Hóa giải những chướng ngại trên hành trình hướng đến Tâm từ
Rất dễ tìm ra lý do không luyện Tâm từ. Đủ mọi loại chướng ngại xuất hiện. Trong mục này, tôi đề xuất việc khéo léo khắc phục các chướng ngại phổ biến nhất, đồng thời đề xuất một số công cụ giúp bạn thực hiện điều này.
Đừng làm xáo trộn những xáo trộn
Ví dụ, khi đang hành thiền bỗng ta nghe thấy tiếng ồn, tại sao ta không thể phớt lờ nó đi? Tại sao nó gây xáo trộn cho ta? Nhiều năm trước, ngôi làng quanh tu viện tôi ở có tổ chức một lễ hội. Tiếng ồn ào đinh tai nhức óc của loa phóng thanh phá vỡ bầu không khí yên bình của tu viện. Vì vậy, chúng tôi phàn nàn với sư phụ, Ajahn Chah, rằng tiếng ồn gây xáo trộn việc hành thiền của chúng tôi. Sư phụ liền trả lời “Không phải là tiếng ồn gây xáo trộn các con mà chính các con gây xáo trộn cho tiếng ồn”. Tương tự, khi việc hành thiền của bạn bị ngắt ngang, không phải là cơn đau gây xáo trộn cho bạn mà bạn làm xáo trộn cơn đau.
Ôn hòa với sự uể oải và trạng thái lờ đờ
Hãy ôn hòa, đừng gây chiến với trạng thái uể oải, lờ đờ.
Cách hiệu quả nhất, thâm diệu nhất để vượt qua sự uể oải và trạng thái lờ đờ là ôn hòa với sự trì trệ, ngưng đấu tranh chống lại nó! Khi tôi còn là một nhà sư trẻ tại tu viện trong rừng ở Thái Lan, tôi hay buồn ngủ tầm khoảng 3 giờ 15 phút sáng khi tọa thiền. Tôi đấu tranh để chế ngự sự buồn tẻ. Và thường là tôi thua. Nhưng khi tôi chế ngự thành công cơn buồn ngủ, thì sự bất an ập tới thế chỗ. Vì vậy, tôi phải trấn áp nỗi bất an để rồi uể oải và lờ đờ trở lại. Việc hành thiền của tôi giống như quả lắc đu đưa từ thái cực này đến thái cực kia, không bao giờ tìm được điểm cân bằng.
Đức Phật chủ trương truy tìm, chứ không đấu tranh chống cự.
Vì vậy, tôi điều tra sự uể oải và trạng thái lờ đờ của tôi xuất phát từ đâu. Tôi hành thiền lúc 3 giờ 15 phút sáng, một nhà sư người Anh ở giữa khu rừng nhiệt đới - tôi còn mong chờ điều gì nữa đây! Sự trì trệ có nguyên nhân rất tự nhiên. Tôi mặc kệ và giữ ôn hòa với cơn buồn ngủ. Tôi ngưng đấu tranh, để mặc cho đầu mình gục xuống. Ai biết được - có khi tôi còn ngáy vang?! Khi tôi ngưng chiến đấu với sự uể oải và trạng thái lờ đờ thì nó không kéo dài nữa. Hơn thế, khi nó trôi đi, chỉ còn lại tôi với sự yên bình, không còn bất an. Tôi đã tìm ra điểm cân bằng, và từ đó trở đi tôi có thể dễ dàng quan sát hơi thở của mình.
Sự chán nản trong hành thiền là kết quả của Tâm mệt mỏi, thường là Tâm đã làm việc quá sức. Chiến đấu chống lại sự chán nản chỉ khiến cho bạn thêm kiệt sức. Nghỉ ngơi cho phép bạn thêm năng lượng để quay trở về với Tâm. Cách hiệu quả nhất để khắc phục sự uể oải và trạng thái lờ đờ là ngừng chiến đấu với Tâm.
Đừng cố thay đổi sự việc, thay vào đó hãy buông bỏ, mặc kệ nó.
Ăn năn hối hận về quá khứ
Tất cả mọi người, ai cũng phạm sai lầm.
Ăn năn hối hận là kết quả của những sự việc đau lòng mà bạn đã từng làm hoặc đã từng phát ngôn. Nói cách khác, đó là hậu quả của đường lối hành động kém cỏi. Nếu bất kỳ sự ăn năn hối hận nào nổi lên trong quá trình hành thiền, thay vì cứ day dứt, bạn nên tha thứ cho chính mình. Người khôn ngoan không phải là người không bao giờ phạm lỗi lầm, mà là người tự biết tha thứ cho bản thân và học hỏi từ những sai lầm của mình. Có người hay ăn năn hối hận đến nỗi họ nghĩ mình sẽ không bao giờ chứng ngộ thành tựu nào.
Sự bất an và sự hài lòng
Sự bất an nổi lên là bởi vì chúng ta không đánh giá cao, không cảm nhận được vẻ đẹp của sự hài lòng. Chúng ta không công nhận niềm vui tuyệt đối của việc không làm gì hết. Chúng ta sở hữu Tâm bới lông tìm vết hơn là Tâm cảm nhận những hiện tượng tại chỗ. Sự bất an trong hành thiền luôn luôn là dấu hiệu của việc không tìm thấy niềm vui trong những gì đang tồn tại ở nơi đây. Chúng ta có tìm thấy niềm vui hay không còn tùy thuộc vào cách chúng ta trui rèn nhận thức của mình.
