TTôi đã từng yêu cầu những người đứng đầu các bộ phận khác nhau của chính phủ tổ chức một chuỗi các bài giảng và hội thảo để thảo luận các chủ đề tùy theo lĩnh vực và năng lực tương ứng của họ. Trong số nhiều vấn đề khác nhau, họ đã tập trung vào những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như dịch vụ cho cộng đồng cũng như nâng cao nguồn nhân lực và kỹ năng sáng tạo.
Vì các cuộc họp được đề xuất nhằm làm sáng tỏ những vấn đề mà tiến trình phát triển của chúng tôi sẽ phải đối mặt, xác định mục tiêu và lợi ích từ kinh nghiệm chung của chúng tôi, nó đã gợi ý rằng tôi cần có những bài diễn văn mở và tập trung vào chủ đề lãnh đạo. Tôi cho rằng bản năng lãnh đạo nằm sẵn trong máu của mình, tôi đã chấp nhận, và nghĩ là sẽ không có gì khó khăn cả.
Nhưng khi thời hạn đến gần hơn, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho bài diễn văn và tôi đã sớm nhận ra rằng, đảm đương trách nhiệm lãnh đạo là một việc, giải thích nó lại là một việc hoàn toàn khác. Dù tôi có thể nói về các bộ phận khác nhau của Chính phủ Dubai một cách dễ dàng và đảm nhận chức năng lãnh đạo mỗi giờ trong cuộc đời mình, tôi vẫn thấy đó là một chủ đề đầy thử thách.
Đương nhiên, chúng ta đều biết “người lãnh đạo” và “khả năng lãnh đạo” là gì, nhưng điều mà chúng ta có xu hướng quên là có những kiểu người lãnh đạo và những khả năng lãnh đạo khác nhau. Lãnh đạo của một nhóm người tuyển trạch không giống lãnh đạo quân đội hay đất nước. Trong khi hầu hết mọi người đều được trang bị để lãnh đạo trong một khu vực hạn chế, lãnh đạo một đất nước và quốc gia đòi hỏi nhiều hơn thế. Nhiều người cho rằng người lãnh đạo được sinh ra chứ không phải được tạo ra, điều này có thể đúng hoặc sai. Nhiều người khác nói rằng khả năng lãnh đạo không thể học được, bởi vì đó là điều bạn có hoặc không bao giờ có.
Trên cơ sở kinh nghiệm và quan sát, chúng tôi có thể nói với niềm tin hợp lý rằng khả năng lãnh đạo là tài năng mà một vài người có và những người khác thì không. Ngay cả khi chúng tôi chủ động, về mặt lý thuyết, xác định tất cả những phẩm chất cần thiết của một người lãnh đạo và “cấy ghép” những phẩm chất đó vào một người nhất định, thì cũng không thể tạo ra một người lãnh đạo. Cấy ghép một phẩm chất duy nhất vào một cá nhân cũng đã là một điều rất khó thực hiện, vậy hãy tưởng tượng sẽ là tham vọng thế nào nếu cấy một tập hợp các phẩm chất tinh vi và phức tạp. Chắc chắn đó là nhiệm vụ gần như bất khả thi trong các hoàn cảnh sinh học, xã hội và chính trị khác nhau.
Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng không có cái khuôn nào mà chúng ta có thể đặt các phẩm chất của con người vào đó và tạo ra một nhà lãnh đạo. Không phải là bất cứ ai sinh ra vào ngày thứ Sáu, vào đầu tháng và tốt nghiệp Sandhurst, West Point, Oxford, Harvard – hay một số các học viện quân sự hay đại học nổi tiếng khác – là phù hợp để trở thành lãnh đạo. Vì thế mà tôi nói rằng khả năng lãnh đạo là một trong những vấn đề khó giải thích nhất.
