Rèn luyện Tâm từ
Trong đề mục này, tôi sẽ giới thiệu với quý vị chi tiết phần đầu của Tâm từ - nhận thức khoảnh khắc hiện tại và quán niệm hơi thở.
Pháp hành thiền này dàn trải thành nhiều giai đoạn. Có thể bạn ước muốn luyện nhanh luyện gấp những bài tập mô tả trong quyển sách nhỏ này, nhưng hãy cẩn thận. Nếu bạn đi quá nhanh, lướt qua những bước thực hành ban đầu, bạn sẽ nhận thấy công việc chuẩn bị chưa được rốt ráo. Giống như xây một ngôi nhà trên nền móng tạm bợ - tòa nhà dựng lên rất nhanh nhưng rồi nó cũng sụp đổ rất mau! Sẽ là khôn ngoan nếu bạn dành nhiều thời gian xây chân móng cho chắc. Sau đó, nếu bạn tiếp tục xây thêm nhiều tầng cho Ngôi nhà Giáo huấn Phật Pháp thì các tầng đó sẽ rất bền vững.
Sau khi bạn trải qua đủ thời gian luyện Tâm từ với các bài tập trong quyển sách nhỏ này, chúng sẽ trở thành phần cốt tinh bền vững, kiên cố và sâu chắc trong bạn, làm nền tảng để bạn đạt đến các tầng thiền định (jhana), nếu bạn muốn. Quyển sách của tôi - Mindfulness, Bliss, and Beyond - có thể giúp bạn tạo lập một nền tảng hoàn hảo cho hành trình khám phá về thiền định. Nhưng không cần phải vội vã, những bài luyện Tâm từ trong quyển sách này tự thân chúng có thể tạo nên những biến đổi ngoạn mục.
Tâm từ tốt cho lúc ban đầu, tốt cho giai đoạn giữa, và tốt cả cho lúc cuối.
Giai đoạn 1:
Hướng vào hiện tại
Khi tôi dạy thiền, tôi muốn bắt đầu từ giai đoạn rất đơn giản - đó là từ bỏ gánh nặng quá khứ và tương lai. Rất có thể bạn nghĩ rằng việc này dễ thực hiện lắm, nhưng không hề. Vứt bỏ quá khứ có nghĩa là không nghĩ về công việc, gia đình, sự tận tụy cống hiến, trách nhiệm của bạn, những lúc vui buồn thời thơ ấu… Bạn dứt bỏ hết những trải nghiệm quá khứ bằng cách không mảy may quan tâm đến chúng.
Trong quá trình hành thiền, bạn biến thành người không có lý lịch. Việc bạn là thiền sư lâu năm hay chỉ là người mới tu tập đều không quan trọng.
Là người không có lý lịch, bạn không nghĩ đến việc quê quán của bạn ở đâu, hay bạn sinh ra ở nơi nào, cha mẹ bạn là ai, hoặc bạn được nuôi dạy như thế nào. Bạn từ bỏ hết tất cả những thông tin lý lịch đó. Theo cách này, nếu bạn cùng hành thiền với nhiều người khác, thì tất cả đều trở nên bình đẳng - tất cả chỉ là người thực hành thiền (thiền sinh).
Nếu chúng ta từ bỏ hết lý lịch của mình, chúng ta sẽ bình đẳng và tự do. Chúng ta tự giải phóng bản thân khỏi một số lo âu, những cảm giác và suy nghĩ vốn giới hạn chúng ta, ngăn cản chúng ta chứng ngộ sự yên bình - trạng thái sinh ra sự buông bỏ. Từng nội dung trong bản lý lịch lần lượt bị xóa sổ, cho dù chỉ là mẩu ký ức mới vừa xảy ra cách đây tích tắc.
Cho dù điều gì đã xảy ra cũng không còn làm chúng ta bận tâm nữa, chúng ta buông bỏ hết.
Tâm giống như căn phòng lót đệm
Tôi mô tả việc hành thiền để rèn luyện Tâm giống như một căn phòng lót đệm. Khi bất kỳ trải nghiệm, cảm xúc hay ý nghĩ nào chạm vào tường của căn phòng ấy, nó đều không bị dội ngược trở lại. Nó cũng không dội vào Tâm chúng ta. Mà nó chìm lún vào lớp đệm rồi dừng lại. Quá khứ không dội âm trong ý thức của chúng ta. Một số người nghĩ rằng nếu họ suy niệm về quá khứ, họ có thể học hỏi từ trải nghiệm đó để giải quyết vấn đề của họ. Nhưng khi chúng ta nhìn trân trân vào quá khứ, chúng ta đang nhìn mãi qua lớp thấu kính méo mó. Cho dù chúng ta nghĩ nó thế nào chăng nữa, sự thật nó không hề là như thế chút nào! Chính vì thế mà người ta tranh luận với nhau chuyện gì đã xảy ra, cho dù mới cách đây chút xíu.
