Trên đời không ai gần gũi với chúng ta hơn là người nhà.
Thường có câu rằng: “Không là người một nhà, không vào cùng một cửa”. Người trong gia đình sống cùng nhà một thời gian dài thì sẽ dần trở nên giống nhau trong quan niệm, thần thái và thói quen. Cho dù là người cùng một nhà nhưng có lúc cũng khó tránh khỏi vì ý kiến bất đồng mà sinh tranh cãi, hoặc vì tính chất công việc mà nhịp sinh hoạt lệch nhau, thế nhưng vì là người một nhà nên mọi người có thể bao dung và tha thứ cho nhau.
Người cùng trong một gia đình, có người mê thích âm nhạc, có người yêu thích văn chương, có người đam mê thể thao, có người có thú vui đi du lịch và có người thích tĩnh tọa suy nghĩ. Cho dù sở thích và tính cách khác nhau nhưng vì là người trong cùng một gia đình nên vẫn vui vẻ tôn trọng và khuyến khích cá tính riêng của nhau.
Anh chị em trong nhà tình thân như tay với chân, cho nên dễ dàng cùng chung hoạn nạn, chia ngọt sẻ bùi, dù cho hôm nay tranh chấp gay gắt, ngày mai vẫn có thể làm hòa như thường.
Vì thế, nhà chính là tổ ấm an lạc của con người trên đời. Nhà chính là cảng tránh gió an toàn, mà người thân vĩnh viễn là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta. Nhà chính là trạm tiếp tế lương thực không bao giờ đóng cửa, do đó mà những người con tha hương đất khách, chỉ cần có thời gian liền muốn về thăm nhà, về đến nhà rồi liền đem tất cả vui, buồn, oán, giận chia sẻ với người thân, kể cho người thân nghe những nỗi được, mất, nóng, lạnh, v.v. gặp phải lúc ở bên ngoài. Bởi vì, người thân sẽ không bao giờ phản bội chúng ta, người thân vĩnh viễn là nơi để chúng ta trút bầu tâm sự.
Tuy nhiên, người trong cùng một gia đình, ăn chung nhau một nồi cơm, mà tính cách cũng phát triển thành người ngay, kẻ gian, người khôn, kẻ dại, v.v. khác nhau. Vì vậy mà có nhà con cháu làm rạng rỡ tổ tông, đem vinh quang về cho gia đình; nhưng có nhà lại có con cháu làm cho nhà tan cửa nát, phá tan sự nghiệp tổ tông. Cho nên, người một nhà phải dìu dắt lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, cùng cống hiến sức mình cho sự phát triển chung của gia đình thì mới có thể khiến cho gia đình phát triển và yên ổn dài lâu.
Nhà, là do những người có quan hệ huyết thống với nhau tạo thành; nhưng người không có quan hệ huyết thống với nhau cũng có hợp thành một nhà. Giống như người ở trong chùa đều là người đến từ khắp nơi, mọi người đều không có quan hệ huyết thống với nhau nhưng có cùng một tín ngưỡng, theo cùng một tông phái, thân nhau như người một nhà. Trên đời, cũng có việc nhận người khác làm cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, hoặc vài người cùng nhau kết nghĩa anh em, chị em, qua đó chúng ta có thể thấy người dưng khác họ cũng có thể trở thành người một nhà. Tín đồ Cơ Đốc giáo đều là cùng một giáo hội, và tự xưng là “anh em một nhà”.
Theo đạo Phật thì không kể tại gia hay xuất gia, nam nữ già trẻ cũng đều thân thiết gọi nhau là “sư huynh, sư muội”, đây cũng là cách xưng hô của người trong cùng một nhà với nhau.
Nhà, không giới hạn ở cùng họ, cùng tộc, cũng không giới hạn là cùng sống trong một căn hộ, nhà có thể mở rộng phạm vi giống như câu nói: “Người trong bốn biển đều là anh em”. Ngày nay, “nếu chân trời sát lại gần nhau”1 thì thế gian sẽ thành “thôn trái đất”, lúc đó có thể coi người khắp nơi đều là người một nhà, là anh chị em, vậy đây chẳng phải là mở rộng và phát huy tình đoàn kết một nhà hay sao?
1 Trích câu “Thiên nhai nhược tỷ lân” trong bài Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu của Vương Bột.
Nhà là tâm điểm của các tổ chức của con người, từ tâm điểm này, tình yêu thương trong gia đình, mối quan hệ thân thiết trong gia đình được lan tỏa ra toàn nhân loại, đây chẳng phải càng đúng nghĩa “nhà” hay sao?