Tôi tin rằng một trong những nguyên nhân của nó liên quan đến tài năng, cảm giác và sức mạnh mà một người lãnh đạo có được. Những đặc điểm này không dễ dàng đo đếm hay xác định, điều đó giải thích vì sao một số người miêu tả họ với những từ như “kỳ diệu” hay “tinh nhuệ”. Cá nhân tôi thích nói về “tinh thần lãnh đạo” hơn. Tinh thần lãnh đạo không thể được cấy ghép hay loại bỏ, bởi vì nó đã ăn sâu vào gia hệ, giáo dục và bản năng, trong khi những nhánh của nó được hoàn thiện bởi một số nhân tố như thời gian, sự khôn ngoan, khoa học, chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, sự tương tác với người khác và đồng hóa các kỹ năng của họ.
Khả năng lãnh đạo và sự vượt trội
Lịch sử cho ta thấy có những kiểu nhà lãnh đạo khác nhau, hầu hết họ đều nổi tiếng nhờ các sự kiện, những hoàn cảnh mà qua đó họ được lịch sử xếp vào hàng lãnh đạo. Một kiểu lãnh đạo hiếm hơn là những người sử dụng sự khôn ngoan, thông minh và kỹ năng lãnh đạo của mình để tạo ra những sự kiện định hướng cuộc sống và sau đó là lịch sử. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tài năng nhất là người không chỉ định hướng cho hiện tại, mà còn định hướng một phần lớn cho tương lai.
Mặc dù lịch sử Ả Rập và thế giới có nhiều tấm gương về những nhà lãnh đạo như vậy, nhưng nếu xét lại phần lịch sử mà tôi đã chứng kiến, người tôi thường nghĩ đến là hoàng thân Zayed. Mối quan hệ của tôi với hoàng thân Zayed tràn ngập tình yêu thương và lòng chân thành, như là của một người cha và con trai. Hoàng thân Zayed nhận được tình yêu của mọi người xung quanh ông, trong sự tôn kính vô cùng họ dành cho những công việc khó khăn cũng như những thành tích của ông. Ông rất thẳng thắn và mong muốn mọi người thẳng thắn với ông. Đó là điều mà ông đã chỉ dạy cho tôi và đây cũng là điều khiến tôi tôn kính ông.
Tôi đã giải thích cách hoàng thân Zayed cho tôi thấy con đường chinh phục những điều không thể và bây giờ tôi có thể nói thêm rằng, ông còn dạy tôi về ý nghĩa đích thực của tình yêu. Không một ai đã từng gặp hoàng thân Zayed lại có thể không kính yêu ông ấy vì sự minh bạch, tinh thần Ả Rập thực sự, sự đơn giản, đức tin và lập trường chính trị ngay thẳng. Khi nói chuyện, ông không bao giờ cố làm vui lòng ai, mà chỉ tìm cách làm vừa lòng Thánh Allah và lương tâm của mình.
Ông có đức tin vào Thánh Allah, vào đất nước của ông, vào người dân của ông và vào chính ông. Ông là người nói đi đôi với làm, là người luôn giữ lời hứa và giúp đỡ những người láng giềng. Đó là phẩm chất của một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng thêm nữa, một món quà quý giá từ Thánh Allah – ông may mắn có được tình yêu của người dân. Một nhà lãnh đạo có thể được mọi người sợ hoặc tôn trọng, nhưng để được kính yêu một cách thực sự bởi người dân của mình là điều mà mọi nhà lãnh đạo luôn mong muốn đạt được.
Hoàng thân Zayed cũng đã dạy chúng tôi rằng sự lãnh đạo là tất cả hoạt động hàng ngày và không chỉ là lý thuyết. Lãnh đạo, như ông đã thực hành nó, là khái niệm về con người và xã hội vượt qua cả sự suy nghĩ. Nó cũng là sự xác định, tự tin, tầm nhìn xa và phán đoán tốt.
Khi tất cả hoặc phần lớn những người liên quan chấp nhận một ý kiến mà bạn vừa đề xuất và thực hiện nó thành công, sẽ không ai phủ nhận rằng bạn đã đạt được thành tựu. Nhưng theo ý kiến của tôi, sự xuất sắc thực sự là khi bạn đề xuất một ý kiến có thể tốt, nhưng không nhất thiết phải được mọi người chấp nhận ngay lập tức, và bạn phải vượt qua những thử thách để thực hiện nó.
