Vũ trụ rộng lớn bao la, vô cùng vô tận, trọng tâm bên trong sự rộng lớn vô cùng tận đó chính là trái đất nơi chúng ta sinh sống. Trái đất rộng lớn có thể nói là muôn hình vạn trạng, trọng tâm bên trong của sự muôn hình vạn trạng đó chính là con người.
Con người do các bộ phận mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cấu tạo nên, trọng tâm thực sự của nó nằm ở trái tim. Trọng tâm của trái tim con người nằm ở sự sinh động của sự sống, mà trọng tâm của sự sống thì có người cho rằng nó là sức khỏe, có người cho rằng nó là thức ăn, có người cho rằng nó là tiền bạc, cũng có người cho rằng nó là tình yêu. Kỳ thực những thứ đó đều là trọng tâm, nhưng cũng có thể nói nó đều không phải là trọng tâm, bởi vì trọng tâm căn bản nhất của nhân loại chính là sự tồn tại của hơi thở và sự sống.
Trọng tâm sự sống của con người chính là việc tề gia trị quốc1, xã hội hòa bình hạnh phúc, nhưng trọng điểm thực sự trong đó là đạo đức, phẩm hạnh, nhân cách của chính mỗi cá nhân chúng ta.
1 Tham khảo thêm về câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” trong sách Đại học của Khổng Tử. Đại ý muốn nói: Tề gia: làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong; trị quốc: lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước.
Điều đáng tiếc là, mọi người đều không xem trọng đến việc này, ví dụ như nói chuyện, nói gì cũng tràng giang đại hải, không nói cho ngắn gọn súc tích, đây chính là nói chuyện không có trọng tâm; làm việc, vốn dĩ có thể đơn giản hóa mọi chuyện, biến nặng thành nhẹ, nhưng lại thích phức tạp hóa mọi chuyện lên, chính là làm việc không có trọng tâm; học tập cũng cần phải có trọng tâm, nếu chỉ biết học vẹt lại còn học vẹt một cách không có trọng điểm, như thế tất phí công vô ích.
Trọng tâm của quan hệ giữa con người là tình cảm bạn bè; trọng tâm của tiền bạc chính là sử dụng linh hoạt; trọng tâm của tình yêu chính là suy nghĩ cho nhau; trọng tâm của chính trị chính là đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Con cái nên lấy cha mẹ làm trọng tâm; học trò nên lấy thầy cô giáo làm trọng tâm; tín đồ nên lấy giáo chủ và giáo pháp làm trọng tâm; vợ chồng nên lấy thương yêu lẫn nhau làm trọng tâm; cuộc sống nên lấy đơn giản làm trọng tâm; nấu ăn dù có nhiều nguyên liệu tốt nhưng nên lấy muối làm trọng tâm; nói chuyện nên lấy lời nói có ý nghĩa làm trọng tâm; “điểm nhãn” cho rồng thì vẽ mắt chính là trọng tâm.
Trong trọng tâm lại có trọng tâm nữa, ví như một tòa nhà lớn thì tính kiên cố của nguyên vật liệu là trọng tâm, phong cách đẹp đẽ là trọng tâm, cách bài trí thiết thực là trọng tâm. Thế nhưng trọng tâm quan trọng nhất chính là phải có con người sống ở đó, nếu không có người vào sống trong tòa nhà kia, thì tất cả những thứ kể trên đều trở thành vô dụng.
Có trọng tâm lại không được coi là trọng tâm, bởi vì trọng tâm quá nhiều, ngược lại sẽ thành không có trọng tâm. Có khi lo ngại quá nhiều, cũng sẽ không tìm ra trọng tâm; có khi vừa muốn thế này vừa muốn thế khác, mâu thuẫn lẫn nhau, cũng không tìm được trọng tâm.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nói năng hành xử phải có trọng tâm, ý thức về trọng tâm trong mọi việc có thể bồi dưỡng dần dần được. Ví dụ như báo cáo công việc một cách ngắn gọn chính là trọng tâm, số liệu thống kê chính là trọng tâm, biểu đồ chính là trọng tâm, các dạng điều lệ chính là trọng tâm, khi làm việc phân ra việc quan trọng hay không quan trọng, việc gấp hay không gấp chính là trọng tâm.
Bởi vậy, “ăn không nghèo, mặc không nghèo, chỉ có tính toán sai mới nghèo cả đời”. Tính toán chính là trọng tâm của chúng ta.
Trọng tâm của đời người không nằm ở sự sống của riêng một cá nhân mà phải là sức sống chung có thể cảm nhận được của toàn thể thế giới, toàn thể pháp giới, cuộc sống liên tục tiếp diễn, mới là trọng tâm!