Đ
ến giữa đường, cô mở cửa định vào một quán cà phê, nhưng họ lại đang bật một trong những bản nhạc mà cô vẫn nghe với Carol ở tất cả mọi nơi, nên cô đóng cửa lại và đi tiếp. Âm nhạc còn sống nhưng thế giới đã chết. Và bài hát này một ngày nào đó cũng sẽ chết, cô nghĩ thầm, nhưng làm sao thế giới có thể sống lại? Làm sao nó có thể ý nghĩa trở lại?
Cô đi bộ tới khách sạn. Trong phòng, cô thấm nước lạnh vào một chiếc khăn mặt để đắp nó lên mắt. Căn phòng lạnh cóng nên cô cởi váy, cởi giày ra và lên giường.
Bên ngoài, một giọng nói the thé nhưng nhỏ bé giữa không gian trống không vang lên: “Thời báo Chủ nhật của Chicago đây!”
Rồi sau đó chỉ còn lại sự im lặng, và cô cố hết sức để chìm vào giấc ngủ trong khi cơn mệt mỏi bắt đầu làm cô khó chịu, cảm giác như bị say rượu. Các giọng nói bắt đầu vang lên trong hành lang, bàn về một kiện hành lý bị nhầm, và cảm giác bất lực bao trùm cả người cô khi cô nằm đó với chiếc khăn ướt đẫm, toàn mùi thuốc đắp trên đôi mắt sưng húp. Các giọng nói bắt đầu cãi nhau, cô cảm thấy sự dũng cảm của mình biến mất cùng với ý chí của cô, và trong cơn hoảng loạn, cô thử nghĩ tới thế giới bên ngoài, nghĩ về Dannie và bà Robichek, về Frances Cotter ở tòa soạn báo Pelican, về bà Osborne, về căn hộ ở New York của cô, nhưng tâm trí cô không cho phép cô suy nghĩ đến những điều đó, cũng như trái tim của cô bây giờ, nó nhất quyết không từ bỏ Carol. Các khuôn mặt cứ hòa vào nhau như những âm thanh ngoài kia. Thấp thoáng đâu đó còn có cả khuôn mặt của sơ Alicia và mẹ cô nữa. Căn phòng cuối cùng mà cô ngủ lại hồi đi học. Buổi sáng, cô chuồn ra khỏi ký túc xá thật sớm và chạy băng qua bãi cỏ như một con thú con điên rồ, chân như gắn lò xo, và cô còn nhìn thấy sơ Alicia đang chạy như điên trên đồng, đôi giày trắng lóe lên như những chú vịt sau những nhánh cỏ cao vút, và phải mất vài phút cô mới nhận ra rằng sơ đang đuổi theo một con gà đã trốn ra ngoài.
Và cả một lần ở trong nhà của một người bạn của mẹ cô, khi cô với lấy một miếng bánh và làm đổ cả khay bánh xuống sàn nhà, mẹ cô đã tát thẳng vào mặt cô. Cô cũng nhìn thấy bức tranh trong hành lang ở trường, giờ nó thở và cử động hệt như Carol, chế giễu, tàn nhẫn và đã kết thúc với cô, như thể một mục đích độc ác được lên kế hoạch từ lâu đã được hoàn thành. Cơ thể của Therese căng ra vì hãi hùng, và cuộc trò chuyện trong hành lang cứ diễn ra liên tục, đập vào tai cô là tiếng băng vỡ đáng sợ đâu đó ở ngoài hồ.
“Cậu nói mình đã làm là sao?”
“Không…”
“Nếu thế thì cái va li phải nằm ở dưới cầu thang, trong phòng giữ đồ chứ…”
“Ồ, tôi chẳng bảo…”
“Nhưng cậu muốn tôi đánh mất va li để cậu khỏi mất việc!”
Đầu cô cố gắng dịch nghĩa cho từng cụm từ một, như một thông dịch viên bị bỏ lại phía sau và cuối cùng thì chẳng theo kịp nữa.
