Ngân sách công phải được minh bạch hóa, chính kiến bầu cử phải được minh bạch hóa, hàng hóa công cộng1 phải được minh bạch hóa, chế độ nhân sự phải được minh bạch hóa, gọi thầu và mua bán cho công trình công cộng đều phải được minh bạch hóa, bản án tòa xử phải được minh bạch hóa, thăng quan giáng chức hay thưởng phạt đều phải được minh bạch hóa. Minh bạch hóa có nghĩa là công khai, công bằng và công chính.
1 Tức khái niệm “Public Good” trong kinh tế học.
Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân thì phải được minh bạch hóa, nhưng quyền riêng tư của mỗi người chúng ta phải được bảo vệ thật tốt, không thể tùy tiện bị công khai ra. Truyền thông hiện đại không ngừng đưa tin về đời sống cá nhân của các nhân vật công chúng, thực chất là dẫn dắt công chúng “biết” sai hướng, loại “minh bạch hóa” đời tư người khác này lại là không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của việc minh bạch hóa.
Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có thể sẽ sợ bị nổi tiếng, vì một khi đã nổi tiếng rồi liền sẽ phát phiền với cánh truyền thông. Cũng giống như trong một cuộc tổng tuyển cử, chỉ cần tham gia ứng cử thì thông tin riêng tư của ứng cử viên đều nhanh chóng bị bới ra bình luận, ngay cả nhất cử nhất động của người nhà ứng viên cũng lại bị đám săn tin đưa vào tầm ngắm, điều này làm phiền rất nhiều đến cuộc sống của đại gia đình ứng cử viên.
Người xưa chủ trương “ẩn ác khoe thiện” với mong muốn động viên nhiều người làm việc thiện và cho người phạm lỗi cơ hội tự phản tỉnh và sửa sai kịp thời. Thế nhưng xã hội hiện đại lại là “ẩn thiện khoe ác”, để mặc việc tốt không loan ra khỏi cửa mà việc ác thì lan truyền khắp nơi. Ngày ngày xem trên báo chí hoặc ti vi đều là tin về người xấu việc xấu, cách đưa tin nhằm “câu view” như vậy làm cho chúng ta có ảo tưởng như thể đâu đâu quanh chúng ta cũng có tội phạm, xã hội này đã không còn người tốt việc tốt nữa rồi.
Chúng ta cho dù có không đồng tình với việc truyền thông “ẩn thiện khoe ác” thế nhưng chúng ta vẫn mong mỏi mỗi cá nhân đều sẽ tự biết kiểm điểm bản thân, sửa đổi bản thân, biết dùng cách minh bạch hóa để chứng tỏ cho bạn bè người thân, hoặc với đối tượng mình tín ngưỡng biết rằng bản thân tuy có mắc lỗi nhưng đã biết sửa lỗi.
Nhận lỗi trong đạo Phật chính là thú nhận các tội lỗi từng phạm phải trước chư Phật, Bồ tát và các bậc sư trưởng, cho dù là một lỗi nhỏ cũng không hề giấu giếm. Trong đạo Phật cũng có các hình thức minh bạch hóa tội lỗi như bố tát1, vấn già nạn2, cử quá3, tam phiên yết ma4. Trên tòa các vị bồi thẩm đoàn xét xử công khai, cũng là minh bạch hóa quá trình xử án.
1 Tức chư tăng hỏi han sự thanh tịnh của nhau, thú nhận tội lỗi đã phạm phải trước nhau.
2 Già nạn là chướng ngại đạo pháp, tức là những điều gây trở ngại cho việc chứng đắc ngay trong đời này do thân và tâm có khiếm khuyết. Vấn già nạn tức hỏi về những điều còn thiếu sót nơi thân tâm người tu hành.
3 Nói về hành động sai trái bản thân đã phạm phải.
4 Yết ma là nghi thức tăng sĩ sám hối về giới luật mình đã phạm. Tam phiên yết ma tức là ba lần sám hối.
Ngoài ra, cũng phải minh bạch hóa tranh chấp quyền lợi giữa người với người mới có thể làm cho người đời hiểu đúng được thiện ác và được mất. Việc thăng quan tiến chức cũng phải được minh bạch hóa thì mới khiến cho nhân viên biết đường cố gắng. Trong doanh nghiệp thì chi tiêu tài chính cũng phải được minh bạch hóa thì cổ đông mới tiện giám sát và quản lý để doanh nghiệp phát triển. Chính sách quốc gia cũng phải được minh bạch hóa cho người dân có cái dựa vào. Các cuộc thi tài cũng cần phải được minh bạch hóa mới có thể chọn ra những người thắng cuộc xứng đáng. Bầu cử không những cần minh bạch hóa mà còn phải công bằng hóa, mới có thể chọn ra những người vừa có tài vừa có đức vào bộ máy lãnh đạo.
Ngoài ra, chuyện cơ mật của doanh nghiệp, cấu tạo của sản phẩm, mật mã của ngân hàng, bí mật của quốc phòng, chính sách ngoại giao của đất nước đều cần phải vừa minh bạch hóa nhưng cũng vừa phải được bảo mật.
“Bậc quân tử giữ mình nghiêm cẩn ngay cả nơi tối vắng”, phàm việc gì cũng nói cho rõ ràng minh bạch, không hành động nơi tối vắng mới không khiến cho người khác nghi ngờ. Nhiều vụ việc vì không được minh bạch hóa từ đầu cho nên đến nay vẫn còn lại nghi án.
Cho nên, chỉ có minh bạch hóa thì mới có thể tiêu trừ tệ hủ bại, đầu cơ, bất công, tham ô, hối lộ và án oan. Chỉ có minh bạch hóa thì đất nước mới có công bằng, và giới doanh nghiệp mới cạnh tranh lành mạnh, người dân mới sẵn sàng nghe theo sự lãnh đạo của chính phủ.
Dưới ánh sáng mặt trời, muôn sự muôn vật đều sinh sôi nảy nở, nếu như mất đi ánh sáng đó thì đêm tối sẽ ập tới và có thể các việc xấu ác sẽ đi theo. Vì thế chúng ta cần phải hành động quang minh lỗi lạc, chính trực ngay thẳng, không sợ minh bạch hóa bất cứ điều gì.