Nó không thể được hoàn thành qua tầm nhìn thông thường, mà đòi hỏi một người lãnh đạo đi trước thời đại và nhìn về phía tương lai; một người không chỉ mơ tưởng, mà có một tầm nhìn thực sự và đi theo con đường phát triển đúng – một người lãnh đạo sẽ dẫn người dân của mình đến một tương lai tốt hơn.
Làm sao tôi có thể chứng minh điều đó? Cũng nhiều người, từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và nước ngoài, đã chỉ trích hoàng thân Zayed vì đã cho khoan giếng phun ở sa mạc và sử dụng nước cho trồng trọt. Họ nói việc đó sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tái tạo, gây thiệt hại nặng nề cho môi trường và đảo lộn sự cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên không ai trong số những người chỉ trích biết được kích thước thực tế của hồ chứa nước ngầm, họ tiếp tục chỉ trích ý tưởng đó.
Thời gian qua đi, nguồn nước vẫn dồi dào và không có nỗi lo sợ nào của những người chỉ trích thành hiện thực, và hoàng thân Zayed đã được chứng minh rằng ông đúng. Trong quá khứ, người dân đi lại giữa Abu Dhabi(20) và Al Ain(21) sẽ chết khát nếu họ không có đủ nước cho hành trình dài. Hoàng thân Zayed đã biến hành trình đó trở thành một chuyến lái xe hấp dẫn trên một đường cao tốc siêu hiện đại bao quanh bởi các trang trại, vườn cọ và cây xanh vô tận.
Trên thực tế, hoàng thân Zayed đã biến vùng đất rộng của Tiểu quốc Abu Dhabi thành ốc đảo lớn nhất thế giới ở một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Tất cả những việc này đều có thể thực hiện là bởi nguồn nước dự trữ lớn mà ông đã đưa vào sử dụng và hiện được dự đoán là sẽ kéo dài nhiều thập kỷ nữa.
Ví dụ thứ hai về giá trị của sự lãnh đạo có tầm nhìn đúng đắn đến từ người cha quá cố của tôi, hoàng thân Rashid. Ông cũng đã chọn một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới – và một trong những khu vực xa xôi, cô lập nhất của Dubai – để đầu tư hàng trăm triệu đô la vào xây dựng cảng nhân tạo lớn nhất thế giới, khu vực tự do thương mại và công nghiệp lớn nhất vùng Vịnh.
Mặc dù các dự án này đã bị chỉ trích rộng rãi khắp thế giới, cha tôi đã chứng minh rằng ông biết những gì ông đang làm và đã xác định chính xác những lợi ích to lớn mà cơ hội hiếm có này sẽ mang lại trong tương lai. Ông đã nắm lấy cơ hội và thành công với nỗ lực của mình.
Ông đã chứng minh điều gì khác?
Ông đã chứng minh rằng một người lãnh đạo vĩ đại nên tận dụng những cơ hội tốt bất cứ khi nào có thể – và nếu anh ta không thể tìm thấy một cơ hội như thế, anh ta nên tạo ra nó.
Phẩm chất lãnh đạo
Một người lãnh đạo có thể có khả năng thấy trước những điều mà người khác không thấy. Đó là một trong những phẩm chất tạo nên những nhà lãnh đạo thực thụ. Họ phải luôn nhìn về phía trước, xa hơn bất cứ ai khác, để dự đoán tương lai, dự kiến những thử thách mà tương lai sẽ mang đến, và chuẩn bị cho người dân của họ đối mặt với chúng. Chúng ta không thể ngồi yên và nói rằng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai, bởi vì nếu chúng ta để các sự kiện quyết định tương lai của chúng ta, chúng sẽ tạo ra một kịch bản mà chúng ta không mong muốn. Khi chúng ta để những người khác làm nên tương lai của chúng ta, họ sẽ cho chúng ta một tương lai mà họ muốn chứ không phải tương lai mà chúng ta dự tính.
