Đối mặt với sự lựa chọn giữa việc thay đổi suy nghĩ và chứng minh rằng không nhất thiết phải làm vậy, hầu hết chúng ta đều chọn cách thứ hai
- John Galbraith -
Khi nhận ra rằng một trong những cơ chế phòng vệ của bạn đang hoạt động, tức là bạn nhận thức có ý thức về nó, thì bạn cần phải quyết định: Một là tiếp tục thuận theo những gì vốn đang là thế, hai là đấu tranh với chính mình để thay đổi. Lựa chọn làm điều gì đó khác biệt và thực hiện nó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Hãy nghĩ đến bánh xe đang di chuyển trên con đường hằn lún, hãy tập trung năng lượng cần thiết để ngăn nó trượt vào cái rãnh cũ quen thuộc và hướng nó đi đúng đường.
Trong khi đấu tranh, chúng ta có thể sẽ tự dối mình để tránh phải thay đổi, để tiếp tục dùng cách phòng vệ tâm lí của mình. Mỗi lần ta cố gắng nói với bản thân rằng đừng thay đổi là một lần ta phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: tin vào những lời nói dối mới, hoặc sẽ tiếp tục tranh đấu. Thay đổi chính là liên tục đưa ra những lựa chọn. Lựa chọn càng khó khăn, chúng ta càng thấy căng thẳng.
Hãy cùng bắt đầu với một lí do không liên quan đến cơ chế phòng vệ, tuy nhiên nó có thể làm rõ những chướng ngại liên quan đến việc thay đổi, ít nhất là với người đã từng cố giảm cân. Nó cũng là minh chứng cho việc chúng ta thường bị lung lay ý chí khi đối đầu với việc phải thay đổi.
Hôm nay là thứ Sáu, ngày thứ ba trong chế độ ăn kiêng của bạn và bạn đang rất thèm ăn. Kim trên cân vẫn không nhúc nhích, còn bạn thì hoài nghi về việc liệu chế độ ăn mình chọn có phù hợp hay chưa, liệu nó có hiệu quả không. Tuy nhiên, bạn vẫn tiếp tục ăn kiêng. Vào buổi chiều, có một đồng nghiệp mời bạn cùng vài người khác đi nhậu. Quá tốt rồi, cảm tưởng như đi giữa sa mạc mà nhìn thấy nước vậy. Dù rượu và đồ có cồn không nằm trong chế độ ăn kiêng, tuy nhiên thay vào đó bạn có thể gọi một cốc Coca cho người ăn kiêng để thay thế.
Lúc ấy tại quán bar, đó là giờ khuyến mãi. Đồng nghiệp của bạn nhanh chóng sà vào bàn tiệc buffet, rồi trở ra với những đĩa đầy tôm và cánh gà. Bạn nhấm nháp li Coca cho người ăn kiêng và vài lát cà rốt đem từ nhà. Bạn thấy đói lắm rồi. Chao ôi li cocktail margarita mà người đồng nghiệp gọi trông mới ngon làm sao. Khi qua lượt uống đầu, tâm trạng mọi người đều rất vui, duy chỉ có bạn là cảm thấy khó chịu.
Cuối cùng, bạn quyết định sẽ “bóp mồm bóp miệng”. Thực sự những hoàn cảnh thế này sẽ làm suy yếu quyết tâm của bạn. Bạn sẽ tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng của mình nếu bạn chỉ uống một li cocktail. Thực tế, có bao nhiêu calo trong đó? Bạn có thể uống một chút rồi bù bằng việc nhịn thêm gì đó vào ngày hôm sau không? Nghĩ đến đây, bạn gọi luôn li cocktail margarita tuyệt ngon đó và cảm thấy rất vui. Từng giọt thấm qua cổ họng rồi trôi xuống. Mùi thơm nồng nàn của món cánh gà như đang cố quyến rũ bạn, bạn thực biết chắc điều đó. Bạn quyết định phá vỡ chế độ ăn kiêng của mình. Bạn cho rằng ăn kiêng thực sự là một lựa chọn sai lầm. Rồi bạn tự tin tiến về phía bàn thức ăn.
Hãy nhìn lại xem chuyện gì đã xảy ra. Hàng ngàn suy nghĩ trong đầu, và cả những lời mà bạn tự dối mình. Bạn rón rén thăm dò bản thân, bạn không quyết định phá vỡ chế độ ăn kiêng ngay lập tức, mà thay vào đó, bạn lờ đi những phán đoán của mình. “Những khung giờ vàng giảm giá đó sẽ là một phép thử cho bạn.”
Thương thay cho Lựa chọn đầu tiên. Mặc dù đó có thể là một giải pháp, nhưng bạn cũng đang đặt mình vào một môi trường đầy rẫy những thách thức nảy sinh. Điều này khiến bạn khó tuân thủ chế độ ăn kiêng của mình hơn. Khi bạn nói với bản thân rằng mình hài lòng với cốc Coca ăn kiêng trong khi đồng nghiệp thỏa thích ăn uống, chắc chắn đó là một lời nói dối.
“Cắt giảm một chút việc “ăn kiêng”, bạn sẽ duy trì được nó.” Với Lựa chọn thứ hai, quyết định uống một li chỉ để giảm đi cái cảm giác hụt hẫng trước thực tế là, rượu sẽ che mờ đi khả năng phán đoán đúng đắn của bản thân. Chỉ có bạn biết bạn đang phá vỡ hoàn toàn kế hoạch ăn kiêng của mình. Tuy nhiên, bạn không dám thừa nhận điều đó. Thay vào đó, bạn hủy bỏ “cam kết” với chính mình bằng việc thưởng thức một li cocktail margarita. Chẳng cần thừa nhận với bản thân, bạn biết mình cả tin hơn khi mà bạn nhập cuộc vào hội nhậu đó.