Cảnh sát điều tra những vụ tai nạn giao thông vốn biết rõ rằng: hai nhân chứng khác nhau cùng kể về một tai nạn, cho dù họ hoàn toàn trung thực nhưng tất yếu sẽ có sự mô tả xung khắc. Điều đó chứng tỏ ký ức của chúng ta không đáng tin cậy; khi nhận thấy như thế, chúng ta sẽ không quá đề cao giá trị của quá khứ. Chúng ta có thể chôn vùi nó, như chúng ta đem chôn một người đã chết, cũng như chúng ta đem chôn quan tài hay hỏa thiêu cái xác. Khi chúng ta ngồi xuống hành thiền, chúng ta cũng làm điều tương tự với lý lịch của mình.
Đừng níu kéo quá khứ. Đừng mãi quẩn quanh bên quan tài chứa đầy những khoảnh khắc chết chóc. Nếu bạn làm thế, bạn đang tự trì kéo mình bằng những gánh nặng chẳng thuộc về bạn. Khi bạn buông bỏ quá khứ, bạn sẽ tự do ở khoảnh khắc hiện tại.
Tương lai - sự tiên đoán, sợ hãi, lên kế hoạch, kỳ vọng - cũng cần phải được buông bỏ. Đức Phật từng truyền dạy: “Cho dù ta nghĩ tương lai xảy ra bất cứ chuyện gì chăng nữa, rồi những thứ hoàn toàn khác luôn diễn ra”. Tuệ chứng ngộ tương lai là những thứ không chắc chắn, vô danh, không thể đoán biết. Tiên đoán tương lai thường là vô ích; và trong hành thiền, việc đó luôn là phung phí thời gian. Ta không thể biết được tương lai. Nó có thể rất lạ, rất kỳ, hoàn toàn khác xa với những gì ta mong chờ.
Tâm kỳ diệu và kỳ lạ
Khi bạn rèn Tâm, bạn nhận thấy nó rất kỳ lạ. Tâm có thể làm nên những điều kỳ diệu và những thứ không thể ngờ.
Thiền sinh đang gặp khó khăn trong việc giữ cho Tâm an trụ đôi khi sẽ nảy sinh ý nghĩ: “Lại nữa, lại phải mất nửa tiếng đồng hồ bực bội nữa rồi”. Nhưng thường thì điều lạ sẽ xảy ra: mặc dù sự tiên đoán của họ trật lất, nhưng họ lại đạt tới trạng thái thiền yên bình.
Trong khi hành thiền mà bạn nghĩ: “Còn bao nhiêu phút nữa mới xong?”, “Tôi còn phải chịu đựng như thế này trong bao lâu nữa?” thì đó là bạn đang lang thang lạc bước vào tương lai. Nếu bạn thật sự chú ý, bạn sẽ thấy cơn đau biến mất trong chớp mắt. Đơn giản là bạn không thể đoán được khi nào điều đó sẽ xảy ra.
Tại sao không phải ngày nào cũng là ngày lĩnh lương?
Khi bạn bắt đầu hành thiền, có thể bạn nghĩ không có buổi tập thiền nào của mình tốt cả. Nhưng rồi đến buổi thiền tiếp theo, bạn ngồi tọa thiền, rất có thể tất cả mọi thứ bỗng chốc an lành và dễ dàng. Bạn nghĩ: “Ôi! Bây giờ tôi thiền được rồi!”.
Nhưng rồi buổi thiền tiếp nữa, sự kinh khủng lại trở về như lúc ban đầu. Việc gì đang diễn ra vậy?
Thiền sư đầu tiên dạy thiền cho tôi đã nói với tôi cái điều mà vào thời ấy tôi cảm thấy rất lạ. Thầy bảo: “Không hề có cái gọi là buổi thiền xấu”. Và thầy đã nói đúng.
Tất cả những buổi hành thiền mà bạn gọi là tệ và bực mình đều là những lúc bạn làm việc vất vả chờ “ngày lĩnh lương”. Giống như một người làm việc suốt ngày thứ Hai nhưng không được nhận tiền công vào cuối ngày. “Tại sao tôi phải làm việc thế này?”, cô ấy nghĩ. Sang đến ngày thứ Ba, cô ấy cũng làm việc suốt ngày nhưng vẫn không nhận được gì cả. Lại một ngày tồi tệ nữa trôi qua. Rồi suốt ngày thứ Tư, thứ Năm cô ấy vẫn làm việc, vẫn không có gì đền bù cho mình. Bốn ngày tồi tệ liên tiếp. Thế rồi đến ngày thứ Sáu. Cô ấy cũng làm đúng hệt công việc như những ngày trước, và đến cuối ngày, ông chủ phát lương cho cô. Ôi! Tại sao không phải ngày nào cũng là ngày phát lương chứ?