Cô ngồi dậy trên giường với đoạn kết của cơn ác mộng vẫn đọng lại trong đầu. Căn phòng gần như tối om, bóng tối tràn vào các góc phòng. Cô với tay tới chỗ công tắc đèn và nhắm hờ mắt lại khi đèn sáng lên. Cô thả một đồng xu vào máy radio trên tường, và bật tiếng to hẳn lên. Giọng một người đàn ông cất lên, sau đó là tiếng nhạc, một bản nhạc mang âm hưởng phương Đông du dương được chọn vào phần thưởng thức âm nhạc ở trường. “Trong một khu chợ Ba Tư,” cô tự động nhớ lại, và giờ giai điệu gợn sóng của nó vang lên, giai điệu ấy luôn khiến cô liên tưởng tới một chú lạc đà đang đi bộ, và nó đem cô về một căn phòng nhỏ bé ở nhà tình thương, với các bức tranh minh họa vở opera Verdi treo trên các tấm ván ốp tường trên tường. Thỉnh thoảng, cô vẫn được nghe ca khúc này ở New York, nhưng cô chưa bao giờ nghe nó cùng Carol, và giờ đây, bản nhạc này như một cây cầu băng qua thời gian mà không thật sự chạm vào một cái gì hết. Cô cầm con dao mở thư của Carol từ tủ đầu giường lên, con dao bằng gỗ ấy không hiểu sao bị lẫn vào trong va li của cô khi họ đóng đồ, và cô siết nhẹ tay cầm, xoa ngón cái dọc mép dao, nhưng việc đó dường như chỉ phủ định Carol thay vì gợi nhớ đến chị, thậm chí nó còn không khiến cô kích động bằng những bản nhạc họ chưa bao giờ cùng nhau nghe. Cô nghĩ tới Carol với vẻ chán ghét, giờ chị như một vùng đất xa xôi, tĩnh lặng.
Therese quay ra bồn để rửa mặt bằng nước lạnh. Cô nên kiếm việc, ngay ngày mai nếu có thể. Đó là dự định của cô khi dừng chân ở đây, làm việc khoảng hai tuần thay vì khóc rấm rứt trong phòng khách sạn. Cô nên gửi tên khách sạn cho bà Cooper, chỉ vì lịch sự. Đó cũng là một việc mà cô phải làm dù không muốn. Và cô tự hỏi có nên viết thư cho Harkevy hay không, sau bức thư lịch sự nhưng ngắn gọn của anh ta mà cô nhận được ở Sioux Falls. “… Tôi rất vui nếu được gặp lại cô khi cô quay về New York, nhưng tôi không thể hứa hẹn gì vào mùa xuân này. Có lẽ cô nên gặp ông Ned Bernstein, nhà đồng sản xuất khi cô quay lại. Ông ấy có thể cho cô biết nhiều về những công việc trong xưởng thiết kế hơn tôi…” Không, cô sẽ không viết thư hỏi thêm nữa.
Dưới cầu thang, cô mua một tấm bưu thiếp của hồ Michigan và cố tình viết một bức thư vui vẻ cho bà Robichek. Nó có vẻ giả tạo khi cô viết, nhưng khi bước chân rời khỏi thùng thư mà cô vừa thả nó vào, đột nhiên cô cảm thấy có một nguồn năng lượng chảy trong cơ thể mình, có lò xo dưới ngón chân, tuổi trẻ chảy trong huyết quản và làm ấm hai bầu má của cô khi cô rảo bước nhanh hơn, và cô biết rằng mình tự do và sung sướng nếu so với bà Robichek và những gì cô viết cũng không phải sai sự thật, vì rõ ràng cô đủ sức làm điều đó. Cô không tàn tật, chẳng bị mù, cũng chẳng bị bệnh. Cô đứng cạnh một cửa sổ trưng bày hàng và nhanh chóng tô thêm son môi. Một ngọn gió mạnh khiến cô phải bước chân sang để giữ thăng bằng. Nhưng cô có thể cảm thấy mùa xuân đang đến trong cơn gió lạnh giá, mùa xuân như một trái tim ấm áp, tươi trẻ.
Sáng hôm sau, cô sẽ bắt đầu tìm việc. Cô có thể sống bằng số tiền còn lại, và tiết kiệm số tiền kiếm đủ để quay lại New York. Tất nhiên, cô có thể rút số tiền còn lại từ ngân hàng, nhưng đó không phải là điều cô muốn. Cô muốn hai tuần làm việc với những người không quen biết, làm công việc mà một triệu người khác làm. Cô muốn đặt mình vào vị trí của những người khác.