“Đây là một chế độ ăn kiêng sai lầm, làm theo nó thật chẳng có lợi ích gì.” Lựa chọn thứ ba. Đến thời điểm này, sau khi đã uống li cocktail rồi, bạn sẽ tin mọi lời nói dối mà mình tự nhủ. Bạn bỏ luôn chế độ ăn kiêng, quay lại với chế độ ăn thường nhật với những món đồ bạn biết mình nên tránh. Nhưng chẳng quan trọng, hôm nay là thứ Sáu mà.
SỨC Ì CỦA THÂN THỂ
Hãy cố gắng nhận diện các cơ chế phòng vệ tâm lí của bạn và làm điều gì đó khác với những gì bạn vẫn thường làm. Ví dụ như ăn kiêng chẳng hạn. Mặc dù sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta toàn tâm toàn ý mong muốn thay đổi (hoặc sẽ đầu hàng trước việc phải giảm cân), thì sự thật là chúng ta vẫn thường bám vào những thói quen cũ của mình, và luôn muốn từ chối thay đổi. Ít nhất, việc thiết lập một cơ chế phòng vệ giống như phản kháng, một kiểu như “bóp mồm bóp miệng” trước những món bạn muốn ăn. Nhiều khả năng, nó liên quan đến cảm giác đau đớn mà cơ chế phòng vệ đã giúp bạn che mờ đi.
Bạn có thể muốn làm điều gì đó, nhưng không thực sự muốn làm. Kết quả là, bạn sẽ thấy trong mình có một thôi thúc mãnh liệt rằng, hãy từ bỏ, sau đó quay trở lại với những cách phòng thủ quen thuộc mà mình hay dùng. Giống như người đang vật lộn để giảm cân cảm thấy muốn từ bỏ việc ăn kiêng của mình vậy. Cơ chế phòng vệ đó giúp bạn tạm thời quên đi nỗi đau và tổn thương trong mình.
Bởi lẽ, bạn đang đối diện với một điều gì đó lạ lẫm, bạn cảm thấy nó mới mẻ và nhỡ đâu lại tổn thương hơn thì sao. Thế nên bạn sợ nó. Sự thay đổi thật đáng sợ. Dường như việc đối mặt với vô thức sẽ khiến bạn đau đớn hơn mức bạn chịu đựng. Trong lúc cố gắng giải giáp hệ thống phòng vệ của mình, bạn sẽ phải đối mặt với những lựa chọn nảy sinh liên tục trong đầu: Liệu rằng nên thay đổi và đối diện với nỗi đau đó, hay lại quay trở về con đường mòn quen thuộc. Mong muốn chống lại sự thay đổi sẽ thôi thúc bạn đưa ra những lựa chọn sai lầm, khiến bạn tự dối mình và nương theo những thói quen cũ.
Mức độ thay đổi phụ thuộc vào việc bạn trung thực và công bằng với mình đến đâu, bạn thấu hiểu bản thân đến mức nào, để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn hơn. Hãy chú ý tới ví dụ mà tôi đưa ra dưới đây.
SỰ LỰA CHỌN KHÓ KHĂN HƠN
Một trong những thân chủ của tôi tên là Nicole. Cô ấy thường rơi vào trạng thái là cô tin rằng mình có năng lực vượt trội, có thể xử lí bất cứ điều gì. Trong khi thực tế, cô ấy lại dễ thất vọng và suy sụp khi có ai đó không tôn trọng mình. Cô tự thấy mình là một nhân viên cống hiến và bắt đầu làm ngày làm đêm. Tuy nhiên, chính điều này khiến cô ấy quá tải.
Đó là một kiểu ái kỉ. Cô ấy dùng cách đó để quên đi tổn thương sâu sắc thuở nhỏ với cha mẹ bị rối loạn tâm thần. Cô ấy mặc cảm về điều đó. Dưới áp lực về mặt cảm xúc, những suy nghĩ trong cô ngày càng rời rạc và mất kiểm soát. Từ đó, cô rơi vào trạng thái ám ảnh nhẹ rồi và tiếp đến là mất ngủ.
Trong quá trình trị liệu, Nicole đã cùng tôi trải qua những cảm xúc này rất nhiều lần: Cô ấy phủ nhận và khăng khăng rằng mình ổn. Nhưng sau đó là cảm giác hỗn độn và áp lực khi phải gánh vác quá nhiều. Sau vụ tai nạn, Nicole dường như dễ chán nản và cảm thấy bản thân mình thật sự vô cùng thảm hại, là kẻ thất bại hoàn toàn. Cô ấy cảm thấy tuyệt vọng về chính mình và về tương lai, cho đến khi dần bình tâm lại và tiếp tục lại một đợt phủ nhận nữa bắt đầu.
Vào một hôm bận rộn, đột nhiên Nicole nghĩ khác đi và cô ấy nhận ra rằng cô đang làm những gì mình từng làm trước đó: cố gắng thuyết phục bản thân rằng hãy làm nhiều hơn trước. Cô có một giờ nghỉ ngơi. Thời gian đó đủ để đến cửa hàng bán lẻ Costco. Cô cảm thấy tràn đầy năng lượng và vô cùng phấn khích, vì cô thường về muộn và ăn những bữa tối vội vàng, đơn giản. Khi thấy bản thân trở nên hưng phấn, Nicole nhớ đến một món mới mà cô ấy muốn làm. Cô nhanh chóng chọn thứ cô cần ở Costco và ghé tiếp qua một chợ địa phương trên đường về. Chắc hẳn chồng và con cô sẽ ngạc nhiên lắm đây.
