Có người cho rằng, muốn biết sức mạnh của một quốc gia thì không phải chỉ nhìn vào tài lực kinh tế, đất đai, dân số; càng không phải nhìn vào các tòa nhà cao ốc hay trung tâm thương mại, mà quan trọng hơn cần phải nhìn vào nền giáo dục của quốc gia ấy.
Giáo dục cũng không đơn thuần chỉ xem có bao nhiêu trường đại học, trung học, tiểu học, mà cần xem có bao nhiêu người trong đất nước ấy được đi học. Chẳng hạn, ở Nhật Bản hiện nay không có ai mù chữ, điều này cho thấy nền giáo dục của Nhật Bản ngày càng phát triển.
Cho dù là giáo dục toàn dân cũng phải xem chất lượng của sự giáo dục như thế nào. Để có chất lượng giáo dục tốt thì chúng ta phải có kế hoạch xây dựng mỗi một khu phố có một thư viện cộng đồng, mỗi một thôn xóm có một trung tâm văn hóa, mỗi một huyện thị có một bảo tàng. Đặc biệt phải coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi, trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được nền giáo dục chất lượng cao.
Trong các loại giáo dục, giáo dục quân sự được xem là nền giáo dục tiên tiến nhất. Giáo dục quân sự tiên tiến vì có mục tiêu, kế hoạch và phương pháp rõ ràng, đầy đủ toàn vẹn. Đặc biệt, giáo dục quân sự chú trọng “ngũ dục tịnh tiến”, tức là tiến hành cùng lúc 5 loại giáo dục, gồm: “đức, trí, thể, quần, mỹ”. Giáo dục trong quân đội chú trọng tính hòa đồng cuộc sống, tinh thần đồng đội, trung thành, phục tùng sự lãnh đạo của người đứng đầu; có ý thức về danh dự và trách nhiệm của bản thân với nhân dân, với tổ quốc. Những điều này giáo dục phổ thông chưa thể đạt được.
Có nhiều quốc gia trên thế giới tập trung ưu tiên đầu tư cho giáo dục quân sự. Chi phí quốc gia bỏ ra để đào tạo và giáo dục cho quân nhân là rất lớn. Nhân tài do nền giáo dục quân sự đào tạo ra đa số đều trung trinh, dũng cảm, giỏi giang, không ngại hiểm nguy, có tình yêu đất nước, tinh thần dân tộc, đặc biệt là tính cương trực, dứt khoát.
Có thể thấy, nhân cách, phẩm chất, phong thái của một con người sẽ quyết định đến sự thành công của họ. Chẳng hạn, ngoại hình và phong thái của một số quân nhân, như Diệp Kiếm Anh và Lưu Bá Thành ở Trung Quốc đại lục, MacArthur ở Mỹ, Nogi Maresuke ở Nhật Bản,... cho đến nay vẫn còn khiến người ta phải kinh ngạc.
Ngày nay, thứ có thể so sánh với giáo dục quân sự chính là giáo dục Tăng Ni (Tăng đoàn) của Phật giáo. Ví dụ, tại Học viện Tòng lâm của Phật Quang Sơn, mỗi ngày, các vị học Tăng phải thức dậy từ bốn giờ sáng, toàn thể tham dự thời khóa công phu khuya. Tiếp theo toàn thể Tăng chúng cùng nhau dùng điểm tâm sáng, rồi sau đó lại chia nhau quét dọn vệ sinh và hoàn thành các công việc theo nhiệm vụ của mình. Bình thường các học Tăng không thể xin nghỉ, mỗi ngày đều lao động phục vụ, bổ củi gánh nước, nấu ăn cho đại chúng. Trong quân đội, các quân nhân không được phép đi qua đêm; trong Phật học viện, các học Tăng cũng không được phép ngủ qua đêm ở bên ngoài. Có thể nói, “quân quy” và “thanh quy” tỏa sáng lẫn nhau.