Thống tướng Lục quân1 Bradley2 đã viết trong cuốn sách Cuộc đời của đại tướng của mình về cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên rằng: “Chúng ta đã có một cuộc chiến sai lầm, sai địa điểm, sai thời gian, sai đối thủ”. Cho nên suốt một đời người, chúng ta đều học cách trưởng thành lên từ trong sai lầm. Phạm sai lầm là chuyện có thể tha thứ, nhưng phạm sai lầm rồi mà còn không biết ăn năn hối cải, hơn nữa còn đổ lỗi cho người khác thì chính là chuyện không thể tha thứ được.
1 “Thống tướng Lục quân” còn gọi là “Tướng 5 sao”, là cấp bậc cao nhất trong Lục quân Hoa Kỳ. Cấp bậc này chỉ dùng riêng trong thời chiến, hiện nay không còn dùng.
2 Tên đầy đủ Omar Nelson Bradley (1893 - 1981) là vị Thống tướng Lục quân cuối cùng của Hoa Kỳ.
Trong cuộc sống thường ngày, có một số sai lầm vốn dĩ chúng ta có thể tránh được nhưng lại thường mắc phải. Ví như việc tiêm nhầm thuốc, kê nhầm đơn, mổ nhầm chỗ, cắt nhầm nội tạng, trao nhầm trẻ sơ sinh, hoặc để quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân, v.v. ở bệnh viện; công khai hình ảnh, thông tin của tội phạm vị thành niên lên các phương tiện truyền thông; v.v. Đây đều là những việc làm sơ suất, cẩu thả, thiếu đạo đức và gây nguy hại đến cuộc sống của người khác, cả đời sẽ phải gánh tội và sống trong ám ảnh bởi sai lầm này.
Quảng cáo sai sự thật, sẽ khiến cho người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm. Phi hành đoàn bay sai tuyến đường sẽ khiến cho chuyến bay gặp sự cố. Kết giao nhầm bạn xấu sẽ đi vào con đường sai trái. Tiền bạc tiêu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến khuynh gia bại sản, tiêu tan cơ nghiệp. Giáo dục sai lầm sẽ dẫn đến hành vi đạo đức không chuẩn mực. Quan tòa phán quyết sai lầm sẽ dẫn đến cảnh ngục tù oan trái. Tướng lĩnh nhận định sai tình thế sẽ dẫn đến mất nước tan nhà. Nhà lãnh đạo cầm quyền mà dùng quyền sai chỗ thì nhân dân lầm than khổ sở.
Ngoài ra, còn những lỗi sai nhỏ về chấm câu cũng thường tạo ra những hiểu lầm và tranh chấp. Có rất nhiều giai thoại trên thế giới minh chứng cho điều này, ví dụ1 như giai thoại về một vị vua từ chối ân xá cho một phạm nhân, khi ông đọc lệnh “Pardon impossible, to be sent to Siberia” tức “Không thể ân xá, đày đi Siberia”, thư ký đánh nhầm dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” tức “Ân xá, không thể đày đi Siberia”, làm người kia bỗng nhiên thoát tội. Chỉ khác đi một dấu phẩy, một dấu chấm nội dung đã hoàn toàn khác đi, cho nên sai lầm về dấu câu nếu như xảy ra trong bản di chúc sẽ có thể làm rạn nứt tình cảm giữa những người thân trong nhà, thậm chí còn phải đưa nhau ra tòa.
1 Ví dụ đã được thay đổi để bạn đọc dễ hình dung.
Hiện tượng khúc xạ trong nước khiến ta nhìn lầm rong rêu thành trăn rắn, đây là sai lầm trên phương diện nhận thức. “Lời nói ác ý tổn thương lòng người, nghe lúc tháng sáu vẫn thấy rét lạnh”, đây chính là sai lầm trên phương diện ngôn ngữ. “Vào nhà cỏ thơm, lâu ngày không thấy mùi thơm”1 chính là sai lầm về khứu giác. “Che kín mắt lại, thấy đốm hoa rơi”, đó chính là sự sai lầm về thị giác. “Trẫm không là vị vua mất nước, các khanh mới là bề tôi mất nước”, đây chính sai lầm trong việc không chịu thừa nhận.
1 Trích trong Luận ngữ” của Khổng Tử, phiên âm: “Dữ thiện nhân cư, như nhập lan chi thất, cửu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ chi hóa hỹ”, dịch nghĩa: “Ở với người thiện như vào nhà cỏ thơm, lâu ngày không thấy mùi thơm vì đã đồng hóa với nó”.
Người bình thường, đối mặt với sai lầm của bản thân, luôn tìm lý do để tự bào chữa, năm lần bảy lượt biện minh cho mình, đây chính là không cho bản thân cơ hội sửa đổi. Phạm sai lầm rồi thì phải dũng cảm nhận sai và sửa sai, không thể để sai lầm nối tiếp sai lầm, thậm chí sai mà không sửa, chết cũng không nhận sai.
Khổng Tử1 nói rằng: “Biết sai mà không sửa, đó chính là sai vậy”2 và “Con người nào phải thánh hiền, ai mà không mắc lỗi?”3 Do vậy, chỉ có một cách duy nhất để xử lý lỗi lầm đó chính là thừa nhận sai lầm, bởi vì thừa nhận sai lầm chính là tự mình hối lỗi, chỉ có tự mình hối lỗi mới có thể tiến bộ, chỉ cần chịu sửa đổi lỗi lầm thì không bao giờ là muộn. Cũng giống như Tổng thống Mỹ Washington1 bởi vì dám đứng ra nhận lỗi chặt cây Cherry2 với cha mà thành tấm gương cho người đời.
1 Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) là nhà triết học cổ đại nổi tiếng người Trung Quốc, cũng là người sáng lập học thuyết Nho giáo.
2 Âm Hán Việt: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hỹ”.
3 Âm Hán Việt: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá?”
1 George Washington (1732 - 1799) là vị Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
2 Xem thêm giai thoại “George Washington và cây rìu”.
Nơi chùa chiền, các thiền sư có câu yết hậu ngữ3 rằng: “Có lý ba gậy, vô lý ba gậy, đánh rồi hỏi sau”4. Bởi vì những cái “lý” này đều là lý sai, lý lệch, lý giả, toàn đạo lý sai lầm, gạt bỏ hết cái lý của bạn, chân lý mới hiện ra. Nhà Nho có câu rằng: “Có lỗi chớ ngại sửa lỗi”1, hành động sám hối trong các tôn giáo đều cho thấy tầm quan trọng của việc nhận sai, sai mà biết sửa không gì tốt hơn.
3 Tức “câu bỏ lửng”, được cấu từ hai bộ phận, nửa trước thường ví von bằng những hình tượng, như là vế đố, nửa sau thì giải thích, nói rõ, như là lời giải. Trong ngữ cảnh cụ thể, thông thường chỉ nói ra nửa trước, nhưng người nghe vẫn có thể hiểu được nghĩa cả câu.
4 Tức bất kể có lý hay không có lý đều bị phạt như nhau.
1 Âm Hán Việt: “Quá tắc vật đạn cải” trích Luận ngữ của Khổng Tử.