Lúc đó, Nicole biết bản thân mình đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô cũng biết mình đang tự lừa mình thế nào. Thật tốt khi nhìn thấy một Nicole đảm đang và tuyệt vời, giống như có thể đi chinh phục thế giới vậy. Cô thấy sợ hãi và căng thẳng khi phải đối mặt với những thiếu sót của mình, và chấp nhận rằng cô không dễ dành thời gian để đến Costco mua đồ chuẩn bị cho một bữa tối thịnh soạn. Điều cô ấy muốn là trở thành người kiệt xuất, một người có thể làm mọi thứ.
Nicole phải đối mặt với một sự lựa chọn. Sắp xếp công việc để đi đến Costco khi đang vô cùng căng thẳng và áp lực, đặc biệt khi cô ấy rất dễ rơi vào trạng thái stress. Liệu cô ấy có tiếp tục phủ nhận và bảo vệ sự tự tôn của mình, luôn coi mình là người thắng cuộc, hay sẽ nghĩ đến việc đối diện với những tâm lí tự ti của bản thân trong lúc phải đưa ra lựa chọn. Cuộc chiến ấy luôn diễn ra bên trong cô.
“Chắc chắn bạn đã từng rơi vào tình cảnh áp lực đến như vậy. Nhưng từ chuyện đó bạn mới có thể tốt lên được. Giả sử bạn sắp xếp và dành thời gian đến mua đồ ở Costco. Bạn vẫn sẽ nấu bữa tối. Nào, thêm 20 phút có là bao?”
Nicole rất muốn tin vào những lời nói dối của mình, nhưng cô ấy không thể. Cô chọn ở lại văn phòng trong thời gian nghỉ ngơi và đọc sách thay vì ghé qua Costco. Dẹp bỏ những bữa ăn cầu kì, cô chọn món mì ống đơn giản và dễ nấu.
Kết quả là, cô cảm thấy có rất nhiều tâm cảm mà cô muốn gạt đi. Cô giận dữ vì thấy mình không thể trở thành Nicole toàn năng, thấy xấu hổ vì trong mình có quá nhiều thiếu sót do bị tổn thương tình cảm quá sớm. Cô thấy đau khổ vì mình chẳng thể vượt qua quá khứ. Để đối diện với những tổn thương ấy đòi hỏi phải có một năng lượng và lòng dũng cảm phi thường. Điều đó không hề dễ dàng. Cô thấy phẫn uất khi phải chấp nhận thực tế. Nhưng bởi cô ấy đã lựa chọn, nên cô không rơi vào trạng thái tức giận hay trầm cảm.
Kể từ đó cho đến giờ, Nicole luôn sử dụng cách này để thay thế cho phương pháp phòng vệ của mình. Thay đổi là một quá trình liên tục và không hoàn toàn tuyến tính. Đôi khi bạn xoay xở để đối mặt với nỗi đau của mình. Trong những trường hợp khác, bạn lại đi vào con đường cũ. Dù đã trải qua nhiều năm tự trị liệu và tiếp bước con đường trở thành bác sĩ trị liệu, tôi vẫn có lúc đưa ra những lựa chọn sai lầm. Giống như Nicole, các cơ chế phòng vệ tâm lí của tôi vẫn ở đó, nó vẫn chực chờ trỗi dậy và khi quá đau khổ với những tổn thương, tôi đã dùng đến chúng. Tôi tiếp tục đấu tranh để đi theo những hướng mới, hay các phương pháp đối phó tốt hơn, và đối diện với bản thân mình nhiều nhất có thể.
Vì vậy, đừng mong chờ sự hoàn hảo. Bạn không thể đột ngột thay đổi rồi không bao giờ cần dùng những phương thức phòng vệ đó nữa. Bạn không thể xóa vĩnh viễn hoặc vượt qua phần nào đó của bản thân. Thay đổi là quá trình liên tục. Sự trưởng thành đích thực có nghĩa là chấp nhận chính cơ chế phòng vệ của mình và cách bạn đang tiếp tục lừa dối bản thân. Trên con đường đó, bạn sẽ phải đổi diện với những lựa chọn khác, rằng liệu có nên đi cùng các cơ phòng vệ mình vẫn hay dùng, hay sẽ rẽ lối và chọn một con đường mới. Những lựa chọn sẽ không ngừng nảy sinh trong bạn.
Một lẫn nữa, hãy để tôi so sánh chuyện này với việc luyện tập nhạc cụ. Nếu bạn chưa thành thạo nhạc cụ, bạn cần phải luyện tập hàng ngày. Nếu bạn chăm chỉ làm vậy, bạn sẽ thành thục nhạc cụ ấy. Nếu chểnh mảng, kĩ năng của bạn dần sẽ bị tụt lùi, bị thui chột. Những hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể thành thục hoàn toàn rồi có thể nghỉ ngơi mà không cần luyện tập nữa.
Giống như tôi, Nicole chơi đàn piano. Cô ấy luyện tập chăm chỉ nhưng do quá căng thẳng, cô ấy cảm thấy mình buộc phải đến đích, phải trở thành một nhạc công xuất sắc như cô từng mơ. Do vậy, cô ấy đã tự thúc ép mình quá sức. Cô tin rằng nếu chăm chỉ, cô ấy có thể trở nên giỏi, xuất sắc và vượt trội như thể Nicole xuất chúng. Trong giai đoạn trị liệu, tôi liên tục nhắc cô ấy rằng, cái cô ấy cần làm là một sự đam mê luyện tập thực sự, chứ không phải là phương tiện để biến cô trở thành hình tượng như cô mong muốn.