Thay đổi cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng cũng là một năng lực của ta. Ta có thể nhìn một cốc nước và cảm nhận nó đẹp, hoặc ta nghĩ nó tầm thường. Trong hành thiền, ta có thể thấy hơi thở là nhạt nhẽo và khuôn nếp, hoặc ta thấy nó đẹp huy hoàng và độc nhất vô nhị. Nếu ta xem hơi thở là thứ gì đó có giá trị vô cùng lớn, ta sẽ không bất an. Ta sẽ không ngó quanh quất để tìm kiếm cái gì khác nữa. Sự bất an chính là như vậy, cứ ngó quanh tìm việc khác để làm, cái gì đó khác để nghĩ tới, nơi nào đó khác để đi - bất kỳ nơi nào khác không phải nơi này vào lúc này. Sự bất an là một trong những chướng ngại chính, cùng với những khao khát của các giác quan. Sự bất an khiến cho chúng ta khó lòng ngồi yên trong thời gian dài.
Sự hài lòng đối ngược lại với Tâm bới lông tìm vết.
Bạn nên rèn luyện nhận thức về sự hài lòng với bất kỳ thứ gì bạn có, bất kỳ nơi đâu bạn đang ở, càng hài lòng càng tốt, đồng thời cũng phải coi chừng sự bới lông tìm vết trong lúc bạn hành thiền.
Hãy quan sát sự tĩnh lặng và hài lòng với sự tĩnh lặng. Nếu bạn thật sự hài lòng, bạn không cần phải nói bất cứ điều gì. Đừng để cho tiếng nói nội tại lấn át thành lời phàn nàn, cố thay đổi sự vật hiện tượng, hoặc muốn làm gì đó khác, hoặc muốn thoát vào thế giới của những ý tưởng và dòng suy tư. Dòng suy nghĩ miên man chứng tỏ sự thiếu hài lòng. Nếu bạn thật sự hài lòng, bạn sẽ tĩnh tâm và yên lặng. Nếu bạn vô cùng hài lòng, đó chính là thuốc giải độc cho sự bất an.
Ngay cả khi bạn gặp cơn ngứa ngáy thân thể và không cảm thấy khỏe, bạn vẫn có thể thay đổi nhận thức của mình, nghĩ nó là cái gì đó tuyệt diệu, thậm chí đẹp lộng lẫy. Hãy xem bạn có hài lòng với cơn đau nhức hay không. Hãy xem bạn có cho phép nó là chính nó hay không. Có đôi lần trong cuộc đời tu hành của mình, tôi bị chấn thương nghiêm trọng. Thay vì cố đào thoát, tức là bất an, tôi chuyển Tâm của mình qua hướng chấp nhận hoàn toàn cơn đau và hài lòng với nó. Tôi nhận thấy ta có thể hài lòng ngay cả với cơn đau. Nếu bạn có thể làm điều đó, phần kinh khủng nhất của cơn đau sẽ biến mất cùng với sự bất an. Không hề có ý muốn tống khứ nó đi. Bạn hoàn toàn tĩnh tại với cảm giác đó. Sự bất an đồng hành với cơn đau là phần kinh khủng nhất. Hãy tống khứ sự bất an thông qua sự hài lòng và bạn có thể nhận được niềm vui từ cơn đau.
Hãy tu rèn sự hài lòng với bất kỳ thứ gì bạn có - trong khoảnh khắc hiện tại, với sự yên lặng, với hơi thở. Vì vậy, nếu bạn từng bất an trong Tâm, hãy nhớ đến từ hài lòng.
Cho dù bạn đang ở đâu, hãy tu rèn sự hài lòng, và rồi từ sự hài lòng đó - vượt xa khỏi tâm điểm của sự hài lòng đó - bạn sẽ thấy Tâm từ của mình sâu thẳm biết dường nào.
Đủ thể loại nghi ngờ
Có nhiều loại nghi ngờ trở thành những chướng ngại cho việc tu luyện Tâm từ. Nghi ngờ phương pháp dạy thiền; nghi ngờ thiền sư, hoặc nghi ngờ chính bản thân.
Xét đến chuyện nghi ngờ phương pháp dạy thiền, nếu bạn chân thành chú ý, bạn có thể thấy mình trải nghiệm kết quả khả quan nào đó phát sinh từ chính quá trình thực hành thiền. Còn về thiền sư, họ giống như huấn luyện viên một đội thi đấu thể thao. Công việc của họ là dạy từ những kinh nghiệm của mình, và quan trọng hơn, có thể truyền cảm hứng đến thiền sinh bằng lời nói và thị phạm. Nhưng trước khi bạn đặt niềm tin vào một thiền sư nào, hãy kiểm tra kỹ. Quan sát hành vi của họ và tự chứng kiến xem họ có luyện tập những gì họ rao giảng hàng ngày hay không. Nếu họ thật sự biết họ đang nói về cái gì, họ sẽ hợp chuẩn, tự chủ và truyền cảm hứng. Thiền sư ấy có là tấm gương tốt để bạn đặt niềm tin vào hay không.
