Tâm từ là gì?
Không chỉ chánh niệm, hãy tử tế và bao dung
M ột phụ nữ giàu có đến lớp học thiền vào một tối nọ. Nhiều nhà hàng xóm của bà đã bị cướp, cho nên trước khi đi bà dặn dò người bảo vệ ở cổng biệt thự nhà bà hãy cảnh giác và luôn luôn chú tâm vào thực tại.
Khi trở về nhà, bà phát hiện biệt thự nhà mình đã bị cướp. Bà liền mắng người bảo vệ: “Tôi đã bảo anh phải chú tâm canh chừng kẻ trộm. Anh làm tôi thất vọng quá”.
“Nhưng tôi đã chú tâm lắm mà, thưa bà chủ”, người bảo vệ đáp. “Tôi thấy tên trộm vào biệt thự, tôi liền ghi nhận ‘Trộm vào nhà. Trộm vào nhà’. Sau đó tôi thấy chúng đi ra, mang theo nữ trang, thế là tôi chú tâm ghi nhận ‘Nữ trang ra đi. Nữ trang ra đi’. Sau đó tôi lại thấy chúng đi vào và mang két sắt của bà ra ngoài, tôi lại ghi nhận ‘Két sắt bị trộm. Két sắt bị trộm’. Tôi đã rất lưu ý thực tại mà, thưa bà chủ”.
Chỉ lưu ý đến thực tại - chánh niệm - thôi vẫn chưa đủ!
Nếu người bảo vệ vừa tử tế với bà chủ, vừa lưu ý thực tại thì hẳn anh ta đã gọi cảnh sát rồi. Khi chúng ta kết hợp tử tế với chú tâm vào thực tại, ta sẽ có Tâm từ.
Cách đây vài năm, tôi bị ngộ độc thực phẩm. Những nhà sư Phật giáo nguyên thủy chúng tôi sống nhờ vào sự bố thí của bá tánh. Chúng tôi không bao giờ thật sự biết mình đang ăn thứ gì, và chúng tôi thường hay đưa vào miệng những thứ mà sau đấy bao tử phản đối kịch liệt. Thỉnh thoảng bị đau bao tử là “tai nạn nghề nghiệp” của thầy tu. Nhưng lần này, còn tệ hơn là chứng khó tiêu, tôi bị đau bụng quằn quại do ngộ độc thực phẩm.
Nhân cơ hội này tôi đã thấm nhuần oai lực, quyền năng của Tâm từ.
Tôi cưỡng lại khuynh hướng tự nhiên muốn trốn thoát khỏi cơn đau, do đó tôi có được cảm nhận sâu sắc hết mức có thể. Đấy chính là Tâm từ - trải nghiệm cảm xúc ngay tại khoảnh khắc này một cách rõ ràng nhất mà không hề phản ứng lại. Sau đó, tôi áp thêm sự bao dung, tử tế. Tôi mở cánh cửa trái tim mình ra với cơn đau, tôn kính nó bằng cảm xúc nồng nàn. Tâm từ liền phát ra cho tôi tín hiệu phản hồi. Tôi cảm nhận ruột của mình nguôi ngoai đôi chút nhờ sự tử tế, và cơn đau xem ra có giảm đi. Vì thế, tôi tiếp tục rải Tâm từ. Dần dần, cơn đau bụng giảm do sự tử tế phát huy vai trò của nó - sự tử tế vuốt ve hệ tiêu hóa của tôi. Chỉ sau 20 phút, cơn đau bụng chấm dứt hẳn. Tôi lại mạnh khỏe và ung dung, thư thái, như thể vụ ngộ độc thực phẩm chưa hề xảy ra.