Bạn sẽ không bao giờ dừng lại khi đã thay đổi. Bạn sẽ chẳng thể đạt được trạng thái “mới mẻ và tiến bộ” mà không cần phải vật lộn nữa. Khi bạn tiếp tục thay đổi, bạn sẽ đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề khác, bạn cũng sẽ cảm nhận có một sức hút kéo bạn về với những thói quen thường ngày. Do vậy, bạn cần đối diện với từng lựa chọn của mình: sử dụng biện pháp phòng vệ của bạn, hoặc cố gắng đối phó theo một cách khác. Nếu bạn duy trì cách thay đổi tư duy và lựa chọn đúng đắn, ít nhất một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đã thực sự mạnh mẽ hơn. Chắc chắn là vậy.
ĐỐI DIỆN VỚI SỰ TỰ TI
Một thân chủ khác của tôi đã phải vật lộn với tâm cảm tự ti này trong suốt quãng đời của mình. Anh ấy đã dùng những cách phòng vệ tâm lí điển hình để chống lại sự tự ti này (Chương 11). Đặc biệt, Stan coi việc đổ lỗi là phương thức phòng vệ chính của anh ấy. Stan thường xuyên cáu gắt với vợ mỗi khi họ bất đồng ý kiến. Anh ấy sẽ phàn nàn về cách cư xử của vợ mình một cách rất dữ dội. Đây là một kiểu phát tác của Stan. Đằng sau tâm cảm đó, Stan chắc đã phải đấu tranh với tổn thương trong quá khứ. Nó cũng giống cơ chế của tâm cảm tự ti và cách phòng vệ của nó như trong Chương 11.
Trong thời kì suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2008, Stan đã có một vài xáo động trong việc kinh doanh của anh. Điều này đã gây một áp lực rất lớn lên gia đình. Lúc đó, gánh nặng kinh tế gia đình trút lên vai vợ anh. Cô không chỉ trích anh về những gì đã xảy ra, cũng không phàn nàn về trách nhiệm nặng nề cô phải gánh vác. Cô ấy nhận ra rằng suy thoái kinh tế không phải lỗi của Stan. Nhưng chồng cô thì ngược lại, anh luôn cảm thấy mình bị coi thường và luôn trong trạng thái muốn gây sự. Chuyện đó khiến anh ta nghĩ rằng mình thật thua kém và thất bại.
Hai năm sau khi rơi vào thời kì suy thoái, trong sự chật vật của mình, Stan nghĩ rằng vợ anh ngày càng trở lên thất thường. Ngay cả những điều nhỏ nhất cũng có thể khiến cô khó chịu. Vào cuối ngày, khi nói chuyện với nhau, cô ấy thường trút bỏ những điều khiến cô không thoải mái về công việc của mình. Cô khiến Stan tổn thương, dù câu chuyện không nhắc gì đến anh ấy. Bởi sự mặc cảm rằng mình không đủ khả năng tài chính như vợ, Stan đã cố gắng trở thành một người lắng nghe cô ấy, ít nhất đó là điều anh có thể làm. Nhưng cùng lúc ấy, anh ấy nhận ra rằng sự khó chịu của vợ đã lan sang cả anh và khiến anh cũng không thoải mái nữa.
Vào một cuối tuần, trước buổi trị liệu thứ hai của chúng tôi, Stan và vợ đã dành phần lớn thời gian rảnh để dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ như khi còn khấm khá. Vợ Stan đã trải qua một quãng thời gian mệt mỏi trước đó. Dù không nói ra, nhưng anh ấy vẫn nghĩ đến chuyện đó, anh phàn nàn về thái độ ủ rũ của cô và cách cô xả bỏ cảm xúc lên người khác.
Stan và tôi đã đồng hành với nhau một thời gian. Thời điểm đó, anh ấy đã thấu hiểu bản thân sâu sắc hơn, và nhận ra rằng sự biện hộ đáng trách của anh khiến anh thấy như vậy. Sau một cuộc đấu tranh nội tâm vô cùng cam go, anh đã chọn cách làm việc chăm chỉ và tĩnh lặng hơn. Anh muốn minh định lại những suy nghĩ trong đầu để có thể sáng suốt hơn. Ở đó, trong khi suy xét lại, anh nhận ra tâm cảm tự ti sâu thẳm đã khiến gia đình anh đến bước đường này. Giờ đây, Stan chẳng thể chi trả cho người dọn dẹp và cắt cỏ vườn như trước, do khả năng tài chính bị suy giảm.
Sau đó, nhờ suy xét lại bản thân và cả vợ mình, Stan nhận ra rằng, những lời phàn nàn và ủ rũ của vợ anh là cách cô thể hiện sự tức giận của cô khi phải gánh vác trọng trách nuôi gia đình. Cô tức giận với anh, bất chấp những điều cô nói rằng đó không phải lỗi của chồng mình. Anh ấy cảm thấy đồng cảm với vợ vô cùng. Ở tuổi trung niên, lẽ ra cô nên được sống đủ đầy và dư dả, thì giờ, cô phải làm việc vất vả hơn và lo lắng nhiều hơn về tương lai.