Nghi ngờ cũng có thể bị hướng vào những gì hiện thời bạn đang trải nghiệm - “Đây là cái gì? Đây có phải là hơi thở đẹp? Đây có phải là nhận thức khoảnh khắc hiện tại?”. Sa vào những ý nghĩ như vậy là không thích hợp trong khi hành thiền. Hãy tịnh Tâm hết sức có thể. Buông bỏ và tận hưởng niềm hạnh phúc, sự an bình. Sau đó, nếu bạn thích, bạn có thể ôn lại buổi hành thiền và hỏi: “Đó là gì? Điều đó có thú vị không? Khi ấy chuyện gì đã diễn ra?”.
Thiếu tự tin, ngờ vực chính mình là một trong những hình thức hiểm độc nhất của nghi ngờ. Ngờ vực chính mình với ý nghĩ rằng “Tôi vô vọng. Tôi không thiền được. Tôi vô dụng. Tôi chắc chắc ai cũng thiền được, ngoại trừ tôi, ai cũng dễ dàng thoải mái với hành thiền”. Điều này thường được khắc phục với sự giúp đỡ của thiền sư, người có thể truyền cảm hứng và khuyến khích bạn. Tìm một thiền sư giỏi là rất đáng. Hãy tự tin rằng bạn có thể đạt được bất cứ điều gì mình muốn.
Nếu bạn quyết đoán và tự tin, thành công chỉ là vấn đề về thời gian. Kẻ duy nhất thất bại là kẻ bỏ cuộc.
Tà ý (sân)
Sân với chính mình có thể là lý do chính khiến cho việc hành thiền khó khăn.
Nhiều người thấy rất khó rải Tâm từ với chính mình. Sân với chính mình thể hiện rõ dưới hình thức không cho phép bản thân an bình với hành thiền hoặc thành công với hành thiền.
Tôi đề xuất một giải pháp đơn giản: hãy cho bản thân nghỉ giải lao. Tự nói với mình “cánh cửa trái tim ta luôn luôn mở rộng cho ta. Ta cho phép chính mình hạnh phúc. Ta cho phép chính mình an bình. Ta có thiện chí với bản thân, đủ thiện chí để tự làm ta an bình và an lạc trong buổi hành thiền này”. Nếu bạn thấy khó mở rộng lòng trắc ẩn với bản thân, hãy hỏi lý do tại sao. Có thể là do tội lỗi phức tạp sâu thẳm bên trong, và bạn vẫn nơm nớp lo sợ bị trừng phạt. Bạn chưa tha thứ vô điều kiện cho chính mình.
Mặt khác, sân đối với đề mục thiền là vấn đề thường gặp với những người đang hành thiền quán chiếu hơi thở nhưng chưa thành công. Tôi nói “chưa” là bởi vì vấn đề duy nhất là thời gian. Tất cả mọi người đều thành công nếu họ làm theo chỉ dẫn. Nhưng nếu bạn chưa thành công, bạn vẫn còn sân với hành thiền hay đề mục hành thiền. Có lẽ do bạn nghĩ “Ôi, chúng ta lại phải ở đây nữa à”, “Sẽ lại khó khăn nữa cho mà xem”, “Tôi không muốn luyện thứ này”, “Tôi phải luyện thứ này là do hành thiền bắt tôi phải như vậy”, hoặc “Tôi muốn trở thành một Phật tử mộ đạo và đây là những gì người theo đạo Phật phải làm”.
Nếu bạn bắt đầu hành thiền với thái độ sân với hành thiền - tập thiền nhưng không thích - thì sẽ không hiệu quả.
Bạn đang đặt một chướng ngại thẳng ngay trước mặt mình. Hãy đối xử với hành thiền như đối xử với một người bạn thân, một người mà bạn muốn dành thời gian bên người ấy. Bạn sẵn lòng vứt bỏ mọi thứ khác. Nếu tôi nhìn thấy hành thiền cách xa một dặm, tôi chỉ việc chạy về phía nó, ôm nó thật chặt và dắt nó tới đâu đó nhâm nhi một tách cà phê. Còn đối với đối tượng thiền - hơi thở - chúng ta sẽ có thời gian thoải mái ở bên nhau, hơi thở của tôi và tôi. Chúng ta là những người bạn thân thiết. Nếu bạn xem hơi thở với thiện chí như thế, bạn có thể thấy tại sao lại dễ dàng quan sát hơi thở trong hành thiền đến vậy.
Tóm lại, sân là một chướng ngại và bạn khắc phục chướng ngại đó bằng cách giữ Tâm từ với những người khác, tha thứ cho bản thân, có lòng trắc ẩn với đề mục hành thiền và thiết lập tình bạn với hơi thở. Bạn cũng có thể đem lòng trắc ẩn vào sự tĩnh lặng và khoảnh khắc hiện tại. Khi bạn chăm sóc những người bạn mới xuất hiện trong Tâm này, bạn chế ngự được sự ác cảm đối với chúng và bất kỳ đề mục hành thiền nào. Khi bạn có lòng trắc ẩn với đề mục hành thiền, bạn không cần phải nỗ lực nhiều để giữ nó. Bạn sẽ yêu nó nhiều đến nỗi không phải cố gắng để ở cùng với nó.
Một hình thức nữa của sân đó là giận dữ. Trong phần tiếp theo của quyển sách, chúng ta sẽ xem xét sâu hơn một chút về cơn giận dữ.