Người ta có thể tưởng tượng rằng còn có những yếu tố khác tác động đến việc bình phục của tôi, nhưng thật tâm mà nói, tôi biết là không hề có. Tôi biết liều thuốc chủ đạo chính là Tâm từ. Tôi không hề uống thuốc, không uống nước, không xoa bóp - chính liệu pháp Tâm từ đã chữa lành bệnh cho tôi - đơn giản và rõ ràng thế thôi. Dĩ nhiên, tôi đã luyện tập pháp này trên 40 năm - chính vì thế nên nó mới hiệu nghiệm đến vậy. Cơn đau bụng thắt quặn từng cơn khiến tôi gập rúm người lại; để đáp trả cơn đau, tôi rải Tâm từ triệt để. Tôi không bàn luận gì đến cơ cấu hoạt động của vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, mà tôi cũng không quan tâm đến điều ấy. Cơn đau bị đẩy lùi hoàn toàn. Đây chỉ là một ví dụ của cá nhân tôi về sức mạnh của Tâm từ.
Tâm từ là Nhân của sự hồi phục.
Nó mang sự thanh thản cho thân, cho Tâm và cho thế gian.
Tâm từ có tác dụng chữa lành.
Không chỉ lưu ý thực tại, mà hãy trắc ẩn, bao dung.
Tâm từ và Tâm định
Thời nay có rất nhiều người dốc sức luyện thiền. Khó khăn lớn nhất của họ là họ không tài nào giữ cho Tâm an tịnh được. Cho dù họ có cố gắng đến thế nào chăng nữa, họ cũng không thể ngưng suy nghĩ. Tại sao vậy? Để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện hầu minh họa cho điều này.
Một buổi chiều nọ, một phụ nữ nhận được cuộc điện thoại:
“Chào cô. Đây là K. S., chiều nay cô có rảnh để đi uống cà phê không?”
“Cũng rảnh”, người phụ nữ đáp.
“Tốt”, K. S. nói tiếp. “Chúng ta sẽ đến quán cà phê mà tôi thích, không phải là quán cô thích. Cô chỉ được gọi cà phê đậm đặc, chứ không phải cà phê sữa đầy cholesterol mà tôi biết là cô thích đâu. Còn bánh thì cô phải ăn bánh xốp việt quất, giống tôi, không phải thứ bánh ngọt chán phèo cô hay ăn. Chúng ta sẽ ngồi trong góc yên tĩnh bởi vì đó là chỗ tôi muốn ngồi, không phải chỗ ngoài đường như cô luôn lui tới đâu đấy. Rồi trong khi uống cà phê, chúng ta sẽ bàn luận về chính trị, đề tài tôi muốn đề cập tới, không phải những thứ rối tinh rối mù mà cô thường líu lo. Cuối cùng, chúng ta sẽ ngồi chừng 60 phút, đúng một tiếng đồng hồ, bởi vì tôi chỉ muốn nán lại nhiêu đó thời gian thôi.”
“Ừm…”, người phụ nữ đáp rồi bỗng nghĩ ra. “À, tôi chợt nhớ là chiều nay mình có hẹn với nha sĩ. Xin lỗi K. S., tôi không thể đi được.”
Bạn có muốn đi uống cà phê với người bảo bạn phải đi đâu, uống và ăn gì, ngồi chỗ nào, và sẽ bàn luận điều gì không? Không đời nào!
Phòng trường hợp bạn vẫn chưa hình dung ra câu chuyện, thì K. S. là chữ viết tắt của Kiểm Soát.
Hãy so sánh câu chuyện trên với việc học thiền của nhiều người. “Tâm, hãy nghe đây! Bây giờ chúng ta sẽ thiền. Mi sẽ quan sát hơi thở, điều mà ta muốn làm, chứ không phải đi lan man tới bất kỳ nơi đâu mi muốn. Mi phải đặt ý thức lên đầu mũi, điều ta muốn làm, không phải hướng ra ngoài đường. Rồi mi sẽ ngồi đó đúng 60 phút, không sai phút nào.”
Khi bạn là kẻ cuồng kiểm soát, đối xử với Tâm của mình như đối xử với nô lệ, thì chả có gì ngạc nghiên, Tâm của bạn luôn luôn cố trốn thoát khỏi bạn. Nó sẽ nghĩ về những ký ức vô bổ, lên những kế hoạch xa vời chẳng bao giờ xảy ra, những ảo tưởng, hoặc không thì ngủ gật - nó sẽ làm bất kể điều gì để tránh xa khỏi bạn. Đó chính là lý do tại sao bạn không thể giữ cho Tâm yên được.