Đến tối Chủ nhật, Stan ngồi xuống và nói với cô ấy về những gì anh nghĩ. “Dù em biết đó không phải lỗi của anh, nhưng anh biết trong em có một sự giận dữ.” Anh nói ra một cách thẳng thắn, đầy cảm thông, và không chỉ trích. Cô ấy nhận thấy điều đó là đúng. Họ đã trò chuyện suốt một lúc lâu, họ nói với nhau về tương lai như một cặp vợ chồng bình thường. Vợ anh cảm thấy được thấu hiểu. Stan thấy nhẹ nhõm. Không ai còn phải đổ lỗi cho ai nữa.
Như tôi đã nói về việc thật sự cần giải giáp những biện pháp phòng vệ cảm xúc trong chúng ta. Hơn hết, ta phải đối diện với những nỗi đau và tổn thương đằng sau chúng. Tôi biết có bậc cha mẹ nghiêm khắc đã nói với con cái rằng, hãy uống thuốc đơn giản vì nó tốt cho bạn. Nhưng thực ra, cái chúng ta cần là một sự chia sẻ, cảm thông. Mặc dù lời biện hộ đầy trách móc của Stan đã ngăn cảm giác tự ti trong anh ấy suốt một thời gian, nhưng việc đối diện với tâm cảm tự ti đó mới có thể giúp anh hiểu vợ mình hơn, gắn kết và hỗ trợ với nhau bền chặt hơn.
Nó cũng làm dấy lên sự tự trọng bên trong mỗi người. Trong buổi trị liệu tiếp sau, Stan nói với tôi rằng anh ấy thật tự hào và biết ơn vì mình có thể hiểu mình và vợ theo cách này. Stan dùng cách chia sẻ và thấu hiểu, thay vì chặn tâm cảm đó lại và nén vào trong. Sự tự ti còn sót lại bên trong có thể vẫn mãi ở đó. Tuy nhiên, anh ấy có thể sống chung với nó và cố gắng nỗ lực để khiến mọi chuyện tốt hơn lên. Anh nhận ra toàn bộ sự việc và thấy rất cảm động.
Có vẻ như có một chút mâu thuẫn ở đây. Con đường để xây một sự tự tôn bên trong phụ thuộc vào việc đối diện trước nỗi đau và lựa chọn không dùng đến các biện pháp phòng vệ.
NHỮNG LỜI BIỆN MINH
Hai ví dụ trên cho thấy, Nicole và Stan đã xác định được cơ chế phòng vệ của họ hoạt động thế nào bằng cách lắng nghe và thấu hiểu. Nicole nghe thấy những lời nói dối mà cô ấy tự lừa mình để phủ nhận giới hạn của bản thân. Stan cuối cùng cũng nhận ra rào cản trong tâm cảm của mình, cách anh ta đổ lỗi cho vợ để tránh sự tự ti trong mình. Bằng cách “suy diễn”, mỗi người đều cố gắng thuyết phục bản thân về tính hợp lệ của các biện pháp phòng vệ.
Như tôi đã đề cập trước đó, nỗ lực bên trong để tự thuyết phục rằng mình là đúng chỉ là một trong những dấu hiệu nổi bật của các cơ chế phòng vệ. Nó lặp đi lặp lại và vô cùng bảo thủ. Nếu bạn hướng nội và lắng nghe mình, bạn sẽ nhận ra điều này. Giống như có hai con người đang tranh cãi với nhau. Một người thuyết phục người kia rằng quan điểm của họ là đúng. Mặc dù không có ai khiêu khích hay thách thức bạn, bạn cũng sẽ tự bảo vệ bản thân. Đôi khi tôi cũng thấy mình bị cuốn vào cuộc tranh cãi trong tâm tưởng với một người, nhưng tôi sẽ dùng cách phòng vệ để đối diện với tình huống đó.
Thông qua việc lặp đi lặp lại như vậy, quá trình tự biện minh này cũng khơi dậy những cảm xúc hoàn toàn chân thực và thuyết phục, đặc biệt khi phải biện hộ cho tâm cảm đổ lỗi. Cả Nicole và Stan đều có thể cho rằng mình tức giận là đúng đắn, họ thấy như thế là lẽ tất nhiên. Bất cứ lúc nào khi bạn thấy rằng bạn vô tội, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân mình, liệu có điều gì khác đằng sau cơn tức giận đó không.
NỖI HOÀI NGHI SÂU KÍN
Như tôi đã đề cập trong chương trước, bạn không cần phải tin tất cả những gì bạn cảm thấy, đặc biệt khi nhắc đến cảm xúc bị khuấy động bởi quá trình phòng vệ bên trong này. Các cơ chế phòng vệ của bạn có thể kích động sự khinh thường, phẫn nộ chính đáng và đổ lỗi cho người khác để ngăn ta thấy đau đớn. Do đó, bạn cần phải hoài nghi về tính hợp lệ của những cảm xúc đó.
Đây là lúc mà bạn có thể dùng phương pháp hít thở hay thực hành chánh niệm. Đặc biệt khi bạn tự biện minh cho bản thân mình trong công việc, thì việc minh định lại sẽ giúp bạn bình tâm hơn. Bằng cách tập trung vào việc hít thở, bạn có thể thoát khỏi những cảm giác đang thúc giục bạn làm gì đó mà sau đó bạn sẽ phải hối tiếc vì làm như vậy. Hãy dừng lại và hít thở sâu một chút. Hãy chấm dứt việc suy nghĩ quá nhiều (càng lâu càng tốt). Hãy hướng vào bên trong mình và cảm nhận những xúc cảm mãnh liệt này. Có thể suy nghĩ thêm một chút rằng tại sao không phải lúc nào chúng cũng đúng.