Cô nộp đơn cho một vị trí tuyển thu ngân cần một ít kỹ năng đánh máy và phỏng vấn trực tiếp. Có vẻ họ nghĩ cô đủ khả năng và cô dành cả sáng để học tài liệu. Rồi một ông chủ xuất hiện sau bữa trưa và nói rằng ông ta cần một nhân viên nữ biết tốc ký.
Therese không biết. Trường học dạy cô đánh máy nhưng không dạy tốc ký nên cô không được nhận.
Cả chiều hôm đó cô lại tìm kiếm trên cột tuyển dụng. Rồi cô nhớ lại bảng quảng cáo trên hàng rào một kho gỗ không xa khách sạn. “Muốn tuyển nhân viên nữ làm công việc hành chính và kho hàng. Bốn mươi đô la một tuần.” Nếu họ không yêu cầu khả năng tốc ký thì có thể cô sẽ đáp ứng yêu cầu. Tầm ba giờ, cô rẽ vào con đường lộng gió gần kho gỗ. Cô ngẩng đầu lên và để gió thổi ngược tóc ra sau. Và cô nhớ Carol từng nói: “Chị thích nhìn em đi bộ. Khi chị nhìn thấy em từ xa, chị cảm thấy như thể em đang đi dạo trong lòng bàn tay chị và em chỉ cao có chục phân vậy.” Cô dường như có thể nghe giọng nói dịu dàng của Carol dưới tiếng gió bập bùng và cô cứng người lại vì cay đắng và vì sợ hãi. Cô đi bộ nhanh hơn, chạy vài bước như muốn cố gắng thoát khỏi bãi bùn lầy của tình yêu đầy căm ghét và oán giận mà đột nhiên tâm trí cô vừa sa vào.
Có một văn phòng tồi tàn bằng gỗ ở cạnh kho gỗ. Cô đi vào trong và nói chuyện với ông Zambrowski, một người đàn ông đầu trọc đi đứng chậm rãi, đeo một chiếc đồng hồ dây kéo căng ra ngay trước ngực. Trước khi Therese kịp hỏi xem họ có yêu cầu khả năng tốc ký không, ông ta đã tự nói ra là không cần kỹ năng đó rồi.
Ông ta nói sẽ thử việc cô hết chiều nay và ngày mai. Sáng hôm sau, có hai cô gái khác cũng vào nộp đơn và ông Zambrowski cũng ghi lại tên của họ, nhưng trước buổi trưa, ông ta nói công việc đã thuộc về cô.
“Nếu cô không ngại đến đây lúc tám giờ sáng,” ông Zambrowski nói.
“Tôi không ngại đâu.” Hôm đó, cô đến lúc chín giờ sáng. Nhưng cô sẽ tới đó từ bốn giờ sáng nếu ông ta yêu cầu.
Giờ làm việc của cô là từ tám giờ sáng đến bốn rưỡi chiều và nhiệm vụ của cô chỉ đơn giản bao gồm việc kiểm tra đơn chuyển hàng của kho thóc tới sân theo yêu cầu đặt hàng và viết thư xác nhận. Từ bàn làm việc trong văn phòng, cô không nhìn thấy nhiều gỗ, nhưng mùi hương của nó vẫn phảng phất trong không khí, tươi mới như thể cưa chỉ vừa cắt ngang bề mặt của những tấm ván làm bằng gỗ thông màu trắng, và cô có thể nghe thấy tiếng va đập rộn ràng khi xe tải kéo nó vào chính giữa sân. Cô thích công việc này, thích ông Zambrowski, thích những người đốn củi và lái xe tải, họ bước vào văn phòng để sưởi ấm tay trước ngọn lửa. Một người thợ đốn củi tên là Steve, một chàng trai trẻ hấp dẫn với hàng râu vàng lún phún, đã mời cô ăn trưa cùng anh ta vài lần trong quán ăn nhỏ ở cuối đường. Anh ta cũng rủ cô hẹn hò tối thứ Bảy, nhưng Therese chưa muốn dành trọn cả tối bên anh ta hay bên ai khác.