Nếu chúng ta không lựa chọn tương lai, chúng ta sẽ lựa chọn quá khứ. Quá khứ của chúng ta vinh quang, nhưng nó không làm nên hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta không bị buộc phải giải phóng mình khỏi quá khứ, bởi vì nó sống trong tâm tưởng của chúng ta, nhưng chúng ta phải giải phóng mình khỏi việc ở mãi trong quá khứ. Hiện tại của chúng ta nên là điểm bắt đầu và tương lai là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta phải quyết định xây dựng tương lai của mình như thế nào.
Khi những người lãnh đạo có khả năng dự kiến được tương lai – cũng như con đường dẫn tới nó – họ là những người cừ nhất để hoàn thành lời hứa của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thất bại vì một lý do nào đó, chúng ta phải giao lại quyền lãnh đạo cho những người khác có năng lực hơn trong việc thực thi tầm nhìn. Chúng ta phải lên kế hoạch, nỗ lực, đổi mới và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của chúng ta, và sau đó thì hãy để Thánh Allah làm phần còn lại.
Tôi xem các quan chức của Chính phủ Dubai là những nhà lãnh đạo của nhân dân vì những trách nhiệm trọng yếu và vị trí cao cấp của họ trong chính phủ. Mặc dù tôi có thể cho lời khuyên, hướng dẫn và động viên để giúp chúng tôi đạt được mục tiêu chung, tôi không thể khiến mỗi người trong số họ và tất cả họ trở thành lãnh đạo.
Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng những phẩm chất của một nhà lãnh đạo ở tất cả các mức độ, như là từ chân đến đỉnh của một kim tự tháp. Mọi quan chức đều có thể xác định được liệu họ có những phẩm chất để trở thành lãnh đạo hay không. Nếu họ kết luận rằng họ không có tư chất đó, họ có thể quyết định nâng cao năng lực, thu nhận những kỹ năng mới và khám phá những tiềm năng của chính mình, như vậy họ có thể hoàn thành những trách nhiệm của họ tốt nhất có thể.
Các phẩm chất lãnh đạo ở mọi mức độ nên bao gồm những điều sau đây (để đơn giản, tôi sử dụng giới tính nam trong danh mục dưới đây và ở những nơi khác, nhưng phải nói thêm rằng một nhà lãnh đạo có thể là nam hoặc nữ):
1. Khả năng dẫn dắt, đi đầu và nói với những người theo sau anh ta rằng “đây là mục tiêu của chúng ta, hãy theo tôi đến đó,” thay vì nói, “tôi ở ngay phía sau bạn”.
2. Đặt lợi ích của dân chúng lên hàng đầu, là hiện thân cho nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu của họ và xây dựng một chương trình có thể đạt tới những mục tiêu này, thông qua một hoặc nhiều tầm nhìn với đối tượng cụ thể và các giai đoạn thực hiện.
3. Thông qua những quyết định để hoàn thành mục tiêu trong tầm nhìn của anh ta, và sẵn sàng chiến đấu với các xung đột, ngay cả khi không phải tất cả các thành viên trong nhóm đồng ý với anh ta.
4. Gánh vác trách nhiệm và đảm đương trách nhiệm đó một cách tốt nhất có thể. Những nhà lãnh đạo thực thụ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định sai lầm. Họ cần phải chuẩn bị để nói “tôi là người lãnh đạo và tôi là người gây ra những sai lầm này”, và mặt khác, tạo niềm tin cho các thành viên trong nhóm của anh ta. Một nhà lãnh đạo thực sự không lẩn tránh hậu quả, cho dù nó có nặng nề như thế nào. Anh ta đảm nhận trách nhiệm và thậm chí là tìm kiếm trách nhiệm.
5. Đối mặt với bất kỳ sự chỉ trích nào, đối mặt với những khó khăn ngăn cản anh ta đạt được những mục tiêu và loại bỏ bất kỳ trở ngại nào cản bước con đường tới thành công. Một nhà lãnh đạo phải đáp ứng những mong đợi của nhóm và luôn làm gương cho những người đi theo. Điều đó không có nghĩa là anh ta nên giải quyết tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ hay anh ta phải luôn tuân thủ chuỗi mệnh lệnh, mà mọi thành viên của nhóm phải hiểu và tuân theo chuỗi mệnh lệnh này.