Bạn là kẻ cuồng kiểm soát - chính vì thế bạn không thể giữ cho Tâm an trụ!
Cũng vẫn người phụ nữ ấy nhận được cú điện thoại:
“Chào cô, T. T. đây. Chiều nay cô đi uống cà phê được chứ nhỉ? Cô muốn uống ở đâu? Cô muốn uống và ăn gì? Chúng ta sẽ ngồi ở vị trí mà cô thích, sẽ đàm luận những đề tài cô thích, và sẽ nán lại bao lâu tùy cô.”
“Thật ra, chiều nay tôi có hẹn với nha sĩ”, người phụ nữ đáp. “Nhưng không sao! Quên nha sĩ đi. Tôi sẽ đi uống cà phê với anh”. Sau đó, họ cùng thư giãn và vui vẻ bên nhau, trong thời gian bao lâu cũng được. T. T. là viết tắt của “Tâm Từ”.
Nếu như ta hành thiền bằng cách đối xử với Tâm của mình như bạn thân thì sao?
Đối xử với Tâm của mình như bạn thân tức là tiếp cận Tâm bằng thái độ nồng ấm và lôi cuốn:
“Này bồ! Bồ có muốn thiền vào lúc này không? Bồ muốn quan sát cái gì? Bồ muốn ngồi kiểu gì? Cho tôi biết xem bồ muốn thiền trong bao lâu”. Khi bạn đối xử với Tâm của mình bằng Tâm từ thì Tâm của bạn không muốn đi lang thang tới đâu hết. Nó thích đi cùng với bạn. Bạn cùng đồng hành với nó, cùng hòa vào nó, bao lâu bạn muốn.
Ưu tiên Tâm từ
Cách đây vài năm, tại một trường kinh doanh - thương mại nổi tiếng, giáo sư môn kinh tế xã hội học đã giảng một bài vô cùng kỳ lạ cho sinh viên cao học của mình. Không giải thích nội dung bài học là gì, giáo sư cẩn thận đặt một bình nước lên bàn. Sau đó, trước những con mắt chăm chú của sinh viên, giáo sư lấy ra một túi đầy đá, rồi lần lượt cho từng cục đá vào bình nước, đến khi không còn chỗ để bỏ thêm vào nữa. Ông hỏi các sinh viên: “Liệu chiếc bình này đã đầy chưa?”.
“Đầy rồi ạ!”, cả lớp đồng thanh.
Giáo sư mỉm cười. Đoạn, ông rút ra từ dưới bàn chiếc túi thứ hai, lần này đựng đầy sỏi. Giáo sư cố rắc những viên sỏi nhỏ vào khe trống giữa những cục đá trong bình. Lần thứ hai, ông hỏi các sinh viên: “Liệu chiếc bình này đã đầy chưa?”.
“Chưa!”, cả lớp đồng thanh. Đến lúc này họ đã biết được ý định của giáo sư.
Dĩ nhiên họ nói đúng, bởi vì giáo sư lại lấy ra một túi cát mịn. Ông khéo léo dốc cát vào những khe trống giữa đá và sỏi trong bình. Thêm lần nữa, ông hỏi các sinh viên: “Liệu chiếc bình này đã đầy chưa?”.
“Chưa đâu ạ!”, cả lớp đáp.
Mỉm cười trước câu trả lời đó, giáo sư lấy ra một bình nước nhỏ, rồi ông rót nước vào bình cát, đá, sỏi. Khi không còn rót thêm nước vào bình được nữa, ông đặt bình nước xuống và nhìn khắp cả lớp.
“Vậy sự việc này dạy các anh chị điều gì?”, giáo sư hỏi các sinh viên.
Một sinh viên chỉ ra: “Cho dù lịch trình của mình có bận rộn đến đâu chăng nữa, ta vẫn luôn có thể chêm cái gì đó vào”. Dù gì đây cũng là ngôi trường kinh doanh lỗi lạc cơ mà.