Một tối, Abby gọi điện cho cô.
“Cô có biết là tôi đã phải gọi điện tới South Dakota hai lần để tìm cô không?” Abby bực mình nói. “Cô đang làm gì ở ngoài đó vậy hả? Khi nào thì cô mới quay lại?”
Giọng nói của Abby lại đưa Carol trở lại trong tâm trí cô như thể cô đang nghe chính Carol nói. Nó lại khiến họng cô thít chặt và trong khoảnh khắc, cô chẳng biết nên trả lời ra sao.
“Therese à?”
“Carol có ở cạnh cô không?”
“Cậu ấy đến Vermont rồi. Cậu ấy bị ốm,” Giọng nói khàn khàn của Abby trả lời và giờ giọng nói ấy chẳng còn phảng phất tiếng cười nữa. “Cậu ấy đang đi nghỉ.”
“Chị ốm đến mức không thể gọi cho tôi sao? Sao cô không kể cho tôi chứ, Abby? Chị khỏe hơn chưa?”
“Khỏe hơn rồi. Thế sao cô không gọi điện để tìm hiểu nhỉ?”
Therese siết mạnh ống nghe. Phải, vì sao cô không gọi điện? Bởi vì cô còn mải nghĩ đến một bức tranh thay vì nghĩ đến Carol. “Có chuyện gì với chị vậy? Chị…”
“Một câu hỏi hay đấy. Carol đã viết thư kể cho cô về những gì đã xảy ra phải không?”
“Phải.”
“Thế cô nghĩ cậu ấy có thể đàn hồi tốt như bóng cao su chắc? Hay đuổi theo cô khắp nước Mỹ? Cô nghĩ đây là gì, một trò chơi trốn tìm chắc?”
Toàn bộ cuộc nói chuyện trong bữa trưa hôm ấy làm Therese sụp xuống. Theo Abby thấy thì toàn bộ chuyện này là lỗi của cô. Bức thư mà Florence tìm được chỉ là sai lầm cuối cùng mà thôi.
“Khi nào thì cô quay về đây?” Abby hỏi.
“Tầm mười ngày nữa. Trừ phi Carol muốn chiếc xe sớm hơn.”
“Không. Mười ngày nữa cậu ấy mới về nhà.”
Therese ép mình phải hỏi, “Bức thư đó - bức thư tôi đã viết ấy - chị có biết họ tìm ra nó trước hay sau không?”
“Trước hay sau cái gì?”
“Trước hay sau khi tên thám tử bắt đầu theo dõi bọn tôi.”
“Họ tìm ra nó sau đó,” Abby nói, thở dài.
Therese nghiến chặt răng. Nhưng Abby nghĩ gì về cô đâu có quan trọng, Carol mới là người quan trọng. “Chị ấy ở chỗ nào của Vermont?”
“Nếu tôi là cô thì tôi sẽ không gọi điện đâu.”
“Nhưng cô không phải là tôi và tôi muốn gọi cho chị ấy.”
“Đừng gọi. Tôi chỉ biết nói với cô đến thế thôi. Tôi có thể chuyển lời cho cô - đó là điều quan trọng.” Và sau đó là một khoảng im lặng lạnh lùng. “Carol muốn biết cô có cần tiền không và xe thế nào rồi.”
“Tôi không cần tiền. Chiếc xe vẫn ổn.” Cô cần phải hỏi thêm một câu nữa. “Rindy biết gì về chuyện này?”
“Con bé biết ý nghĩa của từ ly dị. Và con bé muốn ở cùng Carol. Điều đó càng làm Carol thấy khó khăn hơn.”
Therese chỉ muốn nói tốt lắm, tốt lắm. Cô sẽ không làm phiền Carol bằng việc gọi điện, viết thư hay bất kỳ tin nhắn nào, trừ phi là chuyện chiếc xe. Cô run rẩy cả người khi đặt điện thoại xuống. Và cô ngay lập tức nhấc nó lên tiếp. “Đây là phòng sáu trăm mười một,” cô nói. “Tôi không muốn nhận thêm một cuộc gọi đường dài nào nữa - không một cuộc nào nữa.”