6. Trao quyền cho người khác. Điều này nói thì dễ hơn làm, bởi vì, sau tất cả, chúng ta là con người và nhiều người có xu hướng vị kỷ, thiếu sức mạnh, sự khiêm tốn của một nhà lãnh đạo thực thụ, luôn cho mình được ưu tiên hơn người khác.
7. Bàn bạc và tham gia vào các cuộc đối thoại. Thánh Allah kêu gọi những người Hồi giáo thành tín hãy bàn bạc với người khác. Kinh Coran có nói: “Và tham khảo ý kiến của họ trước khi tiến hành công việc”(22). Nhà tiên tri Mohammed của chúng ta là một minh chứng cho tầm quan trọng của việc thảo luận, bàn bạc. Abu Hurairah(23), một trong những người bạn học của nhà tiên tri đã nói: “Tôi chưa từng thấy ai thảo luận với những người bạn của mình nhiều hơn sứ giả Mohammed”. Một lời khuyên tốt có thể sửa một bước đi sai và những sai lầm khác. Một số người lãnh đạo hếch mũi lên trong quá trình thảo luận và xem thảo luận là một dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng tôi tin rằng việc thảo luận càng tăng cường sức mạnh của người lãnh đạo cũng như sự kính trọng của các đồng sự đối với người lãnh đạo. Khi hoàng thân Zayed yêu cầu tôi đưa ra quan điểm về một vấn đề nhất định, tôi đã từng tự hỏi tôi có thể nói điều gì, khi mà tôi biết rõ rằng ông đã biết nhiều hơn tôi vấn đề và các giải pháp của nó. Người lãnh đạo luôn luôn cố gắng thu nhận kiến thức từ những người xung quanh anh ta, bởi vì không ai thực sự biết ý tưởng hay gợi ý sáng suốt sẽ tiếp diễn như thế nào. Họ nhận thức được và nhận ra rằng họ không thể đánh giá con người chỉ bởi vẻ bề ngoài và vị trí của anh ta. Việc tham khảo ý kiến cũng có những lợi ích khác, như là một cách chắc chắn để thúc đẩy những hiểu biết và quyết định tốt hơn. Điều đó cũng có thể mở rộng tầm nhìn của người lãnh đạo và giúp cho người lãnh đạo trong việc ra quyết định. Nếu những ý kiến tư vấn là đáng tin cậy và chân thành, can đảm và thẳng thắn, thì sự tham vấn có thể là một quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình. Nó không làm yếu đi vị thế của người lãnh đạo, ngược lại nó làm mạnh hơn cho vị trí đó, bởi vì mục tiêu cuối cùng của anh ta là phục vụ cho lợi ích công chứ không phải là lợi ích cá nhân.
8. Một người lãnh đạo nên đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho chính anh ta và nhóm của mình, như vậy thì anh ta mới có thể tương tác với họ và có một cam kết rõ ràng của bản thân mình với các mục tiêu. Nếu mất đi sự cam kết và tương tác này, anh ta sẽ mất khả năng nhìn mọi việc một cách sáng rõ và cả anh ta cùng những người cộng sự có thể sẽ lạc khỏi con đường đúng đắn.
9. Một nhà lãnh đạo biết tìm sức mạnh của mình từ đức tin vào Thánh Allah, vào đất nước và quyết định của chính anh ta – chứ không phải từ những người bảo hộ hay tùy tùng của mình.
10. Người lãnh đạo phải tự tin như một bản tính tự nhiên. Nếu không như thế, anh ta sẽ không có khả năng tin một ai cả. Một người lãnh đạo thực thụ phải tin vào nhóm, đất nước và người dân của mình, và liên kết niềm tin này với quyết định của chính anh ta để thực hiện tầm nhìn và lên kế hoạch trong mọi trường hợp.