Mọi chướng ngại đều phát xuất cùng một nguồn: chúng sinh ra từ kẻ cuồng kiểm soát ở bên trong con người bạn, nó không chịu buông bỏ mọi thứ.
Xét xử cơn giận
Để thoải mái bộc lộ cơn giận của bạn, đầu tiên bạn bào chữa với chính mình. Bạn tự thuyết phục mình rằng giận như thế là thích hợp, là đúng đắn. Trong hành trình của cơn giận, nó giống như một phiên tòa diễn ra trong Tâm của bạn.
Bị cáo đứng chờ trong phiên tòa Tâm của bạn. Bạn là bên nguyên - bên khởi tố. Bạn biết chúng có tội, nhưng để cho công bằng, bạn phải chứng minh trước tòa, trước lương tâm của bạn đã. Bạn lao vào cuộc tái cấu trúc hình hài của “tội” đã phạm, chống lại bạn, bất lợi cho bạn.
Bạn suy luận ra đủ mọi loại ác ý, tính hai mặt và ý định phạm tội đằng sau việc làm, hành vi của bị cáo. Bạn moi móc từ quá khứ ra nhiều “tội” chống lại mình để thuyết phục lương tâm rằng chúng không đáng được khoan hồng.
Trong phiên tòa đời thực, bị cáo có luật sư bào chữa, người được phép nói. Nhưng trong phiên tòa tinh thần này, bạn rơi vào quy trình bào chữa cho cơn giận dữ của mình. Bạn, với tư cách là quan tòa, được quyền ưu tiên tung ra tất cả những lời bào chữa, biện minh lâm ly thống thiết hoặc những lời giải thích không thể tin nổi, hoặc lời yêu cầu khẩn thiết được tha thứ. Luật sư bào chữa không được phép nói. Trong cuộc tranh luận một chiều của bạn, bạn xây dựng nên một hoàn cảnh đáng thuyết phục. Vậy là đủ. Lương tâm của bạn gõ chiếc búa phán quyết và bị cáo bị tuyên là có tội! Bây giờ chúng ta cảm thấy ổn về việc giận dữ.
Cách đây nhiều năm, đây là quy trình tôi thấy thường xảy ra trong Tâm của mình mỗi khi tôi nổi giận. Dường như không công bằng. Vì vậy, lần tới nếu tôi muốn nổi giận với ai đó, tôi dừng lại và để cho “luật sư bào chữa” cất tiếng. Phục tùng vai trò này, tôi nghĩ ra những lời biện hộ hợp lý và những lời giải thích có lý cho hành vi của những bị cáo. Tôi hùng hồn chứng thực cho tầm quan trọng và vẻ đẹp của sự tha thứ. Và rồi tôi nhận ra rằng phiên tòa của lương tâm đã được thức tỉnh, sự am hiểu của tôi không còn cho phép một phán quyết có tội nào nữa. Vì vậy, nó có thể vượt qua việc phán xét hành vi của người khác. Cơn giận dữ, không chính đáng, bị tước mất nhiên liệu và nó sẽ chết.
Con quỷ ăn sự giận dữ
Chúng ta khoái giận dữ, chính vì thế mới sinh ra vấn đề.
Có một sự khoái trá mãnh liệt và mang tính nghiện ngập liên quan đến việc bộc lộ sự giận dữ. Chúng ta không muốn buông bỏ thứ mà ta khoái. Tuy nhiên, cũng thật nguy hiểm khi giận dữ, giận dữ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lấn át cả sự khoái trá.
Ở một vương quốc nọ, có một con quỷ xâm nhập cung điện khi nhà vua đi vắng. Con quỷ đó cực xấu, nó bốc mùi khủng khiếp, và nó phun ra những lời lẽ thật đáng kinh tởm, đến nỗi lính gác và những đầy tớ trong cung điện đông cứng lại vì sợ hãi. Điều này càng cho phép con quỷ sải bước đi khắp các gian phòng, vào luôn chánh điện; và nó thượng hẳn lên ngai vàng của vua. Lính gác và đầy tớ bỗng bừng tỉnh.
“Cút ra khỏi đây!”, họ thét lên. “Mày không thuộc về nơi đó! Nếu mày còn đặt mông lên đó thì ngay lập tức chúng tao sẽ xẻo mày ra bằng gươm giáo!”
Với mỗi lời giận dữ như thế, con quỷ càng to lớn lên thêm, mặt nó càng xấu xí hơn, mùi tanh tưởi bốc ra càng kinh hoàng hơn và lời nói nó phun ra càng tục tĩu hơn.
Gươm giáo tuốt ra, đao búa vung lên, lời đe dọa vang dội. Mỗi lời giận dữ hay hành động giận dữ, thậm chí chỉ với ý nghĩ giận dữ thôi, càng khiến cho con quỷ lớn thêm lên, xấu xí thêm, và bốc mùi kinh tởm hơn, với ngôn ngữ bẩn thỉu hơn.
Cảnh tượng diễn ra một lúc cho đến khi đức vua trở về. Ngài thấy ngai vàng của mình bị con quỷ khổng lồ chiếm giữ. Ngài chưa bao giờ trông thấy sinh vật nào như thế. Mùi hôi thối từ con quỷ toát ra khiến ngay cả giòi bọ cũng phải phát ốm. Ngôn ngữ của nó vượt xa tất cả những thứ ngôn ngữ xấu xa của bọn bợm nhậu trong thành vào tối thứ Bảy.