Tại sao mỗi buổi hành thiền đều không phải là ngày phát lương? Trong quá trình hành thiền gian khó, bạn đang bồi đắp uy tín cho mình, đang vun vén lý do cho thành công của mình. Trong lúc hành thiền khó khăn, bạn đang rèn luyện sức mạnh cho mình, đang tạo nền cho sự an lạc của mình. Thế rồi, một khi đã đủ tín nhiệm, Tâm sẽ tự khắc hành thiền sâu - đó chính là ngày lĩnh lương. Nhưng bạn phải ghi nhớ rằng chính lúc bị gọi là hành thiền tệ là lúc phần lớn công việc đang được hoàn tất.
Hành thiền gian khó tạo nền cho sự an lạc.
Cả quá khứ lẫn tương lai đều là gánh nặng
Khi bạn tiên đoán tương lai bằng suy nghĩ “Còn bao nhiêu phút nữa thì chuông reng?”, bạn đang tra tấn chính mình. Cho nên, hãy cẩn thận, đừng vác gánh nặng tương lai khi hỏi: “Còn bao nhiêu phút nữa?”, hoặc “Tôi phải làm gì tiếp theo?”.
Nếu bạn bận tâm vào những câu chuyện về tương lai, bạn sẽ không chú ý đến những gì đang diễn ra ngay lúc này. Bạn đang chuốc lấy rắc rối.
Ở giai đoạn hành thiền này, hãy lưu tâm đến khoảnh khắc hiện tại, tới mức mà thậm chí bạn không biết hôm nay là thứ mấy, hoặc bây giờ là mấy giờ. Buổi sáng? Hay buổi chiều? Bạn không biết. Tất cả những gì bạn biết là khoảnh khắc hiện thời. Theo cách đó, bạn đến với thời gian “tu thiền” tươi đẹp, nơi bạn đang tọa thiền đúng ngay lúc này. Bạn không nhận thức bao nhiêu phút đã qua hoặc còn lại bao nhiêu phút nữa.
Hồi còn là một thầy tu trẻ ở Thái Lan, tôi thực sự còn quên cả năm luôn!
Diệu kỳ thay khi ta sống trong cảnh giới vô thời gian, cảnh giới tự do hơn nhiều so với cái thế giới do thời gian lèo lái mà chúng sinh đang tá túc.
Ở cảnh giới vô thời gian, bạn trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại này tới hàng ngàn năm. Bây giờ bạn đã tới nơi hiện thực.
Khi bạn giũ bỏ sạch sẽ mọi quá khứ và tương lai, thì như thể bạn vừa mới giác ngộ. Bạn ở ngay tại đây. Bạn chánh niệm. Đây là tầng đầu tiên của hành thiền. Chánh niệm chỉ có duy trì ở khoảnh khắc hiện tại. Chỉ cần tu rèn được tới giai đoạn này thôi là bạn đã đạt được rất nhiều. Bạn đã buông bỏ gánh nặng đầu tiên ngăn trở bạn thiền sâu. Do đó, quan trọng là luôn nỗ lực tiến lên phía trước, củng cố cho tầng thiền thứ nhất thật vững và thật chắc.
Thực tế bây giờ thật tráng lệ và huy hoàng.
Giai đoạn 2:
Nhận thức khoảnh khắc hiện tại
Buông bỏ gánh nặng đầu tiên ngăn bạn hành thiền sâu - ám ảnh quá khứ và tương lai - giờ đã đến lúc bạn tu tập nhắm tới sự tĩnh lặng của Tâm, rất đẹp và chân thật.
Khi chúng ta bắt đầu nhận thức khoảnh khắc hiện tại, sẽ hữu ích khi ta phân biệt được sự khác nhau giữa việc nhận thức về sự tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại với việc chỉ nghĩ về nó.
Để tôi đưa ra một ví dụ minh họa thế này: hãy tưởng tượng bạn đang xem một trận quần vợt trên tivi. Có thể bạn sẽ cảm nhận như mình đang xem hai trận đấu cùng lúc: một trận bạn xem trên màn hình và một trận bạn nghe bình luận viên mô tả. Mà lời bình luận thì thường rất thiên kiến. Nếu một tay vợt người Úc đang đấu với tay vợt người Mỹ chẳng hạn, bình luận viên của Úc thường có khuynh hướng bình luận rất khác với bình luận viên người Mỹ. Trong ví dụ này, chỉ xem qua truyền hình mà không bình luận thì chính là nhận thức tĩnh lặng trong hành thiền; còn chú ý đến lời bình luận chính là suy nghĩ về nó.
