thế giới, xây dựng nhân gian tiến bộ; chứ không phải cần những người kỳ thị xuất thân, đạo đức kém làm trì trệ xã hội.