Duy tâm là chủ nghĩa độc tôn của tư tưởng
- Mikhail Alexandrovich Bakunin -
Ngay từ phần đầu của cuốn sách này, tôi đã mô tả các cơ chế phòng vệ như một phương tiện để xua đi nỗi đau mà chúng ta đang phải chịu đựng. Tôi đã chỉ ra rằng chúng ta phải đối diện với những tổn thương ấy, nhưng bạn vẫn có thể thắc mắc rằng tại sao mình phải chọn việc làm khó như thế, và cho tới cùng thì những cơ chế phòng vệ sẽ dẫn bạn tới đâu. Cuối cùng, bạn cũng có thể hỏi: Vậy chính xác thì tinh thần lành mạnh là như thế nào?
Một mặt, tôi muốn trả lời câu hỏi đó rằng bạn nên thay đổi càng nhiều càng tốt. Tôi thấy “bình thường” là một trạng thái mà ít người có thể làm được. Đặc biệt với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, những bộ phim sitcom, nền văn hóa hiện đại đã khơi lên một cái nhìn hoàn hảo về những con người tử tế, luôn hạnh phúc và dễ dàng vượt qua các trở ngại trong cuộc đời. Trên thực tế, tất cả chúng ta (kể cả những người hạnh phúc và người đã trị liệu thành công) đều có những phần tổn thương, đó là cơ hội cho các cơ chế phòng vệ tâm lí hoạt động. Cuộc sống của mỗi người đều đầy rẫy những nỗi đau, rất nhiều nỗi đau và không ai có thể đối phó với nó một cách hoàn hảo.
Mặt khác khác, tôi tin rằng có một đời sống tinh thần lành mạnh, ở đó chấp nhận thực tế về bản chất của con người, thay vì dựng lên một hàng rào phòng vệ và chống lại thực tại. Giống như là:
• Bạn chịu đựng sự phụ thuộc đó một cách tự nhiên, dạng như thà nhận được điều bạn muốn còn hơn là không nhận được gì;
• Bạn cảm nhận một điều gì đó sâu sắc mà không bị choáng ngợp. Bạn tự tin rằng cảm xúc của bạn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và các mối quan hệ mà bạn có;
• Bạn có thể tin tưởng vào cảm nhận của mình về bản thân. Bạn không hài lòng tuyệt đối về mình, dù bạn chắc rằng mình vẫn đang tiếp tục ngày một tốt hơn.
Vì các cơ chế phòng vệ không biến mất vĩnh viễn, ngay cả khi bạn hiểu chúng, bạn sẽ tiếp tục vật lộn với chúng trong chính trạng thái tinh thần lành mạnh này. Chỉ là giờ bạn đã hiểu về những cơ chế phòng vệ này, và chúng sẽ không còn kiểm soát bạn một cách mạnh mẽ như trước nữa. Sau một thời gian dài trung thực và công bằng với bản thân, có lẽ bạn đã hiểu cách mà cơ chế phòng vệ tâm lí có thể tiếp tục ảnh hưởng và chi phối bạn. Bạn cũng sẽ thấy rõ đâu là thực tại, đâu là điều bạn cần tiếp tục khắc phục, bằng nỗ lực từng ngày, từng chút.
“TÔI THÁO GỠ NHỮNG DỒN NÉN VÀ PHỦ NHẬN”
Bởi bạn là người hiểu mình muốn gì nhất, vậy nên bạn sẽ thấy khó khăn hơn trong việc cứ tiếp tục không được thỏa mãn, được đáp ứng nhu cầu cá nhân suốt khoảng thời gian dài. Mặc dù cho tới giờ, bạn vẫn vờ rằng bạn có thể tự đáp ứng những nhu cầu của bản thân. Theo một cách nào đó, có vẻ như nó dễ dàng hơn khi không biết về những mong cầu này, đặc biệt khi bạn phải chờ đợi rất lâu mới có được thứ mình cần. Bạn thấy mình ít tìm kiếm các tải thể để trút bỏ cảm xúc của bản thân hơn, nhưng khi căng thẳng, bạn hay quá đà. Nhìn chung, chắc chắn bạn sẽ thấy ổn hơn trước.