Bạn gần với sự thật hơn nhiều khi quan sát mà không bình luận - khi bạn nhận thức sự tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại.
Nhận thức tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại
Chính lời nói nội tại khuấy động những ảo tưởng sinh ra đau khổ.
Đôi khi chúng ta chắc chắn rằng chính nhờ những lời bình luận nội tại mà chúng ta mới biết về thế giới. Thật ra, tiếng nói nội tại chẳng biết gì về thế giới cả.
Những lời rỉ rả nội tại kích động cho ta nổi giận với kẻ thù của mình, cũng như hình thành các mối dây quyến luyến, lệ thuộc đầy nguy hiểm về mặt cảm xúc với những người ta thương yêu. Những lời rỉ rả nội tại gây ra mọi khó khăn rắc rối trên đời. Nó cấu thành nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, sự lo âu và trầm cảm. Nó xây nên ảo giác, mộng tưởng giống như người diễn viên tài giỏi khéo léo điều khiển khán giả để tạo ra nước mắt và nỗi sợ hãi.
Chính vì ta đề cao giá trị của những ý nghĩ do ta tạo ra, nó trở thành rào cản chủ yếu, gây trở ngại cho sự nhận thức tĩnh lặng. Sáng suốt dẹp bỏ tầm quan trọng mà ta gán cho suy nghĩ, cùng với nhận thức chính xác hơn về sự tĩnh lặng, ta sẽ mở được cánh cửa đi vào sự tĩnh lặng nội tại.
Nếu bạn tìm kiếm sự thật, bạn phải đề cao sự nhận thức tĩnh lặng; và khi hành thiền, hãy xem nó quan trọng hơn bất kỳ ý nghĩ nào.
Tâm là chủ nhân của bữa tiệc
Một cách hữu hiệu để vượt qua những lời rỉ rả nội tại là rèn giũa sự nhận thức khoảnh khắc hiện tại. Bạn theo dõi thật sát từng khoảnh khắc đến nỗi bạn không có thời gian để bình luận những gì đã diễn ra. Ý nghĩ thường là lời bình luận, là quan điểm về những gì diễn ra - “Thế là tốt”, “Thật kinh khủng”, hoặc “Đó là cái gì vậy?”. Tất cả những lời bình luận kiểu như thế đều là về những trải nghiệm đã qua. Khi bạn ghi chú và đưa lời bình luận về trải nghiệm vừa mới qua, bạn sẽ không chú ý đến trải nghiệm vừa mới xuất hiện. Bạn đón tiếp vị khách cũ mà lờ đi vị khách mới.
Sau đây là một hình ảnh ẩn dụ khác: hãy tưởng tượng Tâm của bạn là chủ xị bữa tiệc, đón tiếp khách vào, và nói chuyện này chuyện kia với khách trong khi khách bước qua cửa, như thế bạn không thực hiện được bổn phận phải quan tâm chú ý tới từng vị khách bước vào. Vì mỗi vị khách bước vào cửa trong mỗi khoảnh khắc, bạn phải chào hỏi người này và ngay lập tức lại đón tiếp người khác. Bạn thậm chí không có thời gian tiếp chuyện, dù là ngắn gọn nhất với bất kỳ vị khách nào, vì như vậy sẽ bỏ lỡ người khách tiếp theo. Trong hành thiền, từng trải nghiệm đi qua cánh cửa các giác quan, rồi đi vào Tâm của bạn.
Nếu bạn chú tâm đón một trải nghiệm, rồi sau đó bắt chuyện với nó, bạn sẽ bỏ lỡ trải nghiệm theo ngay sau đó.
Khi bạn đã trọn vẹn với từng trải nghiệm trong từng khoảnh khắc - với từng vị khách đi vào Tâm của bạn - bạn sẽ không có không gian cho những lời rỉ rả nội tại. Bạn không thể tán gẫu với chính mình bởi vì bạn toàn tâm toàn ý đón tiếp tất cả mọi thứ ngay khi nó xuất hiện. Đây chính là mài giũa nhận thức khoảnh khắc hiện tại thành nhận thức tĩnh lặng về khoảnh khắc hiện tại.
