Tháng Chạp thấm thoắt lại về, với những ai sống ở thành thị hiện giờ đều không xa lạ gì với các chủng loại hàng tết rất phong phú, đa dạng đang ngập tràn khắp các trung tâm thương mại, cửa hàng, siêu thị và trên từng con phố. Còn ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, dù đi xa hay ở nơi nào cũng không thể quên được cây đa, bến nước, sân đình, ngõ xóm, không khí những buổi đi chợ tết khi mỗi độ xuân về. Những phiên chợ tết ở làng quê mang những sắc thái riêng và tạo nên những cảm xúc khó quên. Với những người lính hải quân, ký ức của chợ tết quê lại ùa về trong những ngày này khi họ đang căng mình giữ biển, giữ đảo để đất liền đón tết được an vui…
Chiều 28 Tết, con tàu của chúng tôi thả neo trên khu vực đảo Tốc Tan. Xung quanh mênh mông biển và biển. Đây là lần thứ ba con tàu thực hiện nhiệm vụ trực tết tại Trường Sa. Anh em quây quần cùng nhau trang trí bàn thờ Tổ quốc, gắn nốt những cánh mai giả vào gốc cây được đem đi theo tàu. Những câu chuyện, những ký ức về phiên chợ tết ở quê được mọi người đem ra tâm sự cùng nhau để chia sớt nỗi nhớ nhà.
Ở các vùng quê, phải chờ đến ngoài ngày Rằm tháng Chạp, nhưng thực sự phải chờ qua ngày 23 âm lịch, khi ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về chầu Trời thì chợ tết mới được đông vui. Chợ đông đúc nhất vào ngày 28 đến 30 Tết. Những ngày này, người nông dân vẫn ra đồng, vẫn chăm nom bờ bãi, bón cây, tỉa củ và họ mang những sản phẩm mà mình nuôi trồng được ra chợ bán kiếm một chút tiền tiêu tết.
Tôi nhớ mãi hình ảnh lần đầu tiên được đi phép tết trong đời quân ngũ. Sáng 28 Tết, mẹ bảo tôi đi cùng để xách giúp mẹ đồ mua ở chợ. Hai mẹ con đi bộ trên con đường đất thân quen trong làn mưa phùn rây rắc và cái rét run người. Chợ tết quê tôi rất đỗi bình dị. Những đôi quang gánh chen chúc nhau trên lối đi nhỏ giữa các mái lều tranh trong mùi hương thơm quay quắt. Nhiều khi trong đó chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những quả chuối xanh, quả cau, quả bưởi đều được bà con mang ra chợ. Ở quê, người nông dân tự tay mang sản phẩm của mình làm ra đi bán, có khi rẻ chỉ bằng một nửa nhưng vừa tươi, vừa ngon. Mẹ dắt tôi đi qua hàng thịt, hàng rau, hàng xay hạt tiêu, hàng miến, hàng chè xanh. Các bà, các cô ở chợ biết tôi là lính biển được về phép ăn tết cùng gia đình đều bảo mẹ tết này nhớ nhắm cho cu Tuấn một cô để sang năm về cưới là vừa. Tôi thẹn thùng còn ánh mắt mẹ long lanh. Mẹ hãnh diện vô cùng.
Toàn quê ở Thạch Thất, một huyện ngoại thành Hà Nội thì kể, mặc dù quê anh cách Thủ đô không xa nhưng vẫn giữ cho mình những nếp xưa cũ của một ngôi làng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước khi nhập ngũ, năm nào anh cũng đi chợ tết vì như Toàn nói, chợ tết quê anh hết sức đặc biệt mà ở nơi khác không có được. Khi đến chợ, ai cũng cảm thấy như lạc vào một không gian của thế kỷ trước bởi có thể gặp ở bất cứ đâu những bà cụ quần đen áo nâu, miệng bỏm bẻm nhai trầu, mời chào những câu hết sức dân dã mà đã lâu không thấy nghe ở nhịp sống ồn ào hiện nay. Cứ đến các phiên chợ tết, dù không chủ ý mua gì nhưng nhiều người dân quê anh vẫn thích ra chợ để cảm nhận được không khí tết, không khí sắm tết và chơi chợ. Toàn bảo, hầu như phụ nữ đi chợ tết thường mua sắm rau quả cũng như đồ trang trí trong nhà. Còn đàn ông thì mua những đồ bằng sắt mong sự may mắn. Tục này có lẽ bắt nguồn từ đời sống của nhà nông. Người đàn ông thường xuyên gánh vác những việc nặng trong gia đình. Và những vật dụng như dao, búa, rìu, lưỡi cày là những thứ mà họ thường sử dụng trong lao động sản xuất. Cả khu chợ quê anh chỉ còn một gian hàng rang xay nổ bỏng, người thợ rang xay làm không hết việc, tiếng nổ vui tai vang lên giữa tiết trời buốt giá và cơn mưa phùn. Người dân vây xung quanh, họ đến đây để muốn tìm về một miền kỷ niệm, miền ký ức đã dần bị lãng quên.
Sáng nay tàu hạ xuồng vào đảo xúc ít cát Trường Sa để đem ra làm chậu mai vàng. Nhìn anh em trên đảo cũng đang hoàn tất những công việc cuối cùng để đón chào xuân mới mà tôi không khỏi chộn rộn trong lòng.
Khánh, cậu chiến sĩ trẻ mới ra đảo trong chuyến thay quân vừa rồi và cũng là lần đầu tiên đón tết xa gia đình không khỏi lạ lẫm khi chuẩn bị đón chào xuân mới giữa bốn bề sóng gió. Khánh đang cùng anh em căng khẩu hiệu “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ” trong phòng khách của đảo. Khánh kể, Hải Phòng quê em có ngôi chợ Hàng, một chợ phiên cổ giữa lòng thành phố Cảng hiện đại. Trong những ngày cuối năm, chợ Hàng đông vui, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không bán thức ăn, rau cỏ như các chợ quê khác, chợ Hàng bán các con giống và các loại nông cụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Đây còn là nơi mua bán cây cảnh đủ loại từ những cây đắt tiền đến bình dân. Vào khu vực bán cây, ai cũng muốn trở lại với cảm giác thôn quê, dân dã trong lòng phố thị. Những gian hàng cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh phong phú nhiều màu sắc và chủng loại. Người dân nô nức đi chợ Hàng để cảm nhận được không khí của những ngày xuân ấm áp. Có những người đã tìm mua được những món đồ ưng ý nhưng cũng có những người đến đây chỉ để cảm nhận cái không khí tết đang gần kề.
Những người lính biển cảm nhận về chợ quê ngày tết theo cách riêng của mình. Giờ đây, khi đã lớn khôn nhưng mỗi khi tết đến xuân về, cái cảm giác nao nao ấy vẫn cứ quay trở lại như nhắc nhớ ta về nỗi nhớ quê hương.
Xuân mới bắt đầu sang, mặc dù không thể cùng đoàn tụ với gia đình quê hương song mỗi người lính Trường Sa đều rất tự hào về nhiệm vụ của mình. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - tâm niệm ấy đã trở thành cầu nối của tình đồng đội, xóa đi cảm giác nhớ nhà. Đó là sức mạnh để chúng tôi thêm chắc tay súng giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên cho đất nước.
Chúng tôi nguyện làm lá chắn cho đất liền đón tết bình yên…