Mỗi khi nhắc đến vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, người ta thường nghĩ ngay đến những hòn đảo có vẻ đẹp hoang sơ, dịu dàng, là điểm đến của những tour du lịch khám phá đầy ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Và cũng chính ở những nơi đó, giữa mênh mang sóng nước Tây Nam, có những người lính hải quân đang ngày đêm lặng lẽ căng mình canh giữ, bảo vệ cho biển trời của Tổ quốc luôn được yên bình, xanh trong…
Ngoại trừ đảo Phú Quốc ra, bộ đội Hải quân đóng quân nơi các tuyến đảo Tây Nam như Hòn Đốc, Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối… đều có đặc thù chung là hầu hết cheo leo trên các đỉnh cao. Đó là những trạm ra đa làm nhiệm vụ vươn cánh sóng của mình để bảo vệ chủ quyền từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc thân yêu.
Với những vị khách lần đầu muốn đặt chân lên các trạm ra đa nơi đây đều phải trải qua cảm giác hồi hộp, rướn mình, thở dốc. Có người cảm thấy hơi sốc khi phải đi qua những con dốc của những ngọn núi trên đảo. Mỗi đảo đều để lại một ấn tượng khác nhau. Như ở Nam Du, muốn lên đó cũng phải qua cả loạt khúc cua cong như một vòng đảo. Hay như Hòn Khoai, từ chân đảo lên trạm phải vượt qua đoạn đường gồ ghề, đầy đá vôi to và những con dốc, phải đi xuyên qua cả một cánh rừng với những thân cây leo đủ hình thù. Rồi Thổ Chu, từ cầu cảng muốn lên trạm ra đa phải mất 20 phút chạy xe… Có lẽ trong số các trạm ra đa ở tuyến đảo Tây Nam, Hòn Chuối được coi như dốc nhất. Các điểm khác đôi khi có thể chạy xe máy lên trạm, còn với Hòn Chuối thì không. Dốc ở đây là dốc đứng, người lên đếm cả mấy trăm bậc thang như đường tới chân trời. Trừ mấy trăm bậc thang ra, còn lại là cứ phải theo lối mòn để lên đỉnh cao nhất, trạm ra đa nằm ở đó. Được đứng trên các trạm ra đa nhoài mình ra biển Tây Nam, nơi gió thổi ràn rạt suốt đêm ngày, được ngắm nhìn cả một vùng trời nước mênh mông ta càng thấy biển, đảo quê hương vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ, đẹp như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở…”, mặc cho khó khăn, hiểm trở, những con dốc, con đường này lại trở nên vô cùng thân thuộc với các chiến sĩ ra đa Tây Nam khi hằng ngày anh em vẫn phải xuống bãi để làm nhiệm vụ, giúp ngư dân và thậm chí là chở nước khi mùa khô kéo dài. Mỗi ngày, chàng lính trẻ có thể chạy lên chạy xuống đường mòn, đường dốc vài bận mà vẫn cảm thấy hào hứng, phấn chấn bởi đôi khi chỉ là xuống bến tàu để nhận một lá thư, một chút quà từ đất liền gửi ra cho mình.
Do nằm trên các đỉnh núi ở các đảo nên điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ các trạm ra đa ở Tây Nam gặp rất nhiều khó khăn. Chuyện thiếu nước ngọt, thiếu điện thường xảy ra vào mùa khô, đường lên núi cheo leo, hiểm trở, mùa mưa thường xảy ra giông sét, mùa khô có nguy cơ cháy rừng cao… đó là thử thách mà anh em phải thường xuyên đối mặt. Vùng biển Tây Nam cũng thường xuyên có bão lớn hay những cơn gió chướng tràn qua. Bão tố là thứ đầu tiên phải quen với lính biển, ngay cả khi đang đóng quân trên những đỉnh cao nhất mỗi hòn đảo. Mỗi khi bão đến, bà con dân đảo lại dắt díu nhau lên núi ở với bộ đội để tránh các đợt sóng gió đang dần nuốt những ngôi nhà của mình. Hay nhiều đảo bà con phải sống nương theo mùa gió. Cứ nửa năm lại chuyển nhà từ bên này sang bên kia đảo để tránh gió. Mỗi đận chuyển nhà, quân với dân lại hò nhau mang tất cả những vật dụng theo. Sống cùng bà con, tận tình giúp đỡ bà con, những việc làm đó đã góp phần thắt chặt tình cảm quân dân giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc.
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu biển đảo sâu nặng, những người lính trên đỉnh mây bay gió vờn vẫn luôn đoàn kết, gắn bó với đơn vị, với nhân dân, ngày đêm miệt mài bên cánh sóng ra đa canh biển. Công việc lặng thầm ấy đã góp phần quan trọng mang lại sự bình yên cho vùng biển, đảo Tổ quốc phía Tây Nam.