Đặt ba lô xuống
Trong lúc rèn luyện sự tĩnh lặng nội tại, bạn đồng thời từ bỏ một gánh nặng khác. Giống như bạn đã mang vác một cái ba lô suốt 30 hay 50 năm liên tục, trong thời gian đó bạn ì ạch lê bước suốt bao nhiêu dặm. Bây giờ, bạn có động lực và đã phát Tuệ để biết bỏ cái ba lô đó xuống đất. Bạn cảm thấy nhẹ bẫng, thoải mái và quá tự do, bởi vì bây giờ bạn đã trút được gánh nặng.
Không gian giữa những ý nghĩ
Một kỹ thuật hữu dụng khác nhằm phát triển sự tĩnh lặng nội tại là nhận ra không gian giữa những ý nghĩ. Chú ý thật kỹ khi một ý nghĩ kết thúc và một ý nghĩ khác bắt đầu - chỉ có thế! Đó chính là nhận thức sự tĩnh lặng! Ban đầu chỉ là khoảnh khắc, nhưng khi bạn nhận ra được sự tĩnh lặng lướt qua đó, bạn sẽ trở nên quen thuộc với nó. Và khi bạn quen thuộc với nó, sự tĩnh lặng sẽ kéo dài hơn. Bạn bắt đầu thích thú tận hưởng sự tĩnh lặng, để rồi cuối cùng bạn tìm thấy nó, và đó là lý do tại sao nó lớn mạnh.
Hãy nhớ: sự tĩnh lặng rất nhút nhát. Nếu sự tĩnh lặng nghe thấy bạn nói gì về nó, sự tĩnh lặng sẽ ngay lập tức biến mất!
Cảm giác tĩnh lặng rất tuyệt vời
Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể vứt bỏ những lời rỉ rả nội tại và liên tục nhận thức sự tĩnh lặng của khoảnh khắc hiện tại đủ lâu để cảm nhận nó tuyệt vời, dễ chịu biết dường nào.
Khi ta nhận ra sự tĩnh lặng có giá trị đến thế nào thì sự tĩnh lặng trở nên rất quyến rũ và quan trọng. Tâm có khuynh hướng nghiêng về phía nó, liên tục tìm kiếm nó, tới mức nó chỉ dính líu đến quy trình suy nghĩ khi thật sự cần thiết, khi có điểm mốc cho nó. Một khi chúng ta nhận ra rằng hầu hết những suy nghĩ của chúng ta đều vô nghĩa, đều chẳng dẫn chúng ta đi tới đâu, chỉ khiến chúng ta đau đầu, chúng ta sẽ dễ dàng vui mừng dành nhiều thời gian cho tĩnh lặng nội tại. Vì vậy, giai đoạn thứ hai của hành thiền là nhận thức khoảnh khắc hiện tại tĩnh lặng. Bạn có thể dành nhiều thời gian thực hành hai giai đoạn thiền đầu tiên này, bởi vì nếu đạt tới điểm này, chúng ta đã đi được một đoạn khá xa. Trong việc nhận thức sự tĩnh lặng của khoảnh khắc hiện tại, chúng ta trải nghiệm sự yên bình, an lạc và tất nhiên là phát Tuệ.
Sự tĩnh lặng hữu ích và hiệu quả hơn Tuệ, rõ ràng và sáng sủa hơn những ý nghĩ.
Giai đoạn 3:
Nhận thức sự tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại thông qua hít thở
Nếu bạn muốn đi xa hơn, thì thay vì tĩnh lặng nhận thức bất kể cái gì đi vào Tâm của mình, chúng ta chọn nhận thức tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại chỉ với một việc/điều gì đó. Tôi đề nghị chúng ta nên nhận thức về hơi thở.
Nếu thật sự quan tâm chú ý, chúng ta sẽ nhận thấy sự đa dạng của ý thức là một dạng gánh nặng khác.
Chú ý vào một điều gì đó tức là buông bỏ sự khác biệt, phân lập và hướng đến sự hợp nhất. Khi Tâm bắt đầu an trụ, hợp nhất về một điểm và duy trì sự chú ý vào một điều, trải nghiệm an bình, an lạc và sức mạnh sẽ tăng lên đáng kể.
Ý thức phân lập kiểu như vậy giống như có sáu chiếc điện thoại trên bàn cùng reng chuông một lúc. Hãy buông bỏ sự phân lập này đi và chỉ cho phép một chiếc điện thoại (đường dây cá nhân riêng tư) hoạt động - sự nhẹ nhõm ấy sẽ sinh ra trạng thái an lạc. Một khi đã hiểu được sự phân lập của Tâm là gánh nặng chính yếu, ta mới có thể tập trung vào hơi thở.
