Đời người có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Người có năng lực sẽ nghĩ cách để giải quyết vấn đề, còn người không có năng lực đều tìm lý do để thoái thác vấn đề.
Vấn đề đầu tiên con người phải đối mặt sau khi được sinh ra chính là vấn đề sức khỏe thể chất. Nếu như không đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật thì sẽ bị giới tự nhiên đào thải. Bởi vậy, tiêm vắc xin phòng bệnh chính là cách giải quyết vấn đề đầu tiên của con người sau khi chào đời.
Lớn lên, bắt đầu đi học, những vấn đề mà con người phải đối mặt, đó chính là các kỳ thi lớn nhỏ, từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đến đại học thậm chí là học lên thạc sĩ, tiến sĩ, trường nào cũng đưa ra một vài vấn đề để kiểm tra xem bạn có biết ứng dụng những gì học được vào cuộc sống hay không. Sau khi tốt nghiệp, đi xin việc, bạn cũng phải trải qua các vòng thi viết, thi vấn đáp để kiểm tra xem bạn có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề gặp phải trong công việc hay không.
Đến khi bước vào xã hội, ngoại trừ các vấn đề trong sinh hoạt còn có các vấn đề về giao tiếp, về kinh tế, vấn đề hôn nhân, vấn đề thăng chức cùng với các vấn đề của xã hội quốc gia, hay vấn đề chăm sóc cho cha mẹ giữa anh em trong nhà, v.v. thật là nhiều không kể xiết.
Thời hiện đại, có một số người, khi gặp phải các vấn đề trong công việc, trong học tập, hoặc khi cảm thấy thất vọng hoang mang đã chọn tự sát để giải quyết vấn đề. Đây là cách trốn tránh hiện thực của những kẻ hèn nhát, không phải là phương thức giải quyết vấn đề.
Khi có vấn đề nào đó xảy ra, trước tiên hãy tự dặn lòng mình rằng: “Dũng cảm đối mặt”, “không chùn bước”, bởi chỉ có dũng cảm đối mặt với vấn đề thì mới có thể tìm ra nút thắt của nó.
Ví dụ như bạn thi trượt, là vì bạn chưa dốc sức học hành hay là vì bạn ôn tập sai hướng? Biết rõ nguyên nhân rồi thì hãy cố gắng hơn nữa;
Ứng tuyển mà không trúng tuyển, là vì đợt này có quá nhiều ứng viên giỏi hơn bạn, hay là do khi phỏng vấn bạn quá căng thẳng nên thể hiện không tốt? Biết nguyên nhân rồi thì hãy nâng cấp bản thân và bình tâm chấp nhận kết quả.
Thất bại trong tình trường, là vì tính cách hai người không hợp hay do giáo dục trong hai gia đình có sự chênh lệch? Tìm ra nguyên nhân rồi, nếu như có thể xoay chuyển được cục diện đương nhiên là tốt nhất, nếu như hai bên đã sớm thành người lạ, vậy sao không tìm cho bản thân một người hợp hơn, hoặc là tự ngẫm lại xem, trước khi quen thêm người khác, bản thân chẳng phải cũng tự mình sống rất tự tại đó sao?
Hiểu rõ vấn đề rồi, đôi bên phải cùng nhau điều chỉnh, phải biết lùi một bước, phải biết nghĩ cho người khác, người biết chịu thiệt về mình, biết nhường nhịn người khác, chắc chắn sẽ được người khác yêu mến, chắc chắn có thể thành người thắng cuộc.
Khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề chính là “không biết vấn đề nằm ở chỗ nào”, đến cả vấn đề nằm ở đâu cũng còn không biết thì làm sao có thể giải quyết vấn đề?
Cho nên có câu: “Người trong cuộc u mê, người ngoài cuộc sáng suốt”. Nếu như tự mình không thể tìm ra vấn đề thì có thể đi hỏi người khác, một khi có người bằng lòng chủ động chỉ cho bạn biết vấn đề nằm ở chỗ nào thì bạn phải nghiêm túc tiếp thu, sau khi đã biết vấn đề nằm ở đâu nếu bạn còn cố lờ đi, trốn tránh vấn đề, vậy thì bạn chẳng thể nào giải quyết được vấn đề.
Giải quyết vấn đề là động lực để khắc phục khó khăn và tiến bộ; giải quyết vấn đề giống như dọn sạch chướng ngại trước mặt bạn, giúp bạn không còn bị thứ gì cản đường. Khi bạn không đủ sức tự mình giải quyết vấn đề thì có thể nhờ các bậc thiện tri thức giúp đỡ, hoặc là học theo kinh nghiệm của người đi trước để tìm ra biện pháp giải quyết.
Nếu như bạn chỉ muốn trốn tránh vấn đề thì bạn sẽ mãi gặp trở ngại trên đường đời, không thể tiến lên được.