11. Kiến thức là điều cơ bản để ra quyết định đúng. Một người lãnh đạo phải biết thực thi công việc của mình và sở hữu những phẩm chất về tinh thần, thể chất cho phép anh ta đảm nhận trách nhiệm. Một người lãnh đạo không làm việc theo giờ, không có ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Anh ta phải luôn minh mẫn và sẵn sàng ra quyết định cần thiết bất kể ngày đêm. Chúng ta không thể mong muốn người lãnh đạo phải là một nhà hùng biện hay nhà văn hoàn hảo, nhưng anh ta phải đủ lưu loát để thể hiện bản thân một cách rõ ràng. Các sĩ quan dự bị của chúng ta ở học viện quân sự phải cố gắng làm chủ kỹ năng này. Một người lãnh đạo phải biết làm thế nào để hướng dẫn cho nhóm của mình hiểu được rõ ràng nhiệm vụ trước khi họ thực hiện, không có cơ hội cho sự hiểu lầm và sai sót. Việc sử dụng các ý tưởng phức tạp, những hình ảnh mơ hồ và ngôn ngữ khó hiểu với các từ ngữ “đao to búa lớn” sẽ lãng phí thời gian và gợi ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Một số sẽ không thực sự lắng nghe những hướng dẫn kiểu này, trong khi số khác có thể hiểu chúng không chính xác. Điều này tạo ra khoảng trống lớn cho những cách hiểu và hành động khác nhau. Một người lãnh đạo phải sử dụng ngôn ngữ đơn giản, phổ thông, giải thích một cách rõ ràng, không quá nhiều chi tiết, tránh cách nói lòng vòng và lặp đi lặp lại.
12. Một người lãnh đạo cũng nên xác định rõ ràng thông điệp mà anh ta muốn chuyển tải và cẩn trọng lựa chọn từ ngữ mà anh ta dùng. Bài phát biểu không phải cách giao tiếp duy nhất giữa người với người, người lãnh đạo cần phải luôn theo dõi các phản ứng và hành vi của người nghe. Anh ta phải chọn từ cho đúng trường hợp và trình bày những ý tưởng được khớp nối liền mạch bằng một giọng nói rõ ràng, sử dụng những cử chỉ hài hòa, và một kỹ thuật trình bày thể hiện sự lãnh đạo và xuất chúng, như thế sẽ làm tăng thêm niềm tin của cấp dưới và củng cố hình ảnh của anh ta. Nói lắp, do dự, trình bày tầm thường và nhắc lại quá nhiều không phản ánh một nhà lãnh đạo tốt.
13. Trách nhiệm của bất kỳ người lãnh đạo nào là phải thuyết phục người dân chấp nhận tầm nhìn và mục tiêu của mình, từ đó tranh thủ sự hợp tác toàn diện của họ trong quá trình thực hiện tầm nhìn. Hơn nữa, anh ta phải luôn sẵn sàng để bảo vệ cho quyết định và tầm nhìn của mình bằng cách sử dụng sức mạnh thuyết phục, cách nói chuyện hợp lý và những dữ liệu chính xác.
14. Mặc dù lòng trung thành của cấp dưới đối với người lãnh đạo là quan trọng, sự tận tâm của lãnh đạo đối với cấp dưới còn quan trọng hơn. Cùng với nó là lòng tin và sự tôn trọng. Có những mối quan hệ được kết nối và liên kết trong một chuỗi; và khi một trong những điều đó bị phá vỡ, dù cho là bởi lý do gì, niềm tin cũng sẽ suy giảm và sẽ vô cùng khó khăn để hồi phục. Vì vậy, quan trọng là không bên nào trong mối quan hệ này đẩy bên kia vào việc đánh mất niềm tin.
15. Phải nói rằng khi một người lãnh đạo biết khuyến khích và động viên các thành viên trong nhóm của anh ta, các thành viên sẽ thích thú với công việc và được truyền cảm hứng để đạt những thành tựu lớn hơn.
16. Một nhà lãnh đạo nên là biểu tượng của cộng đồng và là tấm gương sống cho thế hệ trẻ. Người lãnh đạo thành công phải là thước đo cho nhóm của mình – làm sao mà anh ta có thể trông mong sự cam kết từ các cộng sự trong khi bản thân anh ta không thực sự gắn với cam kết? Người lãnh đạo làm sao có thể mong chờ nhóm của mình được sự tôn trọng của công chúng và phục vụ tốt công chúng nếu bản thân anh ta không tôn trọng các thành viên của nhóm, không giải quyết các vấn đề của nhóm hay không tương tác đủ với nhóm? Người Ả Rập có một câu cách ngôn là: “Hãy làm gương cho họ và bạn sẽ có được tài khéo của họ”. Một người lãnh đạo do đó cần là tấm gương của sự khiêm tốn, phẩm chất cá nhân, gánh vác trách nhiệm, công bằng và khách quan.