Kiên nhẫn là con đường nhanh nhất
Thông thường, các thiền sinh hay bắt đầu luyện thiền hít thở khi Tâm của họ vẫn còn nhảy múa quanh quá khứ và tương lai, và khi nhận thức bị nhấn chìm vì những lời bình luận nội tại. Nếu không có sự chuẩn bị chính đáng, họ sẽ thấy rất khó quán niệm hơi thở. Họ bỏ cuộc vì đã bắt đầu tại vị trí không đúng. Họ đã không chuẩn bị trước khi bắt đầu lấy quán niệm hơi thở làm sự tập trung. Tuy nhiên, nếu Tâm của bạn được chuẩn bị tốt bằng cách hoàn tất hai giai đoạn đầu tiên thì khi quay vào hơi thở, bạn sẽ dễ dàng duy trì sự tập trung. Nếu bạn thấy khó vận hơi thở, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã hấp tấp trong hai giai đoạn đầu. Hãy trở lại bài tập khởi động.
Kiên nhẫn và cẩn trọng là con đường nhanh nhất!
Đừng phức tạp hóa vấn đề
Khi bạn lấy hơi thở làm đề mục thiền, bạn tập trung trải nghiệm việc hít thở đang diễn ra vào lúc này. Bạn trải nghiệm những gì hơi thở đang làm, dù là hít vào hay thở ra, hay ở giữa. Một số người dạy thiền bảo rằng hãy quan sát hơi thở ở đầu mũi, có người nói hãy quan sát hơi thở ở bụng, và có người lại bảo lúc thì ở nơi này rồi chuyển sang nơi kia.
Qua kinh nghiệm, tôi nhận thấy quan sát hơi thở ở đâu không quan trọng.
Thật ra, tốt nhất là không đặt hơi thở vào bất kỳ vị trí nào cả. Nếu bạn định vị hơi thở ở đầu mũi, nó sẽ là “nhận thức mũi”, không phải là nhận thức hơi thở; nếu bạn đặt hơi thở ở bụng, nó sẽ là “nhận thức bụng”. Hãy tự hỏi mình “Ta đang thở ra hay hít vào? Làm sao ta biết được?”. Thì đó! Kinh nghiệm sẽ nói cho bạn biết hơi thở đang làm gì, tức là bạn đang tập trung vào cái gì. Hãy vứt bỏ nỗi băn khoăn lo lắng hơi thở phải đặt ở đâu.
Cứ tập trung vào trải nghiệm hơi thở, thế thôi.
Khuynh hướng kiểm soát hơi thở
Một vấn đề thường nổi lên ở giai đoạn này là khuynh hướng kiểm soát hơi thở, và điều này khiến cho việc hít thở trở nên bất tiện. Để khắc phục khó khăn này, hãy tưởng tượng bạn là một hành khách trong xe nhìn hơi thở của mình qua cửa sổ. Bạn không phải là tài xế, cũng không phải là phụ lái.
Hãy ngưng ra mệnh lệnh, hãy buông bỏ và tận hưởng chuyến đi. Hãy để hơi thở làm công việc hít thở của nó, bạn chỉ việc quan sát.
Khi bạn biết hơi thở đang đi vào hoặc đi ra khoảng chừng một trăm hơi liên tục, không bỏ lỡ hơi nào, bạn đã hoàn thành giai đoạn thứ ba của hành thiền: duy trì sự chú ý vào hơi thở.
Tâm từ của hơi thở
Ở giai đoạn này, tôi khuyến khích bạn đem Tâm từ vào việc quán niệm hơi thở. Hãy quan sát hơi thở bằng tình yêu thương và lòng nhân từ.
Khi bạn bắt đầu luyện tập, hãy nghĩ kiểu như “Hơi thở à, cánh cửa mở vào tim tôi đang mở cho bạn cho dù bạn đang cảm thấy thế nào chăng nữa, cho dù bạn đang làm gì”.
Chẳng bao lâu bạn sẽ nhìn hơi thở bằng lòng trắc ẩn, thiện ý, vuốt ve nó thay vì tìm lỗi ở nó. Bằng cách châm thêm Tâm từ vào quy trình nhận thức hơi thở, bạn không hề có kỳ vọng, bởi vì hơi thở xem ra đã đủ tốt rồi. Nếu bạn luyện tập theo cách này, chẳng mấy chốc bạn sẽ cảm nhận được sự quyết rũ, nồng nhiệt đối với hơi thở, rồi từng hơi thở ra hít vào sẽ mang tới niềm vui cho bạn.
