Mỗi người sống trên đời đều luôn sẽ có người hay việc khiến cho bản thân phải khâm phục. Ví dụ như khâm phục những người làm việc nghĩa giúp người, những người hay làm việc tốt bố thí, những người công danh thành đạt, những người cống hiến cho xã hội, thậm chí là khâm phục những người có khiếu hài hước, thông minh lém lỉnh hay những người có lòng từ bi cứu giúp muôn người, v.v.
Phàm là người được người khác khâm phục thì đều là người hoặc có thành tựu hơn người hoặc có nhân cách tốt đẹp. Tương tự như vậy, một người có thể khâm phục người khác thì hẳn cũng phải có điều kiện riêng, ví như anh ta sẽ là người biết khiêm tốn học hỏi, biết noi theo người hiền và biết nhìn ra khiếm khuyết của bản thân, v.v.
Chỉ có khâm phục người khác thì mới có tấm gương để noi theo, người mà biết khâm phục người khác thì sẽ có đường tiến bộ. Người xưa “vạn dặm tầm sư” chính là vì khâm phục đức lớn của bậc cao tăng nào đó, như việc đứng chờ trong tuyết lạnh trước cửa nhà Trình Di1 và ngài Huệ Khả2 tự chặt cánh tay để cầu đạo, đều là những việc vì khâm phục mà làm.
1 Trình Di (1033 - 1107), tự là Chính Thúc, còn được gọi là Y Xuyên tiên sinh, là triết gia Trung Quốc trung đại, được coi là một trong sáu vị thầy vĩ đại vào thế kỷ XI.
2 Đại sư Huệ Khả (487 - 593) quê ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc, là vị tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa.
Không chịu nể phục người khác không giúp bản thân trở nên vĩ đại mà ngược lại còn khiến cho bản thân lộ rõ sự hẹp hòi nhỏ nhen, ví như Chu Du không chịu phục tài Khổng Minh đến nỗi trải qua “ba lần ức” mà chết.
Vì thế, mỗi người chúng ta đều phải thường nên suy xét làm sao để bản thân có gì đó khiến cho người khác khâm phục, và thực sự làm ra những việc khiến người khác phải khâm phục, ví như sống rộng lượng, có đạo đức, có nhân cách, khí chất, tu tâm dưỡng tính, hài hước, từ bi và trí tuệ, v.v.
Chu Văn Vương chính vì khâm phục trí tuệ của Khương Thái Công1, cho nên chỉ cần một gặp gỡ tình cờ bên bờ sông Vị đã dám mời Khương Thái Công về triều làm Tể tướng. Tiểu Phượng Tiên2 vì ngưỡng mộ Thái Tùng Pha1 là người yêu nước thương dân mà đã kết làm tri kỷ, cam tâm tình nguyện vì Thái Tùng Pha mà hy sinh. Bao nhiêu người vì khâm phục tinh thần cách mạng cao cả của Tôn Trung Sơn mà tình nguyện tòng quân dù phải đầu rơi máu chảy.
1 Khương Thái Công (1128 TCN - 1015 TCN) tên thật là Khương Tử Nha, là vị quân sư nổi tiếng, khai quốc công thần nhà Chu.
2 Tiểu Phượng Tiên là kỹ nữ nổi danh chốn kinh thành Trung Hoa thời cận đại.
1 Thái Tùng Pha (1882 - 1916) là lãnh tụ cách mạng Trung Hoa.
Khâm phục một người không chỉ là dõi theo và học theo người đó, mà thậm chí vì họ còn không ngại phải hy sinh. Trương Đại Thiên2 vì khâm phục Thạch Đào3 mà đi theo phong cách của Thạch Đào, từ đó trở thành một họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Âu Dương Cánh Vô1 bởi vì khâm phục Dương Nhân Sơn2 mà xin đi theo ngài, nhờ thế về sau cũng trở thành đại sư một thời. Bao nhiêu người vì ngưỡng mộ tài văn chương của Tô Đông Pha3 mà học theo ông, từ đó trở thành văn hào một thời. Nhiều người vì ngưỡng mộ đại sư Thái Hư4 đi đầu đề xướng cải cách giáo lý, quy định, giới luật của Phật giáo mà xin theo làm học trò của đại sư như các ngài Pháp Phảng, Pháp Tôn, Từ Hàng, Ấn Thuận, v.v. nhờ thế nay đều trở thành những bậc cao tăng của thời hiện đại.
2 Trương Đại Thiên (1899 - 1983) là nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng nhất trong thế kỷ XX ở Trung Quốc.
3 Thạch Đào (1642 - 1707) ông là nhà thư pháp và họa sĩ phong cảnh nổi tiếng của Trung Quốc vào đầu thời nhà Thanh.
1 Âu Dương Cánh Vô (1871 - 1943) là học trò của Dương Nhân Sơn và là chuyên gia hàng đầu về Duy thức ở Trung Quốc đầu thời Dân Quốc.
2 Dương Nhân Sơn (1837 - 1911) được tôn vinh là cha đẻ của phong trào phục hưng Phật giáo Trung Quốc hiện đại.
3 Tô Đông Pha (1037 - 1101) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống.
4 Đại sư Thái Hư (1889 - 1947) tên là Duy Tâm, hiệu Thái Hư, họ Lã, người Hải Ninh, Chiết Giang. Ngài là người đã thiết lập kế hoạch hiện đại hoá và hệ thống hóa cơ chế quản lý chùa chiền và việc giáo dục hóa tăng đoàn.
Có người vì tính tình bình dị dễ gần mà khiến cho người khác khâm phục; có người vì tính cương trực thẳng thắn mà khiến cho người khác khâm phục; có người vì sống có tình có nghĩa mà khiến cho người khác khâm phục; có người trung hiếu vẹn toàn mà khiến người khác khâm phục; có người lại chịu hy sinh bản thân để thành tựu cho người khác, không thể không khiến cho người ta khâm phục; có người vì mạo hiểm dấn thân như Armstrong1 đi thám hiểm mặt trăng thật khiến cho người ta khâm phục. Còn có những người yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, những người đề xướng chủ trương bảo vệ môi trường, không những khiến cho thiên nhiên cảm ơn mà còn khiến cho con người phải khâm phục.
1 Armstrong (1930 - 2012): Phi hành gia người Mỹ và cũng là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Tấm gương thành công của cô gái tàn tật Helen Keller đương nhiên khiến người khác khâm phục. Mẹ Teresa1 chăm sóc người nghèo khổ ở Ấn Độ, chẳng phải cũng khiến cho người ta khâm phục đó sao? Vua Nghiêu vì thiên hạ mà truyền ngôi cho vua Thuấn cũng khiến cho người ta khâm phục. Tổng thống Washington của Hoa Kỳ không tham quyền cố vị mà đứng ra đề xướng bầu cử dân chủ, cũng khiến cho người ta khâm phục.
1 Mẹ Teresa (1910 - 1997) là nữ tu sĩ Công giáo Roma.
Khâm phục người khác không khiến bản thân trở nên tầm thường, khâm phục người khác là một đức tính tốt, bởi vì khâm phục người thành công sẽ thôi thúc ta phấn đấu theo bước họ, đó chẳng phải là việc tốt cho bản thân ta hay sao?