Những yếu tố hữu hình và vô hình của khả năng lãnh đạo
Một số thành viên trong nhóm hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn của họ, do đó bắt buộc người lãnh đạo luôn phải tìm kiếm sự cố vấn của các chuyên gia, những người có hiểu biết sâu rộng, sau đó tổng hợp các ý kiến để có thể đi đến một quyết định đúng đắn. Bất cứ ai cũng có thể đưa ra các đề xuất, nhưng duy nhất người lãnh đạo là người đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì anh ta là người gánh vác trách nhiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn chấp nhận công thức “nhiều suy nghĩ, một quan điểm”.
Đôi khi, một sự kiện không lường trước được có thể cản trở việc thực hiện một ý tưởng đã được người lãnh đạo hình thành và lên kế hoạch. Trong trường hợp này, người lãnh đạo nên sử dụng kỹ năng quản lý rủi ro của mình – anh ta phải tìm hiểu nguyên nhân, xác định hình thức khắc phục tốt nhất và hướng dẫn các công chức liên quan thực hiện những biện pháp đề phòng cần thiết, nhằm tránh tái diễn sự gián đoạn.
Điều ngược lại cũng có thể xảy ra, như khi có một chất xúc tác bất ngờ đẩy nhanh tiến trình của dự án khiến nó diễn ra nhanh hơn và đem lại lợi ích lớn hơn dự kiến ban đầu. Chẳng hạn, hãng hàng không Emirates, đã khởi đầu với hai máy bay phản lực thuê năm 1985, sau đó nhanh chóng phát triển thành một hãng hàng không quốc tế tầm cỡ với một hạm đội dự kiến là có đến 150 máy bay phản lực vào năm 2012(24).
Đó là nhờ may mắn hay điều gì khác? Một vài người cho rằng thành công là nhờ sự may mắn của người lãnh đạo, nhưng người lãnh đạo may mắn nhất là người tạo ra sự may mắn cho mình.
Cơ hội phải được tạo ra, chúng không có sẵn và chờ đợi một người nào đó đến nắm lấy. Một người lãnh đạo thực sự phải tạo ra cơ hội cho chính mình và luôn sẵn sàng để nắm lấy cơ hội nhanh nhất có thể. Một người lãnh đạo thực thụ và độc đáo không được kiêu ngạo, hạ mình, quá tự tin và nghĩ rằng mình không bao giờ sai. Nhà tiên tri Mohammed từng nói: “Không ai với một chút đức tin trong tim sẽ phải xuống địa ngục và không ai với một chút kiêu ngạo trong tim sẽ được lên thiên đàng”(25).
(24) Hãng hàng không Emirates hiện nay đang vận hành hơn 180 máy bay phản lực.
(25) Sura Al Omran, v.159.
Một người lãnh đạo phải biết rằng việc thực hiện một hay hai dự án thành công không mang lại cho anh ta quyền được cảm thấy mình ở vị trí cao hơn mọi người và bắt đầu khoe khoang. Đây là những triệu chứng sẽ khiến người lãnh đạo tin rằng anh ta không thể sai lầm. Một khi người lãnh đạo rơi vào điểm này, anh ta bắt đầu suy thoái và đưa chính anh ta cùng với quốc gia đi xuống một hố sâu không đáy.
Quan sát cách các nhà lãnh đạo như vậy trong thế giới Ả Rập và những nơi khác trên thế giới dẫn dắt người dân của họ, không phân biệt quốc gia, cho thấy tất cả đều là những nhà độc tài, như thể là họ đều tốt nghiệp từ một trường vậy. Tuy nhiên, những nhà độc tài mới dường như không nghiên cứu lịch sử, họ phớt lờ thực tế là mọi nhà độc tài cuối cùng đều thất bại, họ đưa đất nước họ cùng với bản thân vào hố thẳm, họ phá hủy không chỉ những thành tựu của chính họ mà của cả những tiền nhân.
