Biển cả, sông ngòi trên thế gian có sâu có cạn, sự giáo dục hay lời nói của con người cũng có cạn có sâu. Mọi người thường có tâm lý không coi trọng những người tài sơ trí kém, tài hèn học ít. Nhưng cũng có những người vì quá thâm sâu, uyên bác, nên khiến cho người khác cảm thấy sâu xa khó hiểu. Do vậy, do vậy mọi người dành cho họ sự kính trọng nhưng không gần gũi.
Con người, nếu quá cao siêu thì ít người hiểu được, còn quá nông cạn thì bị người đời xem thường. Cho nên, giáo pháp của Phật nhấn mạnh “tùy cơ giáo hóa”, những vấn đề có nội dung sâu sắc nhưng phải được nói ra bằng lời lẽ dễ hiểu. Ngữ lục Thiền môn sở dĩ dùng nhiều cách nói khác nhau là vì mục đích muốn giúp người khai ngộ, có được sở đắc.
Ngày nay, rất nhiều nhà khoa học vì muốn phổ biến tri thức cho mọi người nên đã không ngừng phát dương khẩu hiệu “khoa học đại chúng”. Nhiều nhà triết học đã chuyển những triết lý khó hiểu, thâm sâu thành những câu chuyện ví von, để giúp những người mới học dễ tiếp thu. Các tác phẩm nổi tiếng như Trang Tử, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bảo Tích,… chính là sự hiển bày trí tuệ sâu sắc thông qua những lời lẽ gần gũi, dễ hiểu, dễ dàng thâm nhập thấu tỏ.
Mọi người thường đều có xu hướng không coi trọng những thứ bị cho là nông cạn, hời hợt. Thực ra, chúng ta cần phải có cách nhìn nhận linh hoạt đối với từng vấn đề khác nhau. Cụ thể, chúng ta cần phải nông sâu tùy lúc cho phù hợp, tránh tình trạng “không cần sâu thì lại sâu” và “cần sâu thì lại nông”. Chẳng hạn, khi bác sĩ chích thuốc cho bệnh nhân, tùy thuộc vào từng loại bệnh, từng loại thuốc và từng phác đồ điều trị mà mũi kim có độ nông sâu khác nhau. Trong mối quan hệ bạn bè, nếu chỉ là xã giao bình thường thì không thể nói chuyện hay tâm sự như những người bạn tri kỷ. Hoặc đối với một vấn đề nào đó, nếu xác định chỉ cần nghe cho biết thì không cần phải nghiên cứu một cách quá kỹ lưỡng… Do đó, đối với bất kỳ một việc gì, chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ càng, ứng xử linh hoạt “nông sâu tùy thời”, tùy cơ ứng biến, không nên cứng nhắc, rập khuôn máy móc.
Có người nói rằng Phật pháp rất thâm sâu, khó mà thông đạt. Điều này không chính xác mà ngược lại Phật pháp rất gần gũi với chúng ta, luôn tồn tại hiện hữu trong đời sống thường nhật của chúng ta. Sở dĩ Phật pháp hoằng truyền có thể đạt đến độ “giáo pháp chảy mãi năm đại châu”, chính là bởi vì Phật pháp có khi sâu có khi cạn, khế cơ khế lý; Đức Phật là một vị lương y tài ba “tùy bệnh cho thuốc”, chữa lành mọi căn bệnh cho chúng sinh. Giống như ba loài thú voi, ngựa, thỏ đều có thể bơi qua sông, chúng bơi lặn trong nước sâu cạn khác nhau, nhưng độ sâu của sông thì không khác.
Liên quan đến vấn đề “sâu cạn”, có thể kể đến câu chuyện Lương Võ Đế thỉnh hỏi Ngài Bồ Đề Đạt Ma: “Trẫm từ khi chấp chính đến nay, xây chùa độ Tăng, không ngừng hành thiện, cho hỏi có công đức gì?” Sư tổ Đạt Ma trả lời: “Không có công đức!” Lương Võ Đế giống như bị tạt gáo nước lạnh, trong lòng nghĩ: “Ta làm biết bao nhiêu việc thiện, ông không những không ca ngợi mà còn nói không có công đức là sao?” Bởi thế nên Lương Võ Đế không có thiện cảm với Đạt Ma sư tổ. Biết mình không có duyên với vua nên Đạt Ma sư tổ cũng lặng lẽ rời đi. Câu chuyện này cho thấy bởi tầm hiểu biết sâu, cạn không tương ưng cho nên không thể cùng đàm đạo. Hoàn cảnh, không gian và thời điểm gặp nhau không thích hợp nên duyên chỉ ngắn chẳng lâu dài.
Nói đến sâu cạn chúng ta thấy, nước có sâu cạn, suy nghĩ của con người cũng có cạn sâu; tri thức trên đời cũng có sâu cạn, biển Phật pháp vô bờ nhưng cũng cạn sâu tùy chỗ. Biển sâu giúp cho tàu thuyền lớn đi lại thuận lợi; biển rộng nên nuôi dưỡng các loài sinh vật phát triển phong phú, đa dạng; biển cạn thì con người có thể ở trong đó mà bơi lội. Do đó, trong mọi việc chúng ta cần phải có thái độ ứng xử linh hoạt, “cần sâu thì sâu”, “cần cạn thì cạn”, “sâu cạn tùy thời”.