Điều này cũng có thể áp dụng cho các tình huống mà bạn có phản ứng thái quá. Có thể lúc ta nổi giận hay muốn “chiến” với ai đó thì có nghĩa lúc ấy ta đang thấy xấu hổ hoặc bị sỉ nhục. Chúng ta sợ hãi khi trong ta đang lo lắng một điều gì đó. Trong những trường hợp như vậy, việc minh định lại một chút thay vì phản ứng ngay lập tức với cảm xúc mạnh mẽ đó sẽ giúp ta chọn được cách mình đối diện.
Tôi không có ý nói đây là điều dễ làm. Đối với tôi, đó là một trong những thử thách khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt. Rất khó để dẹp được nỗi hoài nghi về những cảm xúc của mình, vì “chạy theo” nó vẫn đơn giản hơn nhiều. Cảm xúc bộc phát rất khó để chịu đựng được. Như mọi kĩ năng khác, quá trình này cũng cần phải thực hành thường xuyên. Một ngày nào đó khi đi trên con đường gập ghềnh của cảm xúc, bạn sẽ thấy sự bình yên thật sự rất quý giá. Tôi đã trải qua và tôi biết nó dẫn đến đâu. Tốt nhất là dừng lại.
CẢM XÚC KHÔNG KÉO DÀI MÃI MÃI
Khi bạn vấp ngã trong tình yêu, khi một ai đó thân thiết với bạn qua đời, và bạn thật sự không thể chịu đựng được cảm giác đau đớn đó, khi cơn hoảng loạn đột ngột vây hãm bạn, thì những gì bạn trải qua có thể khiến bạn tin rằng bạn sẽ luôn cảm thấy như vậy. Những cảm xúc mạnh mẽ đó choáng ngợp, bất chấp cả khi bạn phủ nhận thì bạn vẫn ở giữa những đường ranh giới. Bạn có thể không suy nghĩ và để trí nhớ dẫn dắt bạn về những điều bạn kì vọng. Hoặc bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng để thử nhìn thoáng qua một thời điểm khi bạn cảm thấy khác đi.
Khi các cơ chế phòng vệ tâm lí nới lỏng, khi bạn đối diện với những nỗi đau mà bản thân trốn tránh, có thể bạn sợ tổn thương ấy sẽ tồn tại mãi mãi. Trước tiên, bạn sẽ tránh đối diện với nỗi đau rồi quay lại dùng các cơ chế phòng vệ trước đó. Mặc dù đấy là thói quen, nhưng một khi đã nhận thức rõ ràng về chúng, bạn có thể chọn làm gì đó khác biệt hơn. Thường thì bạn sẽ phải chịu đau đớn đủ lâu cho tới khi nó dịu đi, hoặc chờ cho tới khi một tổn thương khác trỗi dậy.
Điều này trôi qua trước mắt ta giống như ca dao, tục ngữ đã có sẵn trong văn hóa vậy. Sự mê đắm dần mất đi, con người hết yêu nhau, rồi chia tay. Sau giai đoạn buồn khổ đến chết đi sống lại, bạn lại bước ra khỏi nó và những dằn vặt chấm dứt. Song, bạn thấy điều này rất khó để tin phải không. Bởi khi chạm đến nỗi đau đang rỉ máu mà không dùng đến các cơ chế phòng thủ tâm lí, thì sợ rằng nỗi đau đó sẽ nuốt chửng lấy mình.
Bạn có thể nhớ lại khoảng thời gian như vậy lúc còn là một đứa trẻ. Thường chúng ta bị choáng ngợp bởi một số cảm nhận và ta tin rằng nó sẽ mãi ở đó. Hầu hết tụi trẻ con đều cảm thấy như vậy ở lúc này hay lúc khác. Trong Chương 8, tôi đã dẫn chứng về chuyện trẻ sơ sinh dùng phép phóng chiếu để loại bỏ đi những cảm xúc mà chúng không chịu nổi. Một phần là bởi, chúng khó biết được rằng những cảm giác ấy sẽ kéo dài bao lâu, và sợ bị bỏ mặc ở đó với sự khó chịu này mãi mãi. Trẻ sơ sinh và cả trẻ vị thành niên đều chưa đủ trải nghiệm để hiểu được những vấn đề tâm lí như thế.
Chánh niệm và việc chú tâm vào nhịp thở có thể giúp bạn hạn chế tác động của các trạng thái cảm xúc mãnh liệt và sự tự biện minh cho mình. Vì vậy, chúng có thể giúp bạn chống chọi với nỗi đau dường như vô tận. Nỗi đau hay tổn thương đó đều có tác động đến tâm lí của bạn. Bởi vì sợ nên bạn mới muốn tránh nghĩ tới nó, muốn chạy thoát khỏi nó. Việc chú tâm vào các nhịp hít - thở sẽ giúp bạn cân bằng lại thân thể. Bạn sẽ kéo sự tập trung vào một chuyện khác, đó là sự chuyển động nhịp nhàng của lồng ngực, hay cảm giác khí đi qua khí quản như thế nào. Bạn thậm chí còn thấy vô cùng thoải mái. Nó giúp bạn nhẫn nại với chính mình hơn.
Khi thảo luận về vấn đề chịu đựng đau đớn trên trang web của tôi, một độc giả hiểu rằng tôi đang nói về một điều gì đó, dạng như “Nuốt nó vào trong đi.” Tôi không có ý như vậy. Những người như thế thường khi thiếu kiên nhẫn hoặc dễ khinh thường ai đó đang cảm thấy đau đớn, như thể muốn nói, “Hãy yên lặng và đừng than vãn nữa.” Thay vào đó, tôi sẽ hướng dẫn họ về cách chịu đựng nỗi đau cho tới khi chúng qua đi, hoặc để bạn có thể chữa lành nó thay vì dùng các cơ chế phòng vệ cũ.