Bạn sẽ thấy là, những sơ suất nhỏ hay sai lầm “vô thưởng vô phạt” không hoàn toàn vô hại. Bất cứ khi nào bạn nhận ra rằng bạn đã thất hứa, bạn sẽ có thói quen tự hướng nội xem vì điều gì mà mình tức giận. Không phải lúc nào bạn cũng có thể phát hiện ra cảm giác thù địch, mong muốn phản kháng của mình, nhưng cho tới cuối, bạn vẫn sẽ nhận ra nó. Dù bạn không muốn nói về chúng với bạn bè, người thân, thì bạn cũng sẽ thấy nó có ích. Tuy không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi bạn ước mình có thể chôn vùi bí mật đó mãi mãi.
Mặc dù bạn đã hiểu rõ hơn, nhưng bạn vẫn muốn tin rằng bản chất con người là tốt đẹp hơn thực tế họ đang thể hiện, và những xung đột trong cảm xúc đều có thể né tránh. Những bộ phim tình cảm đều thường có một cái kết là người tốt được hưởng hạnh phúc. Viễn cảnh đó vẫn khiến bạn rơi nước mắt đúng chứ. Rõ ràng sâu thẳm bạn luôn muốn trở thành một người tốt, mặc dù có thể bạn chưa chắc chắn về nó. Có thể đôi lúc bạn ghét những gì bạn cảm nhận, nhưng hãy tin rằng nó thể hiện một mặt nào đó trong tính cách của bạn và bạn sẵn sàng đối diện với nó.
Không ai muốn tin rằng mình thực sự sắp chết đâu. Bạn không muốn nghĩ về nó.
“TÔI THÔI TRÚT GIẬN VÀ KHÔNG LÀM NGƯỢC NỮA”
Bạn không còn coi thường người khác nhiều như trước nữa. Bạn có thể biết rõ vì sao mình cảm thấy như vậy dù bạn vẫn sợ hãi phải đối diện với sự thật. Có đôi lần vì tự ti mà bạn làm tổn thương ai đó vô tội, bạn sẽ thấy tội lỗi nhưng bạn sẽ không quá dằn vặt về nó. Bạn sẽ biết cách để xin họ tha thứ và mong muốn bù đắp những tổn thương mà bạn gây ra cho họ.
Đôi khi bạn không muốn phải tranh luận hay phán xét gì nữa. Bạn có thể thấy đầu gối mình vẫn đau, nhưng khi bạn tin rằng nó không đau nữa thì sự đau đớn ấy lại dần biến mất. Đôi khi bạn thấy rằng sự phán xét đến cay nghiệt của bản thân dành cho ai đó sẽ giảm đi, nếu như bạn hiểu rõ bản thân mình hơn. Bạn nhận ra rằng mình thực sự không muốn làm như thế, thực sự không cho phép mình làm như thế.
Bạn đã trở nên bao dung hơn, nhưng không có nghĩa là bạn dễ dãi và ít nghiêm khắc. Cho dù bạn biết rằng có một cơ chế phòng vệ dẫn đến phản ứng của bạn, vẫn luôn có một số điều bạn sẽ không chấp nhận. Bạn có thể không hoàn toàn tự cao về điều này, nhưng bạn biết mình chẳng cần phải quá ghê tởm về những người hút thuốc.
“TÔI BIẾT THẾ NÀO LÀ ĐÚNG - SAI, ĐEN - TRẮNG”
Đôi khi bạn vẫn khăng khăng với điều bạn cho là đúng, nhưng bạn cũng đã trở thành một người biết suy nghĩ có trước có sau hơn. Thế giới dường như không quá khắc nghiệt, giữa Thiện và Ác, tốt và xấu, ta và họ. Còn nhiều điều cần làm để dung hòa các quan điểm khác nhau. Đôi khi bạn muốn ôm giữ những điều mình biết, nhưng nhìn chung, bạn sẽ giao tiếp hiệu quả hơn. Cũng nên cẩn thận đừng quá sa lầy vào việc rạch ròi tư duy đúng - sai, đặc biệt là khi đề cập đến các vấn đề như chính trị và tôn giáo.
