Giữa biển cả mênh mông, bốn bề sóng nước, hình ảnh những chú chó vui đùa cùng những người lính trẻ sau giờ học tập công tác đã trở thành thân thương và đó cũng là cầu nối khiến Trường Sa bớt xa xôi vời vợi. Những người lính đảo luôn gọi những chú chó ấy một cách trìu mến rằng, đó là những người bạn bốn chân thân thiết của mình.
Tôi đã có rất nhiều lần đi Trường Sa. Ngoài những cảm nhận về tinh thần, ý chí vững vàng cũng như phong cảnh, công việc học tập, rèn luyện của Bộ đội Hải quân và cuộc sống của nhân dân trên một số đảo thì tôi không khỏi ấn tượng về những chú chó được anh em nuôi trên các đảo nổi, đảo chìm.
Chó ở đảo cũng được xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau. Có chiến sĩ ở đất liền nghỉ phép, khi ra đem theo chó để nuôi. Chó còn được anh em ở các đảo tặng cho nhau để làm giống. Hay như năm 2014, anh Tưởng Văn Quý là chủ cơ sở nuôi chó ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã đem 6 chú chó Phú Quốc được đặt tên là Phèn, Mực, Vằn, Lửa, Mun và Xoài ra tặng cho anh em hai đảo Trường Sa Đông và Sơn Ca…
Trường Sa, nơi nắng gió quanh năm, khí hậu khắc nghiệt, nước ngọt hạn chế… tưởng chừng như những con vật nuôi nói chung và loài chó nói riêng sẽ khó trụ lâu được nơi đây nhưng ngược lại, chúng đều sống khỏe. Từ hai con thành cả chục con, rồi thành cả đàn. Đàn chó nhà được nuôi ở đảo cứ tự chúng “nhân bản” lên theo cấp số cộng. Những chú chó ở Trường Sa được anh em huấn luyện và có được những nét đặc trưng, rất riêng của đảo. Chó cùng thức với anh em trong từng ca gác. Chó trên đảo không cắn người, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, và hình như, nó cũng mong có người ra thăm đảo. Khi có khách ở đất liền ra, có chú chó đang hóng hớt làm quen với khách lạ bỗng nghe tiếng quát liền ngoan ngoãn cúp đuôi về chỗ ở, không dám bén mảng ra ngoài. Có chú chó choai tinh nghịch như một cậu thanh niên mới lớn, sán vào lòng khách, có chú hiếu động ngoạm hẳn một chiếc dép có hơi người lạ ra một góc khuất nằm... gặm chơi. Bị phát hiện, chú nhảy ùm xuống biển bơi oàm oạp rồi lại tí tởn vào bờ, lại sán vào chỗ đông người, rũ bộ lông ẩm ướt làm nước biển bắn ra tứ phía trông thật ngộ nghĩnh. Chó ở đảo còn biết cùng anh em chiến sĩ đi lùa cá, bắt cá ở vùng biển cạn gần nhà kiên cố. Đó là những bãi san hô ngầm, khi triều cạn chỉ xăm xắp quá mắt cá chân.
Có những chiến sĩ trẻ mới ra đảo công tác, thời gian đầu nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người yêu, ngoài việc ôm đàn ghi ta bập bùng hát, giờ có thêm chú chó làm bầu bạn. Trên hòn đảo chìm nhỏ nhoi giữa biển, có tiếng chó sủa nhóc nhách cũng khiến đảo đỡ buồn. Những năm trước, khi đất liền với Trường Sa còn là một khoảng xa vời vợi, chưa có sóng điện thoại phủ, liên lạc với đất liền chỉ bằng những cánh thư thì những chú chó là những người bạn để anh em tâm tình cho vơi đi nỗi nhớ. Những chú chó hồi đó được anh em đặt bằng những cái tên của những diễn viên, ca sĩ được yêu mến, khi gọi lên ta cảm thấy thân thương vô cùng...
Những đoàn khách rồi cũng rời đảo để trở về tàu, chỉ còn lại anh em bộ đội và những chú chó thân tình quây quần bên nhau. Ở Trường Sa, những chú chó như là những “chiến binh” dũng cảm, cùng với con người ngày đêm kiên gan bám trụ nơi đây để giữ gìn biển đảo thiêng liêng…