“Em và con thương nhớ nhiều!
Hôm nay đã là ngày Hai mươi nhăm Tết, chắc giờ này ở quê ta nhộn nhịp lắm rồi em nhỉ? Thời tiết ngoài mình có rét lắm không em? Anh nghe đài báo quê nhà có rét đậm rét hại mà thương mẹ con em vô cùng. Vậy là cu Tít năm nay đón xuân mà không có bố ở bên. Bố nhớ hai mẹ con nhiều lắm, hai mẹ con có biết không?
Em yêu, những ngày này, ai mà chẳng muốn được quây quần cùng gia đình đón năm mới, nhưng anh là người lính, người lính biển nên anh phải cùng đồng đội phải cùng con tàu làm nhiệm vụ trực tết ngoài khơi xa. Đó vừa là sự hy sinh nhưng cũng là trách nhiệm, niềm vinh dự của một người chiến sĩ đối với quê hương, với cuộc sống yên bình của nhân dân, trong đó có gia đình ta, em ạ…!”.
Đó là một đoạn trong cuốn nhật ký mà tôi đọc được của Thành trong chuyến công tác vừa qua. Thành chia sẻ, những dòng nhật ký này anh viết cho mẹ con cu Tít khi Thành cùng con tàu thực hiện nhiệm vụ trực tết tại khu vực thềm lục địa phía Nam với thời gian 45 ngày. 45 ngày trên biển, chỉ có sóng và sóng, biển vào mùa động, trời thì âm u, trong khi đó ở đất liền khắp nơi đang nô nức đón xuân làm mình cũng nhớ nhà kinh khủng.
Tôi nhìn Thành, chàng trai quê Hải Hậu có nước da đen trũi, dáng cao gầy, nụ cười đôn hậu mà không khỏi ngỡ ngàng. Cứ tưởng giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, điện thoại đa chức năng, máy tính bảng, internet chạy vèo vèo… sẽ bóp chết cái lối viết thư truyền thống cũng như sở thích viết nhật ký một thời của nhiều người. Quả thật tôi đã nhầm. Những người lính biển khi phải xa đất liền, xa phố phường, xa những công nghệ truyền tin hiện đại thì họ vẫn giữ cho mình cái nếp cũ thật bình dị mà thân thương vô cùng.
Tính đến nay, Thành đã có gần mười lăm năm làm lính tàu, đã từng rong ruổi không biết bao nhiêu chuyến làm nhiệm vụ và cũng có không ít lần đón giao thừa trên biển. Thành tâm sự: “Những ngày tết cổ truyền dân tộc, được sum vầy bên người thân, gia đình luôn là điều mong ước của bất kỳ người Việt Nam nào. Song vì nhiệm vụ, không ít người, trong đó có những người lính biển chúng tôi phải đón tết trên biển khơi. Dẫu rất nhớ nhà, nhớ đất liền nhưng mình cảm thấy tự hào vì đã góp phần mang lại hạnh phúc, bình yên cho đất nước!”.
Nghe Thành tâm sự như vậy làm tôi cũng tự liên tưởng đến mình. Chừng ấy năm sống cùng biển, thức cùng biển nên không chỉ riêng tôi mà cả những đồng đội của tôi ai mà chẳng có một vài lần đón giao thừa trên biển. Thú thực một điều rằng, chúng ta ai chẳng có một quê hương, một gia đình, một mái ấm nên trong sâu thẳm tận đáy lòng, tết nhất không ai là không muốn được trở về nơi ấy cả. Ngày tết là ngày đoàn tụ của những người lính quanh năm biền biệt xa quê với mẹ cha, với anh em, vợ con, bạn bè, họ mạc... Nhưng, nếu ai cũng muốn về quê trong những ngày thiêng liêng, ấm cúng ấy thì lấy ai là người thức cùng biển đảo, với con tàu để đón xuân?
Thành kể với tôi về những xúc cảm khi lần đầu tiên ăn tết trên biển rằng: “Do đã ý thức được trách nhiệm của mình nên em luôn xác định tốt tư tưởng. Dù phải đón cái tết đầu tiên xa nhà, lại ở trên biển nhưng tinh thần rất thoải mái, chỉ hơi nhớ nhà chút ít mà thôi anh ạ! Vì nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, em cảm thấy đây là niềm vinh dự, tự hào. Em chỉ mong gia đình, người thân luôn mạnh khỏe, vững vàng để em yên tâm cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ!”. Nghe Thành nói, tôi càng hiểu thêm bản lĩnh, sức trẻ và lòng tự hào nghề nghiệp của những người lính biển đang ngày đêm đối mặt với bao sóng gió, hiểm nguy để giữ cho biển được bình yên.
Những con tàu làm nhiệm vụ trực tết được ví như những mắt thần giữa biển ngày xuân. Và những người lính đã từng được đón xuân trên biển ai nấy đều có niềm hãnh diện và tự hào vì được góp sức mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và để cho biển, đảo quê mình mãi mãi được bình yên…