THÁCH THỨC NHỮNG CƠ CHẾ PHÒNG VỆ NGẦM
Cho đến giờ, tôi đã nói về một số cách hữu dụng nhằm phát hiện ra cách vận hành của các cơ chế phòng vệ tâm lí. Với những cơ chế ngầm đã ăn sâu vào bên trong chúng ta, dù cố lắng nghe cũng không nghe thấy, thì sẽ như thế nào?
Một người có cơ chế phòng vệ cảm xúc rất mạnh. Anh ta thường ít khi tức giận;
Thật ra chẳng ai quan tâm đến tình dục;
Người phụ nữ dùng cơ chế phòng vệ ái kỉ thành công đến nỗi cô không nhận ra được sự tự ti trong mình.
Việc giải giáp những cơ chế phòng vệ này cần rất nhiều nỗ lực, mỗi nỗ lực lại đòi hỏi bạn phải đặt mình vào một vị trí xa lạ, không quen thuộc, thậm chí là nỗi sợ sẽ thách thức những cơ chế phòng vệ đó. Trong Bài luyện tập số 2, tôi đề nghị bạn hãy nhờ một ai đó giúp đỡ. Đối với người có tính cách tự lập, việc phải thốt lên câu “Tôi cần bạn giúp đỡ” có lẽ cũng đủ khiến họ rất khó chịu.
Những người điềm tĩnh sẽ học cách tránh những tình huống như thế, bởi lẽ họ sợ nó sẽ khơi dậy trong họ sự xung đột hoặc một sự kích phát cảm xúc. Tôi không có ý rằng những người như thế sẽ chọn “một cuộc chiến” để cảm nhận điều gì đó. Song, việc thoát khỏi vùng an toàn của mình là cần thiết. Nếu không thoải mái với sự xung đột đó hoặc quá bảo thủ, bạn có thể sẽ phải “một mất một còn” với người thân hoặc bạn bè của mình. Đừng thúc ép bản thân mình quá. Hãy hít thở sâu và cố gắng nén những cảm xúc đó lại, thậm chí bạn thấy đau đớn vì điều đó.
Nếu bạn đã phải kìm nén phần nhiều nhận thức của mình về ham muốn tính dục, bạn có thể cần phải khôi phục chúng bằng cách mơn trớn các bộ phận của thân thể – nơi sẽ gợi lại cảm giác ham muốn: bộ phận sinh dục. Trong bộ phim Black Swan (Thiên ngan đen, 2010), biên đạo múa của Nina đã bắt cô thủ dâm. Anh ta muốn cô phải thúc đẩy phần dục vọng mà cô phủ nhận. Bạn có thể cũng sẽ phải làm như thế. Trong quá trình đó, bạn sẽ phải đối mặt với sự chống đối dữ dội từ bên trong, đó có thể là sợ hãi, phủ nhận, hoặc ghê tởm. Bạn sẽ cần phải rất can đảm và kiên trì.
Tôi sẽ lấy một ví dụ chi tiết hơn từ trải nghiệm của chính tôi. Điều đó sẽ cho thấy thử thách tác động thế nào đến bạn, và cảm xúc nào trong bạn sẽ nảy sinh. Trong một vài năm, thân chủ Erika của tôi là một người phụ nữ trung tuổi làm trợ lí hành chính cho phó chủ tịch của một tập đoàn lớn. Mặc dù rất thông minh và có trách nhiệm với công việc, nhưng Erika vẫn thấy rất khó để hoàn thành các nhiệm vụ mà sếp giao cho mình. Sếp của cô ấy có lẽ đã cảm nhận được tiềm năng to lớn của Erika và ông đã cố gắng thúc đẩy nó.
Khi đồng hành cùng tôi, Erika và tôi đã tìm hiểu lí do vì sao cô ấy không thể hoàn thành được những nhiệm vụ đó. Khi bắt đầu phân tích từng vấn đề, cô ấy nhận ra rằng cô không thể suy nghĩ một cách rõ ràng về từng chuyện và thường bị sa vào những việc vụn vặt. Công việc của cô đòi hỏi một sự tập trung cao độ vào những con số. Tuy nhiên, trong suốt thời đi học, Erika đã phải vật lộn với môn Toán. Cuối cùng, chúng tôi đã hiểu rõ rằng các nhiệm vụ được giao thực sự khiến cô ấy tức giận. Cô cảm thấy bất công với những việc được giao thêm. Cô không muốn phải suy nghĩ cho bản thân hoặc làm việc cật lực như thế nữa. Và rồi cô ấy bị mất tập trung và trở nên thụ động.
Sự thụ động này là một đặc tính bên trong cô ấy. Bắt đầu từ những năm cuối dậy thì, Erika đã có một gắn kết mạnh mẽ với các giáo viên và nhiều giáo vụ khác. Cô mong muốn kết thân với họ vì tin rằng họ sẽ để tâm hoặc “nghĩ” cho cô. Khi trưởng thành, cô tiếp tục dựa dẫm vào chồng mỗi khi phải đưa ra các quyết định về kinh tế, và không mấy khi tự mình vun xới cho mối quan hệ của họ. Trong tưởng tượng, cô nghĩ mình đang lấy một người đàn ông mạnh mẽ và năng động. Cô cho rằng anh ấy sẽ giải quyết tất cả những khó khăn của cô và chăm sóc cô chu đáo. Mỗi khi tỉnh dậy và chứng kiến cuộc sống hiện tại, cô thường thấy rất nhức nhối, cáu giận.