Khi bạn căm ghét người mà bạn đã từng rất để tâm, tốt hơn hết bạn hãy nhớ rằng bạn cũng rất yêu thương họ và đừng để cơn giận dữ thổi bay mất mối quan hệ tốt đẹp của hai người. Đôi khi bạn vẫn nói và làm những điều mà sau đó bạn phải hối tiếc và ước gì có thể làm lại được. Tuy nhiên, bạn lại có xu hướng dằn vặt hơn là biện minh cho hành vi của mình. Theo thời gian, có lẽ bạn sẽ cảm thấy suy nghĩ thông thoáng hơn và cảm nhận cũng sâu sắc hơn.
Nhận thức của bạn về người khác và đời sống tình cảm của họ cũng thay đổi: Mọi người dường như rất phức tạp! Bạn cảm thấy mất kiên nhẫn với những giáo điều chính trị, những thứ cố gắng thao túng bạn và khơi dậy lòng thù hận trong bạn. Đôi khi bạn hoàn toàn chán ghét cái tâm lí “tôi thì tốt, bạn thì xấu” trong đời sống hằng ngày.
Nếu bạn không có một mối quan hệ rằng buộc cam kết và thực sự muốn có một mối quan hệ như vậy, có lẽ bạn đang trên con đường tìm kiếm nó. Bạn không dễ dàng yêu rồi lại chia tay. Bạn biết mình đang tìm kiếm điều gì và sẵn sàng chịu đựng cũng như bao dung với khuyết điểm của người khác, miễn là bạn còn cảm nhận được tình yêu và sự chân thành giữa hai người. Bạn không còn quá “hung hăng”. Bạn có thể nhẫn nại trước cơn giận của người khác, bạn không cảm thấy việc thừa nhận lỗi lầm là một sự sỉ nhục nghiêm trọng nữa. Bạn chỉ là một người bình thường như bao người khác.
“TÔI SỐNG THỰC TẾ HƠN”
Bạn sẽ thấy mình ở trong một trạng thái “cao không tới, thấp không thông”. Bạn ước có một cách nào đó để có thể sống vui vẻ mà không phải sầu não, nhưng lại miễn cưỡng đứng giữa lằn ranh đó. Không có câu trả lời hoàn hảo nào cho trạng thái của bạn. Và bạn biết rằng hạnh phúc mãi mãi chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích và phim hài lãng mạn mà thôi.
Có thể bạn vẫn thích xem những bộ phim hài lãng mạn. Khi một người bạn của bạn đang yêu, bạn vẫn thấy ghen tị ngay cả khi bạn biết cơn say nắng đó không kéo dài. Bạn vẫn thích tìm đến rượu và ma túy như một chất kích thích ảo giác. Bạn có thể sẽ phải tranh đấu với những thói quen đó. Mỗi khi bạn quá sa đà vào một thứ, ngay hôm sau bạn lại thấy vô cùng tồi tệ.
Bạn không còn cho rằng mình là anh hùng, bởi bạn tin rằng ngay cả những kẻ xấu cũng nên có cơ hội được quay đầu. Đôi khi, bạn ước rằng mọi thứ đơn giản hơn chúng-là, và thật khó cưỡng lại nỗi nhớ về một thời sơ khai giản dị. Bạn hiểu rõ mọi chuyện hơn, và thật khó để tin rằng những người nổi tiếng mà bạn ngưỡng mộ không hạnh phúc hơn bạn. Nếu bạn không cẩn thận, chính niềm tin mù quáng đó sẽ khiến bạn rơi vào tuyệt vọng.
Những kì nghỉ là cơ hội tuyệt vời cho bạn. Ngay cả khi bạn biết sẽ có một nỗi thất vọng nào đó, trong bạn vẫn có một sự trông chờ. Dù sao bạn cũng sẽ có một khoảng thời gian khá vui vẻ trước khi quay trở lại thực tại của mình, cuộc sống ấy không còn tệ như trước nữa. Những lời chào mời thuê phòng cho kì nghỉ cũng hấp dẫn không kém, nhưng giờ bạn lại hoài nghi rằng liệu cuộc sống ở nhưng nơi khác trên thế giới có thực sự tốt như hiện tại của bạn không.
