Trong xã hội hiện đại, thẻ tín dụng ngày càng phổ biến, nó là một loại thẻ thanh toán cho phép chúng ta được quẹt thẻ chi trả cho việc tiêu dùng trước rồi mới phải hoàn trả tiền vào lại thẻ sau. Các tổ chức tài chính sẽ căn cứ vào năng lực thanh khoản, mức thu nhập, tín dụng, v.v. của khách hàng để phát hành thẻ tín dụng với các hạn mức tiêu dùng khác nhau cho từng khách hàng. Thông thường, dựa trên hạn mức tiêu dùng, thẻ tín dụng này có thể được phân ra nhiều cấp khác nhau như thẻ kim cương, thẻ bạch kim, thẻ vàng, thẻ bạc, thẻ phổ thông, v.v.
Thế nhưng, có người có tính vung tay quá trán, có thẻ tín dụng liền quẹt thỏa thích, cuối cùng không đủ tiền để hoàn trả vào thẻ dẫn tới nợ nần chồng chất. Còn có một số kẻ xấu, làm giả thẻ, đánh cắp thẻ và hack thẻ nhằm trục lợi bất chính, đe dọa đến dụng ý tốt đẹp ban đầu của thẻ tín dụng.
Khổng Tử nói rằng: “Người mà không có chữ tín, thì không biết họ có thể làm được việc gì. Xe lớn không có đòn gỗ ngang, xe nhỏ không có đòn gỗ cong, thì làm sao mà đi được?”1 Chữ tín là cái gốc để xác định địa vị của một người trong giao tiếp và xử thế. Bởi thế thẻ tín dụng do tổ chức tài chính phát hành cũng đại diện cho thân phận của chủ thẻ, tuy nhiên địa vị cao hay thấp này, chỉ là dựa trên hạn mức thẻ được cấp, cho nên nó không cho thấy toàn bộ cuộc sống của họ.
1 Trích từ Luận ngữ, âm Hán Việt: “Nhân vô tín bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kỳ hà dĩ hành chi tai?”
Vậy “thẻ tín dụng” của đời người là gì? Sách Phó Tử1 viết rằng: “Vua dùng chữ tín để răn dạy bề tôi, thì bề tôi sẽ dùng chữ tín để trung với vua; người cha dùng chữ tín để răn dạy con cái, thì con cái cũng dùng chữ tín để hiếu thuận lại với cha; người chồng dùng chữ tín để đối đãi với vợ, thì người vợ cũng dùng chữ tín mà thuận theo người chồng”. Cho nên, thành tín là tấm “thẻ tín dụng” của đời người; liêm khiết là “thẻ tín dụng” của đời người; thân dân là “thẻ tín dụng” của đời người; trọng nghĩa là “thẻ tín dụng” của đời người; khiêm tốn là “thẻ tín dụng” của đời người; biết lễ biết nghĩa là“thẻ tín dụng” của đời người; tuân thủ pháp luật là “thẻ tín dụng” của đời người; lương thiện là “thẻ tín dụng” của đời người; từ bi là “thẻ tín dụng” của đời người; thành thực là “thẻ tín dụng” của đời người; hiếu thuận cũng là “thẻ tín dụng” của đời người.
1 Bộ sách do Phó Huyền thời Tấn tuyển soạn.
Trong sách Lã Thị Xuân Thu1 có nói rằng: “Vua tôi bất tín, thì dân chúng sẽ chê cười, đất nước sẽ không yên. Quan bất tín thì nhỏ không nghe lớn, người cao kẻ thấp coi thường lẫn nhau. Thưởng phạt bất tín, dân dễ phạm pháp, không nghe theo lệnh. Bạn bè bất tín, thì chia lìa oán hận. Thợ thuyền bất tín, thì tất ra hàng giả, hàng dối, hàng trộn, hàng pha”. Cho nên, “thẻ tín dụng” của một đất nước nằm ở việc giữ chữ tín của người lãnh đạo. Như trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc, Tần Mục Công2 vì giữ chữ tín, mà cho đón Di Ngô - Tấn Huệ Công1 và Trùng Nhĩ - Tấn Văn Công2 về nước làm vua, nhờ đó mà xưng hùng ở Tây Nhung. “Thẻ tín dụng” của vua đối với bề tôi nằm ở chỗ không ỷ thế ép người, như Chu U Vương vì bất tín với các nước chư hầu mà phải bỏ mạng dưới núi Lệ Sơn.
1 Lã Thị Xuân Thu còn gọi là Lã Lãm là bộ sách do Lã Bất Vi, Thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc đứng ra tuyển người soạn và ông làm chủ biên.
2 Tần Mục Công: Tên thật là Doanh Nhậm Hảo, là vị vua thứ 14 của nước Tần - chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.
1 Tấn Huệ Công: Tên thật là Cơ Di Ngô, là vị vua thứ 22 của nước Tấn - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
2 Tấn Văn Công: Tên thật là Cơ Trùng Nhĩ thời Xuân Thu là vị vua thứ 24 của nước Tấn - chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.
Thẻ tín dụng của người làm thầy nằm ở chỗ có học vấn và đức hạnh, như Trang Tử nói: “Ếch trong giếng không thể nói về biển cả, nó chỉ biết về cái hang của nó thôi. Côn trùng mùa hè không thể nói về băng tuyết, nó chỉ biết cái mùa của nó thôi. Đám khúc sĩ không thể nói về Đạo, họ bị trói buộc trong giáo lý của họ”. Cho nên, người làm thầy cần phải có kiến giải và kiến thức phong phú thì mới có thể chỉ dạy tốt cho học trò.
“Thẻ tín dụng” của cha mẹ đối với con cái chính là lấy mình làm gương, như sách Hàn Phi Tử1 có ghi lại rằng: Vợ Tăng Tử2 đi chợ, đứa con khóc đòi đi theo, người vợ liền dỗ con rằng đi chợ về sẽ giết lợn cho nó ăn, sau đó Tăng Tử biết chuyện, vì muốn giữ chữ tín với con trai mà giết lợn thật.
1 Hàn Phi Tử: Là học giả nổi tiếng Trung Quốc thời Chiến Quốc theo trường phái Pháp gia, là học trò của Tuân Tử.
2 Tăng Tử: Là một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử.
Còn “thẻ tín dụng” trong tình cảm bạn bè chính là sự lễ độ, biết nhường nhịn và lòng bao dung chính là như Bào Thúc Nha3 đối với Quản Trọng.
3 Bào Thúc Nha: Là nhà chính trị tài giỏi của nước Tề, cũng là bạn tri kỷ của Quản Trọng.
Thậm chí, “thẻ tín dụng” của doanh nghiệp chính là sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm.
Thẻ tín dụng đẳng cấp nhất của đời người chính là thành thật, giữ lời hứa, chân thành đối đãi nhau, lời nói và việc làm đi đôi với nhau, không lừa gạt, ức hiếp người yếu thế, xem trọng tín nghĩa, tôn trọng người khác và trung thành với chính mình, rộng kết thiện duyên.
Còn bạn? “Thẻ tín dụng” đời người của bạn thuộc đẳng cấp nào?