Phản ứng tức giận đó phản ánh cách cô cảm nhận về bước tiến trong trị liệu. Bất cứ khi nào chúng tôi nhận thấy một dấu hiệu thay đổi của cô, khi thấy cô bớt dựa dẫm hơn và có thể vận dụng những gì được học, Erika lại cảm thấy rất ấm ức, bực bội. Cô không muốn tự lập và tự chăm sóc mình, cô muốn chui vào “chiếc vỏ ốc” của bản thân và muốn mãi là “đứa trẻ”. Cô khăng khăng rằng mình là một kiểu không thể sống được nếu thiếu trị liệu.
Sự bất lực của cô ấy phản ánh một kiểu kiểm soát ngầm (Chương 9) mà cô cố gắng gợi lên sự quan tâm của người khác, để họ có thể làm những việc cô ấy e ngại. Trong trị liệu, cô ấy nhìn tôi với ánh mắt của một con chiên nhìn Đức Chúa. Cô mong tôi có thể nghĩ cho cô ấy, giải quyết vấn đề của cô ấy và nói cho cô biết cô ấy phải làm gì. Điều này cho thấy,cô ấy khá bị động và chỉ dựa vào người khác để thay đổi, chứ không cần nỗ lực.
Nhờ việc trị liệu liên tục, Erika dần dần nhận ra cái giá phải trả cho sự thụ động của mình. Cô ấy đã ngoài 50 tuổi, thời gian và cơ hội thì trôi qua nhanh như ánh sáng. Cô ấy buộc phải đưa ra một lựa chọn quan trọng, buộc cô phải làm một số điều trước đó cô luôn trốn tránh và e ngại. Erika bắt đầu tự học một số phần mềm quản lí tài chính và giữ các khoản chi tiêu trong nhà. Tiếp theo, cô đăng kí một khóa học kế toán để giúp hoàn thành các nhiệm vụ khó hơn trong công việc. Ở nhà, cô cố gắng để từ bỏ dần tâm an dật và bị động của mình.
Theo thời gian, nhờ đấu tranh với bản thân mà Erika đã thành thục hơn rất nhiều trong cả công việc lẫn đời sống. Cô ấy cảm nhận rõ một số cảm xúc bên trong mình và cũng thấy rất ngạc nhiên. Mặc dù, cô ấy đã mong đợi sẽ cảm thấy tức giận khi đối mặt với thực tế như cô ấy đã làm trong quá khứ, ngược lại, cô chẳng thấy đau buồn gì. Erika cảm thấy tự hào khi bản thân mình vượt qua được “thử thách” này. Bằng việc nhìn nhận khả năng tập trung của mình đã giúp cô ấy trở nên chủ động hơn. Với trí tuệ sẵn có, liệu Erika có thể làm gì để trau dồi khả năng, thay vì chực chờ người khác nghĩ hộ mình?
Khi sự phòng vệ trở nên quá cố thủ trong suốt một khoảng thời gian dài, chúng thường sẽ kìm hãm sự phát triển của cảm xúc bên trong. Một khi bạn dừng lại, có lẽ bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để đối diện với sự đau đớn, với những cơ hội đã bị bỏ lỡ, hoặc với những mối quan hệ tan vỡ. Việc giải trừ những cơ chế phòng vệ tâm lí luôn đi liền với việc đối diện các tổn thương, bạn có dám không?
LIÊN TỤC LỰA CHỌN, LIÊN TỤC THAY ĐỔI
Cho đến lúc này, tôi hi vọng rằng bạn đã hiểu việc dỡ bỏ các cơ chế phòng vệ cần phải có thời gian. Nếu bạn kiên trì với nó, bạn sẽ luôn thay đổi và tiến lên. Tuy không có trạng thái nào là tuyệt đối, nhưng chắc chắn bạn sẽ không cần phải vật lộn với các cơ chế phòng vệ này nữa. Ở độ tuổi ngũ tuần, sau thời gian dài ngồi trên ghế salon để làm công việc trị liệu của mình, tôi vẫn phải nói rằng, chính tôi vẫn đang phải vật lộn với các cơ chế ấy trong mình. Có thể nói, dù trạng thái tinh thần của tôi đã lành mạnh hơn bởi liên tục vượt qua những thách thức và thường xuyên trau dồi các kĩ năng, tôi cũng không bao giờ cho phép mình được dừng cố gắng.
Giống như khi bạn đi tập thể dục. Một khi bạn ngừng tập, tất cả những nỗ lực trước đó để giữ cho một sức khỏe dẻo dai sẽ trở thành công cốc. Bởi vậy bạn phải luyện tập thường xuyên để duy trì điều đó. Như bạn đã biết, việc này cũng giống như khi bạn luyện chơi đàn. Để chơi được những giai điệu đẹp, bạn cần phải luyện tập thường xuyên. Để sâu sắc và thấu hiểu, bạn cần phải biết cách lắng nghe và quan sát những tín hiệu mà thân muốn truyền đến cho bạn.
Khi bạn làm được như thế, chắc chắn bạn sẽ khác. Sự thay đổi không thể đến ngay lập tức, không nhanh nhẹn như mong muốn về một cuộc sống hạnh phúc, không đau đớn và đổ vỡ, nhưng đó cũng là một cách chọn lấy tự do và giải thoát cho chính mình, kể cả đó có là một quyền tự do chính trị. Khi đó, bạn có thể quản lí và kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình một cách tích cực hơn. Và chắc chắn, các cơ chế phòng vệ của bạn lúc ấy sẽ không còn có thể chi phối cảm xúc và hành vi của bạn được nữa.