Con người, nói chung có thể phân ra người tốt và người xấu. Trong số người tốt cũng có kẻ xấu, và trong số kẻ xấu cũng có người tốt. Như Liêu Thiêm Đinh1 “trượng nghĩa” cướp của nhà giàu bất nghĩa chia cho người nghèo khó, chính là minh chứng của người tốt trong kẻ xấu và kẻ xấu trong người tốt.
1 Liêu Thiêm Đinh (1883 - 1909), được ca ngợi là một kẻ ăn trộm kỳ tài, nghĩa hiệp, luôn cướp của người giàu, chia cho người nghèo.
Người tốt nên được mọi người ca tụng, được mọi người khen ngợi. Thế nhưng trên đời còn có kiểu người tốt nhưng chẳng ích gì, tức là những người được việc thì ít hỏng việc thì nhiều, họ hèn nhát nhu nhược, không có chủ kiến, hàm hồ trong mọi chuyện, không những không thể bảo vệ cho người đồng hành với họ mà còn chẳng giúp ích gì được cho đối phương. Tuy nhiên, bởi vì họ không làm hại đến ai, không tranh giành trong mọi việc, cho nên chúng ta đành gọi họ là người tốt vô dụng.
Chúng ta thường nghe mọi người nói với nhau rằng ai đó là người tốt, nhưng điều kiện để kết luận người đó là người tốt đã đầy đủ chưa? Ví dụ như người đó có nhân từ không, có chính trực không, có thông minh cầu tiến không, có siêng năng chăm chỉ không, có năng lực chuyên biệt mang lại lợi ích cho mọi người không? Anh ta có nhiều sở trường khác nhau, vui vẻ hoàn thành công việc được giao trong mọi trường hợp, như thế anh ta không những là người tốt mà còn là người tài.
Trái lại, người tốt mà gặp việc gì cũng thoái thác không chịu gánh vác, không có chủ kiến, lo trước sợ sau, chỉ biết giữ mình mà không dám vạch trần kẻ xấu thì họ chính là người tốt vô dụng. Những người lúc phải nổi giận để tỏ rõ lập trường lại không nổi giận, khi có chứng cứ để đấu tranh lại không dám đấu tranh, chúng ta gọi họ là người tốt vô dụng. Những người như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển của tập thể, cản trở sự tiến bộ của xã hội và cũng làm hại tới lợi ích của quốc gia.
Bởi thế chúng ta phải có một định nghĩa về người tốt như sau:
Thứ nhất: Có lòng từ bi là người tốt. Từ bi nhưng không nên quá mức từ bi, từ bi vô độ, nếu gặp kẻ xấu cũng từ bi, thậm chí còn đứng ra che giấu tội phạm đang bị truy nã thì đó chính là việc ác với mọi người. Bởi vậy, người tốt có lòng từ bi thì phải là lòng từ bi được soi sáng bởi trí tuệ và đi kèm với lòng dũng cảm.
Thứ hai: Chăm chỉ là người tốt. Chăm chỉ, không phải là chăm chỉ chơi bời thưởng ngoạn, chăm chỉ gây chuyện thị phi, chăm chỉ gây hấn khắp nơi. Chăm chỉ, cũng cần phải chăm chỉ đúng đắn, ví như chăm chỉ phục vụ người khác, chăm chỉ tu dưỡng bản thân, chăm chỉ dấn thân vì việc nghĩa, thì mới là chăm chỉ của người tốt.
Thứ ba: Dũng cảm là người tốt. Dũng cảm ở đây không phải là dũng cảm vô lối, dũng cảm mù quáng, huênh hoang cậy mạnh, ỷ lớn khinh nhỏ, ra vẻ ta đây, dũng cảm kiểu vậy không thể tính là người tốt. Dũng cảm cần đi kèm các điều kiện như có lòng nhân từ, có nghĩa khí, dám làm dám chịu, thành thực có chí cầu tiến thì mới được gọi là người tốt.
Thứ tư: Thấu hiểu đạo lý là người tốt. Thấu hiểu đạo lý không phải là chỉ biết tranh luận hay chỉ biết khoe tài ăn nói. Một người nói đạo lý rất hay nhưng chẳng làm nổi việc gì thì có được tính là người tốt hay không? Thấu hiểu đạo lý là luôn làm theo điều thiện, tốt với mọi người, thấu hiểu đạo lý chính là biết tu dưỡng bản thân, khoan dung độ lượng.
Trên đời này, ai là người tốt, ai là kẻ xấu, chỉ nhìn bề ngoài thật khó mà phân biệt được!
Có người thoạt nhìn giống như là người tốt nhưng thực ra lại là người “khẩu Phật tâm xà”, những người này càng đáng sợ hơn người xấu.
Lại có người thoạt nhìn giống như là người xấu, nhưng họ lại là “đạo tặc có đạo đức” như những vị anh hùng Lương Sơn Bạc trừ gian diệt ác trong truyện Thủy hử hoặc như những hiệp sĩ giữa đường gặp chuyện bất bình liền rút đao cứu giúp, nếu đem so sánh những vị này với người tốt vô dụng thì họ lại càng tốt hơn gấp bội.