“Không phải!”, giáo sư gằn giọng thốt lên. “Điều nó muốn ám chỉ là: nếu muốn cho những hòn đá lớn vào bình, ta phải đưa chúng vào trước.”
Đó là bài học về sự ưu tiên.
Hãy bảo đảm bạn lên lịch, lập kế hoạch với “những viên đá quý” trước, nếu không thì bạn sẽ chỉ vờn quanh chúng, chứ không bao giờ gắn được chúng vào cuộc sống hàng ngày của mình.
Những cục đá lớn trong “chiếc bình” của bạn là gì? Điều gì quan trọng nhất cần gắn vào cuộc đời bạn? Bạn có tìm thấy những khoảng trống cho cục đá quý Tâm từ?
Luật Nhân - Quả
Thông qua hành thiền và Tâm định, bạn nhận được những dữ liệu bí hiểm, bắt nguồn thâm căn cho những mối quan hệ Nhân - Quả. Rất nhiều trong số giáo huấn của Đức Phật hướng đến sự thấu đạt luật Nhân - Quả - sự vật hiện tượng bắt nguồn từ đâu và tại sao chúng nảy sinh. Theo các thuyết pháp của Đức Phật, nếu có vấn đề xảy ra thì chúng ta phải điều tra nó. Chúng ta áp dụng lý lẽ và kinh nghiệm của mình để tìm ra vấn đề xuất phát từ đâu và nó dẫn tới đâu. Nếu chúng ta thấy nó dẫn đến trạng thái Thân và Tâm tiêu cực, có hại, thì chúng ta biết đấy là thứ độc hại, không lành mạnh và không tác thành Tuệ. Kế tiếp, chúng ta điều tra lùi lại, để thấy quy trình mà từ đó khiến cho vấn đề nổi lên bề mặt.
Khi bạn có đủ Tâm từ, sự an bình và Tuệ, bạn sẽ nhìn thấu toàn bộ chuỗi Nhân - Quả. Bạn hiểu cơn giận dữ, cảm giác tội lỗi, trầm cảm và nỗi sợ hãi của mình bắt nguồn từ đâu, và bạn thấy chúng lớn lên bên trong mình như thế nào.
Khi bạn thấy rõ tất cả những thứ này,
bạn sẽ sớm phát hiện ra chúng;
nhờ biết chúng độc hại và vô dụng,
bạn sẽ biết cách xử lý chúng.
Một khi trạng thái tinh thần tiêu cực nảy sinh và nắm giữ Tâm của bạn, bạn chẳng thể làm gì nhiều ngoài việc đứng lùi lại và cho phép nó đi qua. Điều quan trọng nhất là bảo đảm bạn nhận ra nó để rồi làm giảm vấn đề rắc rối nếu lần sau nó nổi lên. Đây là bài luyện từ một thầy tu đồng môn với tôi ở Thái Lan. Thầy đã gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu tu hành, nhưng tôi rất ngưỡng mộ thầy bởi vì thầy đã chế ngự được những chướng ngại trong Tâm mình. Mặc dù có bao phen thầy phải khốn khổ đến mức tưởng chừng như phát điên, đến mức tưởng chừng như phải bỏ cuộc, nhưng rồi thầy vẫn bám trụ. Lần đầu tiên phải trải qua một giai đoạn cực kỳ gian khó, thầy ngỡ vấn đề sẽ càng ngày càng tệ hơn, nhưng không ngờ nó lại dần tan biến đi, khiến cho thầy vô cùng kinh ngạc và nhẹ nhõm. Nó kết thúc là do thầy không can thiệp vào nó. Bây giờ thầy đã có trải nghiệm trực tiếp về bản chất ngắn ngủi của những trạng thái tiêu cực.