Giai đoạn 4:
Duy trì sự chú ý hết mức đến hơi thở
Giai đoạn thứ tư diễn ra khi sự chú ý của bạn mở rộng và quan tâm đến từng khoảnh khắc của hơi thở. Bạn biết hơi hít vào ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, khi xuất hiện cảm giác đầu tiên với hơi thở hít vào. Sau đó, bạn quan sát, khi những cảm giác từ từ tiến triển suốt quá trình hít vào, không bỏ lỡ dù chỉ là một khoảnh khắc hít vào. Khi hơi hít vào chấm dứt, bạn biết luôn khoảnh khắc đó. Bạn nhìn thấy trong Tâm mình sự dịch chuyển cuối cùng của hơi hít vào. Sau đó bạn quan sát khoảnh khắc ngừng giữa những hơi thở, và rồi thêm nhiều khoảnh khắc ngừng nữa cho tới khi hơi thở ra bắt đầu. Bạn trông thấy khoảnh khắc đầu tiên của hơi thở ra và những cảm nhận trỗi dậy theo hơi thở ra, cho đến khi hoàn toàn thở ra hết. Tất cả điều này được thực hiện trong tĩnh lặng và trong khoảnh khắc hiện tại.
Bạn trải nghiệm hít vào thở ra liên tục mấy trăm nhịp. Chính vì thế, giai đoạn này được gọi là liên tục chú ý hết mức đến hơi thở.
Bạn không thể tiến tới gian đoạn này bằng áp lực, bằng sự kiểm soát, hay bằng cách gồng mình.
Bạn có thể duy trì mức Tâm định này chỉ bằng cách buông bỏ tất cả mọi thứ trong vũ trụ - bạn chỉ làm mỗi việc tĩnh lặng trải nghiệm ngay đúng khoảnh khắc việc hít thở đang diễn ra.
Thật ra “bạn” không hề tiến tới giai đoạn này, mà chính Tâm của bạn đạt tới.
Tâm tự làm công việc của nó. Tâm nhận ra giai đoạn này là nơi an bình và an lạc để tiếp tục - hãy cứ ở một mình với hơi thở. Đây là nơi mà người thực hiện, chủ thể của bản ngã bắt đầu biến mất.
Người ta thấy rằng ở giai đoạn hành thiền này, quy trình diễn ra mà không cần phải cố gắng. Ta chỉ đứng qua một bên, buông bỏ và nhìn tất cả mọi thứ diễn ra.
Tâm tự động hoạt động, nếu chúng ta buông nó ra, tự nó nghiêng về hướng an trụ, hợp nhất và an bình, chỉ việc quan sát hơi thở trong từng khoảnh khắc.
Đây là sự nhất Tâm. Sự nhất Tâm trong từng khoảnh khắc, nhất tâm trong Tâm định.
Bắt đầu hơi thở đẹp
Giai đoạn thứ tư là giai đoạn “ván nhún” tạo đà cho việc hành thiền, bởi vì từ đây bạn sẽ đắm chìm vào các giai đoạn an lạc. Khi chúng ta đơn giản cứ duy trì sự đồng nhất ý thức bằng cách không can thiệp, hơi thở sẽ bắt đầu biến mất. Hơi thở như biến mất khi Tâm tập trung vào trải nghiệm theo cùng hơi thở - đó chính là bình an, tự do và an lạc.
Ở giai đoạn này, tôi giới thiệu thuật ngữ “hơi thở đẹp”. Ở đây, Tâm nhận ra hơi thở an bình này đẹp lạ thường. Chúng ta nhận thức hơi thở đẹp liên tục, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, không bị gián đoạn trong chuỗi trải nghiệm này. Chúng ta nhận ra chỉ có hơi thở đẹp, không hề có nỗ lực trong một khoảng thời gian rất dài.
Tôi đã mô tả bốn giai đoạn đầu tiên của hành thiền. Phải rèn luyện thật kỹ giai đoạn này rồi mới luyện sang giai đoạn khác.
Hãy dành nhiều thời gian cho bốn giai đoạn ban đầu, cho thật chắc chắn và ổn định rồi mới tiếp tục.
Bạn nên thoải mái duy trì giai đoạn thứ tư, tập trung hết mức vào hơi thở trong từng khoảnh khắc mà không bị gián đoạn, liên tục tới hai trăm hoặc ba trăm nhịp. Tôi không nói là bạn phải đếm trong giai đoạn này; tôi chỉ đưa ra một con số ước lượng và khung thời gian mà ta có thể giữ trong giai đoạn thứ tư trước khi đi xa hơn.
Cần phải lặp đi lặp lại: Trong hành thiền, chú tâm kiên nhẫn là con đường nhanh nhất!