Chúng ta đang ở đoạn đầu của con đường và do đó không có lý do gì để kiêu ngạo. Dù chỉ có người lãnh đạo chịu trách nhiệm cho sự thất bại nhưng những kẻ nịnh bợ có thể mở đường cho một số nhà lãnh đạo rơi vào cạm bẫy. Một nhà lãnh đạo phải chọn được những cộng sự có thể đưa ra những lời khuyên tốt và chân thành ở cạnh anh ta, đó không phải là những người cố vấn cho anh ta ngày hôm nay và lừa dối anh ta vào ngày mai. Một người lãnh đạo thực thụ phải từ chối sự nịnh bợ, bởi vì anh ta không cần một ai để nói với anh ta rằng anh ta là lãnh đạo. Anh ta đã biết mình là ai.
Bất cứ ai ngưỡng mộ người lãnh đạo, tìm kiếm sự tôn trọng và niềm tin vào người lãnh đạo, sẽ là người thẳng thắn với anh ta, nói cho anh ta về những khiếm khuyết, sai lầm và khuyến nghị với anh ta con đường đúng đắn. Thêm nữa, để tránh những kẻ nịnh bợ và những tiểu tiết vụn vặt, người lãnh đạo cần tập trung vào tự giác kỷ luật, quản lý các hành vi của mình và áp dụng các nguyên tắc hành xử đúng đắn. Anh ta cũng cần nhận thấy tầm quan trọng của vị trí của mình, hiểu được giới hạn quyền lực của mình, khả năng của người dân và quốc gia, đồng thời dành thời gian, nỗ lực và trí tuệ của mình để phục vụ cho người dân.
Đương nhiên là có nhiều kiểu lãnh đạo, và sự khác biệt giữa khả năng và năng lực của họ đôi khi khó có thể hiểu rõ. Một số khả năng và năng lực có thể là hữu hình, nhưng khả năng lãnh đạo thì không.
Tôi đã nói về “tinh thần lãnh đạo” và bây giờ tôi muốn mở rộng nó. Một người lãnh đạo đôi lúc có thể cảm thấy anh ra đã ra một quyết định đúng, như người ta thường nói là “theo trái tim mách bảo”, nhưng niềm tin này cũng có thể bị che mờ bởi những lo lắng vô cớ. Anh ta có thể tự hỏi: “Cái gì đó trong tôi đã khiến tôi quyết định như thế này mà không phải khác?”. Điều đó có nghĩa là một người có bản năng lãnh đạo mà đôi lúc anh ta không thể giải thích được.
Nhưng làm thế nào một người lãnh đạo làm được điều đó và từ đâu mà anh ta có được quyền lực như vậy? Đó có phải là kết quả của những kiến thức tích lũy, kinh nghiệm sống và thông tin chính trị, kinh tế và xã hội? Hay nó có gốc rễ từ trong tiềm thức? Nó có phải từ trong gen của anh ta? Làm sao để người lãnh đạo biết đâu là quyết định đúng và đâu là quyết định sai? Đó có phải là một quyền lực bẩm sinh bao gồm tất cả các yếu tố trước đó cùng với các yếu tố khác, mà chúng ta không biết gì về nó? Và làm thế nào mà chúng ta có thể sở hữu sức mạnh này?
Tóm tắt lại, tôi có thể nói rằng mỗi người lãnh đạo đều được ưu đãi những đặc điểm, phẩm chất và năng lực trong ý thức, tiềm thức và bối cảnh sống xung quanh anh ta. Khả năng lãnh đạo xuất sắc là một sản phẩm tự nhiên của sự sáng tạo liên tục, làm việc chăm chỉ và sức mạnh để tạo động lực cho người khác. Đây không phải là những sự miêu tả cuối cùng bởi vì khả năng lãnh đạo là quá trình liên tục.
Như đã nói trong phần đầu của chương này, tôi xem khả năng lãnh đạo là một trong những khái niệm khó giải thích nhất và tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhắc lại điều đó trong phần cuối.