Vị vua rất sáng suốt. Chính vì vậy mà Ngài biết phải làm gì.
“Hân hoan chào đón”, Ngài nồng nhiệt nói. “Hân hoan chào đón ngươi đến với cung điện của ta. Có ai mang thức uống cho ngươi chưa? Có ai cho ngươi ăn chưa?”
Với từng cử chỉ tử tế hiền hậu của nhà vua, con quỷ teo dần lại, bớt xấu hơn, bớt bốc mùi hơn và bớt chửi rủa đi.
Đầy tớ trong cung điện hiểu ra rất nhanh. Lập tức người thì hỏi con quỷ có muốn uống trà không “Chúng tôi có trà Darjeeling, có bữa sáng kiểu Anh, có cả trà Earl Grey luôn. Hay là ngươi uống trà bạc hà vậy nhé? Sẽ tốt cho sức khỏe nhà ngươi đấy”. Một cú điện thoại đặt bánh pizza, to cỡ con quỷ, trong khi toán người khác làm bánh sandwich. Một người lính còn mát xa chân cho con quỷ, một người khác xoa bóp cổ cho nó. “Ừm, dễ chịu quá!”, con quỷ nghĩ.
Cứ mỗi một hành động, một lời nói, một ý nghĩ tử tế, con quỷ giận dữ quắt nhỏ lại, bớt xấu hơn, bớt bốc mùi hơn và ít nói tục đi.
Trước khi cậu bé giao bánh pizza tới giao hàng, con quỷ đã teo rúm lại bằng cỡ lúc nó ngồi vào ngai vàng. Nhưng mọi người vẫn không ngừng tử tế. Chẳng bao lâu sau, con quỷ bé lại đến mức không thể trông thấy được nữa. Thế rồi sau vài hành động tử tế nữa, nó biến mất hẳn luôn.
Chúng ta gọi con quỷ như thế là “con quỷ ăn sự giận dữ”.
Còn những tên quỷ ăn sự giận dữ nào nữa không?
Người bạn đời của ta đôi khi có thể là một “con quỷ ăn sự giận dữ”. Bạn nổi giận với họ là họ trở nên tệ hại - xấu đi, bốc mùi hơn, ăn nói khủng khiếp hơn. Vấn đề là mỗi lần bạn tức giận với họ, dù chỉ trong ý nghĩ, thì họ mỗi lúc mỗi gớm ghiếc thêm. Có lẽ lúc này bạn đã nhận thấy sai lầm của mình và biết phải làm gì rồi phải không.
Cơn đau đớn cũng là một “con quỷ ăn sự giận dữ” khác. Cơn đau đớn! Hãy cút ra khỏi đây! Mi không thuộc về nơi đây! Cơn đau càng hoành hành hơn và tệ hại hơn về nhiều phương diện. Thật khó mà tử tế với cái thứ xấu xí, gớm ghiếc như cơn đau, nhưng sẽ có những lúc trong đời, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chào đón cơn đau. Khi bạn chào đón nó thật tình, thành thật, nó sẽ trở nên nhỏ đi, ít quằn quại hơn và có khi còn biến mất hoàn toàn.
Một số bệnh ung thư chẳng hạn cũng là những “con quỷ ăn sự giận dữ” - lũ quái vật xấu đau xấu đớn, luôn giày vò chúng ta, ngự chễm chệ trong thân thể chúng ta, “ngai vàng” của chúng ta. Rất tự nhiên, chúng ta hô gào: “Cút ra khỏi đây ngay! Mi không thuộc về nơi đây!”. Đến lúc mà mọi sự gào thét đều thất bại, có lẽ chúng ta phải nói: “Chào mừng” với chúng. Ngoài ra, nhiều con quỷ cũng được nuôi bằng stress. Tuy nhiên, những căn bệnh ung thư sẽ hồi đáp nhẹ nhàng khi “vị vua của cung điện” dũng cảm nói: “Ung thư, cánh cửa trái tim ta luôn mở rộng cho ngươi, bất cứ điều gì ngươi làm. Hãy vào đi!”.
Nếu bạn rơi vào tình thế khó khăn…
Nếu bạn gặp khó khăn trong hành thiền, hãy ngừng lại và tự hỏi: “Những chướng ngại ở đây là gì?”. Hãy tìm ra nguyên nhân của nó. Một khi bạn biết được nguyên nhân, bạn có thể nhớ ra giải pháp và áp dụng nó ngay. Nếu là những khát khao từ các giác quan (tham), hãy thôi chú ý tới năm giác quan, từng chút một, và gắn nó vào hơi thở hoặc Tâm. Nếu nó là sân, hãy đem lòng trắc ẩn. Với cơn uể oải và trạng thái lờ đờ, hãy nhớ “đánh giá cao sự nhận thức”. Nếu đó là sự bất an và ăn năn hối hận, hãy nhớ đến “sự hài lòng, hài lòng và hài lòng”. Nếu đó là nghi ngờ, hãy tự tin và lấy những lời dạy uyên thâm làm nguồn cảm hứng. Bất cứ khi nào bạn hành thiền, hãy áp dụng các giải pháp một cách bài bản, đúng phương pháp. Những chướng ngại bạn trải qua sẽ không tạo ra những thanh chắn về lâu về dài.