Giai đoạn 5:
Duy trì sự chú ý hết mức tới hơi thở đẹp
Giai đoạn thứ năm được gọi là duy trì sự chú ý hết mức tới hơi thở đẹp. Thường thì giai đoạn này tràn tới rất tự nhiên và không có mối giao với giai đoạn trước. Như đã đề cập ở chương trước, khi chúng ta dễ dàng chú ý hết mức và liên tục vào trải nghiệm hít thở, không can thiệp vào dòng chảy êm ả của nhận thức, thì hơi thở an ổn. Nó thay đổi từ hơi thở bình thường, nghe thấy tiếng kêu thành hơi thở đẹp, êm mướt và an ổn. Tâm nhận ra hơi thở đẹp và thích thú với điều ấy. Tâm trải nghiệm sự hài lòng sâu sắc. Nó hạnh phúc khi quan sát hơi thở đẹp, không cần bị ép buộc.
Nếu bạn cố làm gì đó ở giai đoạn này, bạn chỉ gây xáo trộn cho toàn bộ quy trình mà thôi.
“Bạn” không làm bất kỳ động thái nào. Nếu bạn làm gì đó, vẻ đẹp sẽ biến mất. Giống như đáp xuống đầu con rắn trong trò chơi con rắn và chiếc thang - bạn phải trở lại từ đầu các giai đoạn. Từ giai đoạn hành thiền này trở đi, người hành thiền cần phải biến mất. Bạn là người biết, quan sát một cách thụ động.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn có thể thúc nhẹ Tâm của mình, một cách trắc ẩn và bao dung.
Một mẹo rất hữu ích cho giai đoạn này là phá vỡ sự im lặng nội tại chừng một khoảnh khắc và nhẹ nhàng nói với nó “Yên nào !”. Thế thôi ! Ở giai đoạn hành thiền này, Tâm thường nhạy cảm đến nỗi chỉ một cú hích nhẹ cũng khiến cho nó ngoan ngoãn vâng theo chỉ dẫn. Hơi thở bình ổn và hơi thở đẹp hiện ra.
Vượt lên cả sự “hít vào” và “thở ra”
Khi chúng ta thụ động quan sát hơi thở đẹp tại khoảnh khắc này, sự nhận biết hơi thở “hít vào” hay “thở ra”, lúc bắt đầu, lúc giữa, hay lúc kết thúc cần phải để cho biến mất. Những gì còn lại là trải nghiệm hơi thở đẹp đang diễn ra. Tâm không quan tâm đến việc hơi thở đang ở chu kỳ nào, hoặc hơi thở đang ở bộ phận nào trên thân thể. Chúng ta đang trải nghiệm hơi thở trong từng khoảnh khắc, trút bỏ tất cả những chi tiết không cần thiết. Chúng ta di chuyển vượt xa khỏi sự đối ngẫu của “hít vào” và “thở ra”, chỉ còn cảm nhận hơi thở đẹp diễn ra trơn tru, nhịp nhàng và liên tục, hầu như không thay đổi.
Tuyệt đối không làm gì cả, chỉ quan sát hơi thở mượt mà và không chịu sự ảnh hưởng của thời gian. Hãy xem bạn có thể để cho hơi thở trở nên êm ái như thế nào.
Từ từ tận hưởng sự ngọt ngào của hơi thở đẹp, giữ Tâm từ - an ổn hơn và êm ái hơn.
Miệng cười toe toét nhưng không có con mèo
Chẳng bao lâu sau hơi thở sẽ biết mất, không phải khi bạn muốn mà là khi nó đủ yên ổn, chỉ để lại tấm biển đề chữ “đẹp”.
Trong truyện Alice ở xứ thần tiên của Lewis Carroll, Alice giật mình khi trông thấy con mèo Cheshire đang ngồi trên cành cây gần đấy và nhe răng cười toét đến mang tai. Giống như tất cả những nhân vật kỳ lạ trong xứ thần tiên, mèo Cheshire cũng có tài hùng biện của một chính trị gia. Con mèo không chỉ tạo ấn tượng cho Alice trong cuộc trò chuyện liên tiếp, mà nó còn hay đột nhiên biến mất; rồi sau đó, không hề báo trước, lại bất thình lình hiện ra.
Alice nói: “… Cháu ước gì ông đừng cứ hiện ra rồi biến mất đến nỗi khiến cho người ta phát khùng như thế!”.
“Được”, con mèo đáp; và lần này nó biến mất rất chậm, bắt đầu từ chiếc đuôi biến đi, cuối cùng chỉ còn cái mồm cười toe toét, nấn ná một hồi lâu sau khi những phần thân thể còn lại đã biến hết.
“Ồ! Mình thường thấy mèo không cười”, Alice nghĩ, “nhưng lần này lại thấy mồm cười toe toét mà không có con mèo! Đó là điều kỳ lạ nhất mà mình từng thấy trong đời!”.
Câu chuyện này giống nhau chính xác đến kỳ lạ với trải nghiệm trong hành thiền.