Bạn không còn quá để tâm đến bạn bè hay người thân, người yêu khi họ làm tổn thương hoặc khiến bạn thất vọng. Bạn có thể bao dung hơn với những khiếm khuyết của họ. Bạn không có quá nhiều bạn thân, nhưng bạn biết cách trân quý những người ở bên mình. Họ cũng nhìn thấy những khiếm khuyết của bạn và họ yêu thương bạn, dù thỉnh thoảng bạn cũng khiến họ phật lòng.
“TÔI CÓ THỂ CÂN BẰNG CẢM XÚC CỦA MÌNH”
Thử nhớ lại những chuyện ngày xưa khi bạn trút cảm xúc lên người bạn nào đó của mình, chắc hẳn bạn sẽ thấy có chút ngượng ngùng. Có thật là bạn không còn nghĩ về chuyện đó nữa, hay bạn đang cho rằng mình đã thoát khỏi nó? Khi những người bạn biết làm điều tương tự với bạn, bạn có thể cảm thấy khó chịu, nhưng nếu tha thứ được, bạn sẽ quên nó đi. Bạn cố gắng làm rõ sự khác biệt giữa trút bỏ cảm xúc và chia sẻ thật sự. Khi bạn tâm sự với ai đó, hãy chắc chắn rằng bạn đang nói chuyện với đúng người, những người mà bạn tin tưởng.
Điểm đáng tự hào là bạn đã rất cố gắng để không coi thường cảm xúc của mình với người khác. Dù đã nỗ lực hết mình, nhưng trong một lúc căng thẳng nào đó, bạn vẫn có thể đổ lỗi cho người khác vì một lỗi lầm rất nhỏ. Ngay cả khi cố trấn tĩnh, bạn vẫn không thể dừng cơn giận lại. Sau đó chắc chắn bạn sẽ thấy hối hận. Thường bạn sẽ dễ tha thứ cho những người thân bên cạnh mình, những người đôi khi cũng khiến bạn điên đầu, nhưng bạn biết rằng họ cũng có giới hạn cảm xúc của riêng mình. Ngoại trừ một người họ hàng nào đó. Anh ta lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ khiến bạn phát mệt.
Các mối quan hệ giữa bạn và bạn bè, gia đình, người thân yêu dường như không còn mất cân bằng nữa. Bạn không còn thấy mình quá lụy tình hay phụ thuộc vào họ. Bạn hiểu được giá trị của việc cho đi và nhận lại, dù đôi khi không phải ai cũng nghĩ được như thế. Giờ bạn có thể nhớ lại những mối quan hệ mình đã đánh mất, phần lớn có thể do bạn không thể hiểu đối phương hoặc do bạn kì vọng quá nhiều. Bạn tự hỏi liệu tình bạn ấy có thể tồn tại đến bây giờ nếu lúc đó bạn hiểu chuyện hơn không. Câu chuyện này có thể khiến bạn thấy buồn lòng một chút.
“TÔI KIỂM SOÁT NHỮNG THỨ MÌNH CÓ THỂ KIỂM SOÁT”
Bạn là một người ngăn nắp. Bạn không khiến người thân của mình phải phiền lòng về sự lộn xộn, cũng như không để nơi ở của bạn bừa bộn. Nếu bạn vẫn lo lắng trước những kì nghỉ, thì bạn cũng có thể hiểu rằng những người thân của mình có thể đưa ra những ý kiến khác, về thời điểm khởi hành đến sân bay, hay nên đi đường nào thì nhanh nhất. Họ có thể sai, nhưng bạn cũng không thể nhất nhất làm theo ý mình. Khi không còn kiểm soát mọi việc, có lẽ bạn sẽ thấy lo lắng, nhưng chắc chắc sẽ ít thất vọng và bực tức với mọi người hơn.
