Con người cần phải thuận thế mà làm, thuận thế chính là thuận theo nhân duyên, người biết thuận thế tùy duyên thì mọi sự đều dễ dàng thành công. Nếu như nhân duyên chưa đến mà cứ muốn “làm trái ý trời” thì chính là không hiểu nhân duyên, tự nhiên sẽ gặp vô vàn trở ngại.
Bơi thuyền theo dòng, đương nhiên rất dễ tiến lên; thuận theo tình người, tự nhiên sẽ được mọi người chào đón. Như trong môn võ Thái cực quyền cũng phải thuận thế mà đánh mới có thể bất khả chiến bại.
Thế gian này, trời có “thế của trời”, đất có “thế của đất”, người có “thế của người”, tình có “thế của tình”, lý có “thế của lý”, thậm chí đến tiền cũng có “thế của tiền”, danh cũng có “thế của danh”. Cho nên “thế” cũng có ích vậy. Nghịch thế mà làm, tất không dễ thành công, thuận thế mà làm thì tự nhiên dễ dàng thành công. Cho nên mới có câu “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, nếu một mực muốn nghịch thế mà làm thì phải có sức mạnh chuyển đổi tình thế mới hòng làm nên chuyện.
Gặp khi nước mưa dồi dào thì phải tranh thủ gieo trồng, đây chính là thuận thế mà làm. Gặp khi hạn hán thì phải nhanh chóng chuyển đổi giống cây trồng, đây cũng chính là thuận thế mà làm. Gặp khi người khác vui vẻ thì phải thuận thế vui theo, kết quả là khiến mọi người cùng vui. Gặp khi người khác thất ý đau lòng, thì phải biết kịp thời an ủi động viên, như vậy tự nhiên sẽ được họ biết ơn.
Khi người khác khốn cùng không biết “đưa than ngày tuyết” lại đợi đến khi họ thăng quan tiến chức mới tìm đến “dệt hoa trên gấm”, thì đều đã muộn rồi, tất cả đã trở nên vô nghĩa. Mọi người ai cũng hy vọng bản thân có thể giúp người đúng lúc, bởi một khi thời cơ trôi qua, cho dù lại có ý tốt đến mấy cũng không còn có thể khiến người ta cảm kích nữa.
Trời bỗng nhiên trở lạnh, thì phải mau chóng mặc thêm áo ấm. Cơm canh đã nấu xong thì phải ăn ngay lúc còn nóng hổi, như vậy thì cả người nấu và người ăn đều thấy vui vẻ. Rèn sắt là phải tranh thủ lúc nó còn nóng đỏ. Lời hay là phải là lời nói ra đúng lúc.
Trái với thuận thế chính là nghịch thế, mà nghịch thế cũng không phải là không thể thành công. Đang ở thế yếu trong trận chiến sống còn nhưng nếu binh sĩ khí thế bừng bừng thì cũng có thể chuyển bại thành thắng. Việc học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến tất lùi, người nhận thức chậm nếu biết lấy cần cù bù thông minh, người ta ôn một thì mình ôn mười, thì cũng không phải không thể tiến bộ. Cuộc thi chạy giữa Thỏ và Rùa chính là minh chứng cho đạo lý này.
“Trẻ không chịu cố gắng, già không được nhàn hạ”, đây là muốn nhắc nhở chúng ta khi còn trẻ khỏe phải biết thuận thế mà tiến, khiến cuộc đời sự nghiệp gặt hái thành công; đến lúc tuổi già sức yếu, tuy là nghịch thế nhưng biết vận dụng vốn sống đã tích lũy thì cho dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng có thể xoay sở.
Thuận thế có thể dễ dàng, nghịch thế thì gặp nhiều khó khăn, thế nhưng cũng không thể vì thế mà thoái chí nản lòng, chỉ cần có dũng khí và ý chí thì dù có gặp khó khăn trắc trở vẫn thừa sức để xoay chuyển tình thế.