Tất cả mọi chướng ngại cuối cùng cũng chỉ là cái gì đó để bạn cảm nhận, chế ngự và vượt qua.
Khi Tâm của bạn giống như con voi nổi cơn thịnh nộ
Một số thiền sinh gặp phải tất cả mọi chướng ngại cùng một lúc và tất cả đều mạnh.
Thỉnh thoảng họ nghĩ họ sẽ phát điên. Để giúp những thiền sinh bị sa vào khủng hoảng như vậy - bị tấn công hết “hỏa lực” bởi tất cả mọi chướng ngại - tôi dạy họ chiến lược Nalagiri, dựa vào tích truyện nổi tiếng về cuộc đời của Đức Phật.
Có nhiều kẻ thù muốn giết Đức Phật, họ thả một con voi bị chuốc thuốc độc tên là Nalagiri vào con đường hẹp nơi Đức Phật thường hay đi khất thực qua. Những người thấy con voi điên chạy hùng hục liền hét toáng lên, cảnh báo cho Đức Phật và những môn đệ của Ngài hãy mau tránh đường. Tất cả các nhà tu đều chạy, chỉ còn Đức Phật và đệ tử trung tín của Ngài, đại đức Ananda. Ngài Ananda tiến lên trước Đức Phật sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Thầy. Rất nhẹ nhàng, Đức Phật đẩy đại đức Ananda qua bên và đối mặt trực diện với con voi điên đang hăng tiết. Đức Phật dĩ nhiên có phép thần thông thôi miên, và tôi tin là Ngài có thể tóm lấy ngà con voi khổng lồ, bẻ nó ra làm ba và tung lên không, cho nó rơi xuống dòng sông Hằng cách đó hàng trăm dặm! Nhưng đó không phải là cách thức của Đức Phật. Thay vào đó, Ngài vận đến lòng trắc ẩn và sức mạnh của sự buông bỏ. Có lẽ Đức Phật nghĩ thế này: “Hỡi Nalagiri yêu quý, cánh cửa trái tim ta đang mở rộng cho mi cho dù mi làm gì ta chăng nữa. Mi có thể dùng ngà đâm xuyên qua ta, hay giày nát thân ta dưới chân mi, nhưng ta sẽ không ban cho mi tà ý đó. Ta sẽ yêu mi vô điều kiện”. Đức Phật nhẹ nhàng đặt sự yên bình vào không gian giữa mình và con voi nguy hiểm. Đó là sức mạnh không thể cưỡng lại của Tâm từ đích thực, cùng buông bỏ. Thế rồi vài giây sau, cơn điên giận của con voi lắng xuống và Nalagiri ngoan ngoãn cúi đầu chào Đức Thế Tôn, Ngài chạm nhẹ ngà của nó và nói: “Thế, thế Nalagiri. Thế, thế, được rồi…”.
Có những lúc trong buổi luyện tập thiền, Tâm của người tập phát điên như con voi bị chuốc thuốc độc, sẵn sàng lao vào húc xé tất cả mọi thứ. Trong những tình huống như vậy, hãy ghi nhớ chiến lược Nalagiri.
Đừng dùng sức mạnh để làm lắng dịu con voi đang điên giận trong Tâm.
Khi Tâm của bạn nổi điên, hãy dùng đến Tâm từ và sự buông bỏ:
“Hỡi Tâm điên loạn của ta, cánh cửa trái tim ta đang mở rộng cho mi cho dù mi có làm gì ta chăng nữa. Mi có thể tàn phá ta hay bóp nát ta, nhưng ta sẽ không cho mi có tà ý đó. Ta sẽ yêu mi vô điều kiện”.
Hãy ôn hòa với Tâm điên thay vì chống lại nó. Đó là sức mạnh thực sự của Tâm từ và buông bỏ. Trong một thời gian ngắn, Tâm sẽ phóng thích cơn giận để rồi hiền hòa trước mặt bạn khi bạn dịu dàng vuốt ve nó: “Thế, thế, Tâm của ta, thế thế…”.
Đánh thức năng lượng
Một yếu tố cần thiết cho Tâm từ là năng lượng. Bạn cần năng lượng cho mỗi giai đoạn, và năng lượng bùng lên bằng cách đặt tất cả những gì bạn có vào những gì bạn đang làm. Đừng để dành bất kỳ thứ gì cho khoảnh khắc tiếp theo. Một trong những sai lầm mà mọi người hay mắc phải - nhất là với năng lượng tinh thần - là nghĩ rằng “Nếu tôi dồn thật nhiều năng lượng vào khoảnh khắc này, tôi sẽ chẳng còn gì cho khoảnh khắc sau”. Như thế sẽ không có tác dụng đối với Tâm. Bạn càng đặt nhiều năng lượng vào khoảnh khắc này, bạn càng sinh khởi nhiều năng lượng cho khoảnh khắc tiếp theo.
Đây là sự tích lũy năng lượng tâm linh vô tận.
Nhận ra và tránh những con rắn
Chúng ta cần phải vận đến sự hiểu biết về những trạng thái tiêu cực của Tâm để thông báo cho Tâm từ.
Khi chúng ta rải Tâm từ, chúng ta bắt đầu nhận thấy những trạng thái của Thân và Tâm lớn dần lên; nhờ sự hiểu biết đó, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp chữa trị trước khi nó trở nên quá cực đoan, khó thay đổi.