Tại nơi làm việc, mọi người bảo rằng dạo gần đây bạn có vẻ vui vẻ hơn, và họ thích con người hiện tại của bạn. Kiểu khen này khiến bạn có chút gợn trong lòng, vì nó gợi nhắc đến những việc bạn từng làm, từng ảnh hưởng đến đồng nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, bạn cảm thấy thoải mái hơn, dù đôi khi có chút bất lực. Giờ bạn phải tự nhắc nhở bản thân rằng mình không thể hoàn toàn kiểm soát cuộc sống một cách hoàn hảo, dù bạn vẫn luôn mong muốn như vậy.
Thực tế là, những người có gia đình, vợ chồng, cha mẹ thường sẽ có một cuộc sống thoải mái hơn những người độc thân. Đôi khi họ có thể đi xe miễn phí, hoặc được chu cấp hoàn toàn. Và bạn tin rằng họ không cần phải trả một đồng phí nào. Bạn đánh giá cao tính tự lập và những gì bạn có thể xây đắp một mối quan hệ, thậm chí bạn thừa nhận rằng một lúc nào đó bạn thực sự muốn có một ai ôm lấy mình và bảo: “Em đã vất vả rồi, giờ hãy để anh. Anh sẽ chăm sóc cho em.”
Trong giao tiếp xã hội, bạn cảm thấy tự tại và bớt lụy tình hơn trước đây. Bạn không cần cố gắng kiểm soát cách người khác nhìn nhận bạn, hay để mọi thứ có vẻ “ổn”. Chỉ trừ khi bạn là người phụ nữ bận rộn đang cố gắng chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn. Bạn hiểu những gì cô ấy đang làm. Bạn muốn có những cuộc trò chuyện sâu sắc với người thân, và thậm chí là bạn bè thân thiết. Bạn đồng cảm với những khó khăn và nỗi đau của họ.
“SUY NGHĨ CỦA TÔI ĐÃ THÔNG SUỐT HƠN”
Khi bạn cảm thấy không ổn, bạn biết rằng mình cần minh định lại, tập trung vào những nơi mà thân thể lan truyền tín tức thông qua cảm xúc. Sự hợp lí hóa không phải là vấn đề. Khi bạn nhận ra cơ chế này, bạn thường mỉm cười và đôi khi còn biến nó trở thành một câu chuyện hài hước. Khi bạn có những hành vi sai trái, bạn sẽ không nhảy vào cuộc để biện minh cho nó, và bạn xin lỗi họ khi thấy mình sai.
Bạn vẫn có thể đánh mất mình trong dòng suy nghĩ vô hướng, vô mục đích. Vào những ngày mà “suy nghĩ” nhấn chìm bạn, bạn có thể thấy cô độc và xa lạ với ngay cả người thân thiết nhất của mình, bạn không biết làm sao để kết nối với họ. Đôi khi bạn có thể thấy mình bị mắc kẹt trong mớ suy nghĩ đó. Việc tĩnh lặng và tập trung vào chánh niệm hay nhịp thở sẽ có ích cho bạn, miễn là bạn thử làm điều đó. Đôi khi bạn ngạc nhiên vì không biết mình có thể đi được bao xa, có bị cuốn vào cuộc nói chuyện phiếm nào mà không nhận ra điều đó hay không.
Ngay cả khi bạn hiểu rõ hơn điều này, bạn vẫn thích giao tiếp với một người nói năng rõ ràng, gọn ghẽ và thông thạo ngôn ngữ. Đôi khi ngôn từ được biến hóa giống như có thêm quyền năng trong đó. Và bạn nhìn lại mình trong quá khứ với những bữa ăn tối nhạt nhẽo, lúc đạp xe dọc bãi biển mà không nói lời nào, hay buổi sáng Chủ nhật nằm dài trên giường đọc báo. Giờ bạn đã rõ hết rồi.
Chắc chắn là việc nhìn nhận đúng sẽ không khiến bạn phải hối tiếc đâu, dù nó cũng là một thử thách. Khi bạn thấy bế tắc, bạn cảm thấy trống rỗng. Lúc ấy, bạn khao khát một điều gì đó khác, hơn là phải trải qua cảm giác khó chịu đấy. Lúc đó một cái ôm hay vòng tay của người bạn yêu thương cũng khiến bạn rơi nước mắt. Bạn không thể diễn tả hết sự buồn bã và biết ơn trong mình. Bạn thực sự thấy buồn vì những năm tháng đã qua và biết ơn với cuộc sống hiện tại mà mình đang có.