Cô nhìn con dao mở thư của Carol đặt trên chiếc bàn cạnh tủ đầu giường, giờ nó là tất cả những gì còn lại của Carol, người bằng xương bằng thịt, Carol với tàn nhang lốm đốm và một chiếc răng bị mẻ. Cô có nợ chị cái gì không? Không phải Carol đã chơi đùa với cô như lời Richard nói sao? Cô nhớ lại lời chị, “Khi em có chồng và con thì mọi chuyện sẽ có phần khác đấy.” Cô cau có nhìn con dao mở thư, có gì khác biệt nếu cô giữ nó hay quẳng nó đi đâu.
Hai ngày sau, một bức thư từ Abby đến, đi kèm một tờ séc trị giá một trăm năm mươi đô mà Abby gửi cho cô và bảo cô “quên đi.” Abby nói đã kể cho Carol và Carol muốn nghe điện của cô, và cô ta đưa địa chỉ của Carol cho cô. Đó là một bức thư khá lạnh lùng, nhưng động thái đưa séc thì không. Therese biết Carol không yêu cầu cô làm vậy.
“Cảm ơn vì tấm séc,” Therese viết lại cho cô. “Cô thật tử tế, nhưng tôi không cần nó và cũng sẽ không dùng nó. Cô đã bảo tôi viết thư cho Carol nhưng tôi không nghĩ mình có thể hay nên làm vậy.”
Một buổi chiều, Dannie đang ngồi ở sảnh khách sạn khi cô đi làm về. Cô không dám tin đó là anh ta, chàng trai mắt đen đứng dậy khỏi ghế và chậm rãi đi về phía cô. Rồi hình ảnh mái tóc đen lòa xòa càng thêm lộn xộn bởi cổ áo dựng đứng, nụ cười rạng rỡ đối xứng, vẫn quen thuộc giống như thể cô mới gặp anh một ngày trước.
“Xin chào, Therese,” anh ta nói. “Ngạc nhiên chưa?”
“Ngạc nhiên kinh lên được ấy. Em đã bỏ cuộc khi chẳng nghe được tin gì từ anh trong hai tuần đấy.”
Cô nhớ ngày hai mươi tám là ngày mà anh ấy nói sẽ rời khỏi New York, đó cũng là ngày cô tới Chicago.
“Anh cũng đã định bỏ rơi em đấy,” Dannie cười lớn nói. “Anh bị chậm lại ở New York. Anh nghĩ đúng là may vì anh đã thử gọi điện cho em và chủ nhà của em chuyển địa chỉ này cho anh.” Tay anh ta nắm chặt khuỷu tay của cô. Họ chậm rãi đi bộ về phía thang máy. “Trông em thật tuyệt vời, Therese.”
“Thật không? Em cũng mừng kinh lên được khi được gặp anh.” Một chiếc thang máy mở ra trước mặt họ. “Anh có muốn lên phòng không?”
“Đi ăn cái gì đã. Hay bây giờ còn sớm quá? Hôm nay anh chưa ăn trưa.”
“Vậy thì chắc chắn bây giờ không còn sớm nữa rồi.”
Họ tới một hàng mà Therese biết, chuyên về bít tết.
Dannie thậm chí còn gọi cả cocktail, dù bình thường anh ta chẳng bao giờ uống.
“Em ở đây một mình à?” Anh ta hỏi. “Chủ nhà của em ở Sioux Falls bảo anh rằng em đi một mình.”
“Cuối cùng, Carol không thể tới được.”
“Ồ. Và em quyết định ở đây lâu hơn à?”
“Vâng.”
“Cho tới khi nào?”
“Cho tới hôm nay. Tuần sau em sẽ quay lại.”
Dannie lắng nghe, đôi mắt đen ấm áp nhìn cô chăm chú, không có vẻ gì là ngạc nhiên. “Vì sao em không tới miền Tây thay vì miền Đông và dành một khoảng thời gian ở California nhỉ? Anh nhận việc ở Oakland đấy. Anh sẽ phải tới đó vào ngày kia.”
“Công việc gì thế?”
“Nghiên cứu - đúng việc anh thích. Anh đạt được kết quả tốt hơn mong đợi ở các bài kiểm tra.”