Trong những năm đầu tôi ở Thái Lan, có rất nhiều rắn ở chùa Pah Pong, chúng tôi thường không có giày xăng đan bởi vì chúng rách rất nhanh, cho dù chúng tôi đã cố gắng hết sức lấy vải cột lại. Thỉnh thoảng chúng tôi không có đèn pin - chúng tôi phải sử dụng cho đến khi pin hết sạch, đến mức không còn phát ra tia sáng yếu ớt nào nữa. Sau đó chúng tôi phải đi chân trần trên con đường hứa hẹn có rắn chỉ với ánh sao dẫn lối. Nhưng vì tôi biết sẽ có rắn trên cung đường ấy, cho nên tôi vô cùng cảnh giác, thăm dò nguy cơ bắt gặp chúng để mà tránh. Nhờ thế mà tôi chưa bao giờ bị rắn cắn.
Để tránh bị những trạng thái tiêu cực của Tâm cắn, hãy sử dụng Tâm từ để phát hiện ra nguy hiểm.
Bạn biết rằng trạng thái tinh thần tiêu cực sẽ không dẫn tới an bình mà chỉ dẫn tới sự xáo trộn; chúng là những thói quen xấu có thể hủy hoại hạnh phúc và dẫn tới sầu khổ. Và giống như những con rắn, một khi chúng bắt gặp bạn thì bạn sẽ rắc rối to. Hãy sử dụng Tâm từ để nhận ra những trạng thái tiêu cực ngay khi chúng xuất hiện, sau đó vòng theo tuyến đường khác - tức là sử dụng chiến lược thích hợp để tránh chúng. Theo cách này, bạn giảm thiểu những vấn đề. Tuệ của bạn sẽ phát sinh một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và an bình, và bạn dễ dàng nương theo dòng đời.
Mặc dù cuộc sống hạnh phúc và mạnh khỏe bản thân nó là một sự tưởng thưởng, nhưng còn có những lợi ích lớn hơn nữa từ việc qua được những trạng thái tinh thần tiêu cực.
Do những trạng thái tinh thần tiêu cực là sầu khổ nên người ta thường phản ứng lại chúng bằng những động thái tiêu cực hơn nữa, từ đó lại dây dắt tới những cảm giác giận dữ, trầm cảm hoặc tội lỗi. Khi bạn sử dụng Tâm từ và Tuệ để giảm hoặc diệt sầu khổ, bạn không cần phải trốn vào mộng tưởng hay mơ màng; bạn dễ dàng duy trì Tâm thanh tịnh và dễ dàng đạt được Tâm định và củng cố sức mạnh của Tuệ. Bạn càng ngày càng tích nạp thêm năng lượng.
Tất cả là nhờ bạn sử dụng Tuệ của mình.
Tâm bới lông tìm vết
Trong những bài giảng xưa của Đức Phật, bạn thấy người ta vạch tìm lỗi ngay cả với Đức Phật!
Coi chừng những trạng thái tiêu cực, bởi vì nó tiếp nhiên liệu cho Tâm bới lông tìm vết. Bới lông tìm vết là một thái độ nổi lên và níu giữ lấy bạn, giống hệt như con rắn và nó đầu độc Tâm của bạn. Một khi bới lông tìm vết đã ăn sâu bén rễ, sẽ không có điểm dừng cho việc truy tìm lỗi.
Có thể bạn có tu viện hoàn hảo nhất, với những thiền sư chăm chỉ nhất, có thức ăn ngon nhất trần đời, và có mái nhà yên ấm thoải mái nhất, tuy nhiên bạn vẫn cứ chăm chăm đi tìm lỗi ở tất cả những thứ ấy. Khi còn là nhà sư trẻ, tôi đôi khi tìm lỗi ngay cả với sư phụ Ajahn Chah, sau đó tôi cảm thấy mình thật là ngu ngốc. Nếu tôi có thể tìm thấy lỗi ở thầy, người tinh tuệ nhất và vô vị lợi nhất mà tôi gặp, thì rõ ràng vấn là ở tôi chứ không phải ở Ajahn Chah.
Một khi bạn sa vào sự bới lông tìm vết, cuối cùng bạn cũng tìm lỗi ở bản thân. Trong những khóa tu thiền, người ta hay bới lông tìm vết những buổi tập “Tôi vẫn không thực hành được gì cả; tôi buồn ngủ suốt mấy ngày qua”.
Hãy cẩn thận:
Bới lông tìm vết chẳng mấy chốc sẽ dẫn đến cảm giác tội lỗi. Từ cảm giác tội lỗi sẽ dẫn đến trừng phạt, đến khi đó thì Tâm từ sẽ bị tắc nghẽn - đấy là trường hợp may nhất.
Quy tắc CTH
Quy tắc CTH: Công nhận, Tha thứ và Học hỏi.
Khi chúng ta luyện Tâm từ, hãy dốc lòng thực hiện quy tắc CTH: Công nhận, Tha thứ và Học hỏi. Nếu bạn phạm sai lầm, thay vì tra tấn bản thân liên hồi, đơn giản chúng ta hãy công nhận nó “Đúng rồi, tôi đến trễ. Tôi ngủ dậy muộn sáng nay”. Tiếp đến là thật lòng tha thứ. Không có chỗ cho trừng phạt - Tuệ, Tuệ minh sát, biết rằng trừng phạt chỉ khiến cho vấn đề tệ hơn bởi nó làm nảy sinh những trạng thái Tâm kém cỏi hơn.
