“Khi gió đồng ngát thơm, rợp trời chim én lượn/ Cây nảy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành…”.
Những ngày này, khắp các nẻo đường của Tổ quốc, khi những giai điệu thiết tha trong ca khúc “Mùa chim én bay” (sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, lời thơ Diệp Minh Tuyền) cất lên đã làm cho biết bao trái tim thổn thức. Giữa bầu trời mênh mang gió, những cánh én đua nhau chao liệng tựa như những sứ giả rộn ràng báo tin vui tới khắp mọi người, mọi nhà rằng: một năm cũ sắp qua, năm mới đang về đem theo biết bao mầm xuân thẹn thùng nhú nụ.
Và cũng trong mùa chim én bay này, những người lính biển lại bước vào mùa thay quân, vận chuyển hàng tết ra với quân và dân huyện đảo Trường Sa. Với tôi, đó là ngày hội lên đường.
Tôi đã từng được sống trong một vài khoảnh khắc như thế nên dễ dàng cảm nhận được không khí tưng bừng nhưng cũng đầy lưu luyến của những “Cuộc chia ly màu đỏ” vào dịp cận tết hàng năm. Trên quân cảng Cam Ranh chiều nắng nhạt là khung cảnh tấp nập, tiếng nói cười râm ran của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và gia đình họ. Bên cạnh những người lính Hải quân vạm vỡ, dạn dày nắng gió biển khơi là những chiến sĩ trẻ tuổi mười tám đôi mươi lần đầu ra đảo nhận nhiệm vụ. Chiếc yếm áo tung bay đùa vui với gió làm gương mặt họ thêm ngời sáng, ánh mắt tự tin xen lẫn chút hồi hộp vì phải tạm xa đất liền để ra canh giữ một hòn đảo xa xôi diệu vợi. Tôi lặng người khi nhìn thấy người sĩ quan hải quân có nước da sạm đen đang đặt nụ hôn lên má đứa con gái nhỏ của mình. Tay anh ôm chặt người vợ đang dựa đầu trên vai anh để cố lau giọt nước mắt trong phút chia tay. Tôi hiểu, mặc dù tết này không có anh bên cạnh gia đình bé nhỏ của mình nhưng vợ con anh luôn tin tưởng, tự hào và mong chờ anh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để trở về. Bên tai tôi lại vọng về những vần thơ của Nguyễn Mỹ: “…Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ/ Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào/ Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau...”. Tôi còn nhìn thấy bóng dáng của thầy giáo trẻ và các nhà sư cũng chuẩn bị bước lên tàu để ra với Trường Sa. Ngoài đó, những ngôi trường nhỏ đang cần thầy giáo ra để dạy dỗ các em, những mầm non của đảo. Những ngôi chùa ở Trường Sa đang chờ đón các sư thầy ra làm Phật sự để cầu cho quốc thái dân an, giữ yên bờ cõi. Giáo lý nhà Phật đã thấm đẫm trong tâm hồn của những con dân đất Việt tự bao đời.
Những cánh mai vàng, những thùng quà tết đã được anh em cán bộ, chiến sĩ vận chuyển lên các tàu ra đảo. Mặc cho miền Trung vừa trải qua cơn bão lũ, miền Bắc thiên tai, miền Nam nắng hạn nhưng vượt lên trên tất cả, những chuyến hàng từ mọi miền đất nước vẫn kịp đến với Trường Sa. Nào gạo nếp, heo, gà, lá dong, nào chuối xanh, quất cảnh, mai, kẹo, mứt, nào những lá thư tọa độ, những chiếc thiệp chúc xuân, nào hàng tươi, hàng khô, hàng quân nhu… có thể nói anh em ngoài đó đón năm mới không thiếu một thứ gì về vật chất. Nhìn những hàng hóa được xếp gọn gàng trong các khoang chứa, lòng tôi chộn rộn niềm vui. Đây là tấm lòng của đồng bào cả nước. Những món quà hết sức ý nghĩa đối với quân và dân huyện đảo khi ngày tết đang đến gần. Đó cũng là lời động viên để quân và dân Trường Sa được tiếp thêm sức mạnh, luôn giữ vững bản lĩnh, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Giờ ra khơi đã đến, toàn quân cảng thực hiện nghi thức chào tàu. Những con tàu lên đường làm nhiệm vụ lần lượt chào đất liền, rời cảng trong âm vang tiếng còi tàu, tiếng hô vang vọng cả một vùng sóng nước Cam Ranh, những cái vẫy tay tạm biệt và cả những giọt nước mắt chia xa.
Nếu biển là bầu trời thì những con tàu hải quân đang cần mẫn chở mùa xuân ra đảo kia sẽ là những cánh én nối đảo với bờ thêm gần lại. Và ngoài kia, quân và dân Trường Sa đang mong ngóng những cánh én sẽ đem hơi ấm mùa xuân sớm ra với mình...