“Anh có phải sinh viên đứng đầu lớp không?”
“Anh không biết. Anh nghĩ là không đâu. Họ không được chấm điểm như thế. Em không trả lời câu hỏi của anh à?”
“Em muốn quay lại New York, Dannie à.”
“À.” Anh ta mỉm cười, nhìn tóc và nhìn môi cô và cô chợt nhận ra rằng anh ta chưa từng thấy cô trang điểm kỹ thế này. “Đột nhiên, trông em chững chạc hẳn lên,” anh nói. “Em đổi kiểu tóc phải không?”
“Một ít thôi.”
“Trông em không còn có vẻ sợ hãi nữa. Hay thậm chí là vẻ nghiêm túc quá đáng.”
“Điều đó làm em hài lòng đấy.” Cô cảm thấy ngại ngùng khi ở cùng anh ấy, vậy nhưng cũng có phần gần gũi, một cảm giác mà cô chưa từng có khi ở bên Richard. Một cảm giác mơ hồ mà cô thấy rất thích. Không nhạt nhẽo. Cô nhìn bàn tay của Dannie đặt trên bàn, các cơ bắp mạnh mẽ phồng lên dưới ngón tay cái. Cô nhớ lại lúc anh ta đặt tay lên vai cô ở trong phòng anh ta ngày hôm ấy.
Ký ức đó thật dễ chịu.
“Em cũng nhớ anh phải không, Terry?”
“Tất nhiên.”
“Em có bao giờ nghĩ là em cũng quan tâm đến anh không? Cũng nhiều như em quan tâm tới Richard chẳng hạn?” Anh ta hỏi có phần ngạc nhiên, như thể đó là một câu hỏi ngoài sức tưởng tượng.
“Em không biết nữa,” cô nói vội vàng. “Nhưng em không còn nghĩ về Richard nữa phải không?”
“Anh phải biết là không mà.”
“Vậy thì ai? Carol à?”
Đột nhiên, cô cảm thấy thật trần trụi khi ngồi đối diện anh. “Đúng vậy.”
“Nhưng bây giờ thì không rồi phải không?”
Therese sửng sốt vì anh ấy có thể nói ra những từ đó không chút ngạc nhiên, không hề có thái độ khác thường. “Không phải thế. Chỉ là… em không thể nói về nó đâu, Dannie,” cô nói nốt, giọng cô có vẻ trầm lặng như giọng của một người khác vậy.
“Em không muốn quên nó đi nếu nó đã thuộc về quá khứ rồi sao?”
“Em không biết. Em cũng không hiểu rõ anh có ý gì nữa.”
“Ý anh là, em có thấy hối hận không?”
“Không. Em có lặp lại hành động đó hay không à? Có.”
“Ý em là với một người khác hay với chị ấy?”
“Với chị,” Therese nói. Khóe miệng cô cong lên cười.
“Nhưng cái kết thật thất bại.”
“Phải. Em muốn nói là mình sẵn sàng đi đến tận cuối cùng một lần nữa.”
“Bây giờ, em vẫn đang chống chọi với nó còn gì.”
Therese không nói gì.
“Em có định gặp lại chị không? Em có phiền không nếu anh hỏi em những điều này?”
“Không sao,” cô nói. “Không, em sẽ không gặp lại chị đâu. Em không muốn.”
“Nhưng một người khác thì sao?”
“Một người phụ nữ khác à?” Therese lắc đầu. “Không.”
Dannie nhìn cô và từ tốn mỉm cười. “Đó mới là điều quan trọng. Anh phải nói rằng, đó mới là điều khiến nó không còn quan trọng nữa.”
“Ý anh là sao?”
“Ý anh là, em còn rất trẻ, Therese. Em sẽ thay đổi. Em sẽ quên chuyện này đi.”
Cô không cảm thấy mình còn trẻ người non dạ. “Richard kể cho anh à?” Cô hỏi.
“Không. Một tối nào đó anh cảm thấy cậu ta muốn kể, nhưng anh đã cắt lời trước khi cậu ta bắt đầu.”