Khi tha thứ, chúng ta buông bỏ, và như thế dẫn tới an bình. Chỉ những gì dẫn tới an bình, tự do, giải phóng thì đó mới đúng là việc khôn ngoan sáng suốt cần làm. Khi bạn thấy việc bới lông tìm vết dẫn bạn đi sai hướng, bạn học cách tránh chúng trong tương lai.
Sẽ hiệu quả hơn khi ta cứ đơn giản buông bỏ quá khứ, hoặc thậm chí tốt hơn nữa, hãy hồi tưởng phần quá khứ vui vẻ. Bạn học được rất nhiều từ những ký ức vui sướng và thành công, hạnh phúc hơn là từ những khổ đau. Khi bạn nhớ đến những gì dẫn đến thành tựu trong quá khứ, nó sẽ khuyến khích bạn, khiến bạn ngưng bới lông tìm vết và tô đậm những Nhân thành công. Vậy hãy quên sạch những buổi hành thiền đầy bất an và lười biếng để ghi nhớ và học hỏi từ những buổi hành thiền tốt đẹp. Dù chỉ là một buổi hành thiền khả quan và bạn chỉ quan sát hơi thở được có 5 phút, hãy cứ nhớ thật kỹ! Nó khuyến khích, thông tin và dẫn bạn tới an bình hơn nữa. Đó là cách thức của Tuệ.
Những điều cần tránh
Chúng ta cần phải nhìn nhận Tâm bới lông tìm vết chính là vấn đề, là con rắn, là mối nguy hiểm cần tránh. Có người còn viết cả sách với thái độ bới lông tìm vết nhằm hủy hoại nhà cầm quyền, truyền thống và các tổ chức.
Thông thường, ở phương Tây, việc bới lông tìm vết được xem là tốt - nhưng không hẳn như vậy. Cách đây nhiều năm, có người ghé thăm và lưu lại ở chùa Pah Nanachat chừng ba bốn tuần, sau đó viết về những trải nghiệm của mình. Anh ta mạnh miệng chê bai, thậm chí nguyền rủa chùa và Ajahn Chah. Anh ta săm soi tất cả mọi thứ mà anh ta nghĩ là sai trái, và kết quả là quyển sách hoàn toàn thiên vị, méo mó. Người ta làm điều này là bởi vì, cùng sự giận dữ, họ thấy có một niềm vui nhất định trong việc bới lông tìm vết. Nhưng hãy cẩn thận, bởi vì mối nguy hiểm sẽ vượt xa niềm vui. Khi bạn biết điều này, bạn nhận ra Tâm bới lông tìm vết là một con rắn, và bạn bắt đầu có thể tránh nó trong tương lai.
Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn là thông qua thực tế, thì việc luyện tập Tâm từ tức là hiểu biết về Tâm bới lông tìm vết. Hãy xem bới lông tìm vết bắt nguồn từ đâu, làm cách nào để tránh nó, và làm thế nào để vun đắp Tâm tích cực - làm sao để thấy chín mươi tám viên gạch tốt, không chỉ thấy mỗi hai viên gạch xấu, trong bức tường mà bạn vừa xây. Thay vì bới lông tìm vết, hãy cố hiểu loài người, trong đó có cả bạn, tha thứ và vương lòng trắc ẩn.
Luyện tập Tâm từ có nghĩa là nhìn thấy chính mình là người đang đi trên đường, con người nhỏ bé tội nghiệp này đã chịu đau khổ nhiều rồi và không muốn phải chịu khổ đau thêm nữa. Nếu bạn có thể ôn hòa với những sầu khổ của mình, bạn sẽ thấy thái độ bới lông tìm vết giảm đi hẳn.
Chiếu rọi vào thực tế
Khi bạn gầy dựng Tâm từ và nó trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ nhận ra rằng bạn hiện sinh từ một thế giới mù mờ. Khi bạn càng rải Tâm từ thì càng giống như ai đó bật đèn sáng trong phòng, hoặc giống như mặt trời ló dạng, chiếu sáng khắp xung quanh. Bạn sẽ thấy rõ mọi thứ quanh mình. Giống như khi rọi đèn pha, bạn nhìn thấy vẻ đẹp của màu sắc, hình dạng, kết cấu… tất cả đều đẹp lung linh và huyền diệu.
Khi bạn tu rèn Tâm từ, giống như bạn bước vào một khu vườn rực rỡ ánh mặt trời. Tất cả tràn trề năng lượng và cảm hứng. Sở hữu Tâm từ lai láng, Tâm của bạn sẽ sáng rực; nếu khi đó bạn tập trung vào một phần nhỏ của thế giới, bạn sẽ thấy rõ bản chất của nó. Trải nghiệm đến từ nhận thức này mới tươi sáng và tuyệt vời làm sao! Bạn sẽ nhìn thấy nhiều cái hay cái đẹp và cái thật hơn, ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Tu rèn Tâm từ giống như bật đèn sáng trong Tâm.
Khi bạn duy trì sự tập trung chú ý vào một điều gì đó, thay vì để nó đi lan man khắp chốn, đấy là lúc Tâm từ đang tự nạp năng lượng. Bạn bắt đầu nhìn thấu mọi thứ một cách sâu sắc và tuyệt vời.