Lớp vỏ trái đất đứt gãy có thể gây ra thảm họa động đất, nhiều những trận động đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, cho nên rất nhiều nước trên thế giới rất chú trọng đến việc nghiên cứu hiện tượng đứt gãy của vỏ trái đất nhằm dự báo trước động đất.
Kỳ thực, đâu chỉ có lớp vỏ trái đất đứt gãy mới đáng sợ, đứt gãy kế thừa càng là đáng sợ hơn. Doanh nhân tài ba, một đời sáng lập ra bao cơ nghiệp, đáng tiếc về sau không ai kế thừa, đây chính là đứt gãy kế thừa. Cha mẹ gây dựng cơ nghiệp đồ sộ, nhưng con cái kém cỏi, cơ nghiệp gia truyền cũng rơi vào kết cục đứt gãy kế thừa.
Nền giáo dục không có người tài giỏi kế thừa thì nền giáo dục cũng sẽ đứt gãy. Từ xưa đến nay, bậc đế vương khai quốc trải muôn đắng nghìn cay để gây dựng nền móng, thế mà qua mấy chục năm, nhiều lắm là mấy trăm năm, hoàng tộc không có người tài, sự nghiệp tổ tông đứt gãy kế thừa, cũng đành ôm mối hận mất nước. Trong học thuyết Nho gia, cái gọi là “đạo của sự hưng vong” cũng chính là nói đến sự đứt gãy kế thừa này.
Cái gọi là “đứt gãy” giống như trong Phật pháp nói rằng “muôn việc trên thế gian đều vô thường”. Dân gian thường nói rằng “ai giàu ba họ” cũng chính là nói đến sự đứt gãy này. Nhiều người tin vào quan hệ thịnh suy cho rằng sự đứt gãy cũng là tất yếu.
Kỳ thực, một số trí tuệ đặc thù như bí kíp võ công, phương thức gia truyền chỉ cần người có nó chịu công khai thì đâu đến nỗi bị đứt gãy. Nhưng do nhiều người chỉ muốn để bí kíp lưu truyền nội bộ nên mới đặt ra quy định như truyền cho con trai mà không truyền cho con gái, truyền cho con dâu không truyền cho con gái, hoặc truyền cho người trong họ mà không truyền cho người ngoài họ, v.v. Bởi những quan niệm lạc hậu như vậy nên đã khiến nhiều kiến thức quý giá của nhân loại bị thất truyền làm cho người đời sau nuối tiếc khôn nguôi.
Ngài Winston Churchill, cựu Thủ tướng Anh nói rằng, một người được coi là vĩ đại không ở việc anh ta đạt bao nhiêu thành tựu, mà quan trọng là anh ta có ai kế thừa, có người kế thừa sự nghiệp mới được tính là một vĩ nhân. Trên thế giới có Hedorotus được tôn vinh là “cha đẻ của nền sử học phương Tây”; Haydn là “cha đẻ của khúc giao hưởng”, Madison là “cha đẻ của hiến pháp Hoa Kỳ”, Darwin là “cha đẻ của thuyết tiến hóa”, v.v. Những người được gọi là “cha đẻ” này đều rất đáng kính đáng phục, thế nhưng người kế thừa họ ở đâu? Lẽ nào vận mệnh đã định sẵn là tất cả sẽ phải bị đứt gãy kế thừa hay sao?
Ở Nhật Bản, ngài Matsushita Konosuke là “cha đẻ của phong trào khởi nghiệp”, đến khi về già, ý thức sâu sắc rằng sự nghiệp của bản thân không thể không có người kế thừa, ông đã cho thành lập Viện Nghiên cứu PHP, để bồi dưỡng nhân tài kế thừa triết lý kinh doanh và tinh thần cống hiến cho nhân loại của ông, bởi ông cho rằng đây chính là trách nhiệm của doanh nhân.
Nói đến vấn đề kế thừa, nếu như muốn dứt bỏ nỗi lo đứt gãy kế thừa thì nhất định phải sớm biết lo liệu từ trước, nhắm sẵn người kế thừa từ sớm, bởi vì người kế thừa không thể đột nhiên từ trên trời rơi xuống, cũng không thể từ yêu ghét cá nhân mà chọn ra được, mà phải bồi dưỡng lâu dài từ những người có tố chất, có thực lực.
Chọn được “người kế nhiệm tương lai” rồi, còn cần phải đề phòng thói đấu đá nội bộ, triệt hạ người tài nữa. Bởi vì một khi nội bộ bất hòa thì cho dù sớm có “người kế nhiệm tương lai” tổ chức vẫn có thể rơi vào kết cục đứt gãy kế thừa như thường! Cho nên, một đoàn thể muốn không bị đứt gãy kế thừa thì trước tiên phải có lòng “không thiên vị”, không nên phàm việc gì cũng phải giành về cho con cháu mình, dòng dõi mình, phe cánh mình. Phàm thấy có người trong thiên hạ mà xứng đáng hãy để họ kế nhiệm.
Nhà sáng lập nếu có thể sớm “mở lòng”, dám dùng phương thức lãnh đạo tập thể thì đó cũng chính là con đường khắc phục nạn đứt gãy kế nhiệm.