“TÔI CÓ THỂ VƯỢT QUA NỖI TỰ TI TRONG MÌNH”
Bạn cảm thấy mình tốt hơn, bạn tự hào về sự chính trực của bản thân và nỗ lực để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Nhưng đôi khi, bạn cũng thấy mình có chút khoa trương để lấp đầy sự tự ti đó. Có thể bạn sẽ hứng thú với sức hút của mình, hoặc khi khoe khéo ai đó về thành tích mới của bạn. Sau này nghĩ lại, bạn sẽ thấy mình vẫn đố kị với ai đó hơn mình, và mong cầu được ngưỡng mộ từ người khác.
Sự tự ti bạn cảm thấy đã cũ và quá quen thuộc rồi, tuy nhiên, nó không còn khiến bạn suy sụp. Bạn không dằn vặt mình nữa. Đồng thời, bạn thực sự ghét cái cảm giác tự ti đó và ước rằng có cách nào đó để thoát khỏi điều này mãi mãi. Nó sẽ luôn ở bên bạn và bạn có thể sống với chính nó. Theo một cách nào đó, việc nhận thức được sự tự ti trong mình có thể trở thành một “rủi ro”, vì nó có thể khiến bạn tự hạ thấp bản thân. Bạn biết trong bạn vẫn tồn tại một chút ái kỉ, sẽ luôn là như vậy, và việc nhận thức được nỗi tự ti đôi khi sẽ giúp bạn khiêm tốn một chút.
Giờ đây, việc chấp nhận sai lầm của mình có vẻ sẽ dễ dàng hơn với bạn. Sự oán giận có thể thúc đẩy mong muốn được “đè nén” người khác khi ai đó chỉ trích bạn, nhưng bạn biết rằng không cần phải thắng trong mọi “cuộc khẩu chiến”. Đôi khi bạn vẫn xù lông lên và thể hiện ra sự khinh bỉ dành cho họ, nhưng bạn biết rằng đó không phải điều bạn thực nghĩ. Đâu phải lúc nào bạn cũng hiểu rõ về nỗi đau mà bạn đang cố gắng tránh né. Có thể sẽ rất vất vả để vạch ra một ranh giới giữa việc hạ thấp người khác và sự tự ti tồn tại bên trong bạn.
Bạn không thấy mình quá hiếu thắng như trước. Bạn cũng không còn sợ hãi khi nghĩ rằng mình là một kẻ thất bại và phải đố kị với những người hơn mình. Đối diện với thế giới bây giờ là một bạn rất khác. Mọi người đều có trong mình những nỗi niềm riêng. Tất cả đều có những mong cầu khiến họ nản lòng. Ai cũng có những bí mật chứa đựng sự tổn thương. Và giờ bạn đã hiểu mối liên hệ giữa tâm cảm tự ti đó và sự tự ái trong mình. Bạn có thể thấy tác động to lớn của tâm lí tự ti đối với cuộc sống của mọi người xung quanh bạn.
Nói chung thì bạn thực sự thoải mái nhất khi là chính bạn. Tất nhiên, có những điều về bản thân mà bạn ước rằng mình có thể thay đổi được. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể thấu hiểu tâm cảm và các cơ chế phòng vệ của mình sớm hơn. Bạn thường ước mình không phải chiến đấu với những trận chiến giống nhau mỗi ngày, ngay cả khi giờ nó đã dễ chịu hơn trước. Chắc chắn bạn cũng vui sướng nếu mình có thể trẻ hơn, giàu có hơn, hay hấp dẫn hơn.
Bất chấp những thất vọng và tổn thương trong mình, bạn chắc chắn sẽ thấy thích thú khi trải qua tất cả bước đường đó. Bạn cũng nên trân trọng những mối quan hệ của mình, trân quý tình cảm giữa bạn và người thân yêu, bạn bè, và những người đồng hành cùng với bạn.
Đơn giản là, bạn thấy hạnh phúc vì mình được sống