Quan trọng là thầy cũng nhận ra trạng thái tăm tối không bao giờ biến đi mãi mãi. Thầy hiểu nó như là một quy trình: thầy thấy nó nổi lên như thế nào và cái gì giữ cho nó tiếp diễn. Thầy thấy rằng thầy không cần làm bất kỳ điều gì để ngăn nó lại; thầy chỉ cần tránh tiếp thêm củi cho ngọn lửa và cho phép tự nó cháy rụi. Do thầy tu rèn được sự chứng ngộ này, lần tới gặp phải trạng thái Tâm u tối, thầy sẽ dễ xử lý hơn. Thầy nhớ lại những trải nghiệm trước kia của mình và nhận ra vấn đề này rồi cũng tự nó kết thúc. Thầy không làm cho nó khác đi, không sợ nó, cũng không nổi giận vì nó. Kết quả là thầy thấy dễ chịu đựng hơn, bởi vì sự chứng ngộ của thầy đã thâm sâu hơn, cho nên vấn đề không kéo dài như trước nữa. Và khi cứ một lần nó trôi qua là Tuệ của thầy lại thêm một lần được củng cố, mài giũa. Mỗi lần vấn đề nổi lên, nó càng ngắn hơn và dễ chịu đựng hơn, cuối cùng vấn đề biến mất hẳn. Đó là một ví dụ sinh động về Tuệ trong thực tế - Tuệ bình thường thôi, nhưng đúng là Tuệ.
Mỗi lần bạn có thể vận dụng Tuệ để làm giảm hoặc chế ngự vấn đề của mình, thì đó là lúc Tâm từ đang phát huy tác dụng.
Không chỉ có Tâm từ với con người
Để tôi kể cho quý vị nghe câu chuyện về Thomas, người đã có nhiều tháng tu tập hành thiền tại tu viện của chúng tôi ở Úc, sau đó trở về quê nhà, nước Đức, để theo đuổi việc học hành chuyên sâu. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện Tâm từ giúp anh kiếm được 20 euro như thế nào vào đúng lúc anh cần nó nhất.
Trong ngày đầu tiên Thomas tới trường đại học ở Đức, chiếc máy ATM phát ra âm thanh kỳ cục khi anh đi ngang qua - “nghe như tiếng ột ột”, anh mô tả nó như vậy. Anh tưởng tượng máy ATM của trường đại học đang chào đón anh đến trường.
Kể từ ngày đó, Thomas liên tục phát đi những ý nghĩ tử tế, ân cần về người bạn của mình, chiếc máy ATM, mỗi lần đi ngang qua nó: “Chắc tiền trong bụng mi không bao giờ cạn đâu nhỉ”, “Mà khi khách hàng của mi phát hiện họ không rút được tiền thì cũng không bao giờ đấm mi đâu”, “Chắc là mi không bao giờ bị mất điện”…
Sau nhiều tháng, Thomas đang ngồi dưới nắng ấm ăn trưa, cách bạn mình, chiếc máy ATM, mấy bước thì anh lại nghe thấy tiếng ột ột quen thuộc. Anh quay đầu lại, thấy một tờ 20 euro chạy ra khỏi chiếc máy.
Thomas đã ngồi gần chiếc máy ATM ít nhất 15 phút và không thấy có ai tới gần chiếc máy, chứ đừng nói là rút tiền. Anh đến bên chiếc máy ATM, cầm lấy tờ tiền, và vẫy vẫy lên không để xem có ai nhận là của mình không. Chẳng thấy ai cả. Thomas, một sinh viên nghèo, bèn nói: “Cảm ơn” một cách thân thiện với chiếc máy ATM, xong đút tờ tiền vào túi quần.
Tôi đã nhiều lần hỏi cặn kẽ Thomas câu chuyện anh kể có đúng hay không. Lần nào anh cũng khăng khăng bảo là thật, rất nhiều lần đều nhất quyết như thế, và tôi tin anh.
Vậy, hãy luyện Tâm từ với những chiếc máy ATM - thật ra là hãy rải Tâm từ với tất cả mọi người, tất cả mọi thứ - ai biết được, một ngày nào đó người ta, hoặc mọi thứ sẽ tử tế lại với bạn.
Hãy rải Tâm từ với tất cả mọi người, tất cả mọi thứ.