Cô cảm thấy nụ cười cay đắng nở ra trên môi mình, và cô rít một hơi cuối cùng rồi vứt điếu thuốc lá đi. “Em hy vọng anh ấy tìm được người lắng nghe anh ấy nói. Anh ấy cần một người biết lắng nghe.”
“Cậu ta cảm thấy bị bỏ rơi. Cái tôi của cậu ta bị tổn thương. Đừng bao giờ nghĩ anh thích Richard nhé. Anh nghĩ cuộc sống của một người phải do người đó quyết định.”
Một điều mà Carol từng nói đột nhiên nảy ra trong đầu cô: mọi người trưởng thành đều có bí mật. Nó được nói một cách thản nhiên như cách Carol vẫn thường làm, nhưng vẫn in đậm đến mức không thể xóa nhòa trong đầu cô như địa chỉ mà cô viết trên hóa đơn bán hàng ở Frankenberg. Cô bỗng nhiên muốn kể tất cả cho Dannie, về bức tranh trong thư viện, bức tranh ở trường học. Và về Carol, người không sống trong tranh mà là một người phụ nữ có chồng con, có đốm tàn nhang trên tay và có thói quen chửi thề, có thói quen buồn vô cớ, có thói quen chiều chuộng cô. Một người phụ nữ phải chịu đựng đủ cảnh khổ sở ở New York. Cô nhìn vào mắt anh ta, nhìn chiếc cằm có vết chẻ mờ mờ. Cô biết rằng cho tới tận bây giờ, cô vẫn bị bùa mê khiến cho cô chẳng thấy ai trên thế giới này ngoài Carol hết.
“Giờ em đang nghĩ gì thế?” Anh ta hỏi.
“Nghĩ về điều anh từng nói ở New York, việc dùng xong một thứ rồi quẳng nó đi ấy.”
“Chị ta đối xử với em như thế sao?” Therese mỉm cười. “Em sẽ làm thế.”
“Vậy hãy tìm một người mà em không bao giờ muốn quẳng đi ấy.”
“Người không trở nên nhạt nhẽo,” Therese nói. “Em sẽ viết thư cho anh chứ?”
“Tất nhiên rồi.”
“Viết thư cho anh sau ba tháng nhé?”
“Ba tháng à?” Đột nhiên, cô hiểu ra ý anh ấy muốn. “Không viết trước ba tháng à?”
“Không.” Anh ta nhìn cô chăm chú. “Đó là một khoảng thời gian vừa đủ, phải không?”
“Phải. Được rồi. Em hứa với anh đấy.”
“Hứa với anh thêm một chuyện nữa nhé - xin nghỉ ngày mai để ở cùng anh. Anh có thể ở đây đến chín giờ tối mai.”
“Em không thể, Dannie. Em có việc phải làm - và em cũng phải báo cho ông chủ biết rằng tuần sau em sẽ nghỉ việc.” Cô biết đó không phải là lý do chính.
Và có lẽ khi nhìn cô, anh ta cũng biết điều đó. Cô không muốn ở cạnh anh ta ngày mai, điều đó quá sức chịu đựng của cô vì nó sẽ khiến cô nhớ tới bản thân mình và cô vẫn chưa sẵn sàng.
Trưa hôm sau, Dannie tới kho gỗ. Họ định ăn trưa với nhau nhưng rồi họ lại tản bộ và tán gẫu về đại lộ Lake Shore suốt một tiếng đồng hồ. Chín giờ tối hôm ấy, Dannie lên máy bay tới miền Tây.
Tám ngày sau, cô khởi hành quay lại New York. Cô định rời khỏi nhà bà Osborne ngay khi có thể. Cô muốn tìm gặp những người mà cô đã chạy trốn mùa thu vừa rồi. Và cô muốn gặp gỡ nhiều bạn mới. Mùa xuân này cô sẽ đi học vào buổi tối. Và cô muốn đổi toàn bộ tủ áo của mình. Tất cả những gì mà cô có trong tủ quần áo ở New York đều hơi có phần con nít, như thể chúng đã được mua từ rất lâu về trước. Ở Chicago, cô dạo quanh các cửa tiệm và khao khát những bộ đồ mà cô chưa mua được. Lúc này, cô chỉ đủ tiền để đổi kiểu tóc.